Ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm trong bếp

2013-07-01 12:26:17

Thực phẩm có thể bị nhiễm khuẩn trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình mua bán, bảo quản, sơ chế hay nấu nướng. Một số bí quyết dưới đây có thể giúp hạn chế nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm cho gia đình.

1. Giữ vệ sinh


- Rửa tay với xà phòng và nước ấm dưới vòi nước đang chảy trước và sau khi chuẩn bị thức ăn, đặc biệt là đối với những thực phẩm như thịt sống, thịt gia cầm, cá, tôm, cua, sò và trứng.

- Vệ sinh tay sau khi sử dụng toilet, thay tã cho em bé hoặc sau khi sờ vào vật nuôi trong nhà.

- Rửa sạch các dụng cụ nấu nướng, thớt và những bề mặt trong bếp bằng nước xà bông nóng.

- Tránh nấu ăn khi đang bị tiêu chảy.

- Băng kín các vết đứt và vết bỏng trên tay bằng băng dính và mang găng tay trước khi chạm  vào thức ăn.

- Rửa sạch trái cây và rau xanh dưới vòi nước chảy rồi đặt vào rổ, khay hoặc đĩa sạch sẽ.

-  Khử trùng các loại khăn lau trong bếp bằng nước nóng và thuốc tẩy.

2. Cách hâm nóng thức ăn


- Nhiệt độ tối thiểu để ngăn ngừa tình trạng nhiễm khuẩn ở những thực phẩm đã được nấu chín là khoảng 74 độ C. Do đó, bạn cần đun nóng thức ăn đạt đến nhiệt độ cần thiết, đặc biệt là những món dành cho phụ nữ mang thai, người già và trẻ em.

- Thực phẩm được nấu dang dở, chưa chín có thể chứa khá nhiều vi khuẩn. Cần nấu sôi các món nước sốt, súp… Đối với trứng, phải nấu thật chín cả lòng đỏ lẫn lòng trắng. Các loại sò, ốc sẽ chín khi lớp vỏ của chúng hé mở. Cá cũng là loại thực phẩm cần được nấu chín kỹ.

3. Phòng tránh nhiễm khuẩn

- Bọc kín thức ăn thừa và các loại thịt sống để chúng không nhỏ nước xuống những món ăn khác. Không để chúng  gần những món ăn đã được nấu chín.

- Sử dụng các dụng cụ thái, cắt, đĩa đựng và thớt riêng biệt dành cho thịt sống vì vi khuẩn từ những vật dụng này có thể lây nhiễm sang các thực phẩm khác như rau xanh và trái cây…

- Thường xuyên vệ sinh các bề mặt được dùng làm nơi chế biến món ăn bằng khăn giấy và khăn lau sạch.

4. Tầm quan trọng của tủ lạnh


- Đối với những loại thực phẩm nhanh hỏng hoặc đã được sơ chế, bạn nên giữ lạnh chúng trong khoảng hai giờ. Trong trường hợp để ở nhiệt độ bình thường trong phòng bếp (khoảng 32 độ C), cần nấu chúng ngay trong vòng một giờ kể từ khi mua về hoặc khi đã được sơ chế.

- Nước ướp thịt cần được bảo quản trong tủ lạnh thay vì để bên ngoài.

- Giữ đông những loại thịt gia cầm, cá và hải sản trong vòng hai ngày kể từ khi mua về, từ ba đến năm ngày đối với thịt bò, bê, cừu hoặc heo.

- Để bảo quản thức ăn thừa tránh bị ôi thiu, cần nhanh chóng cho chúng vào các thố đựng và giữ lạnh trong ngăn mát hoặc ngăn đông của tủ lạnh.

- Tuyệt đối không giữ lạnh thức ăn thừa lâu quá 4 ngày.

5. Bí quyết rã đông an toàn


- Nếu muốn rã đông thịt trong tủ lạnh, bạn nên giữ nguyên bao bì đựng thịt để trong quá trình rã đông, nước thịt không nhỏ giọt trong tủ lạnh và lây nhiễm vi khuẩn sang những thực phẩm khác. Sử dụng thịt gia cầm, thịt băm và cá đã được rã đông trong ngày. Đối với các loại thịt khác, có thể dùng trong khoảng từ ba đến năm ngày…

- Khi rã đông bằng nước lạnh, phải giữ nguyên bao bì của thực phẩm khi cho chúng vào nước và thay nước thường xuyên sau khoảng 30 phút. Đối với những gói thực phẩm có kích thước nhỏ, bạn có thể đặt chúng dưới vòi nước chảy để quá trình rã đông diễn ra nhanh hơn. Nấu thực phẩm ngay khi chúng đã được rã đông hoàn toàn.

6. Kiểm tra nguồn gốc của thực phẩm và nguồn nước sử dụng

- Phải sử dụng nước sạch để rửa trái cây và rau xanh.

- Trái cây và rau xanh phải được rửa thật kỹ, có thể ngâm thêm nước muối nếu cần thiết.

- Nên chọn sữa và nước trái cây tiệt trùng để thay cho các loại sữa và nước trái cây tươi. Pho mát và sữa chua cũng sẽ an toàn hơn nếu bạn chọn loại được làm từ sữa tiệt trùng.

- Chỉ ăn những thực phẩm đã được nấu chín kỹ. Thức ăn sống hoặc chưa chín có thể chứa những vi khuẩn nguy hiểm.

- Tránh dùng những món có chứa trứng sống.

- Sử dụng những loại hải sản có nguồn gốc rõ ràng, tươi sống.

7.  “Chăm sóc” các lọ và hộp đựng thực phẩm


- Thực phẩm trong những hộp đựng bị phình lên có thể chưa được chế biến kỹ. Ngoài ra, không khí có thể đã xâm nhập vào lọ đựng, khiến chúng bị phồng lên. Những hộp, lọ đựng bị lõm ở phần nắp có thể là do thực phẩm đã bị nhiễm khuẩn.

- Nếu nhìn thấy niêm phong của lọ hay hộp đựng thực phẩm đã bị mở thì thực phẩm có thể đã bị ôi, thiu.

8. Trong quá trình phục vụ món ăn


Độ tươi ngon của thực phẩm có thể bị ảnh hưởng trong quá trình chúng được dọn ra, chuẩn bị phục vụ cho bữa ăn. Do đó, bạn hãy lưu ý đến một số yếu tố sau:

- Đối với những món nóng, nhiệt độ phải được giữ ở mức khoảng 60 độ C. Đối với những món lạnh, nhiệt độ khoảng 7 độ C hoặc thấp hơn. Do đó, cần bảo quản thức ăn ở nhiệt độ an toàn trong những chiếc khay đựng có chức năng giữ nóng hoặc khay có chứa đá để giữ lạnh. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng những chiếc thố cạn để giữ đúng nhiệt độ của món ăn.

- Dọn thức ăn thừa ngay sau bữa ăn và cho vào tủ lạnh.

- Không tiếc rẻ những phần thức ăn thừa đã để bên ngoài hơn hai giờ hoặc một giờ nếu thời tiết nóng.

Sưu tầm

Trao đổi thông tin

Quý khách có thể dùng mẫu bên dưới để trao đổi thông tin với chúng tôi.

Authenticate image

Vui lòng nhập vào thông tin phía trên để trao đổi

Quản lý tài khoản

Trợ giúp

Giới thiệu