"Tôi" Là "I" nhưng tôi là ai?
2013-08-23 12:06:18
Tôi nhớ con chó Léo trong cuốn Con người là gì mà tôi được tặng : « Con người thông minh quá, họ biết họ sẽ chết, như thế để làm gì, loài chó chỉ cần biết hôm nay là đủ. » Thế rồi con Léo lăn tròn trên đám cỏ mượt đầy hoa chuông và nói như thế thật hạnh phúc. Bên cạnh nó, là vị triết gia luôn đăm chiêu khổ sở với những thứ - rất – con – người.
Thế là tôi bắt đầu nhắm mắt mơ tưởng đến việc mình là một con ngựa, chạy nhảy tung tăng trên đồng cỏ, nhưng phải là ngựa vằn, thế là đời tôi sẽ chỉ có một câu hỏi ngu ngốc duy nhất để trả lời là mình thực ra là đen vằn trắng hay trắng vằn đen vậy. Tôi cũng bắt đầu đặt câu hỏi xem IQ của loài động vật cao cấp nhất có liên quan gì đến chỉ số hạnh phúc, tạm gọi HQ – happiness quotient, hay không ?
Tôi đang đọc Dự án hạnh phúc của Gretchen :’ Vào một ngày tháng Tư, một buổi sáng bình thường như bao buổi sáng khác, tôi tự hỏi mình muốn gì chứ. Tôi kết hôn với Jamie- tình yêu của đời tôi, tôi có hai cô con gái dễ thương, tôi sống ở New York – thành phố mình yêu thích. Ngay lúc này, tôi đang đi tới đi lui trên cùng một chiếc xe bus nội đô. Nhưng lại thấy hình như mình đang lãng phí điều gì. Đó là cuộc đời tôi – CUỘC ĐỜI MÀ TÔI CHƯA TỪNG DÀNH THỜI GIAN SUY NGHĨ VỀ NÓ »
Mỗi ngày con người có khoảng 30000 đến 60000 ý nghĩ. Bọn ngựa chẳng nghĩ gì cả. Vậy thì cái loài động vật thông minh cao cấp nhất kia thực ra đang nghĩ cái quái gì vậy ?
Tôi tự hỏi 2 năm sinh viên mình đã làm gì, đã học được gì. Giá mà tôi đã ‘làm gì » để nhớ lại. Busy doing nothing. Đầu tuần tôi dành để nghĩ về cuối tuần và cuối tuần tôi dành để tận hưởng cuối tuần và chán nản cho cái đầu tuần tiếp theo. Vậy đấy.
Tôi có cảm giác dây đeo thẻ sinh viên như một cái xích, tôi cứ dật dờ đi qua đi lại cái cổng trường cả tỉ lần, nhưng chưa bao giờ thực sự muốn bước vào và cũng chưa bao giờ thực sự ra khỏi được nó.
Hồi bé tôi hay đòi mua đồ chơi, « một mình bà đội cả trời nắng to » đi mua cho cháu. Cũng chẳng phải vì thích thú gì cho lắm. Vì đứa hàng xóm cũng có.
Tôi lớn lên, bà già đi, bà không đội cả trời nắng to để đem về thứ người khác cũng có cho tôi nữa. Tôi đi một mình, đội cả cuộc sống lên đầu, thấy ngày hôm qua lẫn hôm nay như trò nghịch dại.
Hoa hướng dương nhìn về phía mặt trời. Hoa hướng dương nhìn về đâu khi trời mưa ?
‘ Không có bổn phận nào chúng ta xem nhẹ quá mức như bổn phận trở nên hạnh phúc » - Robert Louis Stevenson.
Tôi đứng đợi xe bus. Những chuyến xe bus nội đô ồn ào, ngày nào cũng lên và xuống những bến ấy, khiến cho tôi thấy mình giống một con lắc đơn, bị buộc vào cái dây, rồi cứ lặp đi lặp lại một quỹ đạo chuyển động. Cái dây nào đã buộc tôi ?
Hóa ra những lựa chọn giống như những chuyến xe bus, kể cả khi phải đứng đợi một mình giữa nắng gió thì cũng không thể mềm lòng mà leo lên một chuyến xe đi đến nơi mình không muốn xuống, chỉ vì tất cả mọi người đã leo lên nó.
Xuống xe bus trời mưa.
Mưa to
Chiều ngược gió
Co ro
Đi trên phố hát hò
Bài Home ướt mềm như ngọn cỏ
Những nỗi niềm bé nhỏ
Sâu như con ngõ tôi trở ra về
Có cô gái cầm chiếc ô màu cà phê
Che cho giấc mơ đừng ướt.
……………..
