Cánh cò trở về

2015-10-01 16:26:31

 Ở bến Lường, có vợ chồng lão Nguyên làm nghề chở đò ngang, cả hai tuổi đã ngoài 50 nhưng không có con. Ngôi nhà của họ nằm cô độc trên doi đất đâm ra sông, xung quanh là những lũy tre già xanh biếc. Đấy cũng là nơi cư trú của lũ cò.

***
Về mùa hè, vào chiều tối cơ man nào cò bố, cò mẹ, cò con, với đủ màu sắc: Trắng phau như tuyết, đỏ hồng như lửa, vàng tươi như nắng... tới tấp bay về. Chúng chao liệng gọi nhau, cãi nhau, đánh nhau...náo động cả khúc sông như làng quê vào hội.
Người ta kể rằng: Vợ lão Nguyên người làng kia sông. Thời con gái, cô nổi tiếng khắp vùng vì xinh đẹp, đảm đang; bao nhiêu con trai mê đắm, theo đuổi. Con đường đất dẫn vào ngõ nhà cô, cứ nhẫn thín như đá mài bởi đếm nào cũng có những tốp con trai tụ tập để chờ xem mặt cô và rồi chòng ghẹo tán tỉnh. Ong bướm dập dìu đến hai, ba năm; bỗng nhiên một sớm, cô chao cha mẹ, bước xuống thuyền hoa sang xóm Trại, lấy anh lái đò hiền lành, khỏe mạnh, đen như củ súng, kém cô ba tuổi, là lão Nguyên bây giờ.
Lại nghe kể, vợ chồng nhà ấy hồi trẻ làm khỏe, ăn khỏe và đẻ cũng khỏe. Người xóm Trại chứng kiến không dưới bảy lần, cảnh ông chồng lo lắng, thận trọng dìu chị vợ bụng chửa to vượt mặt, miệng nhăn nhó vì đau đớn, lần từng bước leo qua con đê cao, sang trạm hộ sinh của xã. Rồi cũng bằng con đường ấy, anh chồng chạy đi, chạy về như con thoi, ngã vấp dúi dụi, ôm nào chăn, màn xô, chậu, quần áo, tã lót...phục vụ vợ "vượt cạn".
Nhưng thật bất hạnh, những đứa con của họ sinh ra, trai có, gái có, lành lặn hẳn hoi, cũng chỉ sống trong vòng tay bố mẹ vài ngày đến vài tháng, lại mắc bệnh hiểm nghèo, lần lượt bỏ đi. Mẹ chúng đau đớn gào khóc, vật vã, chết đi sống lại bao lần. Chị kiệt sức, tàn tạ dần như trái mướp thui. Mới ngoài năm mươi tuổi, tóc bà Nguyên đã bac trắng, mặt nhăn nheo như quả táo khô, cặp vú teo tóp bám trên khuôn ngực gầy guộc; đôi mắt lá răm đã ngả màu đùng đục, nó chỉ sáng lên khi bà Nguyên nhìn thấy lũ trẻ con xóm Trại trần truồng, lấm láp đùa nghịch trên bãi cát bờ sông. Lúc ấy đôi gò má của bà chợt ửng hồng, đôi môi chúm lại run rẩy. Khát vọng làm mẹ của người đàn bà luống tuổi này còn cháy bỏng! Bà Nguyên thôi không làm công việc ruộng đồng, bà nhận lấy mái chèo, ngày ngày chở đò đưa khách sang ngang.
Ông Nguyên hiểu và thương vợ lắm, càng thương tính nết ông càng trầm. Cả ngày ông hùng hục làm, hết việc nhà đến việc đồng. Thậm chí, có việc tất cả đàn ông xóm Trại kiêng kỵ, là giặt quần áo cho vợ, ông cũng không từ. Vào tuổi năm mươi, quen lao động, lam lũ từ nhỏ, nên người ông chắc nịch như cây gỗ lim.
