Duyệt di chúc
2017-04-19 15:43:02
Ông Tư Lĩnh vừa trút hơi thở cuối cùng vào sáng ngày hôm nay, xác vẫn còn đang nằm trên giường trong gian buồng của ngôi nhà 5 tầng bề thế với lối kiến trúc pháp được sơn màu vàng ở ngay đầu làng Hội Phụ. Họ hàng, con cháu, người quỳ thụp dưới giường mà than khóc nỉ non, người tất tả chạy ngược chạy xuôi lo công việc, khói hương tỏa ra nghi ngút. Trên gương mặt của tất thảy những người có mặt đều toát lên một vẻ sầu thảm, bi ai, có lẽ họ đang xót thương cho ông cụ, cho một kiếp người cả đời tần tảo sớm hôm thay vợ nuôi ba người con khôn lớn trưởng thành...
***
Bà Sinh, vợ ông, ra đi từ khi cô con gái út tên chưa đầy năm, người con trai cả mới mười hai, mười ba còn người con trai giữa mới được 6-7 tuổi. Thời đó, mấy căn bệnh hậu sản cũng nguy hiểm không kém gì các bệnh nan y bây giờ, chả thế mà người ta vẫn thường có câu: người chửa cửa mả là vì thế. Sau khi vợ mất ông quyết ở vậy gà trống nuôi con chứ không chịu tái giá vì ông nghĩ đến cảnh mẹ ghẻ con chồng. Nếu gặp bà tử tế thì không sao, rủi gặp phải bà chua ngoa, đanh đá thì các con ông sẽ khổ. Đến giờ, cả ba người con đã đều trưởng thành, yên bề gia thất, con cái đề huề, người nào người nấy đều có công việc ổn định, có của ăn của để. Những tưởng ông sẽ được sung sướng an nhàn, để vui với cháu con thêm nhiều năm nữa... Vậy mà, đùng một cái ông lão ra đi chỉ sau một trận cảm.
Trong căn phòng đóng kín tại tầng 3, nơi tiếng kèn trống cùng những âm thanh ồn ào bị chặn lại gần hết bởi hai cánh cửa gỗ dày cộp. Bên trong căn phòng, có cả thảy năm người, kẻ đứng, người ngồi, tất cả đều mặc trên người bộ áo xô trắng bên ngoài bộ quần áo màu đen, trên đầu quấn một vòng khăn xô màu trắng. Họ chính là các con trai, con gái, con dâu, con rể của người đang nằm dưới kia. Trên chiếc ghế kê ở giữa phòng là một người đàn ông ước chừng hơn 40 tuổi, dáng người cao lớn, bệ vệ với mái tóc xù xoăn tít, điểm những sợi bạc xung quanh. Người đó là ông Mạnh con trai cả của ông cụ. Ông là chủ một doanh nghiệp có tiếng, một doanh nghiệp đang trên đà làm ăn phát đạt. Ông được coi là túc trí đa mưu nhưng lại có tiếng là người sợ vợ bởi nghe đâu ông bị bà vợ bắt vía.
Đứng ngay bên cạnh ông là bà Hiền năm nay độ chừng 38 tuổi vợ ông Mạnh, một người phụ nữ sắc sảo nhưng có phần chua ngoa, đanh đá và thực dụng. Tuy chỉ giúp chồng trong việc điều hành doanh nghiệp, nhưng hầu như mọi việc đối nội, đối ngoại xưa nay đều do một tay bà xoay sở. Mọi người sau khi tiếp xúc với bà ai ai cũng đều phải thốt lên: bà này đúng là chẳng giống với cái tên chút nào.
Trên chiếc giường kê ở góc nhà là Hùng, em trai ông Mạnh năm nay độ 36 tuổi, Anh là một bác sĩ thuộc khoa chấn thương chỉnh hình tại bệnh viện Bạch Mai, một con người của công việc và nghiên cứu. Cả người anh toát lên một vẻ tri thức với cặp kính dày cộp và khuôn mặt trắng trẻo, thư sinh.
Ngồi chênh chếch với Hùng về phía tay phải, trên chiếc ghế dài là Lan. Lan năm nay chừng 35 tuổi vợ Hùng, cô hiện là một giáo viên tiểu học. Cô vốn xuất thân từ núi rừng nên có bản tính hiền lành, nhu mì. Cô yêu chồng và nhất nhất nghe theo lời chồng, có lẽ với một cô gái quen sống với nương với rẫy, với cỏ cây, hoa lá thì những xô bồ toan tính của cuộc sống cũng giống như những vết mực loang xấu xí mà bất cứ ai cũng đều không muốn nó dây vào vuông lụa trắng. Lan cũng giống một vuông lụa trắng cô đã quen sống một cuộc sống bình yên và biết vâng lời.
