Đừng đặt cuộc sống trong giới hạn của những người trung bình
2014-10-31 11:49:22
Bài phát biểu của Adrian Tan (một luật sư tranh tụng người Singapore) tại lễ tốt nghiệp của Trường Nanyang Technological University (Singapore).
Đừng đặt cuộc sống trong giới hạn của những người trung bình
Thật là một vinh dự lớn lao khi được dành mười phút phát biểu tại đây mà chẳng lo bị phản bác, mỉa mai hay trả thù. Tôi nói điều này với tư cách một người Singapore và hơn hết là với tư cách một người chồng.
Vợ tôi là một người tuyệt vời, hoàn hảo ở mọi khía cạnh duy chỉ ngoại lệ một điều. Cô ấy là biên tập viên của một tờ tạp chí. Cô ấy kiếm sống nhờ “sửa lưng” người khác. Cô ấy đã mài dũa kỹ năng chuyên môn của mình hơn một phần tư thế kỷ, chủ yếu nhờ luyện tập tại nhà qua những cuộc trao đổi giữa hai vợ chồng.
Nói dễ hiểu hơn, tôi là một luật sư tranh tụng. Tôi dành thời gian mỗi ngày để chỉ ra sai lầm của người khác. Tôi kiếm sống bằng việc phản bác.
Dẫu vậy đời sống hôn nhân của chúng tôi vẫn cực kỳ hạnh phúc. Đơn giản vì mỗi khi có cuộc tranh cãi giữa một biên tập viên và một luật sư, kẻ chiến thắng không ai khác ngoài vợ.
Và chính thế nên tôi muốn bắt đầu bài này bằng một lời khuyên nhỏ cho cánh mày râu: một khi đã chinh phục được trái tim nàng, bạn chẳng nhất thiết phải chinh phục nốt mấy cuộc tranh luận.
Hôn nhân được coi là một dấu mốc của cuộc đời. Một số trong các bạn đã kết hôn. Một số chưa từng kết hôn. Một số sẽ kết hôn. Một số rất thích tận hưởng trải nghiệm này và sẽ kết hôn nhiều, nhiều lần nữa. Cũng tốt thôi.
Dấu mốc lớn tiếp theo trong cuộc đời các bạn là ngày hôm nay: lễ tốt nghiệp. Kết thúc quá trình giáo dục. Hoàn tất việc học.
Có một lời nói dối vĩ đại mà các bạn có thể đã được nghe, rằng “Học tập là hành trình cả đời”. Rồi vì lẽ đó mà bạn sẽ học nữa, lấy bằng thạc sĩ, rồi tiến sĩ, rồi giáo sư, cứ thế. Bạn biết ai đã nói với bạn như thế chứ? Giáo viên. Bạn không thấy có chút mâu thuẫn quyền lợi nào ở đây sao? Dù gì đi nữa thì đây cũng là thị trường giáo dục. Họ sẽ ra sao nếu thiếu các bạn? Họ cần những khách hàng thường xuyên.
Các bạn có thể đang mong mỏi tới ngày đi làm, tìm được tình yêu, kết hôn, gây dựng gia đình. Những sinh viên như các bạn ắt hẳn trông đợi một công việc lương cao, nơi mà bạn phải làm quần quật với một mớ trách nhiệm.
Đó là những gì được trông mong, hy vọng. Và nếu các bạn sống đúng y như thế, thật sự quá sức lãng phí.
Nếu các bạn trông đợi như thế, các bạn sẽ tự giới hạn mình. Các bạn sẽ sống cuộc đời bị bao bọc trong ranh giới được đặt ra bởi những người trung bình. Tôi không có ý đánh giá họ. Nhưng không ai nên khát khao trở thành họ. Các bạn chẳng cần phải bỏ ra bấy nhiêu năm học hỏi từ bao con người ưu tú của Singapore để chuẩn bị tinh thần trở thành kẻ trung bình.
Cái các bạn nên chuẩn bị tinh thần để biết rằng: Đời, là một mớ hỗn độn. Bạn chẳng thể trông mong bất cứ điều gì từ nó. Đời là bất công. Tất cả vốn dĩ đã không cân bằng. Đời là bất khả khống chế. Mọi điều tốt xấu cứ thế ập đến từng ngày, từng giờ, từng khoảnh khắc. Tấm bằng là lá chắn yếu ớt bao bọc bạn trước số phận.
Điều đầu tiên và quan trọng nhất: đừng làm việc
Công việc là thứ miễn cưỡng, là thứ không ai mong muốn.
Công việc có thể giết bạn. Người Nhật có từ “Karoshi” để chỉ việc tử vong vì làm việc quá sức. Đó là hậu quả rõ ràng nhất của công việc. Nó còn có thể giết bạn theo nhiều cách khác. Nếu bạn làm việc, ngày này qua ngày khác, tâm hồn bạn sẽ bị bào mòn từng chút từng chút một, rã ra cho đến khi chẳng còn lại gì. Một hòn đá chỉ còn trơ lại cát và bụi.
Đừng lãng phí phần lớn cuộc đời để làm thứ mình không thích cốt để hưởng tí an nhàn chút tuổi già. Bạn có thể không bao giờ chạm được tới cái đích đó.
Hoãn cái ham muốn tìm một công việc lại. Thay vì thế, hãy vui chơi. Tìm một thứ mà bạn hứng thú. Thực hiện nó. Lặp đi lặp lại. Rồi bạn sẽ giỏi vì hai lý do: bạn thích nó, và bạn làm nó thường xuyên. Sớm muộn gì thì nó cũng có giá trị.
Tôi thích tranh luận, và tôi yêu ngôn ngữ. Vì thế tôi trở thành luật sư. Tôi thích nó và thậm chí có thể làm không công. Nếu không trở thành luật sư, tôi cũng sẽ chọn một nghề liên quan đến viết lách – một nhà báo thể thao chẳng hạn.