Dân xóm Trại ở bến Lường, ngoài trồng lúa, còn có nghề làm bánh chưng, họ làm quanh năm để bán. Bánh chưng có hai loại nhân ngọt và nhân mặn, chiếc bánh nho nhỏ vừa đủ một bữa ăn sáng, hay làm quà cho trẻ. Người ta ngâm gạo, đôc từ sáng; buổi chiều chọn thịt, rửa lá, tước lạt; chập tối gói và xếp vào nồi luộc; Mờ sáng, vớt, ép bánh rồi quẩy lên thị trấn Cẩm Giàng, bán cho các hàng ăn, các người bán quà rong ở ga, ở trên tàu hỏa tuyến Hà Nội-Hải Phòng.
Ông Nguyên gói bánh chưng rất tài. Nhiều gia đình trong xóm thuê ông gói. Cơm tối xong, ông mặc chiếc quần cộc, cởi trần, áo vắt vai sang nhà hàng xóm. Ông lấy khúc tre làm ghế ngồi, thoăn thoắt đặt lạt, xếp lá, xúc gạo, đỗ,... chỉ ước lượng bằng mắt,không cân đong- rồi gói. Nhanh lắm! Bánh ông gói, trăm cái như một, vuông thành sắc cạnh...đều tăm tắp.
Xong việc, ông lững thững theo triển đê về nhà. Bà vợ đợi ông trước hè, ngọn đèn dầu nhỏ, ấm nước vối nóng hãm lá chi chi ngọt lịm.
Hai người ngồi uống nước bên nhau, không ai nói gì, họ cùng im lặng nghe tiếng các gia đình nhà cò đang trò chuyện lao xao trên dặng tre quanh nhà. Gió mát rượi, thơm mùi bánh chưng đang chín. Khuya khuya, vợ chồng ông bà mới đi ngủ, họ nằm ở chiếc giường kê gian ngoài, sát cửa sổ nhìn xuống bến đò. Sớm mai, thoảng có bóng người dưới bến, bà Nguyên đã dậy, không để ai phải gọi. Ông Nguyên đặt mình xuống giường là ngáy, tiếng ngáy đứt đoạn, nhọc nhằn. Bà Nguyên phe phẩy quạt cho chồng, xót xa ngắm nhìn bờ vai, lồng ngực vạm vỡ của ông mờ mờ hiện trong đêm.
***
Cuộc sống của vợ chồng lão Nguyên vẫn cô quạnh như thế cho đến cuối hè. Năm ấy thời tiết khắc nghiệt, mưa nắng thất thường, lại kéo dài. Con sông Lường nước đục ngầu, đầy ăm ắp. Bến đò phải dịch lên đến gốc cây sung già, đầu vườn nhà lão Nguyên. Giữa chiều, nắng xiên khoai gay gắt, không khí ngột ngạt oi bức. Bà Nguyên cắm đò dưới gốc cây sung, mắt hấp háy nhìn trời lẩm bẩm:
- Trời đất này, chiều tối thảo nào cũng có mưa giông! Có mưa mới ngủ được. Độ này ông lão hơi sọm. Khốn khổ! Suốt ngày đội nắng, chỉ có hai hàm răng là trắng!
