Miền Tây thương nhớ

2017-06-26 15:26:41

Và quả thật vậy, tôi yêu miền Tây từ con người đến cảnh vật, mọi điều ở đây đều in dấu lên trái tim tôi những hình ảnh đẹp dịu dàng và bình yên nhất.
***
 
Ngày còn bé, tôi đã luôn mơ ước được đi khắp mọi miền đất nước, cái ước mơ đó bắt đầu hình thành trong tôi từ những câu chuyện sau mỗi chuyến đi công tác của ba; sau những lần tôi vô tình bắt gặp một địa điểm nào đó với phong cảnh, con người đẹp đến nao lòng trên những chương trình truyền hình phát sóng.
Lớn hơn chút nữa, tôi vững chãi ngồi sau lưng ba mẹ, mặc nhiên thả mình vào những chuyến đi xa hơn ngoài khu vực quận mình sinh sống. Nhớ năm đó là năm mẹ vừa sinh bé em ở nhà, ngày Tết về thăm quê, do sức khỏe và em bé nên mẹ không tham gia được, vì vậy việc về quê thăm ông bà được giao cho ba và tôi. Tôi vẫn nhớ rất rõ cách ba choàng qua hông tôi một cái đai lưng được thắt an toàn cùng với ba, phòng trường hợp ngồi sau tôi sẽ ngủ gục đi mất. Nhưng không, trong suốt chặng đường về quê ngày hôm đó, tôi hoàn toàn tỉnh táo, ngắm nhìn những cảnh vật trên đường đi, lòng yêu thích đến lạ, có lẽ giấc mơ cầm lái đi đây đi đó trong tôi ngày một lớn dần lên.
Rồi lên đại học, khi ý thức được việc chạy xe, tôi cùng chiếc cub màu đỏ cũ kỹ của mình rong ruổi khắp mọi nẻo đường trong thành phố. Quả thật, tôi rất siêng long nhong, mọi ngóc ngách, mọi tầm nhìn, từ những nơi hoang sơ ban đầu ít người biết đến – cho đến khi nó trở thành địa điểm nổi tiếng mà các bạn trẻ ngày ngày vẫn share ầm ầm trên các trang mạng xã hội, tôi cũng đều đã đi qua. Tôi chui vào những con hẻm, thả mình vão những ngóc ngách chung cư cũ kỹ, hay những lần vô thức chạy thẳng ra bờ sông ở quận 2, ở Thanh Đa hay đồng diều gần nhà để suy nghĩ, những lần như vậy, bản thân tôi cảm thấy như mình được nạp thêm năng lượng sau ngày dài miệt mài với giảng đường và nơi thực tập.
Mỗi người chúng ta, ai cũng có một nơi luôn muốn tìm về, tôi gọi đó là "nhà". Nhà là nơi tôi luôn cảm thấy an toàn, bình yên vì cuộc sống ngoài kia vốn dĩ rất khắc nghiệt. Bên cạnh đó, chẳng biết tự bao giờ, tôi luôn muốn được đặt chân tới Tây Bắc, tôi không hiểu, tôi không biết, chỉ là khi được ai đó hỏi ngoài nhà ra thì tôi muốn được đi đến đâu nhất. Chẳng cần suy nghĩ, tôi trả lời luôn "Đó chính là Tây Bắc". Đó luôn là ý nghĩ trong tôi cho đến Tết năm nay... Trường tôi rất tinh tế khi luôn rèn luyện cho lứa sinh viên chúng tôi cái tư tưởng "Dù là kỳ nghỉ nhưng các em đừng có chểnh mảng việc học nhé, vì nguyên một chuỗi các môn thi đang đón chờ mấy đứa sau Tết kìa" ... vâng, đó chính là đặc trưng của trường tôi. Sau tết, tôi sẽ thi một trong bốn môn tứ đại nguy hiểm nhưng cực kỳ quan trọng trong cuộc đời sinh viên, vì vậy, tôi tuyệt nhiên không muốn đi đâu xa hơn nhà mình cả. Tôi ôn luyện miệt mài, tôi mày mò tìm tòi thêm các nguồn tài liệu khác, khi mệt thì nghỉ uống nước cam, ăn chén cơm với thịt kho tàu cho còn chút nào đó mùi vị của Tết. Cho đến khi ba tôi lên tiếng "Mồng 5, mồng 6 này, con hãy nghỉ ngơi hai ngày để đi miền Tây với nhà cho biết." – và tôi đã đồng ý mặc dù còn quyến luyến mang cả sách vào ba lô để khi nào rỗi sẽ đọc. Miền Tây – nơi này tôi chưa từng nghĩ, cũng như chưa từng có kế hoạch đi đến, liệu lần này tôi sẽ trải nghiệm được điều gì.
