Vì sao các nữ thần Việt Nam ít có ngoại hình đẹp?

2013-06-19 09:16:53

  • Nữ thần Việt Nam và thế giới
     
    Trong thần thoại các nước trên thế giới, khi nhắc tới các nữ thần, sắc đẹp luôn là yếu tố đáng lưu ý nhất. Nữ thần Aphrodite trong thần thoại Hy Lạp, nữ thần Freyja của thần thoại Bắc Âu, nữ thần Hathor trong thần thoại Ai Cập… là một vài minh chứng.

     Nữ thần Freyja của thần thoại Bắc Âu.
     
    Aphrodite (hay Venus) trong thần thoại Hy Lạp là nữ thần của tình yêu, sắc đẹp và sự hoan lạc với bảo bối là một chiếc thắt lưng có khả năng quyến rũ người khác giới. Nữ thần Freyja được xem là “đại diện nhan sắc” của thần thoại Bắc Âu với sắc đẹp làm điên đảo cả thần thánh và tộc người khổng lồ. Còn nữ thần Hathor cũng rất xinh đẹp, nàng được người dân Ai Cập tôn vinh là người bảo trợ cho nghệ thuật trang điểm với biểu tượng là chiếc gương đồng trông như chiếc đĩa mặt trời.

    Chưa có thống kê một cách hệ thống và đầy đủ tất cả các nữ thần, nhưng chắc chắn, sắc đẹp không phải điểm nổi bật nhất của các nữ thần ở Việt Nam. Thay vào đó, công lao lớn trong việc sáng tạo ra con người và vạn vật, mới là điều khiến các nữ thần Việt được nhân dân khắp nơi tôn vinh và thờ phụng.
  • 2
    Nữ thần sáng tạo loài người

    Dựa trên những thần loại được ghi chép và lưu truyền, nhà nghiên cứu văn hóa Vũ Ngọc Khánh đã phân chia sơ lược các nữ thần ở Việt Nam thành các nữ thần sáng tạo loại người, vũ trụ và các nữ thần thiên nhiên.

    Với những người dân Việt, Âu Cơ là nữ thần biểu tượng của nguồn gốc dân tộc. Theo truyền thuyết, Âu Cơ là một nàng tiên xinh đẹp sống ở trên những ngọn núi cao. Nàng đi khắp bốn phương để giúp những người bị bệnh và gặp khó khăn. Âu Cơ và thần rồng từ biển cả là Lạc Long Quân gặp nhau, tình yêu nảy nở, họ lấy nhau và ít lâu, Âu Cơ sinh ra một bọc trứng có 100 người con. Sau đó, 50 người con theo mẹ lên rừng, 50 người con theo cha xuống biển. Người anh cả theo mẹ lên núi trở thành Hùng Vương đầu tiên của nước Văn Lang.

     Với những người dân Việt, Âu Cơ là nữ thần sản sinh giống nòi.
     
    Không chỉ có công lao sản sinh ra giống nòi, nữ thần Âu Cơ còn được biết đến là bà tổ nghề nông của dân tộc ta. Người đã dạy dân trồng lúa, trồng mía và dạy nhân dân làm bánh.

    Tuy vậy, không phải tất cả người Việt Nam chỉ có một nữ thần sáng tạo ra vũ trụ và loài người là Âu Cơ. Ở nhiều dân tộc khác trên dải đất hình chữ S lại tôn thờ nữ thần của riêng họ. Dân tộc Chăm coi bà Inư Nưga là thần tạo hóa sinh ra vũ trụ, loài người, lúa gạo, gỗ trầm hương và cả hoa Chăm pa, biểu tượng của dân tộc.

    Bà Y ke trong sử thi Toi ậm oóc năm đìn (người Thái – Thanh Hóa) thì mang thai khắp người. Những người con mang thai trên cổ, trên vai khi đẻ ra sẽ cuốc đất giỏi, xuống ở đồng bằng thành người Kinh. Những người con mang thai sau lưng, đẻ ra có tài đốn cây thì lên vùng cao thành người Xá, người Hmông. Người mang thai trước bụng, đẻ ra giỏi cả hai cách làm ăn thì ở vùng giữa, vừa làm ruộng, phát nương thành người Mường, người Thái.