Bà vốc nước sông rửa mặt, ngó mông sang bờ bên kia. Bên kia, sát bờ cát là gò đất cao như lưng con rùa khổng lồ. Trên gò có cây gạo già. Cây có từ bao giờ bà Nguyên không biết, ngày bà sang xóm Trại lấy chồng, đã thấy nó rồi. Cạnh cây gạo là con đường đất dẫn lên thị trấn Cẩm Giàng. Hai bên đường, cánh đồng mênh mông, vừa cấy kín lúa mùa sớm. Lúa đã bén rễ, đang nhú nõn xanh non. Xa nữa, là cánh đồng màu của thôn Nguyên Khê, những ruộng bí đao đã tàn chỉ còn trơ giàn. Xa nữa, mờ mờ trong nắng là lũy tre làng La chạy dài như bức thành, ở giữa có chỗ cao vượt lên mâm xôi, hình như đó là cây đa cạnh sân đình làng. Bà Nguyên sinh ra và lớn lên ở làng La. Mấy năm nay bà không về quê, cha mẹ già đã chết, người em gái cũng đã lấy chồng. Dì ấy đông con, chồng lại bệnh tật, nên quanh năm làm ăn vất vả vẫn đói, vẫn rách. Nơi ấy bà có một người thân thiết, ngày xưa họ đã từng yêu thương nhau, thề thốt nặng lời. Bà đã trao cho ông ấy cái quý giá nhất của người con gái. Nhưng cha mẹ bà không bằng lòng để bà lấy ông, chê nhà ông nghèo. Ông phẫn chí bỏ đi. Bà đau đớn, ê chề, bị cha mẹ ép buộc, đành nhắm mắt sang sông ấy chồng. Nghe nói, sau đó ít lâu người ấy trở về làng. Biết bà đã lấy chồng, ông đi biệt tăm.
Miên man nghĩ, bà Nguyên không hay bên kia sông có tiếng gọi đò; tiếng gọi rụt rè , như da diết:
- Đò...ơ...ơ...ơi! Cho tôi sang với!
Bà Nguyên vội vàng đưa đò sang sông. Khách xuống đò là phụ nữ, dáng mệt mỏi, bộ quần áo cũ loang lổ mồ hôi và bụi. Không nhìn rõ mặt, bởi khách chít một tấm khăn den to, chiếc nón trắng úp sùm sụp trên đầu. Song, ngắm vòng eo nhỏ nhắn, đôi vai tròn và hai bàn tay thon thả rám nắng, bà Nguyên đoán khách là người còn son rỗi và có nhan sắc.
Khách ý tứ ngồi xuống giữa khoang đò, lơ đãng nhìn những xoáy nước nhỏ, tròn xoe hình thành ở những đầu mái chèo đang đuổi nhau chạy ra xa, mất hút trên mặt sông. Hình như đôi mắt của khách loáng nước. Khách kín đáo thờ dài.
Con đò lướt ra giữa sông. Gió đã nổi, khối mây đen ở phía tây lúc nãy, giờ phình to che hết mặt trời, mặt sông Lường chuyển sang màu xám. Bầy cò nối nhau đáp xuống ngọn tre, đôi cánh chấp chới như những mảnh nắng cuối cùng của ban ngày.
Bà Nguyên ái ngại nhìn trời, nhìn khách:
- Em về Nguyễn à?
- Vâng!
- Còn xa đấy! Bốn năm cây số, chả ít đâu!
- Vâng!
- Sao đi muộn thế em?
Không có tiếng trả lời
- Trời tối, lại sắp có mưa to! Khốn khổ! Thân gái một mình...
Khách lơ đãng trả lời, hai bàn tay up vào nhau đặt trên gói quần áo, cô dửng dưng với cảnh vật xung quanh, dửng dưng với cả chuyến đi của mình. Linh cảm của người phụ nữ mách bảo cho bà Nguyên biết: Người đàn bà này đang có hoàn cảnh éo le, u uất lắm, có lẽ cô đang bơ vơ, không nơi nương tựa. Bà thấy thương cô, muốn đưa tay ra giúp đỡ cô.
Mũi đò chạm bờ, bà Nguyên cởi chão buộc con đò vào gốc sung. Rồi không đợi khách có bằng lòng hay không, bà cầm túi quần áo của cô nói dứt khoát:
- Em ơi! Nghe chị bảo: Em vào nhà chị nghỉ đã, mai hãy đi. Em đừng ngại. Nhà chị kia, chỉ có hai vợ chồng già. Nào ! đứng dậy, đi cùng chị. Nhanh lên, kẻo mưa ướt hết bây giờ.
Sau câu nói của bả, mưa ào ào trút xuống như thác đổ. Hai người đàn bà dắt tay nhau líu díu chạy qua khu vườn.
