Tình người đêm trung thu

2013-06-28 09:36:16

Vừa chấm nốt cho xong quyển vở cuối cùng, Lộc đứng lên, cô vươn vai một cái rồi bước đến bên cửa sổ ngó mông lung ra bên ngoài. Chiều vàng, vàng như phiến lá úa, phủ xuống khu phố bé nhỏ, bên bờ kênh Đôi đường Phạm Thế Hiển Q.8. Từ xa, một bài hợp ca tết Trung thu của các em thiếu nhi, vọng ra từ chiếc máy hát của một nhà nào đó.

Lộc đứng chống cằm tư lự, miệng lẩm bẩm: “Tết Trung thu rồi ư?” Cô quay lại nhìn lên bàn, một hộp bánh Trung thu nằm chễm chệ. Số phận tuy không phải lúc nào cũng mỉm cười, nhưng vẫn chưa đến nỗi khắc nghiệt đối với cô. Cha mất sớm lúc thằng Phước vừa lên sáu, năm năm trôi qua, nó đã hiểu thế nào là sự mất mát lớn lao trong cuộc đời, hai chị em cô lúc đó đã hụt hẫng tinh thần, có lúc Lộc tưởng mình phải bỏ dở việc học. Thế nhưng vòng tay ấm áp của mẹ đã ra sức chở che tất cả, tội cho mẹ, một mình mang gánh nặng của cả gia đình. Ngoài giờ bán buôn chạy chợ, mẹ còn phải nhận thêm một số hàng về may gia công để nuôi hai chị em ăn học, Lộc đã ra trường rồi đi dạy tròn một năm nay và… hộp bánh trung thu kia là của một vị phụ huynh tặng cho Lộc vì đã không lấy tiền dạy học cho con của họ.

Lộc đã từ chối đủ chuyện, viện nhiều lí lẽ rằng: “Nhà đã có rồi” “Bác đã khó khăn, sao còn mua làm gì?” “Không phải tôi dạy không lấy tiền một mình em Tí đâu” “Bác đừng làm thế, tôi áy náy…tôi giận đó!” Nhưng…cũng không xong.

Bất giác Lộc mỉm cười, tự nhủ: “Lâu lắm rồi, nhà mình cũng chưa được ăn bánh trung thu, lát nữa mẹ và thằng Phước về…sẽ mừng lắm đây.”

Bỗng dưng Lộc cảm thấy hoang mang. Một kỷ niệm không tên bay vờn trước mắt. Mùa xuân, khi hoa xác pháo rụng đầy sân. Năm ấy trời bỗng trở lạnh hơn mọi năm, buốt vào xương, thấm vào tận tủy. Mẹ Lộc ngã bệnh, cơn sốt hành hạ bà hết đợt này sang đợt khác, trong túi Lộc chẳng còn một đồng, thằng Phước luýnh  quýnh khóc oà, Lộc cũng nức nở khóc theo. Ông tám Thọ nghe tiếng khóc của hai chị em vội vàng chạy sang, rồi lấy hết mớ tiền dành dụm để lo hậu sự của ông sau này mà đưa mẹ của Lộc và Phước vào nhà thương.

Hết bệnh, ba mẹ con Lộc gom góp được một số tiền đem qua nhà ông tám Thọ cám ơn, ông nhỏ nhẹ: “Chị và cháu chưa cần phải trả tôi đâu, tôi sống có một mình, chưa sử dụng đến tiền đó…mà tiền này cũng nhờ bà con hàng xóm giúp đỡ chôn cất tôi sau này.”

Lộc thở dài, chặc lưỡi “Đến nay gia đình mình cũng chưa trả hết nợ của bác tám…Hay là…hay là mình biếu bác ấy hộp bánh này, chỉ có điều… thằng Phước thèm lắm.”