Ngồi kế ngay bên Lan là Chi năm nay độ chừng 30 tuổi cô em út bé bỏng của đại gia đình. Chi hiện đang là nhân viên cho một công ty đa quốc gia có trụ sở tại Hà Nội. Mặc dù đã ngoài 30 tuổi nhưng cô vẫn chưa lập gia đình, không phải cô không xinh xắn hay có vấn đề gì về tính cách mà ngược lại cô là một cô gái dễ thương, ưa nhìn, tính cách vui vẻ hòa đồng. Sở dĩ cô chưa lập gia đình vì còn đang mải phấn đấu cho sự nghiệp, hơn nữa, vốn là một người thích tự do nên chuyện chồng con lúc này đối với cô vẫn chưa thực sự quan trọng. Cô thường nói với đám bạn thân của mình rằng: lấy chồng thì dễ, nhưng lấy người thực sự hiểu mình mới là khó. Với tao chuyện chồng con không quá quan trọng, chỉ khi nào thật sự chán cuộc sống tự do tao mới lấy chồng, sinh con. Ấy nhưng, nói là nói vậy thôi chứ thỉnh thoảng cô cũng cảm thấy chạnh lòng khi có ai đó hỏi: khi nào thì lấy chồng? Hay khi nào thì cho ăn cỗ?... Kì thực thì ngày đang còn là sinh viên cô cũng yêu say đắm một anh chàng khóa trên. Nhưng rồi vì nhiều lẽ mà đã chia tay, từ đó cô chưa yêu ai hay chính xác hơn là ko thích yêu ai, mặc dù, quanh cô lúc nào cũng có bốn, năm anh chàng vây quanh tán tỉnh mà anh nào trông cũng đẹp trai, phong độ.
Ông Mạnh nhìn mọi người một lượt rồi vào đề: "Bố vừa mới mất, vẫn còn nằm dưới kia, nhưng tôi vẫn phải gọi các cô chú lên đây để mà bàn liệu. Đáng lí ra tôi là trưởng, tôi có quyền quyết, nhưng tôi xưa nay vẫn thích dân chủ, hơn nữa, bố là bố chung nên tôi vẫn muốn hỏi ý kiến các cô chú xem ý các cô chú thế nào."
Hùng nãy giờ vẫn gục đầu tỏ vẻ buồn bã khẽ nhướn cặp mắt lên nhìn người anh của mình rồi thẽ thọt: "Có chuyện gì xin bác cứ dạy, chúng em xin nghe."
Ông Mạnh vuốt vuốt chòm râu dưới cằm rồi đáp lời: "Chuyện là thế này, tháng trước tự nhiên bố gọi tôi vào phòng rồi đưa cho tôi một bản di chúc kèm theo những lời căn dặn. Có lẽ linh tính đã báo cho ông cụ biết là mình sắp đi xa. Nói thật lúc nhận tờ di chúc tôi còn trách bố là sao bố lại lo xa thế, tự nhiên lại di chúc di chiếc làm cái gì. Ấy vậy mà..." - Ông Mạnh bỏ lửng câu nói, với tay lấy chén trà đang để trên bàn đưa lên miệng nhấp một ngụm rồi khẽ đặt chén xuống, đoạn ông nói tiếp: "Thật ra bản di chúc này cũng không có gì đáng bàn vì tất cả tài sản, đất đai, ruộng vườn bố đã chia cho mọi người cả rồi. Ai cũng đã có phần của mình, riêng cô út tuy là phận nữ lại chưa lập gia đình nhưng bố cũng chia cho cô một phần đất trong mảnh vườn ngôi nhà này. Việc này bố và các anh đã bàn qua ngày bố còn sống nên không có gì phải bàn thêm nữa, duy chỉ..."
Nói đến đó ông Mạnh khẽ ngập ngừng Bà Hiền thấy chồng ngập ngừng liền giục: "ông cứ nói cho các cô chú ấy biết để còn lo liệu công việc chứ giờ không còn nhiều thời gian nữa đâu, chiều là nhập quan rồi. Bây giờ phải chuẩn bị ngay còn kịp, chứ ngồi mãi trên này không tiện. Bà con, làng xóm, họ hàng đang chạy đôn chạy đáo lo công việc mà không thấy có mặt con cái đâu thì họ lại xì xào rách việc."
Ông Mạnh gắt vợ: "Biết rồi, tôi cũng đang định nói luôn ra đây."
Chi lúc này vẫn đang dấm dứt khóc khi nghĩ về người bố thân yêu, nghĩ về những hi sinh vất vả mà bố đã dành cho 3 anh em, thỉnh thoảng cô lại nấc lên vài tiếng. Ông Mạnh quay sang nhìn Chi rồi nói: "thôi thôi, cô đừng có mà sụt sịt nữa, cô có để anh tập chung họp cho xong hay không đây? Muốn khóc thì tí nữa xuống dưới kia tha hồ mà khóc."