Đêm ấy, ông Nguyên ngủ một mình ở gian ngoài. Bà Nguyên và khách nằm trong buồng. Chiếc giường để không từ khi đứa con sau cùng bỏ đi, nay lại ấm hơi người. Chắc bị mệt, khách trằn trọc một lát rồi ngủ, mái tóc rất đen, rất dài chảy xõa trên gối, tràn lên cả ngực, lên mặt bà Nguyên! Bà thảng thốt: Mái tóc này giống hệt tóc bà ngày xưa, cũng có mùi lá sả thơm mát. Suốt đêm bà Nguyên thao thức, bao kỷ niệm thời con gái ùa về.
***
Sáng hôm sau, khách không đi được. Bà Nguyên dậy chở hai chuyến đò đưa cánh bán bánh chưng đi chợ sớm, về nhà thấy khách vẫn nằm co quắp trên giường, trán nóng như lửa, còn chân tay lạnh giá. Bà cuống quýt gọi chồng, ông bà vội vàng giã mấy nhát gừng, pha nước nóng đổ vào miệng khách, lấy dầu gió xoa khắp tay chân. Sau đó, bà giục ông chạy lên trạm y tế xã mua thuốc. Bà dặn.
- Cứ nói rằng tôi bị cảm ông nhá. Mà phải nhanh nhanh lên!
Ông đi, bà lục hòm quần áo cũ tìm đồng bạc trắng, luộc trứng gà, đánh cảm cho khách. Bà loay hoay dặt khách nằm ngửa, búi gọn tóc, nới khuy áo cổ: Trời đất ơi! Khách đẹp quá: khuôn mặt trái xoan hồng hồng, mắt lá răm khép rợp rặng mi cong. Sống mũi thẳng và cao, cặp môi mọng đỏ như thoa son. Khách thở khó nhọc, vệt gân xanh nổi rõ trên cổ trắng ngần.Bà Nguyên nhẹ nhàng xoa mồi đánh cảm trên mặt khách, như sợ làm đau khuôn mặt kiề diễm. Chợt bà dừng tay khi chạm vào đôi mày nhỏ và dài của khách. Sao nó cứng và thưa thế! Chẳng lẽ... bà khép bơt cửa buồng, lén lút cởi hàng khuy áo của khách. Một khuôn ngực như ngọc, như ngà lồ lộ hiện ra. Chiếc ức đầy đặn mịn màng, hai bầu vú căng tròn, trắng hồng... Nhưng núm vú hơi to đã chuyển màu thâm thâm.
Bà Nguyên run hết cả người, vội vàng cài kín các cúc áo, lại kéo thêm tấm chăn đắp cho khách, rồi bà cứ thế ngồi lặng đi ngắm người khách đang sốt mê man. Cô ta xinh đẹp thật, nhưng không trẻ như bà hồi ấy. – Bà đoán cô khoảng hai nhăm hai bảy tuổi – Chắc cô chưa có chồng, lại "già kén kẹn hom" đây! Cô trót dại với ai để đến nông nỗi này? Người ấy sao không che chở, yêu thương cô, để cô một thân một mình, bụng mang dạ chửa phiêu bạt đến đây? Nay lại ốm đau!.. Nếu như không gặp được vợ chồng ông bà, cô sẽ ra sao? Có phải cô cũng như bà ngày xưa: bị sỉ nhục, bị lừa dối và thúc ép đành nhắm mắt đưa chân, tìm nơi nương tựa? Đời bà may mắn gặp được ông Nguyên. Còn cô... bà Nguyên lo sợ, không dám nghĩ tiếp.