    Các nữ thần sáng tạo ra nhân loại khác, có thể kể đến: mẹ Giả Cải trong truyền thuyết Pú Lương Quân cùng với chồng là tổ người dân tộc Tày sáng tạo ra cày bừa, khai phá ruộng đất trồng rau, khoai, bông…; bà Riada của dân tộc Xơ Đăng; bà Konken của dân tộc Bana…
  • 3
    Nữ thần thiên nhiên

    Các nữ thần thiên nhiên trong thần thoại Việt như nữ thần mặt trời và nữ thần mặt trăng, nữ thần lúa, nàng Bân, mụ Giạ…
    Theo sự tích, nữ thần mặt trăng là em gái của nữ thần mặt trời, tính tình nóng nảy gây hại khiến cho người dân và muôn vật đều sợ hãi. Trần gian khổ sở vì nàng, họ đã kêu ca rất nhiều thấu lên Thượng giới khiến cho bà mẹ đã định lấy tro mà bôi lên mặt để nàng giảm bớt sức nóng. Nhưng ngọc hoàng chiều con, nên không để cho vợ làm việc ấy. Một chàng trai mồ côi nhưng có thân hình to lớn và rất khỏe mạnh tên Quải quyết tâm trị nàng mặt trăng, bằng cách ném cát vào khiến mắt của nàng không còn sáng như trước.
     
     Nữ thần mặt trăng.
     
    Sau này, tính tình của mặt trăng ngày càng dịu dàng, hiền lành hơn, ở dưới trần ai cũng thích. Người ta nói mỗi lần nàng ngoảnh mặt xuống nhân gian thì lúc đó là trăng rằm, nàng quay lưng tức là ba mươi, mùng một, còn nàng trở sang trái, sang phải tức là thời kỳ trăng hạ huyền hoặc thượng huyền. Còn những khi trăng quầng, ấy là lúc cát bụi trát mặt bị gió thổi bay tung ra.
     
    Nữ thần lúa theo sự tích là một cô gái xinh đẹp nhưng dáng người ẻo lả và có tính hay hờn dỗi. Nàng là con gái ngọc hoàng. Sau những trận lụt lội ghê gớm xảy ra, sinh linh cây cỏ đều bị diệt hết, trời bèn cho những người còn sống sót sinh con đẻ cái trên mặt đất, sai nữ thần lúa xuống trần gian, nuôi sống loài người.
     
    Nữ thần lúa làm phép cho những hạt giống gieo xuống đất nảy mầm, mọc thành cây, kết bông mẩy hạt, lúa chín tự về nhà, muốn ăn chỉ cần ngắt bông bỏ vào nồi là lúa sẽ thành cơm. Thế nhưng, một hôm, nữ thần dẫn lúa vào nhà một cô gái, cô gái chưa quét dọn sân, chưa mở kho còn lấy cuống chổi đập vào bông lúa. Nữ thần lúa hờn dỗi nên từ đó không cho lúa tự về nữa mà buộc người dân phải ra đồng cấy và gặt. Đôi lúc, nữ thần còn cấm không cho các bông lúa nảy nở và người dân phải làm lễ cúng hồn lúa.
     
    Trong các nữ thần thiên nhiên, nàng Bân được kể là cô gái khá đặc biệt, nàng chậm chạp và có phần vụng về. Nàng Bân đan áo cho chồng xong thì đã hết mùa đông. Vì thương con gái, nên ngọc hoàng đã làm trời rét lại vài ngày để chồng nàng Bân được thử áo do nàng may.
     
    Hay như nữ thần mở mang bờ cõi - mụ Giạ, là người cao lớn và khỏe mạnh khác thường. Mụ Giạ ăn liền mấy nong cơm, đi nhanh như chim bay, mỗi bước của mụ Giạ vượt qua hai ba trái núi cao, năm sáu ngọn đồi lớn, đi mấy trăm dặm đường trong chưa đầy nửa buổi…
    Trải qua những biến thiên lịch sử và nhiều chặng đường văn hóa, văn minh, hiện tượng nữ thần cũng như những hiện tượng văn hóa khác có sự cải biến, đồng hóa hay tha hóa. Nữ thần là những vị nửa thần, nửa người như các bà Nữ Oa khổng lồ mới có sức mạnh tạo nên vũ trụ. Nhận thức về sinh sản ngày càng sâu sắc thì sự hình dung lên những mẹ Cái, mẹ Đất, mẹ Lớn… càng thêm rõ.
     
    Khi những tôn giáo ngoại lai được du nhập vào nước ta, hiện tượng nữ thần cùng với thời gian chịu sự biến hóa theo hai con đường trở nên lẫn lộn, chồng lớp nhiều tầng văn hóa. Các nữ thần hoặc được trở lại với dòng dõi Lạc Việt, hoặc có những liên hệ sâu sắc với thần thoại cổ sơ…Hệ thống thần thoại bị tản mạn, tan rã, những hình tượng nữ thần bị biến dạng khiến con người thấy luyến tiếc những hình tượng thần thoại cổ xưa.
     
    Sưu tầm

Trao đổi thông tin

Quý khách có thể dùng mẫu bên dưới để trao đổi thông tin với chúng tôi.

Authenticate image

Vui lòng nhập vào thông tin phía trên để trao đổi

Các tin khác

Quản lý tài khoản

Trợ giúp

Giới thiệu