Trường cấp 2 của tôi giống một trại huấn luyện bò tót. Thành tích là những mảnh vải đỏ. Ở đâu có thành tích, chúng tôi lao vào, hiếu chiến, đánh đổi, được mất, hơn thua. Có một lần tôi xếp thứ 32/48: dạo này em học hành thế nào thế? Đó là lúc bạn nghĩ 7,75 là 8 là hai thứ hoàn toàn khác nhau, hai đẳng cấp, trời ạ. Tôi giành giải, nhiều giải và giải cao, nhưng không hạnh phúc. Tôi mệt mỏi. Họ cũng hay so sánh các khóa trước và sau.
Con người không phải con số, sao có thể đặt giữa hai người những dấu bằng, lớn hơn , nhỏ hơn hay xấp xỉ?
Cấp 3, tôi học đi học lại và quên đi quên lại bọn công thức lượng giác này nọ. Tôi không dùng văn mẫu. Tôi cũng không thực sự hiểu tất cả các thủ pháp nghệ thuật, cũng như các tác phẩm. Tôi viết Văn như những gì mình có. Và có đôi khi nó không đạt chuẩn.
Cả một xã hội đang nỗ lực đồng hóa chúng ta, ném chúng ta vào máy photocopy để cho ra những thứ giống nhau. Lũ trẻ thành ra sợ khác biệt, như kiểu sợ đi đôi giày mới, sợ mặc màu áo nổi quá mà lại học không đủ giỏi, bị gắn mác hư hỏng vậy.
Không có người giỏi và dốt thuần túy. Con người giỏi trong lĩnh vực của họ và dốt ở các lĩnh vực còn lại. Con người thông minh đến thế, sao chưa bao giờ cố hiểu lẫn nhau? Vũ trụ bao la còn chạm tới, người với người có bao xa mà cứ hững hờ ?
Tại sao phải trở thành bản sao của người khác trong khi chúng ta có quyền giữ bản gốc của chính mình? Dù đó là bản gốc không hoàn hảo.
Điều đó thật đơn giản, đơn giản đến mức đáng buồn, đáng buồn như việc tôi không dám đi đôi giày mới vì tôi không tốt môn Toán cho lắm ở trường cấp 2 và nó đã hỏng trước khi tôi kịp đi rồi. Rồi tháng ngày cũng sẽ hỏng trước khi chúng ta kịp sử dụng nó.
Nếu cha mẹ bạn sinh ra 300000 đứa con thì may ra trên đời sẽ có một đứa giống hệt bạn, vậy mà tôi thì đã từng nỗ lực ghét bỏ chính mình.
Khi 8 tuổi tôi viết bài văn Buổi tối của gia đình em, tôi viết đúng chuẩn, nghĩa là bố em nhất định đọc báo, mẹ em nhất định đan len và em nhất định đang ngồi học bài với con mèo nằm ngủ trên đùi. Chuyện đó không có thật. Tôi sống xa bố mẹ gần 20 năm.
Lẽ ra tôi sẽ viết là chẳng có ai đợi em ở nhà hết, năm nay 20 tuổi vẫn không có ai đợi em ở nhà. Chỉ có những bức tranh trên tường màu mè nguệch ngoạc em nhìn thấy ngay sau khi mở cửa, nhắc em rằng hạnh phúc không cần phải giống văn mẫu. Cũng không có văn mẫu cho hạnh phúc.
Khi tô màu vào quyển tập tô hồi còn nhỏ, cô giáo nói không được tô ra ngoài những đường giới hạn được tạo nên bởi những nét đứt. Có phải thói quen ấy đã lớn theo chúng ta, thói quen sống theo mẫu ? Cuộc sống là một trang giấy trắng, trắng thuần túy, không dòng kẻ. Viết tháng ngày đè lên những dòng thẳng thớm và nghĩ rồi cuộc đời ta sẽ ngay ngắn sao ? Đúng, có ngay ngắn, nhưng là ngay ngắn đẹp đẽ ĐỂ NGƯỜI KHÁC NHÌN VÀO, thế thì để làm gì ?
Có ai từng cầm tay một đứa chạy như bay qua đường lúc đèn sắp xanh chưa? Có ai từng nhìn vào mắt người đối diện trong vài phút và cố gắng không cười chưa? Có ai từng ngồi xuống đất ở lớp học nhìn giày khi cả lớp đang trên ghế chưa? Người khác thấy thật điên rồ, nhưng về cơ bản là mình thích. Đấy, vấn đề ở chỗ đấy, về cơ bản là mình thích .
Như con ngựa vằn, chẳng biết mình đen sọc trắng hay trắng sọc đen vậy, cứ thấy cỏ mượt là chạy, bao la trên trời dưới đất.
Cuộc sống như bản nhạc không lời. Chẳng hiểu nó viết cái gì, nhưng bản thân nốt nhạc đã kéo ta đi, ném ta vào dòng chảy bất tận của nó.
Vâng, năm nay, tôi 20 tuổi.
Sưu tầm