Nhật Bản từ lâu đã được nhớ đến với hình ảnh Maneki neko - “chú mèo vẫy tay”, như một biểu tượng đem lại may mắn cho các hộ gia đình làm công việc kinh doanh. Du khách phương Tây lần đầu nhìn thấy đều nghĩ rằng con mèo đang làm động tác chào tạm biệt, nhưng trên thực tế, đó là hành động “gọi khách” đến với cửa hàng. Theo thời gian, bức tượng may mắn này lan rộng khắp Châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Tại Nhật, Maneki neko còn có ngày lễ kỷ niệm của riêng mình là 29/9 hàng năm.
Truyền thuyết về Maneki neko
Nguồn gốc về tượng mèo Maneki neko cho đến nay vẫn chưa được biết chính xác. Có người nói nó đến từ Osaka, cũng có người cho rằng nó từ Tokyo với nhiều phiên bản khác nhau. Tuy nhiên truyền thuyết nổi tiếng và được truyền miệng nhiều nhất là về ngôi đền Gotokuji, diễn ra trong thời Edo (1603-1867).
|
Tượng mèo trong ngôi đền Gotokuji. Ảnh: Sakura house.
|
Hồi đó, có một vị thầy tu nghèo khổ sống cùng con mèo tên Tama trong ngôi đền nhỏ ở phía tây Tokyo. Dù cuộc sống khó khăn nhưng ông luôn chăm sóc Tama như con ruột và chia sẻ từng bữa ăn cùng nó. Một hôm ông nói với con mèo: “Nếu chú biết ơn tôi, hãy giúp ngôi chùa trở nên khang trang hơn”. Sau nhiều tháng, vào một buổi chiều mùa hè, ông nghe âm thanh ồn ào ngoài cổng và nhìn thấy 5, 6 samurai tiến về phía đền. Họ cho biết khi chuẩn bị đi ngang qua đây thì thấy chú mèo vẫy tay gọi họ đến. Đúng lúc ấy, một cơn bão khủng khiếp kéo tới và tia chớp giáng xuống cái cây họ vừa đứng trước đó. Quá vui mừng vì thoát chết, các samurai đã quyên góp tiền xây dựng lại ngôi đền, biến nó trở thành một nơi nổi tiếng và giàu có, đồng thời đổi tên thành Gotokuji vào năm 1697. Khi Tama chết, chú được chôn trong nghĩa địa dành cho loài mèo bên trong đền. Bức tượng Maneki Neko được làm để tưởng nhớ chú mèo đặc biệt cũng ra đời từ lúc ấy.
|
Món quà được nhiều du khách chọn mua khi đi du lịch Nhật Bản. Ảnh: Gifts of the orient.
|
Ý nghĩa động tác vẫy chân và màu sắc của Maneki neko
Nếu để ý, du khách sẽ thấy mèo thần tài khi vẫy chân trái, lúc vẫy chân phải và đôi khi là cả 2 chân. Theo đó, chân trái mang lại khách hàng và bạn bè, chân phải mang tới may mắn, tiền tài, còn vẫy cả 2 chân tượng trưng cho sự bảo vệ, cầu chúc cho ngôi nhà và cửa hàng được bình an. Người ta còn tin rằng nếu chân đưa lên càng cao thì khách hàng, tiền bạc hay may mắn sẽ đến với cửa hàng ngày càng nhiều.
Maneki neko có khá nhiều màu sắc mang những ý nghĩa khác nhau:
Tam thể (3 màu): là màu sắc phổ biến nhất, cũng là màu được coi là may mắn nhất.
Trắng: đại diện cho hạnh phúc và sự thuần khiết.
Đỏ: cầu mong cơ thể mạnh khoẻ, có khả năng chống lại bệnh tật.
Đen: Xua đuổi tà ma.
Vàng: giàu có và thịnh vượng.
Hồng (không phải màu truyền thống): dành cho những người đang cầu tình duyên.
Xanh lá cây: mong sự nghiệp học hành thuận lợi và thành công.
|
Theo VnExpress.net