Thị trường quà tặng Mỹ - Xu hướng và cơ hội
2013-11-30 16:10:07
Xu hướng thị trường
Ranh giới giữa hàng quà tặng nói chung và vật dụng trang trí dần dần biến mất cùng với sự thống trị của thị trường đồ dùng trong nhà. Tại Mỹ, khúc thị trường đồ dùng trong nhà (bao gồm nến, khung tranh, đồ trang trí trên bàn và lọ hoa) có giá trị khoảng 17 tỷ USD.
Một xu hướng mới nổi trên thị trường quà tặng Mỹ nói chung đó là sự chuyển hướng từ việc khách thường mua quà để tặng người khác sang việc thường xuyên mua quà cho chính bản thân mình. Một phân khúc thị trường quan trọng cho đối tượng mua quà cho chính bản thân mình bao gồm các sản phẩm đồ dùng trong nhà, các sản phẩm dầu thơm dùng để xoa bóp, nến nghệ thuật, đồ trang trí giáng sinh, đèn, khăn ăn, khăn trải bàn, trải giường bằng vải lanh, đồ chơi, đồ trang trí bằng vải nhung lông.
Dường như việc khám phá sản phẩm mới, nguyên liệu, nguồn hàng mới làm cho người tiêu dùng Mỹ rất nôn nóng, do vậy các nhà cung cấp cần phải nhanh chóng đưa ra các thiết kế mới, sản phẩm mới cho các nhà phân phối và khách hàng.
Người tiêu dùng Mỹ mua hàng qua Internet ngày càng nhiều. Điều quan trọng là người tiêu dùng sử dụng internet như một phần của quá trình tìm kiếm và tìm hiểu sản phẩm để mua tại các cửa hàng bán lẻ. Sự tồn tại và khả năng truy cập internet đối với người tiêu dùng đã trở thành một nguồn tiếp cận khách hàng hợp pháp của nhà sản xuất. Internet tạo cơ hội cho nhà sản xuất cung cấp thông tin về sản phẩm cho khách hàng. Do đó, website cần phải dễ sử dụng, dễ truy cập các thông tin về sản phẩm.
Nhóm sản phẩm có cơ hội thâm nhập thị trường quà tặng Mỹ
Khúc thị trường các sản phẩm tranh nghệ thuật, gốm nghệ thuật đồ trang trí ở công ty và ở nhà, tường nghệ thuật là thị trường đang tăng trưởng; quà tặng dành cho các công ty, đồ trang sức, tượng, dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt. Doanh số bán thiệp chúc mừng tương đối bão hòa do người ta sử dụng nhiều thiệp điện tử, tuy nhiên doanh thu từ giấy gói quà, ruy băng, túi đựng quà vẫn tiếp tục tăng. Thường ngành công nghiệp này có lợi nhuận thấp và cạnh tranh cao, đặc biệt các đối thủ cạnh tranh chính là Hallmark và American Greetings. Đèn, thiết bị chiếu sáng cũng là thị trường đầy triển vọng. Đồ dùng bằng vải lanh (vỏ gối, vỏ chăn, mền) tăng trưởng mạnh do thị trường hướng tới đồ dùng sang trọng trong nhà. Khung ảnh đặc biệt là mặt hàng được ưa thích phản ánh xu hướng người tiêu dùng ngày càng hướng về gia đình. Đối với dòng sản phẩm bộ đồ ăn thì các sản phẩm tăng trưởng nhanh gồm đồ sứ trắng có gắn kim loại chạm trổ tinh xảo, quà tặng cưới, và bộ đồ ăn tối cho trẻ em. Các quà tặng khác như sản phẩm tinh dầu thơm, nến, lọ hoa ... cũng là nhóm sản phẩm có nhiều triển vọng trên thị trường quà tặng Mỹ.