Mẹ Lộc vừa về, bà để quang gánh xuống đất, mặt đỏ gay, nhanh nhẹn lôi ra ba gói xôi: “Các con ăn đi…Tôi nghiệp! Con Mận nó bán xôi ế, mẹ mua dùm nó cho đỡ được đồng nào hay đồng ấy” Phước bước chân sáo vào nhà, nhanh nhẹn chụp lấy gói xôi, cám ơn mẹ rối rít. Mẹ Lộc cầm nón lá, quạt phe phẩy, ánh mắt dừng lại hộp bánh, ngạc nhiên: “Ủa, ai cho bánh trung thu vậy con?” Lộc ấp úng “Dạ, dạ…Một phụ huynh tặng cho con…Nhưng…” 

Phước phóng nhanh đến bàn, mở hộp bánh ra nhìn ngắm, cậu ta nuốt nước miếng đánh ực một cái, tay mân mê hộp bánh. Mẹ Lộc nói nhanh: “Đừng ăn bánh con ơi…chúng ta phải nhớ ơn bác tám.” Lộc mỉm cười, thở dài, như trút bỏ được một khối đá đang nè nặng trong tim.

Hộp bánh được đưa sang nhà bác tám Thọ, trước cặp mắt thèm thuồng của Phước, mặc kệ mẹ và chị Lộc nói chuyện, suốt cả buổi Phước loay hoay bên hộp bánh, hít lấy hít để, cậu ta mân mê, nhìn ngắm, lượm những mảnh bánh vụn nhỏ li ti cho vào miệng, rồi làm bộ nhai ngồm ngoàm như đang ăn bánh thực thụ. Bác tám từ chối không xong, cuối cùng nhận bánh, nhưng đợi hai mẹ con Lộc về, bác tám suy nghĩ: “Mình sống có một mình, cần ăn bánh làm gì…Thôi thì đem qua nhà anh hai Ngọc, con cháu ở xa. Hôm nọ mình té ngoài kênh…cũng nhờ có anh ấy cõng mình về, hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau mà…”

Bác tám Thọ tất tả ôm cứng hộp bánh qua nhà bác hai Ngọc, bác tám trịnh trọng đặt vào tay bác hai: “Tết trung thu năm nay, tôi có chút quà biếu anh” bác hai Ngọc vui vẻ: “Chiều nay anh qua đây, ăn bánh uống trà cùng với tôi nhé”.

Bác tám cười cười, viện lý do chiều nay bận việc.

Trời sụp tối mà vẫn chưa thấy bác tám qua, bác hai Ngọc ngồi một mình trước chén trà và hộp bánh, phân vân suy nghĩ: “Chỉ có một mình…ăn bánh vui sao nổi…Mình sẽ có bánh khi các con về thăm…Hay là mình tặng hộp bánh này cho vợ chồng Nam – An, vợ chồng nó giúp mình đủ thứ chuyện, đánh điện tín gọi các con về với mình, thằng Nam chở mình đi khám bệnh, con An chạy qua nấu dùm nồi cháo…Đúng, đúng rồi, mình cho cháu Dũng hộp bánh này, tết trung thu là tết của nó mà…”

Bác hai Ngọc lấy một tờ giấy hoa gói lại cẩn thận và đẹp mắt: “Ôi chao, hộp bánh đẹp quá! Coi vậy chứ mình cũng khéo tay dữ lắm à nghen.” Bác hai mặc bộ đồ đẹp đi qua nhà của vợ chồng Nam – An. Bác hai trịnh trọng bước vào, tay cầm hộp bánh đưa cho bé Dũng, rồi nhìn sang hai vợ chồng Nam – An cười: “Tết trung thu, bác tặng cho cháu Dũng hộp bánh này, mong cháu ăn nhiều, mau lớn, ngoan ngoãn nhé!” Vợ chồng Nam – An không từ chối được, đành phải cám ơn vì bác hai Ngọc nói rằng tặng cho bé Dũng mà, đợi bác hai vừa về. Hai vợ chồng nhìn nhau suy nghĩ, chị An nhỏ nhẹ nói với anh Nam: “Nhà mình dư giả, có của ăn của để. Ngày mai là tết trung thu rồi, bạn bè anh, bạn bè em sẽ tặng bánh cho coi, lúc đó mình sẽ tặng lại cho hàng xóm, cùng vui trung thu năm nay với vợ chồng mình, em cảm động vì tấm lòng của bác hai…Nhưng, có người còn thiếu thốn hơn chúng ta, vậy anh nghĩ xem, mình sẽ tặng hộp bánh này cho ai đây?” Cả hai đắm chìm trong dòng tư tưởng, họ suy nghĩ rồi cùng bật thốt lên: “Chị hai Luỹ!”