Vậy các bạn nên làm gì? Hãy tìm một chỗ cho riêng mình. Tôi nghĩ việc tìm kiếm chẳng hề khó khăn với các bạn. Tại thời điểm này của cuộc đời, các bạn hẳn đã biết mình muốn làm gì. Sẽ tuyệt vời hơn nữa nếu các bạn không thể ngăn mình theo đuổi đam mê. Tại thời điểm này của cuộc đời, các bạn nên biết thứ mình hứng thú.
Hãy tìm một thứ truyền động lực cho bạn, thiêu đốt bạn, trở thành đam mê của bạn. Mỗi ngày, bạn phải tỉnh dậy mang trong mình nhiệt huyết không ngừng nghỉ. Nếu không, bạn hẳn đang làm việc.
Đa số các bạn trong tương lai sẽ phải tham gia vào nhiều loại hoạt động giao tiếp. Tôi có một thông điệp thứ hai: hãy thận trọng với sự thật. Có rất nhiều thời điểm nguy hiểm, tuyệt nhiên không thể nói hay viết ra sự thật.
Nó có khả năng xúc phạm và làm tổn thương ghê gớm, rồi bạn sẽ nhận ra rằng: với những người càng gần gũi bao nhiêu, bạn càng phải thận trọng bấy nhiêu để che giấu sự thật. Thường thì im lặng là một tính tốt. Nó còn là một kỹ năng tuyệt vời. Đứa con nít nào cũng có thể bật ra sự thật trước khi lường tới hệ quả. Phải rất trưởng thành mới có khả năng trân trọng giá trị của sự im lặng.
Để có thể che giấu sự thật, bạn trước hết phải thừa nhận nó. Phải tuyệt đối trung thực với bản thân. Đừng bao giờ cố qua mặt kẻ trong gương.
Tôi đã bảo rằng các bạn không nên làm việc, tránh nói ra sự thật. Giờ thêm một điều nữa: hãy cố “được” ghét.
Nó không dễ như bạn tưởng. Bạn có biết ai ghét bạn không? Tất cả những vĩ nhân có đóng góp vào lịch sử nhân loại đều đã từng bị ghét, không phải bởi một người, mà thường là rất nhiều người. Sự căm ghét lớn đến mức những vĩ nhân này bị xa lánh, lăng mạ, giết hại hay trong một trường hợp nổi tiếng, bị đóng đinh vào thập tự.
Không nhất thiết phải xấu xa mới bị ghét. Một người có thể bị ghét vì cố gắng thực hiện lẽ phải theo tiếng nói của bản thân. Thật sự quá dễ để được yêu mến, bạn chỉ cần tỏ ra dễ tính và ít giữ chính kiến. Dần dà an phận là một kẻ trung bình. Hẳn bạn không muốn thế. Trên thế giới có rất rất nhiều kẻ tồi tệ, và nếu bạn không chống lại họ, bạn sẽ tồi tệ giống như họ. Quá được yêu mến là dấu hiệu chứng tỏ bạn đang đi sai đường.
Điều cuối cùng: hãy yêu đi
Tôi không nói “được yêu”. Nó cần đánh đổi quá nhiều. Nếu một người chủ động thay đổi vẻ ngoài, tính cách và giá trị bản thân, họ có thể được bất cứ ai yêu.
Tôi khuyến khích bạn yêu một người. Nghe có vẻ hơi quái. Bạn có thể cho rằng nó phải xảy đến tự nhiên mà không cần cân nhắc. Sai lầm. Xã hội hiện đại chống lại tình yêu. Chúng ta soi mọi người dưới lăng kính hiển vi hòng tìm ra thiếu sót và nhược điểm của họ. Thật quá dễ dàng để tìm một lý do không yêu ai đó, hơn là làm ngược lại. Chỉ cần duy nhất một lý do để từ chối. Tình yêu lại đòi hỏi sự chấp nhận toàn diện.
Yêu một người có rất nhiều lợi ích. Đó là sự ngưỡng mộ, học hỏi, thu hút và, cho những ai thích từ hay hơn, thứ mà chúng ta gọi là hạnh phúc. Khi đang yêu ai đó, chúng ta cố gắng hoàn thiện bản thân ở mọi khía cạnh. Chúng ta nhận ra sự tầm thường của vật chất. Chúng ta vui khi là con người. Yêu thương có lợi cho tâm hồn.
Yêu một người vì lẽ đó rất quan trọng, và cũng quan trọng không kém là chọn đúng người để yêu. Tình yêu không đến ngẫu nhiên, từ cái nhìn đầu tiên, tại một sàn nhảy đông đúc. Nó vươn mình chậm rãi, cắm rễ trước khi chia cành và đơm hoa. Nó không phải ngọn cỏ dại yếu ớt, mà là thân cây đủ khỏe mạnh để đương đầu gió bão.
Bạn sẽ nhận ra, khi có một ai đó để yêu, khuôn mặt sẽ chẳng quan trọng bằng trí óc, cơ thể sẽ chẳng quan trọng bằng trái tim.
Bạn cũng sẽ nhận ra chẳng có nỗi đau nào quá lớn khi yêu thương không được đáp lại. Bạn làm mọi thứ không phải để được đền đáp.
Cuối cùng, bạn sẽ nhận ra yêu thương ai đó vốn chẳng thể đo lường. Hoặc là yêu với từng tế bào trong cơ thể mà chẳng hề hối tiếc, hoặc là không gì cả.
Đừng làm việc. Tránh nói ra sự thật. Cố “được” ghét. Yêu một ai đó. Bạn sẽ có một cuộc đời đầy bận rộn.
Theo Ima