Ý nghĩa của lễ dạm ngõ ngày xưa
2017-02-24 16:48:51
Phong tục cưới hỏi ngày xưa và nay vốn có nhiều khác biệt, đôi trẻ ngày xưa muốn tiến tới hôn nhân phải trải qua 6 lễ, trong đó lễ đầu tiên là lễ dạm ngõ.
Mục đích hôn nhân đối với người xưa là cốt duy trì nòi giống, rạng danh dòng tộc, thế nên hôn nhân là việc chung của cả gia tộc chứ không phải chuyện riêng của con cái. Bởi vậy định vợ gả chồng cho con, tất cả quyền quyết định là ở cha mẹ.
Có câu “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, nghĩa là làm con bắt buộc phải vâng lời, đó chính là đạo hiếu hàng đầu. Vì thế những đám cưới diễn ra thường ít có sự tự nguyện của đôi trai gái, thậm chí đa số họ còn chưa hề biết mặt mũi, tính cách của nhau. Sự định đoạt duyên phận của đôi trẻ phụ thuộc vào mối quan hệ thân tình của hai bên ông bà, cha mẹ hoặc sự mai mối đưa đường của ông tơ bà nguyệt.
Theo phong tục cưới hỏi ngày xưa, việc cưới hỏi phải tuân theo 6 trình tự gọi là “lục lễ” nạp thái, vấn danh, nạp cát, nạp tệ (hay nạp trưng), thỉnh kỳ, thân nghinh. Trong đó, dạm ngõ (nạp thái) là lễ đầu tiên, không kém phần quan trọng nên thường được hai bên gia đình chuẩn bị rất chu đáo.
Đại sự sẽ bắt đầu sau khi đôi bên hai nhà đã thống nhất mọi việc cưới gả, bà mối sẽ hẹn ngày với bên nhà gái để đưa người chủ hôn (cha mẹ) bên nhà trai và chú rể, đem lễ vật trầu cau đến nhà gái gặp mặt, sau khi giới thiệu từng người tham dự với hai bên gia đình, nhà trai sẽ nói chuyện xin đính ước, xem như chính thức đặt vấn đề cho đôi trẻ được “qua lại” với nhau, và lễ này gọi là lễ dạm ngõ.
Buổi lễ dạm ngõ truyền thống tại miền Bắc
Lễ dạm ngõ thường có một tờ hoa tiên ghi tên tuổi và ngày tháng năm sinh của người con trai để nhà gái xem xét, có chấp nhận cho đôi trai gái tiến tới xa hơn hay không. Theo phong tục cổ nhân đầy đủ lễ tiết, sau lễ dạm ngõ cả hai bên trai gái đều phải làm lễ trước bàn thờ, tư đường (nhà thờ tổ) để trình với tổ tiên về việc tạm đính ước này, cũng là mong các vị có thể phù hộ cho đôi trẻ được bình an và thuận đường đến với nhau.
Đây thực chất mới chỉ là một chuyện đính ước ban đầu, để nhà trai danh chính ngôn thuận thường xuyên đi lại thăm hỏi nhà gái, gia tăng sự gắn kết thân mật cho thông gia và bàn tính đến lễ ăn hỏi, lễ cưới trong tương lai. Rồi khi nhà trai đề cập đến chuyện xin cưới, nếu nhà gái ưng thuận thì thông báo cho ông bà mai. Ngoài câu trả lời, nó còn bao gồm cả việc thách cưới với những yêu cầu về đồ lễ phải có trong lễ đón dâu sau này.
Theo Vân Ngô - Marry.vn