Cái kiếp con cầy
2013-08-07 14:56:02
Con Bi vốn gần với nhà tôi hơn. Từ ngày nhà tôi đang xây, ông nội thằng cu đến trông công trình cho có dựng cái lán nhỏ, vừa lúc bấy chị chủ của Bi sinh con, thấy bụi bặm nên mấy mẹ con kéo nhau về tất bà ngoại. Căn nhà của họ chỉ có anh chủ thi thoảng ghé qua những hôm làm ca đêm, còn làm ca ngày đều tranh thủ phóng về thăm vợ con. Con Bi bị đói, cứ đi lang thang, nó toàn hau háu nhìn vào mâm cơm của ông nội, ông vốn thích động vật nên cưu mang nó, nhường Bi một phần cơm của mình.
Hôm sau ông dặn tôi nhớ nấu thêm cơm và thức ăn cho Bi, lúc đầu tôi còn ngại anh chị hàng xóm, sau ông bảo “Để nó đói khổ thân, với lại anh ấy có lời nhờ rồi, chó đến nhà là sang lắm đấy, con Bi này nhìn đã biết là khôn”. Bi trở nên quấn quýt với ông nội còn hơn cả chủ, vì quả thực họ cũng ít chuyện trò với nó, do bận con nhỏ và sợ lông chó hôi bẩn...
Lần vợ chồng tôi mang cơm đến cho ông, cứ ngỡ ông nói chuyện điện thoại, sau mới biết ông thủ thỉ với Bi: “Này, mai ông về quê giỗ họ, ông sẽ dặn lũ trẻ phần cơm cho mày, đi chơi nhớ đừng đi đâu xa, không được cắn càn kẻo tai vạ biết chưa?”. Hai vợ chồng cứ bấm nhau cười, nhưng rồi thằng cu con cũng bắt chước ông chuyện trò với chó suốt, chúng tôi dần quen cũng nói với Bi như con, còn vuốt ve, chơi đùa thân thiết.
Dần dà, chẳng hiểu sao mà nó biết. Bố mẹ tôi dù lần đầu đến chơi nó cũng vẫy đuôi tít mù mừng rỡ. Buổi tối nó mà sủa to là chắc chắn có vấn đề, ai lạ bén mảng đến dãy nhà là nó sủa cho đến khi có người quen ra nhận khách mới thôi.
Thời gian trôi đi, con Bi trở thành “thiếu nữ” xinh gái, bao anh dập dìu đến tìm hiểu, rồi thấy nó “cặp kè” một anh đẹp trai to cao lông láng mượt, có vẻ con nhà giàu. Vài tháng sau nó đẻ được năm con chũm chĩm. Mẹ chị hàng xóm cứ tấm tắc: “Nó sinh con lần đầu mà khéo quá”, vì chỉ cần hơi nóng một chút hoặc trời có tí gió là Bi lại tất tả cặp hết con vào nhà để xe, vốn mát mẻ, kín đáo.
Con Bi thì viên mãn vậy còn con kia thì…
Có lần tôi kể chuyện với chị chủ của Bi: “Từ hôm em về đây thế nào mà chó nhà bác Hải cứ ủng oẳng suốt, chẳng đêm nào không?”.
Chị cười: “Chả hiểu thế nào ấy, nhà chị với nhà anh Hải bắt chó cùng đàn, cùng ngày luôn đấy, từ bé nó đã thế rồi, nên mọi người cũng quen”.
Tôi thì không thể nào quen được vì thấy bất nhẫn làm sao ấy. Đêm nó cứ rên ừ ừ, rồi oẳng oẳng, chủ của nó tức giận ra đạp cho một cái, nó đau đớn kêu to rồi im bặt. Độ nửa tiếng sau tiếp tục thấy tiếng nó tru lên thống thiết, chủ lại sầm sập chạy xuống đạp cho phát nữa, mà hình như còn cho một vạng, nó mới im, khiến nhiều lúc tôi cũng thấy bị dằn vặt đến mất ngủ.
Tôi nghĩ rằng yêu thương và quan tâm chăm sóc có thể khiến con vật trở nên tình cảm, gần gũi, thông minh và có ích hơn. Cũng vì đó mà hai vợ chồng quyết định không nuôi chó, vì cứ đi làm từ sáng đến tối, để nó phải nhịn bữa trưa thì đói, cuối tuần muốn về quê chả lẽ ôm nó theo, mà không thì nó cứ vất vưởng tội nghiệp.
Con chó nọ chẳng bao giờ được gần chủ, lúc ăn cũng là người giúp việc ra đổ cho ít cơm là xong trách nhiệm, nó bị xích quanh năm, chưa bao giờ biết đến thế giới bên ngoài. Nhìn nó nằm ủ ê rầu ruột mà thương, chẳng bao giờ thấy nổi ánh tinh anh trên mắt.
Hôm ấy, con anh Hải du học bên Úc về chơi, đi quanh nhà thăm thú, thấy con chó thì lại gần ngó nghiêng, bất ngờ bị nó tợp cho một nhát. Ngay sau đó chó bỏ ăn, vậy là ai nấy cuống cuồng lo nó bị dại. Cậu chủ phải theo dõi rồi vội đi tiêm. Một thời gian sau con chó cũng bị cho đi “hóa kiếp”…
Sưu tầm