Nghe ông Mạnh nói vậy Chi mím chặt môi lại cố ngăn lại tiếng khóc, mặc dù trong lòng cô vẫn đang trào lên một niềm tiếc thương khôn nguôi dành cho người bố kính yêu. Thấy em đã ngưng khóc, ông Mạnh lại tiếp lời:
- Duy chỉ có 3 điều trong bản di chúc là tôi thấy chưa được hợp lí, nói đúng hơn là cần xem xét và thay đổi. Mặc dù, tôi biết từ xưa đến nay di chúc vẫn được coi là một văn bản mang tính thiêng liêng của người đã khuất gửi cho người còn sống và tất cả những gì được viết trong đó được coi là tâm nguyện cuối cùng của người đã khuất mà người còn sống phải có trách nhiệm thực hiện. Ấy nhưng, đó cũng chỉ mang tính lý thuyết, tôi là tôi theo trường phái thực tế. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, thế cho nên nếu thấy điều gì chưa hợp thì ta nên điều chỉnh cho đúng.
Dường như đã thấy sốt ruột vì sự trình bày dài dòng của chồng nên bà Hiền vội chen ngang: "Thôi thôi, toàn anh em trong nhà, ông rào trước đón sau mà làm gì, ông cứ nói thẳng ra cho các cô chú ấy biết để còn thống nhất cho nó nhanh chóng, chứ cứ dềnh dang mãi sốt ruột."
Lan vợ Hùng cũng tiếp lời: "bác Hiền nói đúng đấy ạ, có gì xin bác cứ nói thẳng ra luôn để chúng em còn liệu ạ."
Ông Mạnh nhấp thêm một ngụm nước trà nữa rồi mới nói:
- Tôi cũng định vào đề luôn đây, đang nói thì mọi người cứ nhảy vào chặn họng lại thì ai mà nói cho đặng. Thôi giờ tôi nói ngắn gọn thế này cho nhanh nhé. Trong di chúc bố để lại có 3 điều mà bản thân tôi không đồng ý là: 1- Tổ chức đám tang đơn giản, không kèn trống, hương hoa... 2- Không nhận tiền phúng điếu 3- Chôn cất theo phương thức truyền thống Tôi là trưởng nên tôi xin ý kiến trước thế này để mọi người nắm được. Tất nhiên đây chỉ là ý kiến của riêng cá nhân tôi, chưa phải quyết định cuối cùng nên cũng chỉ mang tính chất tham khảo.
Về vấn đề thứ nhất sở dĩ tôi không đồng ý vì từ xưa đến nay, tiếng kèn trống vẫn được coi là khúc nhạc cuối cùng để đưa tiễn người đã khuất về với đất mẹ, hơn nữa, nó cũng như lời khóc thương của con cháu dành cho ông bà cha mẹ mình. Nếu bây giờ mà không có thì không được. Thế cho nên, tôi vẫn quyết định là phải có.
Về vấn đề thứ hai thì không biết ý mọi người thế nào, chứ riêng tôi thì tôi thấy chẳng tội gì mà lại không nhận. Thứ nhất, đó là tình cảm của mọi người, thứ hai đó cũng là lẽ thường tình ở đời, từ xưa đến nay vẫn thế. Mình đi họ, họ đi mình, họ đi mình, mình đi họ ấy vẫn được coi là việc tất lẽ dĩ ngẫu thôi.
Còn vấn đề cuối cùng thì tôi kịch liệt phản đối. Không biết mọi người nghĩ thế nào chứ tôi thì tôi cho rằng bây giờ là thời đại nào rồi mà vẫn còn theo cái nếp cũ, chôn xong rồi 3-4 năm lại đào lên cải táng, mất vệ sinh, quá mất vệ sinh. Ai làm được thì làm chứ tôi là tôi chịu, dù có là bố mình thì tôi cũng không dám nhảy xuống mồ mà vớt từng khúc xương lên tắm rửa xong rồi lại chôn xuống. Bây giờ là thời đại tiên tiến, hỏa táng rồi lấy cốt về mà chôn, đào sâu chôn chặt luôn cho nó an tâm. Tôi là tôi theo khoa học chứ tôi không theo mấy cái tập tục lạc hậu.
Ông Mạnh vừa dứt lời thì Hùng tiếp lời: "vậy ra đây là 3 điều mà bác bảo là còn băn khoăn? Trong 3 điều này thì em đồng ý với bác hai điều là 1 và 3. Riêng điều thứ 2 thì em có ý tưởng như này: một phần cũng để thực hiện được di nguyện của bố, một mặt lại tạo phước đức cho con cháu. Theo em thì chúng ta vẫn nhận tiền phúng điếu nhưng sau khi đã đưa bố về nơi an nghỉ cuối cùng mồ yên mả đẹp chúng ta sẽ dùng số tiền đó để làm từ thiện, âu cũng là một việc làm hay và ý nghĩa."