Ngày hôm đó tôi được trải nghiệm miền Tây lần đầu tiên. Ngồi trên xe tôi thích thú khi những địa điểm như khu di tích Ấp Bắc, hay thị xã Cai Lậy, Cái Bè hiện lên trên bảng chỉ đường, những nơi này, tôi chỉ đọc được trong sách, trên báo, nhưng nhìn bằng mắt thật, nó có gì đó làm tôi cảm thấy phấn khích. Đến cầu Mỹ Thuận, tôi trầm trồ ngạc nhiên xen lẫn niềm vui sướng khó tả. Cây cầu trong mơ, nổi tiếng một thời mà ngày nào cũng xuất hiện trên giấy báo, cấu trúc cũng khá giống với cầu Phú Mỹ ở thành phố, nhưng nó mang lại cho tôi một cảm giác khác – mới lạ. Tôi và gia đình dừng chân tại Vĩnh Long – là nhà chú Hiếu, một đồng nghiệp của ba tôi. Tôi vốn dĩ là người rất ngại giao tiếp, nhất là với những người mới quen, tôi thường thu mình lại và trở nên ít nói. Nhưng tại gia đình chú Hiếu và cô Thúy, cùng với những người thân trong gia đình cô, và hai bé gái dễ thương như thiên thần, chính sự nhiệt tình, vui vẻ của gia đình cô chú khiến tôi cảm thấy rất vui, cảm thấy mình như một thành viên trong nhà. Người ta thường bảo nhau người miền Tây rất hào sảng, chân thành, và hôm nay, tôi khẳng định hơn 100% là như vậy. Tôi đi loanh quanh nhìn cảnh vật xung quanh, mọi thứ được thu hết vào tầm mắt tôi một cách tự nhiên và rõ ràng nhất; hình như, tôi bắt đầu yêu mến nơi này rồi.
Cũng chính tại đây, tôi có cơ duyên may mắn được gặp một người đàn anh cùng ngành rất giỏi, và thân thiện. Sau khi nghe mẹ và ba anh kể về anh, tôi cảm thấy bản thân mình cần phải cố gắng nhiều hơn nữa. Rời Vĩnh Long để đến Cần Thơ, tôi có chút gì đó quyến luyến muốn trở lại nơi này, thật đấy, hình như có điều gì đó vô hình níu chân tôi lại vậy. Cầu Cần Thơ kia rồi, cái nơi mà một thời tôi đã cố gắng quyết tâm giành một suất thi Olympic năm lớp 11 để được đặt chân tới đây. Tôi vẫn nhớ rõ năm đó, do bận lịch học nên tôi không thể theo lớp đội tuyển trên trường được, và tôi đã tự mình ôn luyện cho cuộc thi tuyển ở trường vào đầu mùa xuân, tất cả là chỉ vì tôi muốn được đi cầu Cần Thơ thôi... Cuộc thi này cực kỳ khắc nghiệt, trong số rất nhiều thí sinh đăng ký, chỉ chọn ba bạn để dành vé đi thi Olympic cho mỗi môn mà thôi. Và không hiểu sao, trong đợt thi tuyển năm đó, tôi may mắn được hạng nhì, và giành được vé vào học để được đi thi ... tuy nhiên, cuộc đời vốn dĩ không như bạn mơ ước, do không thể đi học cùng các bạn trong đội, mặc dù cô giáo chủ nhiệm cũ năm lớp 10 của tôi – cũng là một trong hai giáo viên phụ trách bộ môn Địa này đã luôn động viên và gửi bài trên đội cho tôi học, nhưng ... cô giáo phụ trách chính lại không chịu, và tôi đã phải nhường chiếc vé đó lại cho cô bạn xếp thứ tư, vốn dĩ đã theo đội tuyển từ những ngày đầu mới mở. Chỉ nhớ tối hôm đó về nhà, sau khi nghe tin trên trường từ cô giáo, tôi đã khóc rất nhiều. Giấc mơ được đến cầu Cần Thơ năm nào tưởng chừng như vẫn còn ám ảnh tôi mạnh mẽ, cho đến hôm nay - cái ngày mà tôi được tận mắt nhìn thấy, được đi trên cây cầu này, trong tôi có quá nhiều cảm xúc mãnh liệt để ghi nhớ, cuối cùng thì tôi cũng đã đặt chân đến đây.
