Sự chừng mực đáng giá

2017-10-25 14:18:24

Tôi nghĩ, sự chừng mực trong giao tiếp luôn được số đông chúng ta đánh giá cao và chọn lựa là cách thức để biểu lộ xúc cảm trong rất nhiều trường hợp.

Thái độ chừng mực, lối đối đãi chừng mực hoàn toàn không đồng nghĩa với sự ba phải, không rõ ràng trong khen-chê, yêu-ghét, trái lại đó là sự tiết chế có chủ đích trong việc biểu lộ mọi cung bậc cảm xúc một cách không ồn ào thái quá; là sự cân nhắc đắn đo để đưa ra những khen-chê, yêu-ghét của mình sao cho sâu hơn, có giá trị hơn, chứ không phải là những thứ xúc cảm nhất thời, bốc đồng, nóng vội.

Dễ nhận thấy những đối nghịch với chừng mực là sự vội vàng, sự thái quá trong khen chê- có nghĩa là khen ai thì cứ khen vống lên, nói bốc lên rất nhiều lần so với thực tế. Khen vống, khen quá lên đến mức người nghe xung quanh cũng cảm thấy sượng sùng vì sự không thật lòng đã lên đến đỉnh điểm và lồ lộ ra rồi, còn đối tượng được ''bốc giời'' lên cũng cảm thấy...sởn gai ốc vì ngượng!  Còn ghét ai ư? Những người nếu đã ưa cho người khác lên mây xanh thì cũng có sự hả hê đến mức ác độc khi muốn ''di người khác dưới gót giày'' nếu như họ ghét một ai đó. Nếu đã ghét ai thì họ ''ghét như đào đất đổ đi'', ''ghét cả tông chi họ hàng''.

Bất cứ biểu hiện gì dù là nhỏ của đối phương cũng gây khó chịu, gây ngứa mắt... Thành ngữ ''ghét như đào đất đổ đi'' được Từ điển Tiếng Việt của Nhà xuất bản Từ điển bách khoa giải thích là:'' ghét hết mức, ghét không còn muốn nhìn mặt nữa, như đào đất chố cằn đổ đi''. Các cụ ngày xưa cũng giảng giải nghĩa của sự '' ghét như đào đất đổ đi'' là khi mà kẻ bị ghét đứng ở chỗ nào, khi rời chỗ đó thì người ghét lấy xẻng xúc chỗ đất người kia vừa đứng để đổ đi. Thế mới biết cái sự ghét cũng mạnh mẽ, dứt khoát đến chừng nào! 

Hãy dè chừng, thậm chí là hãy cảnh giác cao độ trước những lời khen ngợi sống sượng bởi biết đâu họ khen lỡm ta, biết đâu đằng sau những bốc thơm là những diễu cợt, mỉa mai mà ta-đối tượng được khen bao giờ cũng là người cuối cùng nhận ra chân tướng của sự khen ngợi không tiếc lời ấy? Tất nhiên, ở đời vẫn còn vô vàn những người chỉ thích nghe khen, nghe nịnh( chính vì thế, nhũng kẻ nịnh hót mới nhiều như nấm ngày mưa), nhưng tất cả những người tự trọng, những người biết mình biết ta sẽ vô cùng ghét những thói giả dối đó.

Sự chừng mực trong thể hiện cảm xúc không những giúp ta chọn lựa ngôn từ khi khen chê mà còn thể hiện ra cả những hành vi của chúng ta nữa.Tôi luôn bị ám ảnh bởi một phụ nữ đã đứng tuổi mà khi vui thì nhảy chân sáo nhún nhảy, khi chợt nghe được bài hát ưa thích thì hét lên, cười to lên đầy phấn khích rồi hát theo, rồi ôm chầm người này rồi ghé vào sát mặt người kia cười nói rổn rảng...nghĩa là một sự thể hiện cảm xúc rất đỗi ồn ào náo nhiệt-một sự ồn ào thái quá hình như được chủ nhân cố tình đẩy lên nên ai chứng kiến cũng cảm thấy đấy là một sự phô diễn chứ không phải là những cảm xúc thật.

Tôi cũng chứng kiến người phụ nữ này khi khen ai để lấy lòng thì thật là ...ác mộng. Sự khen vống lên một cách vô tội vạ khiến người được khen không những không thấy tự hào mà còn cảm thấy như mình bị đặt vào một sự lố bịch có chủ ý.  Viết đến đây tôi lại liên tưởng đến trong đám đông tuổi mới lớn thần tượng sao Hàn đã khóc rưng rức, khóc đến ngất đi khi gặp Thần tượng của họ. Tôi luôn nghĩ họ thật đáng thương và cũng thật... đáng sợ. Không hiểu thật sự trong đầu những Thần tượng ấy nghĩ gì chứ tôi thì chỉ thấy sợ sợ và bực bội trước mọi sự thể hiện thái quá ấy mà thôi!

Theo Báo Mới

 

Trao đổi thông tin

Quý khách có thể dùng mẫu bên dưới để trao đổi thông tin với chúng tôi.

Authenticate image

Vui lòng nhập vào thông tin phía trên để trao đổi

Quản lý tài khoản

Trợ giúp

Giới thiệu