Không để Hùng nói hết bà Hiền đã nói ngay: "từ thiện thì đã có các tổ chức xã hội họ lo cả rồi, thế nên, nếu nhà chú có của thì chú cứ đem đi làm từ thiện chứ đây là tiền của cả nhà tôi, nhà chú và cô Chi thì theo tôi cứ tiền của nhà ai thì chia về cho nhà ấy, sau đó ai muốn làm gì thì làm, chú muốn làm từ thiện thì làm, chẳng ai cấm cản."
Lan vợ Hùng thấy bà chị dâu ăn nói móc mỉa liền quay sang nhìn chồng rồi nói đỡ: "vâng, nhà em suy nghĩ chưa thấu đáo xin hai bác bỏ qua. Em nghĩ hai bác là trưởng thì các bác quyết thế nào chúng em xin nghe theo thế đó."
Chi lúc này cũng đã lấy lại được bình tĩnh vội lên tiếng: "em thì thế nào cũng được, anh chị bảo sao thì em nghe vậy. Riêng tiền phúng điếu của bạn bè em thì em cứ xin gửi anh chị để anh chị lo cho bố, còn em nghĩ tiền tuy có quý nhưng cũng chỉ là vật ngoài thân, không quan trọng bằng tình cảm của con người với con người mà trong trường hợp này là gia đình chúng ta. Cả đời bố đã vất vả lo toan cũng chỉ mong chúng ta lên người, mong chúng ta hòa thuận yêu thương lẫn nhau mà thôi."
Hùng nghe cô em gái nói vậy cũng tiếp lời: "cô Chi nói rất đúng, em cũng xin gửi anh chị cả phần của chúng em để anh chị lo công việc cho bố được chu toàn. Bọn em tuy không giàu có, khá giả bằng anh chị nhưng chúng em có công việc ổn định nên cũng không cần dùng đến số tiền đó."
Ông Mạnh lại nhấp thêm ngụm trà rồi nói như phân trần:
- Ấy ấy, cô chú cứ suy nghĩ cho thấu đáo rồi hẵng quyết định, không phải anh tham lam gì nhưng anh chỉ phân tích ở góc độ cuộc sống, chứ số tiền đó nào có thấm là bao so với anh chị. Nhưng anh là chủ 1 doanh nghiệp nên anh có sự tính toán cân nhắc theo tình hình thực tế. Mọi thứ đều phải được tính toán cẩn thận thì công việc mới trơ tru được.
Bà Hiền từ nãy đến giờ có vẻ muốn nói lắm rồi nhưng thấy ông chồng cứ thao thao bất tuyệt nên đành im lặng, nên khi vừa thấy ông Mạnh dứt lời bà vội nói luôn: "Thôi giờ các cô chú ấy đã nói vậy thì theo tôi cứ thế mà làm cho kịp." - Nói đoạn bà đứng lên đi về phía cửa, khi gần đến cửa bà quay lại nói với mọi người: "Thôi tôi xuống nhà trước để còn quán xuyến công việc, mọi người cũng nên bàn cho nó nhanh nhanh lên rồi còn xuống mà thu xếp công việc, sắp đến giờ nhập quan đến nơi rồi", nói đoạn bà mở cửa bước ra.
Khi cánh cửa khép lại ông Mạnh vội lên tiếng:
- Cô chú cũng biết tính chị rồi, lúc nào cũng vậy thôi nhưng mà không quyết được gì đâu, mọi chuyện đều do anh quyết hết. Nhưng dù sao thì anh thấy bà ấy nói cũng có lí, cứ như lời các cô chú là anh thấy ổn rồi. Nếu các cô chú không còn ý kiến nào khác thì coi như ta đã duyệt xong bản di chúc bố để lại. Bây giờ, ta giải tán để còn xuống lo công việc.
Thấy mọi người không ai lên tiếng ông Mạnh rút điện thoại ra bấm số gọi: "alo Minh đấy à? mọi chuyện đúng như dự kiến, chú triển khai công việc luôn cho anh để còn kịp nhé... rồi rồi chú cứ an tâm... đâu khắc có đó."
Dưới nhà, khói hương vẫn nghi ngút, tiếng khóc xen lẫn với những tiếng bước chân, tiếng bàn tán xôn xao, tiếng kê bàn ghế, tiếng rửa chén bát... tạo lên một thứ âm thanh hỗn tạp mà ta vẫn thường nghe thấy ở bất cứ một đám tang nào.
Phía ngoài sân, đội nhạc điếu đang chuẩn bị đồ nghề, người bắc loa, người sắp trống, người thử kèn... một đám tang thật sự sắp bắt đầu.
Truyenngan.com.vn