1. Hôm nọ, tôi đang đi trên đường. Một chiếc ôtô màu trắng lướt tới. Chiếc ôtô láng coóng, thật đẹp bỗng đi chậm lại. Một cánh cửa xe hạ xuống, tôi thấy rõ người phụ nữ đeo kính dáng dấp sang trọng ngồi bên trong đang cầm lái, bên cạnh là đứa trẻ, có lẽ là con cô ấy, vừa uống sữa xong vứt thẳng vỏ hộp sữa xuống đường. Người phụ nữ chẳng nói chẳng rằng, cánh cửa xe kéo lên, chiếc xe lướt nhanh đi. Tôi nhìn vỏ hộp sữa nằm lăn lóc giữa con đường sạch sẽ.
2. Một lần khác, đi bên cạnh tôi là một phụ nữ đi xe máy chở theo hai đứa trẻ đi học về. Người phụ nữ, là mẹ của hai đứa trẻ, liên tục hỏi chuyện học của hai con trong khi chúng vừa trả lời vừa hút sữa trong hộp giấy. Người mẹ căn dặn đủ điều: “Lần sau con làm bài phải cẩn thận”, “Tại sao mẹ đã dặn nhiều lần mà con vẫn cứ nói chuyện trong lớp để cô phê bình?”, “Mẹ nói sao con chẳng nghe lời gì cả!”... Gặp đèn đỏ xe dừng lại, hai đứa trẻ uống sữa xong vứt hai vỏ hộp xuống đường trước mặt rất nhiều người đang chờ đèn xanh. Tôi nhìn người phụ nữ, thấy cô không nói gì về chuyện con mình mới vứt vỏ hộp sữa xuống đường mà vẫn cứ chất vấn chúng: “Hôm nay sao con không có điểm 10 nào?”, “Trả lời mẹ trước hết phải dạ nghe không?”...
3. Sáng qua, trên đường đi làm, tôi để ý thấy bên cạnh tôi là một người đàn ông chạy xe máy chở con trai đi học cũng cầm theo hộp sữa giấy. Đứa trẻ lột bao nilông của hộp sữa và ống hút ra, đưa cho cha mẩu nilông rồi lấy ống hút đục thủng hộp sữa để uống. Sau hai lần chứng kiến hai người mẹ để con vứt hộp sữa xuống đường, tôi cứ nghĩ thế nào người cha sẽ vứt mẩu nilông và người con sau đó cũng sẽ vứt hộp sữa xuống đường. Nhưng không, ông vẫn cầm mẩu nilông trong tay, xe vẫn chạy. Một lát sau, tôi nghe ông hỏi con: “Con uống xong chưa?”. Đứa trẻ đáp “Dạ rồi”. Ông nói: “Đợi tí ba tìm thùng rác”. Đi một đoạn thấy thùng rác ven đường, chiếc xe máy của ông dừng lại. Hai cha con không nói gì, lẳng lặng ông bỏ mẩu nilông vào thùng rác, còn đứa trẻ cho hộp sữa vào thùng. Rồi chiếc xe lại tất tả chạy đi. Tôi hiểu đó là thói quen thường ngày của họ.
Từ những hộp sữa giấy thật nhỏ, nhưng với ba câu chuyện đã chứng kiến tôi cho là không nhỏ tí nào. Tôi cứ suy nghĩ mãi.
Rằng có những bậc cha mẹ cứ lo cho con có một cuộc sống vật chất đầy đủ nhưng lại quên dạy con cách để có được cuộc sống đó. Tại sao người phụ nữ có thể sắm được chiếc ôtô sang trọng là thế mà lại không nghĩ ra được một chỗ trên xe để chứa vỏ hộp sữa đã uống hay để về nhà hẵng vứt? Cô ấy không nghĩ đến điều đó và thản nhiên xem việc xả rác xuống đường là chuyện bình thường, sẽ có người quét dọn, rằng xã hội phân công như thế. Đứa trẻ ấy chắc chắn đã và sẽ còn nhiều lần khác yêu cầu cha mẹ dừng xe để vứt rác xuống đường, hoặc sau này lớn lên có thể sẽ tự dừng xe và xả rác theo thói quen từ nhỏ.
Rằng có những bậc cha mẹ cứ lo dạy dỗ con để có được những điểm 10 thành tích, những kết quả học tập thật ngoạn mục mà đáng tiếc lại không dạy con về cách sống ở đời, từ cách nhỏ nhất là không vứt rác ra đường. Người mẹ trẻ bảo đứa con phải nghe lời thầy cô giáo, phải biết “dạ” khi trả lời người lớn, học hành phải cẩn thận... Đây là điều mà tôi nghĩ bậc phụ huynh nào cũng dạy con em mình. Nhưng liệu có bao nhiêu phụ huynh dạy con không được xả rác với lý do làm như vậy là mất vệ sinh, làm phiền người khác, ảnh hưởng trực tiếp môi trường sống? Chúng ta dạy trẻ em biết bao nhiêu điều tốt đẹp, song lắm lúc lại quên rằng bài học lớn và quan trọng nhất mà chúng ta phải dạy các em đầu tiên là bài học làm người.
Tôi tin nếu ngày nào cũng có nhiều hình ảnh như hai cha con biết giữ gìn vệ sinh chung theo thói quen mà tôi đã gặp, tự khắc xã hội sẽ ngày càng văn minh, đáng sống. Và nếu như hình ảnh đó ngày càng nhiều thì chúng ta không cần tốn tiền tốn sức tổ chức những cuộc mittinh, chiến dịch vận động, những panô apphich, những lời kêu gọi. Xã hội sẽ tự xanh, sạch, đẹp khi mỗi chúng ta tự hành động xanh, sạch, đẹp cho chính mình.
Các bạn có đồng ý như vậy không?
Sưu tầm