Cần Thơ ngày tôi đến vẫn đẹp nhẹ nhàng và hiền dịu với dòng sông Hậu uốn quanh, với chợ nổi Cái Răng nhộn nhịp buổi sáng, với bến Ninh Kiều cùng ly ca cao nóng hổi hâm nóng tình cảm của người xa lạ - là tôi, với những câu chuyện nghe hoài không chán từ chú Tú – về chuyện sản xuất bánh in, bún cà ri nấu từ lá cà ti tươi, bún bò cay đặc sản nhà chú ...vv. Chỉ vỏn vẹn hai ngày ở miền Tây đã khiến tôi khi về thành phố lại mang một nỗi nhớ muốn đến nơi này nhiều lần hơn nữa, không phải chỉ vì cảnh vật nơi này quá đỗi yên bình, mộc mạc, giản dị, mà còn vì những con người nơi này đã in dấu lên trái tim bé nhỏ của tôi.
Chuyến đi thứ hai bắt đầu vào dịp nghỉ lễ 30 tháng 4 và 1 tháng 5, sau khi kết thúc chuỗi thi tám môn liên tiếp. Ban đầu dự định của tôi là dành hẳn bốn ngày để nghỉ ngơi sau chuỗi thi cử, nhưng do lịch trực mới nên chỉ còn rút ngắn lại ba ngày vì tối ngày thứ ba tôi sẽ có ca trực đầu tiên tại bệnh viện mới. Đúng là ngày lễ, đường kẹt xe rất đông, tôi mắc kẹt gần 5, 6 giờ đồng hồ tại Tiền Giang trước khi đến Vĩnh Long nghỉ trưa. Hôm đó nồi cháo gà cô Thúy nấu thực sự rất ngon, không phải chỉ vì đói mà tôi ăn ngon đến vậy, chính vì sự niềm nở, vui vẻ của cô đã khiến tâm trạng tôi cảm thấy phấn chấn hơn nhiều sau hàng giờ kẹt xe mệt mỏi. Lần này tôi sẽ cùng gia đình cô chú đi khám phá xa hơn ở miền Tây – điểm đến sẽ là Bạc Liêu, Sóc Trăng.
Nhắc đến Bạc Liêu, người ta sẽ nghĩ đến ngay câu chuyện về công tử Bạc Liêu nức tiếng ở xứ này một thời, nhưng – đối với tôi, điểm đến mà tôi thực sự muốn được đặt chân đến nhất lại là trạm điện gió Vĩnh Trạch. Tôi đến Bạc Liêu cũng là lúc trời đã nhá nhem tối, chúng tôi dừng chân ở nhà bác Năm, nhà bác ở một khu phức hợp gần ngay ngõ vào thành phố, im ắng nhẹ nhàng như chính con người nơi đây. Sau khi đã ổn định, chúng tôi bắt đầu ra trạm điện gió, lúc này trời đã khá tối, khi đến nơi, ngoài những cánh quạt gió đang quay vô định theo một quy luật, tôi không thể nhìn rõ hơn được gì nên chúng tôi quyết định sẽ quay lại đây vào sáng mai. Chúng tôi tiếp tục hành trình đến thăm tượng Mẹ Quan Âm Nam Hải – nơi mà nhiều người dân ở đây cũng như từ những xứ khác đến để cầu xin. Và tôi, cũng không ngoại lệ, chỉ biết lúc đó tôi chỉ mong có được nhiều sức khỏe, và những người tôi yêu quý sẽ không rời xa tôi, chỉ vậy thôi.
