Chiếc cổng trong tâm hồn

2013-06-13 11:52:57

Có người nói chiếc cổng bề thế cũng là một hình thức khuếch trương, một điểm nhấn ấn tượng cho một ngôi nhà. Và trong muôn hình vạn trạng của những chiếc cổng, tôi lại nhớ về hình ảnh chiếc cổng đơn sơ ở quê tôi, xa tít tận miền Trung.
 
Từ cổng nhà nối vào sân là hai hàng chè tàu, trúc hoặc dâm bụt thẳng tắp được cắt xén rất chân phương. Đằng trước là chiếc cổng đơn giản: Hai cái cột được trồng hai bên, một cây tre gác ngang mỗi lúc cần khóa cổng, cốt để trâu bò không thể vào ăn rau cỏ trong vườn. Đó là chiếc cổng mở. Dù có cây tre chắn ngang thì nó cũng là chiếc cổng mở, ai muốn vào nhà thì cứ nhẹ nhàng bước qua cây tre mà chẳng cần sự đồng ý của chủ nhà hay không.
 
Những chiếc cổng như thế làm nên nét văn hóa giao tiếp, cởi mở của người nhà nông. Bởi ngoài chiếc cổng đó ra vào dễ dàng, người nhà nông có thể qua lại thăm nhau bằng những con đường tắt mà ở quê gọi là đi băng. Họ chẳng sợ trộm cắp bởi nhà chỉ toàn khoai sắn và lúa. Lúa thì bỏ trong sập, mỗi lần ngủ là ngả lưng ở đấy, chẳng ai dám mò tới vì ai cũng biết chẳng ai giàu có dư giả hơn ai.
 
Chiếc cổng như một cột mốc cuối cùng để xác định chủ sở hữu đất đai hay nhà cửa. Mỗi lần giận dỗi ai, thậm chí chửi rủa ai thì người ta ra nơi đầu ngõ mà rủa. Quát tháo, chửi rủa như để tống khứ cái oan sai, khổ cực hay mất mát ấy ra khỏi chiếc cổng ngôi nhà. Cùng với hàng rào, chiếc cổng là nơi bảo vệ tài sản thiêng liêng, quý nhất của mỗi con người đó là đất đai. Nếu đem chuyện chiếc cổng của từng ngôi nhà nói rộng hơn thì mỗi làng cũng có một chiếc cổng, hai bên hai câu đối, giản đơn thì hai cột trụ hay hai cây cổ thụ, hoành tráng, bề thế thì cổng tam quan... Những chiếc cổng mang dáng dấp của làng cổ nay không còn nhiều. Những chiếc cổng bêtông cốt thép cùng với màu sơn xanh đỏ mọc đầy ở đầu làng. Nó như một minh chứng cho kiểu nông thôn mới. Có phải những chiếc cổng, bộ mặt của nông thôn cũng cần phải mới?
 
Rất khó để đem chuyện chiếc cổng ở làng mà nói ở phố. Thành phố nhà bao diêm, người nhiều như kiến. Những ngôi nhà san sát, sâu hun hút mà không có cổng kiên cố, cao vời vợi không khéo thiên hạ sẽ nhầm nhà nhau?
 
Họ vượt đèn đỏ, không đủ kiên nhẫn chờ đèn xanh. Họ háo hức về nhà, cố vượt lên trên vỉa hè, chen lấn để thoát khỏi nơi ách tắc cốt để về nhà sớm hơn sau một ngày mệt nhọc. Dắt xe vào nhà, quay lại đóng cánh cửa sắt nặng nề, kêu kèo kẹt. Ngoài kia, phố lên đèn, người như nước. Mắc kệ. Họ thở phào vì “Thâm nghiêm kín cổng cao tường, cạn dòng lá thắm dứt đường chim xanh”...
 
Không thể đem chiếc cổng ở nhà nông mà so với nhà phố. Càng không thể lấy cái kết quả của sự so sánh ấy mà vin vào lòng dạ của nhau. Nhưng sao tôi yêu cái cổng ngôi nhà ở quê lắm lắm. Ở đó, mỗi lần đi học về, chạy ù vào bếp tìm cơm nguội mà chẳng cần “vừng ơi, mở ra” như ở phố.
 
Mỗi tâm hồn cũng như thế. Chỉ cần một chiếc cổng đơn sơ để đi hết lòng mình và lòng người rồi chợt thấy nhẹ tênh, yên ả giữa chốn quê nhà.
 
Sưu tầm

Trao đổi thông tin

Quý khách có thể dùng mẫu bên dưới để trao đổi thông tin với chúng tôi.

Authenticate image

Vui lòng nhập vào thông tin phía trên để trao đổi

Quản lý tài khoản

Trợ giúp

Giới thiệu