Giảm nhu cầu chăn gối
Thông qua các chỉ số khảo sát về mức độ người phụ nữ phải làm/phải lo chính “việc nhà” như chi tiêu, đối nội, đối ngoại, thăm hỏi, hiếu hỉ, nấu cơm, rửa bát, dọn nhà, đi chợ mua đồ ăn, tính toán quỹ tiền sinh hoạt trong cả tháng, nhận hóa đơn điện, nước, học phí của con... các nhà khoa học đã tiến hành đối chiếu với tần suất, mức độ hài lòng của họ trong chuyện chăn gối vợ chồng. Kết quả cho thấy, với những người phụ nữ được các thành viên khác trong gia đình hoặc người bạn đời đứng ra chia sẻ một phần trách nhiệm, cùng lo toan các vấn đề được gọi là “việc nhà” thì họ có một đời sống chăn gối tương đối thường xuyên và mức độ đạt thỏa mãn khá cao. Còn với những người phụ nữ mà “tất cả việc nhà đều là việc riêng của phụ nữ” thì họ thường có một đời sống tình dục ít ỏi, thất thường và tẻ nhạt.
Theo lý giải của các nhà nghiên cứu, khi người phụ nữ bị đặt lên vai quá nhiều “gánh nặng” bởi việc nhà đã làm giảm khả năng ham muốn, sự thỏa mãn. Bởi lẽ, họ đã bị kiệt sức về mặt thể xác, bị stress về tâm lý, không cảm nhận được sự chia sẻ, cùng gánh vác, tình yêu thương từ người thân, đặc biệt là từ người bạn đời.
Giải phóng bằng ly hôn
Tại Nhật Bản, mặc dù trong xã hội hiện đại, vai trò, vị thế của phụ nữ cũng như các chỉ số về bình đẳng giới được nâng lên, tuy nhiên quan niệm “chỗ đứng của phụ nữ trong gia đình vẫn là số 1” luôn tồn tại. Nếu như nam giới Nhật Bản trước và sau khi có gia đình thường không có thay đổi gì nhiều thì với phụ nữ lại khác hẳn. Trong một nghiên cứu của Chính phủ Nhật Bản cho thấy, nam giới nước này bình quân mỗi ngày chỉ bỏ ra 10 phút làm việc nhà. Còn phụ nữ, sau khi cưới, đại đa số bị giao phó toàn bộ các công việc gia đình như nấu nướng, giặt giũ, chợ búa, sinh đẻ, chăm sóc con cái, người già... Hiện nay, nếu ở Mỹ, con số phụ nữ có con còn làm việc chiếm tỷ lệ 2/3 trong tổng số phụ nữ đang làm việc thì ở Nhật Bản, con số này chỉ còn là 1/3. Sau khi kết hôn, nếu phụ nữ muốn chu toàn được trách nhiệm “nội tướng”, chèo lái con thuyền gia đình “yên ấm” thì họ chỉ có cách từ bỏ công danh, sự nghiệp để nhường cho chồng yên tâm thăng tiến.
Chính vì vậy, với những phụ nữ muốn có được sự chia sẻ việc nhà từ chồng, muốn được làm việc, được khẳng định bản thân, độc lập về kinh tế thì hoặc họ sẽ phải chấp nhận “làm việc gấp đôi” hoặc sẽ lại quay về với đời sống độc thân. Theo một nghiên cứu về lực lượng lao động của Đại học Keio, Tokyo: Với những phụ nữ cảm thấy việc ở nhà là quá tải thì ly hôn là tất yếu. Ở những cuộc ly hôn kiểu này, thường người chồng thấy như vậy là bất hạnh, ráo riết tái hôn thì người vợ lại tương đối hạnh phúc, họ cảm thấy tự do vì đã thoát khỏi “quyền nội tướng” và thường trì hoãn đám cưới thứ hai.
Sưu tầm