Phụ nữ cũng là con cái của cha mẹ, họ được sinh ra và nuôi dạy đàng hoàng, năng lực làm việc không kém gì nam giới. Vậy cớ gì một khi lấy chồng, có con và nhất là lấy chồng giàu thì họ được cho là nên ở nhà?
Ở nhà làm hậu phương vững chắc
Câu này tôi chắc nhiều cô nhiều chị được các mẹ các bà mình dặn dò, nhắn nhủ không ít lần. Nào gia đình là tổ ấm, đàn bà phải biết vun vén sao cho cơm lành canh ngọt, chăm sóc con cái, để ý “đối Nội đối Ngoại”. Nào phải biết hy sinh, nhẫn nhịn, chồng sang con sướng thì mình nở mày nở mặt chứ ai…
Thành ra, sự nghiệp của người phụ nữ bỗng nhiên trở thành thứ yếu. Rủi thay cho cô nào có chút sự nghiệp, lấy anh chồng giàu thì càng dễ trở thành đối tượng được các dì, các cô khuyên ở nhà cho sướng thân hay ít ra cũng ở nhà chăm con cho tốt.
Tôi không thành kiến với quan niệm phụ nữ nên là hậu phương vững chắc trong gia đình, dù sao đó cũng là một sự phân công có phần hợp lý. Nhưng làm “hậu phương” thực ra đâu có sướng thân, cũng chưa chắc đã tốt cho con cái!
Mẹ đi làm có cơ hội cập nhật kiến thức chăm sóc con tốt hơn. Ảnh minh họa: Reuters
Tủi phận hậu phương
Cái việc làm mang tên hậu phương đó tính ra cũng cỡ 5 nghề cộng lại: giúp việc, điều dưỡng, cô giáo, kế toán và quan hệ công chúng.
Tôi tính thử, nếu thuê một người giúp việc nấu ăn, trông nom và dọn dẹp nhà cửa, đưa đón con mình đi học… mỗi tháng sẽ tốn khoảng 4 triệu đồng. Lương một cô giáo mầm non hoặc tiểu học để dạy dỗ con mình ít nhất 4 triệu nữa. Mức lương cho một nhân viên điều dưỡng có kiến thức và kỹ năng chăm sóc trẻ bị bệnh cũng không dưới 4 triệu.
Chưa kể trả lương cho người làm kế toán để cân đối thu chi trong nhà, lập kế hoạch tiết kiệm… đâu đó cũng tầm 4-5 triệu. Cuối cùng, nhân viên quan hệ công chúng để lo đối Nội đối Ngoại, xây dựng và gìn giữ các mối quan hệ bạn bè và đồng nghiệp của chồng lương tệ lắm cũng phải 5-6 triệu.
Sơ sơ vậy đã thấy mỗi tháng chi phí tiền lương cho năm nhân viên nói trên không dưới 20 triệu đồng. Vậy mà cái người phụ nữ hậu phương kiêm nhiệm công việc của cả năm người đó thường không được trả lương tương xứng.
Buồn hơn, nhiều khi họ lại mang tiếng ăn bám chồng, hoặc bị các mợ, các cô hàng xóm dè bỉu nếu nuôi con không được bụ bẫm, lanh lợi. (Mà mấy cái tiêu chí bụ bẫm và lanh lợi này thì hết sức cảm tính và lắm khi mang nhiều ác ý).
Dại gì ở nhà!
Phụ nữ được nuôi dạy đàng hoàng, có năng lực làm việc mà phải ở nhà chẳng phải là một sự lãng phí sao? Hơn nữa, gia đình chỉ có một nguồn thu nhập thì thật bấp bênh trong thời buổi thóc cao gạo kém, việc làm không ổn định và nhiều rủi ro hiện nay.
Tôi chứng kiến nhiều trường hợp vợ ở nhà nội trợ, gặp lúc chồng trắc trở đường sự nghiệp, giảm hoặc vì lý do bất khả kháng bị mất thu nhập thì khốn đốn. Nhiều chị em ở nhà lâu ngày, ít tiếp xúc xã hội và chậm cập nhật thông tin thành ra không theo kịp con và khó nuôi dạy con cho tốt. Chưa kể khoảng cách giữa chồng và vợ ngày càng xa, hạnh phúc gia đình càng khó dung hòa khi hai bên không thông hiểu được nhau.
Vậy nên, nếu người chồng không đủ khả năng trả lương tương xứng cho vợ làm việc nhà, hãy để cô ấy cùng bước ra xã hội lao động và tự tin phát triển cùng nhau. Việc nhà chẳng bao giờ hết, cả hai cùng làm việc ngoài xã hội thì cũng cùng san sẻ những trách nhiệm trong gia đình.
Cuộc sống đã khác, vai trò của chồng và vợ trong gia đình cũng nên điều chỉnh cho phù hợp. Ai còn quan niệm đàn bà chỉ để loanh quanh nội trợ, nương bóng tùng quân thì chỉ có thể là những người đàn ông thiếu bản lĩnh mà thôi!
Theo Sơn Khê - Guu.vn