Thâm nhập thị trường quà tặng Mỹ
Tại Mỹ có hơn 70.000 của hàng bán quà tặng. Những nhà bán lẻ sản phẩm quà tặng thường mua hàng thông qua đại diện của những nhà sản xuất và thích làm việc trực tiếp với nhà cung cấp tại nước họ để thực hiện và nhận các đơn hàng. Nhiều đại diện của các nhà sản xuất sản phẩm quà tặng và đồ dùng trang trí nội thất thường có phòng trưng bày để trưng bày dòng sản phẩm hiện có cũng như giới thiệu các sản phẩm mới. Đối với phần lớn nhà sản xuất sản phẩm quà tặng, đến thăm quan và tham dự các hội chợ thương mại là một cách tốt để tìm hiểu đối thủ cạnh tranh trên thị trường và tìm kiếm các kênh phân phối.
Sử dụng đại diện các nhà sản xuất cho phép nhà sản xuất chia Bắc Mỹ thành nhiều khu vực thị trường có thể kiểm soát được, cho phép họ kiểm soát thị trường chặt chẽ hơn cũng như khai phá mở rộng thị trường mới. Các đại diện thường xác định nhiều phân đoạn thị trường mục tiêu hơn là chỉ chuyên vào một đoạn thị trường nhất định. Ví dụ, đối với đại diện các nhà sản xuất trong lĩnh vực quà tặng họ thường nhắm đến những nhà cung ứng sản phẩm cuối cùng như các nhà bán buôn, các siêu thị, các cửa hàng chuyên biệt, có thể cả các công ty đặt hàng qua thư.
Đại diện các nhà sản xuất thường kinh doanh các mặt hàng được ưa chuộng sẵn và không thực hiện các mặt hàng phải cạnh tranh và họ thường nhận thù lao trên cơ sở tiền hoa hồng. Do đó họ thường quan tâm đến dòng sản phẩm bán tốt trong khi các nhà nhập khẩu, các nhà phân phối thường làm nhiều dòng sản phẩm có tính cạnh tranh và sử dụng thương hiệu riêng của mình.
Giá cả và tính độc đáo của sản phẩm luôn là những yếu tố chính tạo nên sự thành công cho bất kỳ cách thức thâm nhập thị trường nào. Đối với bất kỳ kênh phân phối nào, kho hàng tại chỗ và chịu trách nhiệm vận chuyển sản phẩm thường được ưa chuộng hơn. Do đó, các công ty thâm nhập thị trường Mỹ sử dụng đại diện của những nhà sản xuất cần xác định những nhà đại diện có kho hàng tốt (có các dịch vụ kho hàng tốt), có khả năng cung cấp sản phẩm theo yêu cầu của đại lý hay người mua hàng cuối cùng.
Kênh phân phối
Với quy mô tiềm năng của thị trường quà tặng Mỹ, có một số kênh phân phối cho nhà xuất khẩu sản phẩm quà tặng lựa chọn tùy thuộc vào đoạn thị trường tiêu dùng mục tiêu, chiến lược giá cả, khả năng sản xuất và ngân sách cho marketing.
Theo Data Monitor, kênh phân phối chính đối với sản phẩm quà tặng gồm:
- Các nhà bán buôn (Wal-Mart, K-mart, Target và Kohl's): chiếm 36% doanh số bán (và kênh này đang phát triển)
- Siêu thị (Dayton-Hudson, Macy's, Saks) chiếu 30% doanh số bán
- Chuỗi cửa hàng (Sears, JC Penney, Montgomery Ward) chiếm 7%
- Các cửa hàng chuyên biệt (Ross, Toys-R-Us, Bed, Bath and Beyond, Linens-N-Things) chiếm 12%
- Các cửa hàng bán lẻ chuyên biệt của cá nhân độc lập chiếm 7%
- Đặt hàng qua thư (Spiegel, Hanover Direct, Pottery Barn) chiếm 7% doanh số bán
- Các trung tâm bán hàng tại nhà (Home Deport và Lowes) chiếm 4%, kênh này bao gồm cả các nhà bán lẻ đồ trang trí trong nhà, đồ dùng sinh hoạt
- Các nhà bán lẻ qua mạng (QCV và Home Shopping Network) chiếm 1%
- Tổng cộng là 104% vì có một số nhà bán lẻ còn bán hàng bằng hình thức đặt hàng qua thư, qua mạng và các hình thức khác.
Ngân theo vietrade.gov.vn