- Tin tức
- Nghệ thuật tặng quà
Hướng dẫn mua quà tặng sếp ngày Tết
2014-01-02 10:25:33
Cuối năm, khó hiểu lòng “Sếp”!
Chuyện biếu xén, tết lễ “sếp” mỗi năm đã thành cái lệ không cần đắn đo đối với L.T.Thành, một giảng viên đại học trẻ. Sau lần đầu tiên chạy “lễ” tết thầy và cũng là sếp tương lai của mình khi làm luận văn tốt nghiệp đại học, mỗi dịp cuối năm, Thành lại lăn mình trong vòng quay… chạy đua quà biếu.
Nhận quyết định giữ lại trường, “thầy” trở thành “sếp” trưởng phòng, thành người hướng dẫn làm cái bằng thạc sỹ cho Thành. Năm đầu tiên tết trưởng phòng, Thành tâm huyết đi chọn cả ngày, mua tặng sếp một cây vợt cầu lông xịn vì biết sếp là một cây vợt số 1 trong trường.
Anh tự tin mang món quà “độc” đầy quan tâm thân tình đến nhà sếp một ngày áp Tết. Sếp nheo mắt lượt qua lượt lại cây vợt 2 vòng vun vút trong không trung rồi lẳng nhẹ lên ghế sofa: “Tôi biết, anh mua cây vợt này giá không dưới 400.000đ. Nhưng tôi vẫn dùng loại 830.000đ/chiếc cơ, cái này nhẹ lắm, hẫng tay. Thôi, anh đã tặng tôi đành nhận…”.
Thành ngồi cứng đơ trên ghế, mặt tái xám…. Bài học đầu tiên khi tết sếp: món quà không chỉ thể hiện được tình cảm, tâm huyết, mà trước hết phải giá trị và thực tế. Những năm sau đó, dù quà biếu thế nào, cho sếp trưởng phòng hay sếp trưởng khoa, Thành đều xoay sở kẹp cho được một phong bì mỏng vào giữa giỏ quà. Ước chừng, sau cái Tết năm nay, để lấy được tấm bằng tiến sỹ, giảng viên chính, khoản tiền đi tết đến sếp của anh chắc chắn không dưới dăm chục triệu đồng.
Không biết chính các “sếp VIP” hay cuộc chạy đua quà tết đang làm nên những “mốt” quà tặng qua mỗi năm như một thứ xu hướng thời trang hết cổ lại kim, hết kim lại… tái cổ. Cách đây 4 năm, chàng luật sư tập sự N.H.Xuân tại một văn phòng luật trên địa bàn Thủ đô đã phải thắt bụng bỏ cả hai tháng lương để tết chủ nhiệm – giám đốc văn phòng hai cây thuốc ngoại “Captain Black” thơm ngọt vị hạnh nhân. Sếp hài lòng lắm!
Nhưng qua năm sau, xì gà lên ngôi, “Thuyền trưởng đen” thơm hương hạnh nhân được coi là dĩ vãng. Biết sếp thích hàng độc, thời thượng, chàng luật sư tập sự và người thân cùng vào cuộc thăm dò xu hướng “mốt” quà tết năm nay suốt cả tháng trước Tết. Hai năm trước là rượu Tây, rượu mạnh chứ không phải mấy thứ vang nho, sâm-panh Pháp nhạt thếch, “đàn bà”, tính tiền trăm bày đầy mấy siêu thị. Xuân phải sục vào những gian hàng miễn thuế khắp Hà Nội, Hải Phòng… để tìm được thứ hàng “chính hãng” để lấy lòng sếp.
Quái ác, từ xuân năm ngoái, sếp lại đột ngột rẽ ngả “văn hoá phương Đông”, chỉ “chơi” rượu ngâm. Chẳng bao lâu, Chủ nhiệm – Giám đốc văn phòng luật trở thành thành viên “câu lạc bộ 1.000 lít”. Nhà Chủ nhiệm như kho chứa hàng, hổ lốn các loại bình rượu lớn nhỏ: rượu cá ngựa, rượu rắn, rượu tằm, rượu ong đất, rượu sò huyết, rượu sâm quy… Và mỗi bình rượu quý không còn tính giá tiền trăm nữa.
