Nếu có ước mơ, điều cần làm là phải bước tiếp…

2013-08-17 11:12:26

Tôi 24 tuổi, cử nhân kinh tế tốt nghiệp một trường Đại học có tiếng, và đang thất nghiệp.
 
Chính xác là tôi đã đi làm và cách đây 1 tháng, tôi bị sa thải vì công ty không còn đủ khả năng trả lương cho tôi. Tôi lao vào tìm một việc làm khác. Đến lúc này, tôi đã bắt đầu thấy oải với hành trình ròng rã lụi cụi gửi không ít hồ sơ xin việc, cả ngày ngồi nhìn điện thoại chờ một cuộc hẹn phỏng vấn hoặc một cuộc thông báo trúng tuyển. Hơn một tuần nay, không google, không CV, không facebook, không nghe ngóng thông tin tuyển dụng, tôi tự cho mình thời gian nghỉ xả hơi, suy nghĩ thật kỹ về con đường mà mình đang đi. Lần đầu tiên sau 4 năm, tôi nhận ra rằng, thành công thực sự, không phải là chiến thắng trong giấc mơ của người khác. Tôi đã trải nghiệm thành công từ 4 năm trước, nhưng giờ đây, tôi đang là kẻ thất bại trong chính ước mơ của mình.
 
Từ nhỏ, tôi đã có sở thích ngắm nhìn quần áo. Tôi hay may quần áo cho búp bê, cũng thích vẽ và tự làm một bộ sưu tập thời trang tí hon riêng cho cô bạn búp bê của mình. Tôi đã từng ôm giấc mơ trở thành một NTK thời trang, làm ra những bộ cánh lộng lẫy, tỏa sáng theo từng bước đi thẳng tắp của những người mẫu trên sàn catwalk, hoặc không thì là sở hữu trong tay một thương hiệu thời trang riêng, hàng ngày sáng tạo và làm ra quần áo đẹp cho mình, cho người khác.Tôi từng nghĩ mình sẽ thi vào ngành thiết kế thời trang để theo đuổi giấc mơ.
 
 
Thế nhưng, 5 năm trước, giống như bất cứ học sinh tốt nghiệp cấp 3 khác, tôi dự thi Đại học. Vào thời điểm đó, tôi đã muốn thực hiện ước mơ, nhưng vì thành tích của tôi ở trường không đến nỗi tồi, kinh tế đang là ngành hot, bố mẹ mong tôi học ở một trường Đại học danh tiếng, thầy cô khuyên nhủ, tôi đã thi vào ngôi trường tôi vừa mới bước ra. Không khó khăn lắm, tôi đỗ Đại học trong ánh mắt ngưỡng mộ của nhiều người. Bố mẹ tôi phấn khởi, họ hàng tự hào, tôi tạm thời quên đi giấc mơ kia của mình, ngủ quên trên chiến thắng đầu tiên đó, ngủ quên trong ước mơ của bố mẹ, của họ hàng.
 
Tôi bắt đầu cuộc sống sinh viên đúng với vai trò con ngoan trò tốt. Mẹ ngày nào cũng gọi điện nhắc nhở tôi cố gắng học hành chăm chỉ. Và tôi cũng làm đúng theo mong muốn của mẹ. Tôi chăm chỉ học hành để đạt điểm cao, để bằng đẹp, để bố mẹ có thể tự hào về tôi. Tôi cũng đi làm thêm, để cảm nhận cuộc sống sinh viên, và cũng có thêm chút tiền tiêu vặt. Đi học, đi làm chiếm trọn thời gian của tôi, và không biết từ lúc nào tôi đã bỏ quên thói quen tìm hiểu về thời trang, bỏ cả thói quen nhìn ngắm quần áo người khác để phán xét xem nó đẹp hay không, làm gì thì sẽ đẹp hơn. Cũng có thể do tính chất việc làm thêm, tôi không được phép nhìn ai quá lâu. Và điều đó đồng nghĩa cả với việc tôi không còn may vá, không còn làm quần áo cho cô bạn tí hon của tôi.
 
Và thế đó, tôi đã đi trên một con đường mà nhiều người vẫn đi. Học xong cấp 3, vào Đại học bố mẹ mong muốn, học ngành hot, cố gắng miệt mài sau 4 năm để có một tấm bằng màu đỏ hơi đẹp đẹp. Sau đó, ra trường, bố mẹ xin việc cho, hàng ngày nghe những câu chuyện tán gẫu của đồng nghiệp, đảm bảo quy định về giờ làm việc, cuối tháng lĩnh lương. Như thế là may mắn hơn nhiều người khác. Những tưởng như thế là ổn định và đầy đủ. Nhưng tính tôi thích tự do, nên cái nhịp sống như thế khiến tôi thấy nhàm chán, không kể đến công việc của tôi, cũng không có chút sáng tạo. Dù vậy, tôi vẫn phải cố gắng, đó là công việc tương xứng với tấm bằng Đại học của tôi.
 
Trước khi tôi bị cho thôi việc vài tháng, tôi đã gặp lại một cậu bạn. Hắn ta trước đây ngồi sau tôi trong lớp học, chơi khá thân với tôi và ngày đó, hai đứa hay chia sẻ cho nhau về giấc mơ nhà thiết kế và kỹ sư công nghệ thông tin, kể cho nhau nghe những ý tưởng, với tôi là những màu sắc, họa tiết, còn hắn là những phần mềm. Hồi đó hắn thi vào Đại học Bách khoa nhưng không đỗ, tôi cũng nghe loáng thoáng hắn không thi lại Đại học mà đi học ở một trường nào đó, nhưng cuộc sống mới đã cuốn tôi đi, mất liên lạc với hắn và đến gần đây mới gặp lại.
 