Chị hai Luỹ cầm hộp bánh, lòng bồi hồi cảm động, chị nhìn thằng Lu, thằng Nhẫn, thằng Bạc, con Vàng, con Ngọc và bé Kim đang ẳm trên tay, mà nướt mắt rưng rưng, Ban Kế hoạch hoá gia đình phường động viên vợ chồng chị đình sản, mà cả hai vợ chồng không chịu để đến nổi sinh năm một, liên tiếp sáu đứa con ra đời. Chồng chị chạy xe ôm từ sáng sớm, đến tận khuya mới về nhà, chị Luỹ vừa ôm nách một đứa con vừa nhận giặt đồ mướn cho người ta, mà vẫn không đủ sống, thằng Lu, thằng Nhẫn, thằng Bạc thất học vì không có tiền đóng tiền trường. Cô giáo Lộc thấy vậy thương tình kêu qua nhà để dạy cho mấy đứa biết được cái chữ, đã vậy cô Lộc còn mua tập cho viết, đến nay chúng nó biết đọc, biết viết, đánh vần ê a rùm khắp cả nhà. Chị Luỹ mỉm cười khi nhớ đến dáng người nhỏ nhắn của cô giáo Lộc: “Cô Lộc dạy cho các con biết được mặt chữ, mà…mình có trả tiền gì cho cô ấy đâu…Chi bằng, nhịn miệng các con lại, mình tặng cô ấy hộp bánh này…” Bầu trời, có những ánh sao đêm lấp lánh, trăng tròn vằng vặt, đủ soi sáng con đường, chị Luỹ bế xốc bé Kim, ôm hộp bánh đi nhanh đến nhà cô giáo Lộc.

Chị Luỹ khép nép bước vào nhà Lộc, tay run run đặt hộp bánh trên bàn thờ, chị ngập ngừng nhìn ba mẹ con Lộc: “Nhà cháu chở một ông khách say về đến tận nhà, người nhà tạ ơn, tặng cho mấy hộp bánh trung thu, cháu đem sang trước cúng chú, sau biếu cô và cô giáo ăn lấy thảo của nhà cháu ạ!”

Mẹ con Lộc không thể từ chối, vì chị Luỹ đem sang đặt lên bàn thờ, vả lại nghe chị Luỹ nói được người ta tặng mấy hộp bánh, nên mẹ Lộc thắp nhang, lâm râm khấn vái.

Mẹ Lộc pha một ấm trà, thằng Phước mừng như mở cờ, nó xúm xít theo chân mẹ luôn miệng hỏi: “Như vậy…như vậy là mình ăn…không có cho ai nữa hả mẹ?” Mẹ Lộc nhìn Phước cười: “Chắc phải kêu con Mận qua đây ăn bánh, tội nghiệp! Nhà nó nghèo, thiếu thốn con à” Khi hộp bánh được mang xuống bàn, tháo ra lớp giấy hoa, mùi thơm của bánh xộc vào mũi Phước, nó hít hà nuốt nước miếng ừng ực. Bất chợt nó reo lên: “Ủa, bánh này của nhà mình mà!” Mẹ và Lộc ngạc nhiên nhìn bánh, rồi nhìn Phước.

Thằng Phước lấy một cái bánh ra, tay chỉ vào dòng chữ nhỏ nhắn viết ở đáy hộp: “Tôi thèm bánh quá…Cám ơn cô Hằng Nga. Đây là chữ con viết mà!”


Mặc cho thằng Phước reo lên thích thú, hai mẹ con Lộc nhìn nhau ngạc nhiên.

 

Sưu tầm

Trao đổi thông tin

Quý khách có thể dùng mẫu bên dưới để trao đổi thông tin với chúng tôi.

Authenticate image

Vui lòng nhập vào thông tin phía trên để trao đổi

Quản lý tài khoản

Trợ giúp

Giới thiệu