[23:1]
2017-03-14 14:53:25
23:1 - Đối với bạn đây là một con số vô nghĩa. Nhưng đối với một đất nước, nó lại là một con số đáng gờm.
***
Một dấu hai chấm ở giữa hai con số. Vâng! Đó là một tỉ lệ. Nó có nghĩa rằng 23 người Việt Nam chỉ làm việc bằng một người Singapore. Đây là số liệu mới nhất được tổng cục thống kê công bố. Có người nói vui rằng, ngược lại chắc gì 23 người Singapore đã nhậu khỏe bằng 1 người Việt Nam. Thế nhưng vui mà chẳng vui chút nào. Theo các chuyên gia của tổ chức quốc tế INO, 1 phần nguyên nhân đó là bởi Việt Nam vẫn còn 1 bộ phận lớn người lao động làm trong ngành nông nghiệp nên có năng suất lao động thấp, trong khi đó thì Singapore có mức năng suất lao động cao hơn vì nền kinh tế của nước này chủ yếu dựa vào ngành chế tạo, dịch vụ, dịch vụ cao cấp như ngân hàng, bảo hiểm. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng ý thức lao động của người Việt chưa cao,năng suất vẫn thuộc top dưới ở trong khu vực.
Trên đường đua, nếu Việt Nam vẫn duy trì tốc độ và năng suất lao động trung bình trong giai đoạn năm 2007-2012 thì phải đến năm 2038 chúng ta mới bắt kịp năng suất lao động của Philippins và năm 2069 mới bắt kịp năng suất lao động của Thái Lan. Năng suất lao động thậm chí còn được nhận định là nút thắt của nền kinh tế.
Dường như người Việt nói chung đã ngủ say trong chiến thắng quá lâu đã dẫn đến tình trạng lười biếng trong lao động? Gần nửa thế kỉ trôi qua. Sức mạnh trong quá khứ không bao giờ có thể theo kịp được lực đi trên từng bước chân của tương lai. Bước ra khỏi cuộc chiến tranh đầy mất mát, phải chăng người ta vẫn còn đắm chìm trong nỗi đau và những tàn dư của đời sống của những năm sau đó? Không, điều đó chỉ là một phần trong muôn vàn những lý do. Người Việt vẫn được biết đến là cần cù, chịu khó, tiếp thu nhanh, v.vv... Những đức tính tốt đẹp cần có ở một người lao động dù là trí óc hay tay chân. Nếu biết tận dụng những điều tốt đẹp đó, bất cứ ngành nào, lĩnh vực nào, người Việt ta đều có thể làm tốt, làm giỏi. Thế nhưng... Xã hội không ngừng biến đổi với những hệ lụy nó để lại trong mỗi dấu chân khiến người ta bàng hoàng. Tại sao cứ phải đi qua rồi người ta mới nhận ra mình đã đi sai hay đúng?
Kinh khủng hơn thế, một bộ phận những người đứng đầu dường như còn dửng dưng trước những việc sai trái. Sự ích kỉ, quan liêu,... tỉ lệ thuận với chức vụ họ đảm nhiệm. Cái cây phải có một bộ rễ tốt, đủ khỏe để đi tìm nguồn dinh dưỡng, đủ mạnh để giúp cây lớn lên. Sẽ không thể nào thấy được một cái cây ngọn lá xanh mởn mà bộ rễ đã chết. Một đất nước, một nền kinh tế cũng vậy! Muốn phát triển nhanh và mạnh, chúng ta cần biết tận dụng những điều đã có. Nếu không biết "tự lượng sức mình", đưa một con thuyền chưa lắp ráp xong ra trước sóng bể thì chắc chắn, sau cơn bão tố, con thuyền ấy không thể nguyên vẹn hình dáng ban đầu mà thậm chí còn bị phá hủy đến vô hình dáng.
Mỗi sáng ở châu Phi, một con linh dương thức dậy, nó biết rằng nó phải chạy nhanh hơn con sư tử chạy nhanh nhất nếu không nó sẽ bị giết. Mỗi sáng một con sư tử thức dậy, nó biết rằng nó phải chạy nhanh hơn con linh dương chạy chậm nhất hoặc nó sẽ chết đói. Điều quan trọng ở đây không phải ở việc bạn là sư tử hay linh dương mà ai sẽ là người chạy nhanh nhất. Và chúng ta, mỗi khi thức dậy, dù là một người lao động, hay một doanh nghiệp, hay cả một nền kinh tế, chúng ta đều phải chuyển động... Sống đồng nghĩa với chuyển động. Bạn không thể đứng yên hay lùi về sau mà đến được đích muốn đến.
Cuộc sống cũng như một chiếc xe đạp, nếu chúng ta ngừng chuyển động, chúng ta sẽ mất thăng bằng. Một nền kinh tế không chuyển động là một nền kinh tế chết. Một đất nước không chuyển động sẽ chẳng khác gì một cỗ máy khổng lồ hiện đại nhưng chẳng được vận hành. Cỗ máy ấy rồi cũng chết dần chết mòn theo thời gian thôi!
Truyenngan.com.vn