Nếu bạn thiếu tiền bạn có thể kiếm sau

2013-08-28 16:48:06

Đến nhà hàng xóm chơi, nhà có 2 con nhỏ nhưng vẫn ngăn nắp, không thấy tụi con nít chạy nhảy nghịch ngợm gì, cứ yên như không. Hỏi bí quyết bạn “điều trị” con cách nào?
 
Bạn nói vứt chúng nó cho tivi coi giùm, cứ ngồi mải miết từ phim hoạt hình này tới phim hoạt hình khác, chúng nó không thiết nghịch gì bên ngoài. Thi thoảng, tôi vẫn gặp ở những quán café, vài đứa nhỏ được bố mẹ dắt theo nhân buổi cuối tuần. Người lớn bàn công chuyện hoặc tán dóc với nhau, trẻ con thì ngồi im như thú bông trên sofa, chúng được quẳng cho cái Ipad, Iphone để chơi điện tử cho yên chuyện.
 
Tôi cũng gặp không ít những đứa bé nói giọng Thanh Hóa, dù gia đình sống ở Hà Nội, bố mẹ là người Hà Nội –bởi người nói chuyện với chúng nhiều nhất trong nhà chính là cô ôsin người Thanh Hóa. Hay những đứa trẻ cứ lỡ mồm gọi bà là mẹ, còn mẹ thì nó ngượng ngùng không biết kêu bằng gì, vì ít gặp quá. Những đứa trẻ như thế, tôi thấy ngày càng nhiều ở thành phố, đến độ phổ biến như một “thế hệ bị bỏ rơi trong gia đình”.
 
Bạn tôi nói hai vợ chồng đi làm kiếm tiền mệt muốn chết. về nhà chẳng còn hơi sức nào nữa mà chơi với đùa cùng con (hoặc còn tý hơi sức thì cũng dành lướt facebook). Chơi với trẻ con cũng khó, cưa sừng làm nghé hòa nhập được mấy trò ngớ ngẩn của tụi nhỏ, cố thì cũng chỉ được mấy tí. Cứ như là không có điện tử, điện thoại, tivi, giúp việc… thì thời nay không thể tưởng tượng bọn trẻ con (ở thành phố, nhà khá giả) lớn lên bằng cách nào!
 
 
Mới thấy, trẻ con nông thôn hóa ra lại sung sướng, vì có tuổi thơ đúng nghĩa trong lành và ấm áp, chúng không chỉ có người mẹ thiên nhiên rộng lớn, mà còn được được bên cạnh ông bà bố mẹ, để cùng nhổ cỏ cùng chăn gà cùng tuốt đậu… Cho dù thi thoảng có quắn đít vì người lớn “thương cho vọt cho đòn”, những đứa trẻ lấm lem đất cát ở các vùng quê nghèo hẳn vẫn ấm áp hơn những đứa trẻ bị bỏ rơi cho ti vi và Ipad coi giùm – bí bách như dế nhốt bao diêm, trong những nhà ống những chung cư ở thành phố.
 
Tôi rất tránh đọc những bài báo về các vụ án, vì cảm giác bất an gớm sợ một khung cảnh xã hội đang bị biến thái luôn là nỗi ám ảnh nặng nề. Nhưng gần đây, tôi cố xem những vụ án mà trẻ con là nạn nhân hoặc thủ phạm, để tìm một đường dây. Thì đây, câu chuyện chung tôi tìm thấy là: các em đều bị bỏ rơi ngay trong chính ngôi nhà của mình. Đứa thì bố mẹ bỏ nhau, đứa thì bố mẹ bồ bịch đánh lộn, có đứa bố mẹ ham làm ăn chỉ vứt cho con nắm tiền rồi đi tối ngày, đứa thì bố mẹ phải lần hồi kiếm rau cháo nên cũng thả cho con tự sống như cây cỏ… Giàu nghèo mỗi phận khác nhau, những đứa trẻ ấy có chung nhau một tội nghiệp: thiếu tình cha mẹ, tuổi thơ của chúng lạnh lẽo vắng những ôm ấp ngọt ngào, chúng loay hoay tự lớn, tự sa ngã và tự rơi vào những cạm bẫy nhan nhản của cuộc đời. Đứa khí chất mạnh mẽ (hoặc hung hãn) dễ thành thủ phạm, đứa yếu đuối ngốc nghếch không biết đường tự vệ đương nhiên thành nạn nhân.
 