***
Trận ốm đột ngột đã giữ cô Hòa – tên người khách, sau này cô nói với bà Nguyên - ở lại xóm Trại hơn tháng trời. Những ngày đầu, cô hết sốt nóng, lại sốt rét, nằm mê mệt không ăn uống gì. Thỉnh thoảng cô chợt tỉnh. Tỉnh lại khóc rấm rứt hay nói những câu không đâu vào đâu. Vợ chồng ông Nguyên tận tình chăm sóc cô như người ruột thịt. Nhất là bà Nguyên, bà thức trắng đêm xoa bóp, đánh cảm hoặc canh cho cô ngủ, bà lo lắng dõi từng nhịp thở, từng cơn ho của cô. Xâu chuỗi những lời nói mê của cô, bà lờ mờ hiểu ra tất cả. Càng hiểu, càng thương và chăm sóc cô hơn. Liều thuốc mua về, bà cất đi "phụ nữ có mang không dùng những thứ này" bà lọ mọ đi kiếm các cây lá, thuốc nam cho cô uống.
Khỏi sốt, cô Hòa gầy và xanh lắm, suốt ngày cô ngồi thu lu trong buồng, mặt buồn rười rượi. Ông Nguyên vác chài đi đánh cá, chọn những con cá chép còn tươi rói nấu cháo, nấu canh chua cho cô ăn. Bà Nguyên bắt cô nghỉ ngơi, không cho làm gì, kể cả giặt giũ quần áo của mình. Vất và, bận bịu...nhưng vợ chồng ông Nguyên lại vui vẻ. Tự lúc nào, người phụ nữ xa lạ kia trở nên gắn bó thân thiết với vợ chồng ông.
Một buổi tối, sau khi hoàn toàn bình phục, cô Hòa xin phép được thưa chuyện với vợ chồng ông Nguyên. Cô mời ông bà ngồi trên giường, còn mình ngồi dưới chân họ. Cô nghẹn ngào:
- Công lao của anh chị đối với em như trời bể, em không biết đến bao giờ mới đền đáp được. Xin phép anh chị cho em được vái anh chị ba vái.
Cô sụp xuống vái đúng ba lần.
Ông Nguyên vội vàng đỡ cô đứng dậy. Vốn tính thương người ông không đành lòng, nhìn người khác đau khổ, van xin. Nhất là đối với phụ nữ. Ông bỏ ra ngoài, để mặc hai người đàn bả nỉ non tâm sự. Khá lâu bà Nguyên mới hỏi:
- Thế bây giờ em tính thế nà?
- Thưa chị, em định sang thị xã Hưng Yên, tìm một người họ xa của mẹ em, ở đó em kiếm việc làm tự nuôi mình.
- Có chắc em tìm được không?
- Cũng chưa biết chị ạ. Nhưng hoàn cảnh của em bây giờ nó...khó lắm, đành liều.
Bà Nguyên đắn đo một lát rồi chậm rãi nói như bảo ban đứa em mình.
- Em ạ, hoàn cảnh của em, em không nói chị cũng đã biết. Chị cũng trải qua như thế. Theo chị, bây giờ em chưa khỏe hẳn, lại trong thời kỳ phải giữ gìn. Nhà chị ở đây vắng vẻ, neo đơn. Anh chị đều thương quý em. Vì thế, em không ngại cứ ở lại. Khi nào mẹ tròn con vuông, em muốn đi hoặc ở với anh chị tùy em. Chị nói thật, sau này chị coi con em như con của anh chị. Hãy tin chị...Thôi! Nín đi em! Ta đi ngủ, khuya rồi!
Đợi khách ngủ yên, bà Nguyên rón rén trở dậy, bà có việc hệ trọng cần bàn với chồng. Định gọi, không ngờ ông vẫn thức. Hai người thì thào rất lâu. Có điều gì đó, ông chưa ưng, bà cười, khẻ vỗ vai chồng:
- Ông rõ lạ! Người thiệt là tôi chứ đâu phải ông?
***
Dân xóm Trại ít, nhà ở cách xa nhau, lại không có tính soi mói, nên việc nhà ông Nguyên có thêm một người cũng không ai quan tâm. Ai đó vô tình hỏi, bà Nguyên nói đó là ngươi em họ xa, gia đình dì ấy chẳng còn ai, nên sang ở với anh chị cho vui. Người nghe tin ngay. Ừ! Chị em "lọt sàng xuống nia". Hơn nữa, hoàn cảnh ông bà Nguyên như thế, cô emk ở với là tốt lắm, thôi thì con em cũng là con chị. Mà có lẽ thật, vì bụng cô em đã thấy lùm lùm. Mấy ông bạn thợ cày thì đùa:
- Lão Nguyên giỏi!" Mía ngọt đánh carb cụm". Ông nợ bọn này một bữa rượu đấy nhá!
