Những nền văn hóa cổ đại sử dụng con người làm vật hiến tế (phần 1)
2016-09-21 10:26:31
Thế giới hiện đại của chúng ta ngày nay cho rằng, việc dùng sinh mạng con người để hiến tế là hành động tàn ác, vô nhân đạo. Tuy nhiên, không ít nền văn hóa cổ đại lại coi "hiến tế người" là một phần rất bình thường trong cuộc sống của họ.
Nghi lễ giết chóc này không chỉ nhằm mục đích cầu xin sự che chở, ban ơn từ các vị thần mà còn là hành động thể hiện sự tôn trọng và hiến dâng bản thân mình đối với thủ lĩnh của họ.
1. Người Carthaginian
Xã hội của người Carthaginian là một trong những nền văn minh giàu có và tân tiến nhất thời cổ đại. Nhưng trái ngược với nền văn minh đó, những nghi lễ hiến tế mà thậm chí kẻ man rợ nhất ở thời đó phải thấy kinh hãi vẫn được tiến hành hợp pháp.
Cư dân Carthaginian cho rằng, việc hiến dâng những đứa trẻ có thể giúp họ nhận được ân huệ từ các vị thần, kiểm soát được sự gia tăng dân số. Họ cũng tin, sự giàu có của những gia đình khá giả chỉ có thể được giữ vững khi hiến tế đứa con của chính mình.
Khoảng từ năm 800 - 146 TCN, khi người La Mã xâm chiếm thành Carthage, 20.000 đứa trẻ sơ sinh đã trở thành vật hiến tế. Tuy nhiên, một số nhà khoa học tin, chúng không thực sự bị giết mà chết do bệnh dịch hoành hành.
2. Người Etruscan
Etruscan là tộc người cổ đại sinh sống tại Tuscany miền Tây nước Ý. Họ chủ yếu là nông dân và thương nhân giao dịch qua lại giữa Hy Lạp và Carthage.
Các chuyên gia đã tìm được một vài khúc xương người lớn, trẻ em và cả trẻ sơ sinh mà người Etruscan đã dùng để tế lễ ở Tarquinia (Italy). Trong số đó chủ yếu là người nước ngoài, người bệnh hoặc những người có địa vị thấp trong xã hội.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn hiểu hơn về nghi lễ mà tộc Etruscan thực hiện lễ hiến tế - bao gồm bàn thờ đá, một chiếc hộp đựng các công cụ tế lễ như kèn trumpet, cây rìu và một chiếc khiên.
3. Người Trung Quốc
Dùng người làm vật hiến tế đã từng diễn ra rất phổ biến ở đất nước Trung Hoa cổ đại, đặc biệt dưới triều đại nhà Thương - triều đại đầu tiên của Trung Quốc được ghi chép trong sử sách.
Theo các nhà khảo cổ học, nghi lễ này được thực hiện bởi hai mục đích: thứ nhất là để kiểm soát vấn đề chính trị, thứ hai là phục vụ sự kết nối tôn giáo.
Các chuyên gia tin rằng, vào triều Thương có ba loại nghi thức tế người. Nghi thức thứ nhất được thực hiện dưới tầng hầm, vật hiến tế được lựa chọn là các chàng trai trẻ. Thi thể của họ bị chặt ra sau đó chôn xuống đất.
Nghi thức thứ hai sử dụng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Các chứng cứ khảo cổ học cho thấy, những đứa trẻ này đã phải chịu một cái chết rất đau đớn và tàn khốc. Còn nghi thức cuối cùng, không giống như hai nghi thức trên, những cô gái bị hiến tế được chôn cất rất cẩn thận, thi thể họ còn nguyên vẹn hoàn toàn.
4. Người Celt
Người Celt coi việc hiến tế người như một nghi lễ tôn giáo thông thường. Điều này không chỉ được các sử gia La Mã và Hy Lạp cổ đại ghi chép lại mà còn được xác thực bởi những chứng cứ của nhà khảo cổ học hiện đại ngày nay.
Strabo - một nhà địa lý, triết gia người Hy Lạp đã nhắc đến nghi lễ tế người của tộc Celt trong cuốn sách của ông. Ông nói: "Để thực hiện lễ hiến tế, họ (người Celt) đã đâm một người đàn ông từ đằng sau và tiến hành dự đoán tương lai thông qua độ co cứng của tử thi".
Nhiều học giả vẫn còn nghi ngờ về tính xác thực trong lời lẽ của Strabo cũng như sử gia người Hy Lạp - La Mã do những ghi chép này có thiên hướng tuyên truyền chính trị.
Tuy nhiên, việc tìm ra thi thể nam giới trong đầm lầy Lindow đã đủ để chứng minh rằng người Celt thực sự có nghi lễ tế người sống. Người đàn ông Lindow này được cho là đã bị "treo lên, bị đánh vào đầu và bị cắt cổ rất nhanh trước khi ném xuống đầm lầy".
Theo kenh14.vn