Kết sau đây rất hay gặp: người mẹ (hoặc người cha) rơm rớm nước mắt nói trong ân hận: rằng giá như họ không bỏ rơi con, hoặc giá như con họ được chăm chút và bù đắp thương yêu nhiều hơn….Nhưng các lời “giá như” ấy không vãn hồi được điều gì, chỉ là một phương cách để người lớn tự dày vò mình trong cơn day dứt muộn màng.
 
Nhật Bản là xứ có nhịp sống công nghiệp gấp gáp, đến nỗi người ta thường phải tranh thủ ngủ trên tàu điện ngầm để tận dụng quỹ thời gian ngắn ngủi trong ngày. Thế nhưng bố mẹ Nhật Bản vẫn cố gắng thu xếp để tự tay chăm sóc con từ chuyện ăn uống, tắm táp, cùng chơi đồ chơi, đọc sách cho con khi đi ngủ… Họ từ chối thuê giúp việc nuôi trẻ, vì quan niệm rằng chăm chút con là trách nhiệm của bố mẹ, không thể gán bỏ trách nhiệm ấy cho người khác, tuổi thơ trọn vẹn của đứa trẻ cần thứ dinh dưỡng thiết yếu là tình yêu thương và những gắn bó gia đình.
 
Những bố mẹ Việt cũng rất yêu con theo cách của mình, họ đi làm (nào nhàn nhã gì cho cam) để kiếm thật nhiều tiền: cho con học trường quốc tế, cho con quần áo đẹp và cuối tuần shopping “tẹt ga”, cho con đi nghỉ mát ở resort… Và họ khổ tâm thấy con càng lớn càng ích kỷ và đòi hỏi, con xa cách bố mẹ đến đau lòng.
 
Tôi đã giật mình khi lần đầu tiên đọc được rằng, đến 8 tuổi một đứa bé coi như đã hoàn thiện 80% tâm lý- nhân cách- quan điểm sống cơ bản. Nghĩa là, 8 năm đầu đời ấy sẽ gần như quyết định Con Chúng Ta Là Ai. Nếu bạn thiếu tiền bạn có thể kiếm sau, nếu bạn chưa mua đủ quần áo đẹp cho bé bạn có thể mua sau, nhưng nếu bạn không dành đủ thời gian cho bé, không thể hiện tình yêu của mình đủ nhiều để bé cảm nhận được, bạn phó thác con cho ông bà hoặc người giúp việc chăm nuôi – thì bạn sẽ không có phép màu nào quay lại để bù đắp và cứu vãn sai lầm đã bỏ rơi con mình.
 
Mới đây, tôi đi họp lớp cũ. Trong số bạn bè thành đạt ăn to nói lớn, lạc ra một người nhỏ nhẹ bảo rằng cô ấy ở nhà nội trợ. Mọi người ồ lên là ngày xưa học giỏi viết báo hay, sao bây giờ lại để đời mình an phận tầm thường thế? Cô ấy nói con gái nhỏ của cô ấy cần mẹ dắt đi công viên mỗi sáng, cần mẹ chơi đồ hàng cùng và kể chuyện cho nghe, cô ấy muốn hàng ngày nấu cơm chiều (thậm chí cả cơm trưa) đợi chồng về để cả nhà quây quần ấm áp… Không biết bạn bè trong bữa họp lớp nghĩ gì, tôi thì thấy đó là một lý do (và hy sinh) vĩ đại!
 
Sưu tầm từ Goctamhon.org

 

Trao đổi thông tin

Quý khách có thể dùng mẫu bên dưới để trao đổi thông tin với chúng tôi.

Authenticate image

Vui lòng nhập vào thông tin phía trên để trao đổi

Quản lý tài khoản

Trợ giúp

Giới thiệu