Ông Nguyên cứ lặng thinh...
Qua Tết, sang đầu mùa hè, dì Hòa trở dạ. Bà Nguyên không để chồng dẫn dì đến trạm hộ sinh của xã, bà tự tay đỡ cho dì. Mọi việc tốt đẹp, dì Hòa sinh đôi, hai đưa con gái, ông Nguyên đặt tên cho chúng là con Vân, con Vi.
Hai đứa trẻ hay ăn chóng lớn, lại được ba người lớn chăm sóc, nên chúng rất khỏe mạnh. Đúng "ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi". Đặc biệt chúng giống nhau như hai giọt nước. Cũng da trắng như trứng gà bóc, mắt đen lay láy, chân tay mũm mĩm, hồng hào. Trừ người trong nhà, đố ai biết được đứa nào là chị, đứa nào là em? Bắt chước mẹ Nguyên, chúng gọi ông Nguyên là bố, gọi cả bà Nguyên và dì Hòa là mẹ. Xem ra nó quý mẹ Nguyên hơn, suốt ngày, hai đứa đeo vào sườn mẹ. Có lần khách gọi đò, dì Hòa phải thay mẹ Nguyên cầm chèo.
Cả nhà ai cũng yêu chúng, có thú gì cũng để phần và chia đều cho hai đứa. Nghe bố mẹ gọi: "Cái Vân , cái V đâu?" Hai đứa khoanh tay, cúi đầu, dạ rõ to, rồi chạy lại cười ròn khanh khách. Một tối bà Nguyên bảo:
- Trong buồng bức lắm, rôm sẩy mọc đầy người các con đây này! Từ rày, Vân Vi ngủ với mẹ Nguyên ở gian ngoài. Bố Nguyên vào gian buồng mà ngủ.
Dì Hòa cúi mặt vuốt tóc hai con. Ông Nguyên khoác chiếc áo lên vai, không nói gì, ông sang hàng xóm gói bánh chưng thuê.
Ông Nguyên trở về đêm đã khuya. Trên chiếc giường gian ngoài bà Nguyên và hai đứa trẻ đã ngủ. Cái Vân, cái Vi mỗi đứa gối một cánh tay, còn chân gác chéo lên bụng mẹ; trông như hai trái bí mập mạp bám vào thân cây già. Cửa buồng khép hờ.
Ông Nguyên ngồi xuống hè. Trăng mười sáu tròn vành vạnh như chiếc đĩa bạc treo giữa trời cao, trong veo. Gió chạy trên ngọn tre xáo xạc. Tiếng con vạc đi ăn đêm gọi bạn rơi vào trong sương. Yên tĩnh quá, nghe rõ tiếng nước sông Lường đang chảy, nhẹ nhàng vợt lên bờ cát. Một bàn tay mềm mại đặt lên vai ông. Không quay lại, ông cũng biết đấy là dì Hòa.
- Vào buồng ngủ đi anh! Đừng làm chị Nguyên buồn, tội nghiệp! Không có chuyện gì đâu, anh chớ ngại!
***
Một năm sau đêm ấy, dì Hòa bỏ đi, dì mang theo cái Vân, nó vừa trong ba tuổi. Buổi tối lúc đi ngủ dì Hòa rủ cái Vi:
- Vi vào ngủ với mẹ; mai mẹ mua cho cái bánh chưng to nhé!
- Ứ thèm ngủ với mẹ Hòa! Cái Vi chẩu môi lắc đầu – Vi ngủ với mẹ Nguyên cơ!
- Thế Vân vậy, ngoan nào mẹ yêu!
