Sáng kiến để vượt qua khủng hoảng
2015-04-07 14:54:44
“Trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt, chúng ta cũng cần phải chia sẻ khó khăn với khách hàng. Tuy lợi nhuận giảm sút nhưng chúng ta sẽ giữ được những khách hàng trung thành. Đó là cách duy nhất để vượt qua khủng hoảng và tồn tại”
Do tình hình khó khăn chung của nền kinh tế mà cả trang trại trồng táo rộng lớn của ông Nakata sắp đến vụ thu hoạch nhưng không nhận được một đơn đặt hàng nào. Đám người làm công trong trang trại biết chuyện thì bàn tán xôn xao nhưng lo nhất vẫn là ông Nakata.
Hàng ngày ông đi lại không biết bao nhiêu lần quanh các cây táo, lòng nặng trĩu buồn phiền, nhìn các quả táo đang dần chín mọng, thơm ngào ngạt, ông Nakata nghĩ mãi vẫn chưa có cách nào để có thể bán được chúng.
Buổi chiều nọ, khi đang đứng dưới một gốc táo thì một quả táo chín bỗng rụng vào người ông Nakata, ông nhặt quả táo lên thì thấy trên quả táo có một chiếc lá úa dính vào quả táo chắc đã lâu. Khi ông bóc chiếc lá ra thì chiếc lá đã in thành một vùng màu xanh trên quả táo chín đỏ trông rất lạ. Một ý nghĩ chợt nảy đến trong đầu làm ông Nakata rất vui mừng, ông cho gọi người quản lý đến và hỏi tên những công ty lớn vẫn thường đặt hàng táo của trang trại mình. Ông cho đặt hàng nghìn những miếng giấy nhỏ có in tên của các công ty này, ông huy động tất cả các người làm công đi dán kín những miếng giấy này lên các quả táo còn xanh. Tất cả người làm đều không hiểu và nói với nhau rằng đã không bán được táo còn phải làm những việc vớ vẩn, mất công.
Mười ngày sau, táo chín, khi bóc những miếng giấy được dán kín ra, tên của những công ty nhập táo được in ngay ngắn trên quả táo nhìn rất hay và đẹp, tất cả mọi người đều ồ lên kinh ngạc. Ông Nakata hỏi một người làm công: “Nếu cho anh lựa chọn mua những quả táo bình thường không rõ nguồn gốc với những quả táo có gắn tên công ty đàng hoàng như thế này, anh sẽ chọn loại nào?”. Tất cả những người làm công lúc ấy đã hiểu ra, họ ồ lên nói to: “Tất nhiên ai cũng sẽ chọn loại táo có xuất xứ được đảm bảo, thưa ông”.
Quả đúng như vậy, khi được tặng những thùng táo có in tên công ty mình, các công ty đó rất ngạc nhiên và đều gửi tới tấp đơn đặt hàng về cho trang trại của ông Nakata. Và đúng như ông dự đoán, các lô hàng bán hết rất nhanh.
Sau vụ táo, người quản lý báo cáo với ông Nakata rằng doanh thu không được như các vụ trước vì phải trừ chi phí in tên khá nhiều. Ông Nakata gật đầu bảo: “Trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt, chúng ta cũng cần phải chia sẻ khó khăn với khách hàng. Tuy lợi nhuận giảm sút nhưng chúng ta sẽ giữ được những khách hàng trung thành. Đó là cách duy nhất để vượt qua khủng hoảng và tồn tại”.
Theo ANTĐ