Cũng đã gần tám giờ tối, và đoàn chúng tôi quyết định dùng bữa tại bờ kè cạnh biển. Trong làn khói mập mờ từ lò nướng, từng lời nói, từng câu chuyện, từng cử chỉ của mọi người đều được tôi ghi nhận hết vào trong tâm trí của mình, những điều đang xảy ra chung quanh, những con người bên cạnh tôi đều làm tôi thật sự rất yêu quý. Sáng hôm sau chúng tôi dùng bữa tại khuôn viên nhà công tử và tiện thể tham quan nhà của công tử. Kết cấu nhà và mọi đồ dùng trong nhà đều ấn tượng với tôi một từ thôi: "gỗ". Quả thật đồ dùng ở đây được chạm khắc, đẽo gọt tinh tế và không có dấu hiệu phai mờ của thời gian. Sau khi ăn uống no nê, chúng tôi quay trở lại trạm điện gió, lúc này nắng khá gắt nhưng cũng không ngăn được bước chân tôi nhìn ngắm nơi này thật lâu, quả thật có những điều tuy không nổi bật, không được nhắc nhiều trong sách báo, nhưng lại làm ta yêu mến nó thật nhiều. Rời khỏi trạm điện gió, chúng tôi ghé ngang chùa Xiêm Cán – một công trình kiến trúc nổi tiếng ở nơi này.
À mà nhắc mới nhớ, từ lúc ở Sóc Trăng trở về Bạc Liêu, bạn sẽ thấy rất nhiều ngôi chùa có cấu trúc kiểu như thế, giống với những ngôi chùa bên Thái Lan ấy, nổi bật với mái hình tháp và những hình tượng sống động. Sau khi dùng bữa trưa và chia tay gia đình cô Thúy và bác Năm, gia đình tôi trở về Sóc Trăng để tham quan ngôi chùa Dơi nổi tiếng. Nơi đây nổi tiếng với loài dơi ngựa, khi phóng tầm mắt nhìn lên những ngọn cây, bạn sẽ thấy được hàng trăm chú dơi đang đu mình ở đó, tôi cũng tự hỏi bản thân, lỡ như đang ngước nhìn vui vẻ mà bỗng dưng có chú dơi nào đau bụng không kiềm chế được thì cảm xúc của bản thân lúc đó sẽ ra sao. Haha thôi bỏ qua đi, tôi đang bị thu hút bởi một điệu nhạc vang lên gần đó, gần như quên mất bầy batman đang đu mình, tôi đi về phía phát ra tiếng nhạc, là một dàn nhạc mang phong cách cổ xưa, có nét gì đó truyền thống, cũ kỹ của dân tộc Khơ-me, nhưng lại rất bắt tai và cuốn hút người nào đang lắng nghe nó. Rời Sóc Trăng, gia đình tôi nhanh chóng trở về Cần Thơ để kịp nghỉ ngơi sáng mai sẽ về thành phố sớm, và chúng tôi đi ngang Hậu Giang. Hậu Giang đón tôi bằng một cơn mưa rào to trắng xóa, và trong cơn mưa đó, tôi thấy được trường đại học Võ Trường Toản to như một tòa lâu đài, và ... những điều làm tôi nhớ về Hậu Giang chỉ có thế. Sớm bình minh trên sông Hậu, bên ly cà phê sữa nóng hổi, tôi ngồi nghĩ miên man, cảm thấy bản thân lúc đó một mình thực sự thoải mái, tôi nhớ về câu chuyện cô Thúy kể ngày hôm qua trong bữa ăn, về cách cô nói rằng mỗi người trong chúng ta ai cũng đều có một cái duyên, rồi một ngày duyên nó đến ta muốn tránh cũng tránh không được, lúc đó tôi đã tự hỏi bản thân mình "Vậy cái duyên của tôi đã đến chưa ?". Tạm biệt miền Tây, tôi lại trở về thành phố, sau khi đã hít căng một bầu năng lượng yên bình đầy phổi từ nơi này, tôi nghĩ tôi đã ổn hơn để trở lại việc học.