Cái Vân phụng phịu, nó ngủ với mẹ Nguyên quen rồi, mẹ hay xoa lưng cho chị em nó; thích lắm! Nhưng mẹ Hòa đã cầm tay nó dắt vào buồng. Nó nhấm nhẳn:
- Vi được ngủ cả với Mẹ Nguyên! Mai phải đền Vân đấy!
Sáng dậy, bà Nguyên hoàn toàn bất ngờ. Sao dì ấy lại ra đi vào lúc này! Cuộc đời của dì đang yên ổn, hạnh phúc cơ mà? Này nhé, sinh nở mẹ tròn con vuông, không điều tiếng gì. Này nhé, con cái khỏe mạnh, xinh đẹp lại được chồng yêu – dì chả đã ăn ở với ông Nguyên cả năm nay rồi đấy ư? Ông Nguyên cũng hợp với dì, họ chưa bao giờ to tiếng, giận dỗi nhau. Càng nghĩ bà lại càng giận dì Hòa.Con người trông xinh đẹp như thế mà bạc nghĩa! Bà đã mở rộng lòng đón dì, chăm sóc khi ốm đau, khi sinh nở, đỡ đần khi con thơ, con mọn. Bà nhường cả hạnh phúc làm vợ cho dì. Dì có biết, nhiều đêm bà không ngủ, miệng cắn vào tay để khỏi bật khóc? Dì còn mang cả con Vân đi. Nó còn nhỏ, có tội tình gì, mà phải chịu đựng chung vất vả với dì, lênh đênh góc bể, chân trời! Thương con Vân quá, bà cầu mong cho dì Hòa nghĩ lại, mẹ con sớm quay về với bà, bà sẽ xí xóa mọi chuyện.
Chỉ riêng ông Nguyê biết lý do dì Hòa ra đi. Biết từ ngay cái đêm dì dắt tay ông vào ngủ trong buồng. Dì khác hẳn vợ chồng ông, dì xinh đẹp, mạnh mẽ khát khao hạnh phúc thật sự do chính mình tìm được, không phải do ép buộc hay gán ghép. Cuộc đời dì đã một lần lầm lỡ, dì không bao giờ lặp lại, dù biết sẽ vất vả, khó khăn bội phần. Dì quý trọng, biết ơn vợ chồng ông. Nhưng không yêu ông, không chấp nhận sự sắp đặt của bà. Để cuộc đời mình trôi xuôi.
Lúc dì đi, ông thức, nhưng giả vở ngủ, ông không dám giữ. Ông lo sợ dì mang theo cả các con. Dì có quyền làm thế, vì chúng là con riêng của dì. Song là người phụ nữ nhân hậu, dì đã đền ơn, trả nghĩa vợ chồng ông bằng chính giọt máu yêu quý của mình. Ông hiểu dì còn ở lại nhà ông đến tận bây giờ là để chờ con cứng cáp mới giao lại cho vợ chồng ông. Ông biết ơn dì và tin người phụ nữ ấy sẽ tìm thấy hạnh phúc tốt đẹp cho mình, cho con.
***
Năm tháng qua đi. Thấm thoát con Vi đã 11 tuổi, nó học trường làng Nguyên Khê. Tuy cách sông nhưng trường lại rất gần. Đứng ở bến Lường, nhìn rõ lá cờ bay trên mái trường lớp ngói, nghe rõ tiếng trống vào lớp, tan trường hàng buổi. Sáng sáng con Vi đeo cặp sách, đội nón cùng mẹ xuống đò sang ngang, rồi đến lớp. Tầm trưa, những người bán bánh chưng trở về, cũng là lúc cái Vi tan lớp, nó lại lên đò về nhà.
Cái Vi càng lớn càng xinh đẹp và ngoan ngoãn, bố mẹ quý nó lắm, gia đình sống hạnh phúc, những mất mát đau buồn dần dần mọi người quên đi, họ nghĩ nhiều về tương lai. Song, tai họa thảm khốc nhất lại đổ xuống đầu họ.
