2 tấn bi kịch
2017-02-22 13:47:45
1 tuần nằm ở Bệnh viện huyện Gia Lâm, tôi được tận mắt chứng kiến những tấn bi kịch "cơm áo gạo tiền" như trong truyện của Nam Cao.
***
Bi kịch thứ nhất:
Ông cụ tám mươi bảy tuổi, có tám người con - sáu trai hai gái, thế nhưng hai mươi ngày trời ông gần như nằm cấp cứu một mình. Tết nhất đến nơi rồi, sao ông không ở nhà với con cháu mà hưởng phúc lại vào đây nằm cho khổ thân. Xin thưa rằng sau hơn bảy mươi năm lao lực khổ sở, cái ông có được là sáu căn nhà cho sáu anh con giai, chút ít của hồi môn cho hai cô con gái về nhà chồng và bệnh viêm phổi mãn tính nó hành ông mỗi khi trái gió trở trời, nó bắt ông vào đây để ông thấm thía hết sự hiếu thảo của tám cái "của để dành". Trừ anh con trai thứ năm, không có đứa con nào ngó ngàng đến ông. Chúng nó còn đang mải tranh cướp nhau mảnh đất 250m2 mà anh út đang ở với bố để tiện việc "phụng dưỡng". Thật là một đám hiếu tử. Vậy anh út đâu? Xin thưa rằng anh ấy còn đang bận chạy chọt làm sổ đỏ cho cái mảnh đất màu mỡ mãi không chịu đứng tên mình. Bố nằm viện, kệ! Đã có y tá với bác sĩ lo rồi. Hai mươi đêm ngày ông một mình ôm ngực, còn ít hơi tàn nào đành dốc cả ra mà ho. Ông khạc nhổ, ông đái ị ra bô ngay tại giường... ai thấy cũng phải nhăn mặt mà tránh cho xa! Con đẻ ông còn không muốn đến gần thì nói gì đến con dâu, các cháu. Cái thìa ông ăn bữa này qua bữa khác đóng cặn không rửa. Mấy người nhà khác thấy ông thế ai cũng lắc đầu. Người tốt thì thỉnh thoảng mua hộ ông suất cơm, đổ giúp ông cái bô chứa chất thải và đờm dãi. Người độc miệng thì quở "Tôi mà thế này thì tôi chết đi cho rồi". Ông thều thào: "Mấy thằng kia (tức con trai ông) nó cũng mong tôi chết. Nhưng mà tôi cứ sống, xem có đứa nào dám cầm dao đâm chết tôi không...". 26 tết, bác sĩ đồng ý cho ông ra viện. 27 tết tôi vẫn nghe thấy tiếng ông ho khù khụ ở phòng bên cạnh. Hỏi ra mới hay chưa có ai chịu đến đón ông cụ về...
Bi kịch thứ hai: bà cụ bảy mươi bảy tuổi ở Kiêu Kỵ, Gia Lâm, sinh được ba cô con gái nay chỉ còn hai, mỗi tội cô nào cũng nghèo. Cả đời cụ xoay vần trong cái nghèo cái khổ. Chứng thần kinh bao năm nay làm chân tay bà lúc nào cũng run rẩy. Thêm cái bệnh hen phế quản mãn tính nó lôi bà vào đây nằm mười bốn ngày. Mười bốn ngày dài dằng dặc, bà ho, bà thở rít, bà lo đến số tiền càng ngày càng to phải tiêu ngoài bảo hiểm. Mười bốn ngày ròng rã bà nghe cô con gái thứ hai, nay đã năm mươi ba tuổi, vừa chăm mẹ, vừa than vãn. Cô buồn cảnh nhà nghèo, sắp Tết rồi mà ko có đồng ra đồng vào. Cô giận hai ông con rể biết mẹ ốm đã ko góp đồng nào còn trách cô "cho bà đi viện làm gì, để đấy khắc... tự khỏi". Cô trách đứa em gái vào viện trông mẹ được bốn ngày mà không chịu bỏ tiền mình, lại còn kể nghèo kể khổ rồi nhất định đòi về. Cô phiền thằng con giai hai mốt tuổi đầu mà chỉ biết ăn bám, nay lại dẫn đâu về một cái bụng chềnh ềnh đòi "cưới gấp". Cô than mình hay bị suy nghĩ thành ra mất ngủ, bà cụ thì rên rẩm suốt ngày đau đầu ko chịu nổi. Cô bực nỗi phải bỏ vườn cam đang rộ quả để vào viện hầu mẹ. Hai chữ "hầu mẹ" nặng như chì, xát muối vào lòng người mẹ khốn khổ. Cô say sưa nói như thể cả trăm năm mới gặp được một người mà kể lể. Có lúc đến đoạn cao trào, cô khóc sụt sùi. Cô không để ý đến bà mẹ già khổ sở đang ngồi ôm đầu lặng lẽ chảy nước mắt. Ai hay bà cụ khóc vì nỗi gì! Bà khóc thương con hay vì giận bản thân mình càng ngày càng vô dụng, làm khổ đứa con gái đang thao thao bất tuyệt kia... Một buổi trưa, bà cụ đang mơ màng bỗng giật mình thức giấc vì bàn tay cô con gái đang sờ lần túi mẹ tìm tiền. "Còn tiền đâu nữa mà tìm". "Mấy trăm ngàn người ta biếu bà buổi sáng đâu, bà đưa đây, để còn đi mua cơm mua thuốc cho bà chứ!"... Chao ôi là buồn...
Theo Truyenngan.com.vn