Việc gặp lại bạn cũ là bình thường. Nhưng điều đáng nói là, tôi gặp hắn trong hoàn cảnh: một nhân viên đi gặp giám đốc công ty đối tác. Đúng thế, hắn đang làm giám đốc một công ty phần mềm mà chúng tôi đang cần hợp tác để chuẩn bị cho dự án sắp tới. Tôi không khỏi ngỡ ngàng khi gặp lại thằng bạn ngày đó, giờ đang đứng trước tôi, complet và lịch thiệp bắt tay tôi. Buổi đàm phán chuyển thành câu chuyện của hai người bạn lâu ngày gặp lại.
 
Sau ngày hôm đó, tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Hắn nói, trượt Đại học, bố mẹ sắp xếp cho đi học một trường trung cấp, ra trường sẽ có việc làm luôn, tất nhiên sẽ mất một khoản tiền chạy việc, nhưng ổn định. Nhưng hắn không từ bỏ giấc mơ mà trong suốt năm lớp 12, hắn đã chia sẻ với tôi. Đấu tranh dài ngày, hắn đã được bố mẹ đồng ý cho đi học CNTT ở một trường đào tạo lập trình viên. Học xong 2 năm, hắn đi làm. Sau 2 năm, cánh đã đủ rộng, hắn bay ra ngoài mở công ty riêng. Đến lúc này, tôi mới tốt nghiệp, và đang là kẻ làm thuê, thì hắn đã có 3 năm kinh nghiệm, và đang làm ông chủ.
 
Hắn hỏi tôi về giấc mơ ngày xưa, hỏi tôi còn hay vẽ và may quần áo không. Ngồi trước hắn, kẻ đã “làm nên chuyện” với giấc mơ của mình, tôi chỉ biết cười trừ, rằng “Tôi bận quá, nên lâu rồi cũng không…”. Hắn lặng im, sau mới nói, nhẹ như gió: “Hồi đó, tôi cứ nghĩ bà sẽ là một NTK nổi tiếng, bà vẽ đẹp và may cũng đẹp…”
 
Nhiều ngày sau đó, tâm trí tôi bị câu nói nhẹ như gió kia choán ngợp. Cho đến khi tôi bị sa thải, câu nói ấy càng quẩn quanh. Những ngày này, tôi nhớ giấc mơ của tôi da diết. Lục lại những bộ cánh bé tí, những bản vẽ từ rất lâu, đã ngả màu, tôi bật khóc. Những áp lực thất nghiệp sau 4 năm miệt mài, tốn không ít tiền của, cộng thêm cảm giác thất bại với chính giấc mơ của mình, nặng nề hơn bất cứ thứ gì.
 
Tôi đã đi trên lối mòn nhiều người từng đi qua. Tôi gác tình yêu, đam mê lại phía sau giấc mơ của người khác. Vì không muốn bố mẹ, họ hàng thất vọng, tôi đã đánh mất niềm tin của chính mình, cũng là niềm tin của cả cậu bạn kia.
 
Tôi bắt đầu dằn vặt mình bằng những câu giá như: Giá như tôi đủ dũng cảm để đi một con đường khác; giá như tôi đủ can đảm đấu tranh với bố mẹ, để thoát khỏi suy nghĩ “phi thương bất phú”, phải học kinh tế mới giàu; giá như tôi thế này, thế nọ,…Thậm chí tôi còn nghĩ, nếu ngày đó, tôi trượt Đại học, như bạn tôi, thì tôi đã khác, đang ngồi ở đây, viết cho các bạn một bài viết khác. Tôi không dám thừa nhận tôi ngưỡng mộ cậu bạn tôi. Vì ở điểm xuất phát, hắn cũng như tôi. Nhưng thực tế,  tôi kém cỏi hơn hắn, vì ngại rẽ ngang, và vì sợ hãi, không dám đuổi theo cái mình muốn khi không có ai ủng hộ.
 
Nếu ai đó đang nghĩ rằng tôi phê bình giáo dục Đai học, thì có chút lầm lẫn. Tôi không đủ để đưa ra những bình luận mang tầm vĩ mô như thế. Đại học vẫn là con đường đến thành công cho nhiều người, nhưng không đúng với tôi. Tôi thành công khi đỗ Đại học, nhưng tôi không thành công trên đường đời, chỉ đang mải miết chạy theo cơm áo gạo tiền, làm thuê cho kẻ khác thay vì sống trọn vẹn với những gì mình thích.
 
Tôi đang suy nghĩ rất nghiêm túc. Nếu có một ước mơ, thì điều cần làm, chỉ là bước tiếp. Thất bại trong chính giấc mơ của mình mà thành công với giấc mơ của người khác, có thể là điều đáng sợ nhất. Có thể, tôi sẽ bắt đầu mơ lại một giấc mơ…
 
Sưu tầm

Trao đổi thông tin

Quý khách có thể dùng mẫu bên dưới để trao đổi thông tin với chúng tôi.

Authenticate image

Vui lòng nhập vào thông tin phía trên để trao đổi

Quản lý tài khoản

Trợ giúp

Giới thiệu