Và rồi mùa hè cuối cùng cũng đến, sau một năm dài mệt mỏi và thú vị với lứa sinh viên chúng tôi – đây có thể tạm xem là thời gian để lấy lại sức lực. Và tôi ... lại chọn miền Tây làm điểm đến cho mùa hè đầy nắng và mưa của mình. Tôi lại bắt đầu chuyến hành trình với điểm đến đầu tiên là Đồng Tháp, ở đây nổi tiếng với những ao sen mà ngay cả câu thơ cũng đã từng viết "Tháp Mười đẹp nhất bông sen. Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ." Và tin tôi đi, đến đây thì phải ăn nem Lai Vung vì nem Lai Vung ở đây cực kỳ ngon, tôi bị hấp dẫn bởi vị của nó nên đã ăn liền bốn cái không ngớt. Rời Đồng Tháp, tôi đến An Giang để nghỉ trưa và chuẩn bị tham quan. An Giang cũng như Hậu Giang, đón tôi bằng cơn mưa rào khó chịu, nhưng được một lúc thì ngớt và tạnh hẳn, xem như đó cũng là dấu hiệu tốt vì trời không mưa thì sẽ có thể được tham quan nhiều hơn, à mà trời có mưa thì tôi cũng sẽ ... đội áo mưa đi tham quan mà.
Tại đây tôi gặp chú Phong – cũng là một người đồng nghiệp của ba, trong chuyến đi chú đã chia sẻ cho tôi rất nhiều về kinh nghiệm chụp hình khi biết tôi là một đứa rất mê chụp cảnh, chú giới thiệu cho tôi về những địa danh khi chúng tôi đặt chân đến như Núi Sam nơi có chùa Bà Châu Đốc, núi Ông Két với mỏm đá nằm cheo leo như con két ...núi Cấm với tượng Phật Di Lặc to lớn, về rừng tràm Trà Sư, về khu nhà mồ Ba Chúc, về nơi biên giới Tịnh Biên với những câu chuyện đầy mùi trinh thám. Nhưng...điểm ghi dấu trong lòng tôi nhất có lẽ là những cánh đồng thốt nốt ở Tri Tôn – nó mang một vẻ đẹp yên bình mà khi nhìn vào, tuyệt nhiên những xô bồ ngoài kia sẽ tan biến mất.
Chia tay chú Phong, chúng tôi trở về Kiên Giang nghỉ ngơi để sáng mai kịp đi thăm đất mũi Cà Mau, và Kiên Giang ân ái dành hẳn cho tôi tận năm vết muỗi chích, chắc do muỗi lạ nên rất đau và nhức. Do lúc đi An Giang tôi rất sợ muỗi đốt vì đây là vùng dịch tễ sốt rét nên tôi đã ăn mặc kín mít từ trên xuống dưới không chừa nơi nào cho muỗi đốt. Thế mà khi đến Kiên Giang thay vì mang giày bata thì tôi lại đổi sang mang dép để tiện đi lại cho việc ăn uống và hẳn nhiên ăn luôn năm vết đốt. Tối đó ngủ tôi co ro lạnh run và sợ sốt rét tới nơi nhưng chực nhớ bệnh này thời gian ủ bệnh không nhanh đến vậy nên tự an ủi bản thân sẽ không sao đâu.
Sáng hôm sau ăn vội ly mỳ và làm ly matcha nóng từ gói bột mang theo, chúng tôi khởi hành đi Cà Mau sớm. Dừng lại ven đường để mua khóm Tắc Cậu, là loại khóm nổi tiếng ở đây, vừa ngon vừa ngọt vừa rẻ mà cô bán khóm cũng như con trai cô cũng bao vui vẻ và dễ thương, xem như đã đủ lương thực và tinh thần để khi đến nơi tận cùng Tổ quốc tôi có món để ngồi nhấm nháp rồi. Đến Cà Mau tôi được gặp chú Đen là người dân bản địa ở đây và cũng là đồng nghiệp của ba, chú là người hướng dẫn chúng tôi đi đến đất mũi, vì từ Cà Mau đi đến đất mũi cũng mất 95km nữa nên có chú trò chuyện quãng đường cũng như rút ngắn lại thêm. Trước đây khi đến Năm Căn, để vào đất mũi cần phải đi thuyền, tuy nhiên ngày nay đã có con đường nhựa dẫn thẳng vào đất mũi tuy vẫn còn đang làm dở. Cảnh vật xung quanh chủ yếu là rừng ngập mặn nhưng vẫn đẹp lạ lùng, tôi chỉ biết ngắm nhìn chứ không nói được lời nào ra hồn cả.