Tết năm nay, Xuân đang mừng háo hức vì món quà độc vừa kiếm được từ quán “Xuân Tình Tửu”: bình rượu ngâm thể hỗn hợp đầu gấu, kì đà, bìm bịp, rắn giáo… gần 30 lít, nút vải điều, giá tới gần chục triệu đồng. Món quà giá trị cao không chỉ dùng để uống mà chủ yếu để khoe, để bày.
mua quà tết biếu sếp
Đua với đời…
Khi thăm dò một số người tại Hà Nội, có đến 80% số người làm việc trong các cơ quan, công ty được hỏi đều cho rằng khoản chi tiêu lớn nhất trong gia đình họ là dành cho việc quà cáp, biếu xén. “Truy” sâu hơn, nhiều người thừa nhận, thứ chủ chốt trong quà biếu của mình là rượu ngoại, thứ mà theo họ chỉ có “khùng” mới mua về tự… uống.
Quan sát thử ở chợ hàng Da (nơi bán “rượu biếu” nổi tiếng), hơn chục quầy bán rượu ở đây đã bắt đầu nhộn nhịp từ mấy ngày trước Tết dương lịch. Chủ kiốt 60 ở đây cho biết, nhiều khách hàng đến mua rượu biếu đã nài nỉ được tư vấn để mua được chai rượu cho hợp lòng sếp.
Tùy theo mức độ “oai” của sếp và khả năng tài chính, người mua có thể khuân đi những loại vài ba trăm ngàn như Johnie Walker đen, đỏ hoặc trên triệu như Johnie Walker xanh, vàng, Remy Martin, đặc biệt có những chai 4, 5 triệu cũng là sự lựa chọn cho quà biếu các sếp nặng kí…
Nhưng nhiều người thừa nhận, với những món quà nhiều toan tính, rượu chỉ là kẻ lĩnh ấn tiên phong. Đi hộ tống cho rượu còn có cả những chiếc phong bì mà độ dày mỏng cũng rất… vô cùng. Càng là những cơ quan làm ăn, càng những người kiếm ra nhiều tiền càng chú ý đến “nguồn” phát lộc cho mình một cách “sòng phẳng”.
Một lĩnh vực “nhạy cảm” như giáo dục, việc tặng quà trên mức tình cảm cũng đã phổ biến từ khá lâu. Tiếp xúc với phóng viên, nhiều người thành phố cũng không ngại nói đến chuyện quà cáp cho cô giáo chủ nhiệm của con mình, thậm chí không úp mở chuyện gài phong bì trong gói quà. Chi phí này cũng là những con số đầy biến hoá, ít thì vài trăm, nhiều có thể đến vài triệu…
Cũng không lạ khi cô giáo làm điều tương tự như phụ huynh học sinh. Đã có chuyện một giáo viên ở Hà Tây dạy chung một suất hợp đồng với giáo viên khác, lương chưa đầy hai trăm một tháng vẫn đi Tết lãnh đạo phòng giáo dục với món quà xấp xỉ cả năm lĩnh lương.
Quà biếu đã trở thành câu chuyện chung của rất nhiều người. Những ngày cuối năm, cứ ra đường lại thấy người người tất tả ngược xuôi. Bước chân, suy nghĩ như nặng nề hơn khi “gánh” món quà Tết để đua với đời…
Quatangonline.vom - Theo dantri.com
Trao đổi thông tin
Các tin khác
- Valentine trắng, tặng gì cho người mình yêu? [2018-03-14 11:28:51]
- Những điều nên học trong nghệ thuật tặng quà của người Pháp [2017-11-29 13:57:32]
- Xuất hiện bất ngờ [2017-11-08 14:05:33]
- Tặng quà cho người yêu cũng là... một nghệ thuật [2017-07-26 13:39:04]
- Giá trị thực sự của món quà tặng [2017-07-14 15:22:52]
- Nghệ thuật tặng quà [2017-06-07 14:16:40]