Bài học yêu con
2013-08-26 15:49:09
Chị dám chắc trong số tất cả những người mẹ đưa con tới bảo tàng sáng đó, không ai thực sự thích thú với việc đi lang thang giữa các phòng trưng bày. Chị nghĩ vậy, bởi chị cũng thế.
Nhưng chị cảm nhận được nỗ lực và cố gắng rất mực tận tụy của những người mẹ ấy trong cách giảng giải kiên nhẫn và trìu mến trước đôi mắt đang mở to vì tò mò và ngạc nhiên thơ trẻ. Chị học được sự nhẫn nại để yêu thương.
Với chị, quỹ thời gian bây giờ dường như càng ngày càng thiếu. Mọi thứ cứ căng chật như thể chị chưa từng có những ngày lang thang công viên với đám bạn, những ngày ngồi chém gió cả buổi bên bờ hồ, những ngày nhìn lá rơi trong khuôn viên thư viện. Chỉ một buổi sáng thôi để dành cho con với chị sao thật khó khăn. Bởi lẽ, buổi sáng đó dường như rất vô ích nếu nhìn về góc độ kinh tế. Chị không thể kiếm được chút tiền bạc hay danh tiếng nào từ nó. Chị cũng không được nghỉ ngơi mà lại phải mệt nhọc chạy theo bước chân tò mò và hiếu động của trẻ nhỏ tới khắp các ngõ ngách trưng bày trong bảo tàng. Nhưng khi thấy ánh mắt vui sướng, bước nhảy chân sáo và tiếng cười giòn tan của con, chị thấy mình đã dành thời gian thật hữu ích.
Một quãng thời gian ngắn ngủi của ngày nghỉ cuối tuần đã giúp chị bù đắp phần nào cho con những thiếu hụt của một tuần vắng mẹ, lủi thủi, miệt mài với bạn bè, trường lớp. Người ta hay kêu ca trẻ nhỏ ở đô thị thiếu nơi vui chơi. Chị nghĩ, đúng ra phải nói, chúng thiếu nhiều hơn chính là sự quan tâm dành thời gian của cha mẹ và những người thân. Bởi ngay cả khi có nhiều khu vui chơi, giải trí mọc thêm ra, nếu người lớn không có thời gian đưa trẻ tới thì nhiều thêm cũng chẳng để làm gì. Khi chị biết sẵn sàng “phung phí thời gian” cho con, chị cảm nhận được sự nhẹ nhõm và tươi vui phơi phới trong lòng mình.
Chị đã chứng kiến thằng nhỏ tắt ti vi nhanh tới mức nào khi nghe chị bảo sẽ đưa nó đi chơi bảo tàng. Chị cũng thấy nó đã chăm chú vào bài tập đọc, tập viết tới mức nào khi biết, chỉ cần hoàn thành xong công việc được giao, nó sẽ được chị đọc cho nghe câu chuyện còn dở hôm trước. Nó cũng quên luôn cả chiếc máy chơi điện tử mà thằng anh họ thi thoảng vẫn rủ rê mỗi dịp ghé thăm. Vậy là trên thực tế, một đứa trẻ sẽ không bao giờ vướng phải những cái mà ngày nay người ta gọi là thói tật, thậm chí “tệ nạn” nếu người thân, đặc biệt là cha mẹ, dành thời gian chơi với nó, đưa nó tới những nơi vui chơi lành mạnh, bổ ích.
Chị cũng nhận ra, có rất nhiều người sẵn sàng bỏ tiền bạc để đáp ứng, cung phụng những nhu cầu, sở thích vật chất của con, nhưng lại vô cùng khó khăn để dành cho con một buổi sáng trọn vẹn như hôm nay chị đã làm được. Yêu thương con cũng có nghĩa, chị sẵn lòng dành thời gian cho nó. Đôi khi, thời gian đó chỉ là khoảnh khắc yên lặng ngồi bên, hoặc sẵn lòng sải bước theo những nhịp chân vui vẻ khám phá của con.
Có bao nhiêu bà mẹ vì yêu con mà trở thành khách quen của những công viên, những bảo tàng, những khu vui chơi - giải trí? Bao nhiêu bà mẹ trở thành những người thợ thủ công lành nghề hay những tay gấp giấy chuyên nghiệp chỉ cốt đem lại một tiếng cười giòn tan của trẻ? Chị tin, số ấy nhiều lắm. Bài học về sự “phung phí thời gian”, bài học về lòng nhẫn nại, bài học về sự chấp nhận những khác biệt, bài học về cách để yêu thích những việc mình phải làm chứ không phải chỉ làm những việc mình thích. Chừng ấy bài học chỉ để chị ngộ ra một bài học lớn nhất, bài học yêu con và biết cách để con thấy mình được yêu thương.
Sưu tầm