Tôi nghe chú Đen kể, vào năm 1997, có một trận bão lớn đi qua đây, quét sạch mọi thứ, cuốn đi tất cả, kể cả sinh mạng người dân nơi đây cũng bị cơn bão cuốn đi mất ... chỉ chực nghe tới đó, tôi đã nghẹn lòng; cho đến khi tận mắt nhìn thấy khu vực đất mũi, nơi bà con sinh sống, tôi mới thấm được hoàn cảnh lúc đó muốn tháo chạy là bất khả kháng, nhưng rồi sau ngần ấy năm, nơi này lại vươn lên với những cuộc sống mới, nhìn vào ánh mắt của họ, tôi thấy được một niềm tin sống mãnh liệt chưa bao giờ tắt. Đến được đất mũi Cà Mau – điểm tận cùng của Tổ quốc – cực Nam của đất nước cũng đã hơn 12 giờ trưa, tuy nhiên điều đó cũng không ngăn cản được niềm vui sướng xen lẫn tự hào của tôi, tôi ôm cột mốc thật chặt, giây phút đó tôi biết mình thật hạnh phúc khi được sinh ra và lớn lên tại đất nước này. Và tôi cũng không quên lấy túi khóm ra làm ngay một quả uống cùng một chai nước suối mát lạnh và tận hưởng cảm giác được chạm tay vào nơi tận cùng của đất nước, lúc đó tôi đã nghĩ mình là người may mắn nhất trên đời.
Vậy là chuyến đi mười ba tỉnh miền Tây của tôi đã khép lại. Miền Tây – một nơi mà tôi chưa từng có dự định hay kế hoạch để đặt chân tới, ngoại trừ cây cầu Cần Thơ là nơi tôi đã ra sức để được đi vào năm cấp ba thì hầu như trước khi tới đây, tôi vẫn không có ý niệm gì về nơi này. Tôi đến đây với một cái đầu trống rỗng để có thể cảm nhận nơi đây một cách tự nhiên và chân thật nhất. Và quả thật vậy, tôi yêu miền Tây từ con người đến cảnh vật, mọi điều ở đây đều in dấu lên trái tim tôi những hình ảnh đẹp dịu dàng và bình yên nhất.
Nếu bạn hỏi tôi rằng, nơi đâu nhiều cầu nhất, tôi sẽ khẳng định nói miền Tây đấy, vì nơi đây cứ năm đến mười phút là sẽ phải đi qua một cây cầu, có khi còn chưa tới. Và có những điều chỉ để nhìn và cảm nhận, chứ không thể chụp lại được, như cảnh lũ trẻ tắm ao đùa nghịch khi tôi đi ngang thị xã Ngã Bảy, hay cảnh đàn cò trắng phếu đang sục mình trong nước bắt cá ở đất mũi, hay cảnh một bên là nhà hay đồng còn một bên là sông – một nét đặc trưng ở những con đường miền Tây, và cả những nụ cười, những lời nói, những cử chỉ mà con người miền Tây đã dành cho tôi và gia đình, tất cả những điều đó chắc chắn đi hết một đời tôi cũng sẽ không bao giờ quên được. Tôi cũng thầm cảm ơn ba mẹ và em gái cùng chú gấu Brownie đã luôn đồng hành cùng tôi trong những chuyến đi, để tôi biết được rằng khi tôi luôn khăng khăng khẳng định Tây Bắc là điểm đến tôi luôn muốn đến nhất trong cuộc đời thì ngoài nhà và quê – miền Tây là nơi tôi luôn muốn có cơ hội để trở về một lần nữa. Trên tất cả, tôi chỉ muốn nói cảm ơn và ... miền Tây, nhất định một ngày nào đó tôi sẽ trở lại.

Trao đổi thông tin

Quý khách có thể dùng mẫu bên dưới để trao đổi thông tin với chúng tôi.

Authenticate image

Vui lòng nhập vào thông tin phía trên để trao đổi

Quản lý tài khoản

Trợ giúp

Giới thiệu