Đó là hôm cái Vi tan học sớm. Biết giờ này mẹ chưa đưa đò sang đón, nó thơ thẩn đi theo những bờ ruộng tìm bắt châu chấu, cào cào để chiều về thả cho cò ăn. Độ ấy lúa đang đỏ đuôi, cả cánh đồng một màu vàng óng. Những bông lúa trĩu hạt uốn cong quyệt vào người cái Vi. Chiếc nón trắng nhấp nhô, chìm nổi giữa biển lúa mênh mông.
Mải chơi, cái Vi không biết đầy trời mây đen đang vần vũ. Ngay trên đầu nó, vắt qua con sông là chiếc cầu vồng bảy màu rực rỡ; Sau lưng nó, phía làng La mưa đã giăng mờ mịt. Cái Vi vội chạy tới gốc cây gao cổ thụ tránh mưa, chờ mẹ.
Bà Nguyên đã nhìn thấy con, bà quay đò sang sông. Gió to quá, thổi thốc vào ngực bà đến tức thở, cánh tay nhức nhối, bà phải lấy cả thân người để giữ mái chèo, lựa từng con sóng, đẩy đò đi. Chợt một quả cầu lửa khổng lồ, chói sáng đến nhức mắt, bừng lên phía bờ sông, kèm theo nó là tiếng nổ dữ dội, long trời lở đất, không gian khét lẹt mùi lửa cháy. Chớp mắt cây gạo cổ thụ bị chẻ toác, cháy đùng đùng như bó đuốc. Cả vùng lúa quanh gốc cây đổ rạp... Không kịp chờ mũi đò chạm bờ, bà Nguyên nhảy ào xuống nước, chạy về phía cây cháy. Tới chân gò đất bà vấp ngã. Không đủ sức đứng dậy, bà cuống quýt cào hai tay vào nền đất còn nóng, bò đến chỗ con Vi. Con Vi đây rồi! Nó nằm nghiêng, khuôn mặt còn nguyên vẹn, nhưng bạc như vôi; Cặp sách, chiếc nón bay đâu mất. Nửa thân người phía dưới cháy đen. Bà Nguyên ôm con, hét lên một tiếng rồi ngất đi.
Ông Nguyên cùng mấy ông bạn thợ cày đi chôn cất con Vi. Vợ ông đang được bà con trong xóm đưa về cấp cứu ở trạm y tế xã. Bà vẫn mê man bất tỉnh. Ông để mộ con ngay trên gò đất cây gạo cũ, nơi thường đứng chờ mẹ những buổi tan trường. Vừa đắp mộ cho con, ông vừa khóc, nước mắt ướt đãm khuôn mặt đầy nếp nhăn. Từ nay đứa con gái yêu quý của ông bà, sẽ nằm lại ở đây lạnh lẽo một mình. Ông bà không còn được nghe con nói, con cười, con gọi bố mẹ. Con ơi! Oan trái quá...! Con nằm xuống khi còn bé dại, khi chưa gặp lại người mẹ khốn khổ đã sinh ra con. Bố mẹ có lỗi khi không giữ được con, nuôi dưỡng con trưởng thành...
Tiếng sét đánh xuống cây gạo bên sông còn làm cho lũ cò trú ngụ trên lũy tre nhà lão Nguyên kinh động. Suốt buổi chiều, chúng nháo nhác bay lên đậu xuống. Đến tối, chúng kéo nhau bay đi hết. Trên ngọn tre chỉ còn lủng lẳng những chiếc tổ rỗng không. Mấy hôm sau, gió to, ném nốt chúng xuống sông Lường.
***
Bảy tám năm nữa đi qua...
Vùng quê hai bên sông Lường đã thay đổi nhiều, đồng ruộng lúa cấy ba vụ, làng xóm nhà ngói san sát; cuộc sống ấm no vui vẻ. Bến Lường vẫn còn đò ngang, lái đò là lão Nguyên, ông đã gần 70 tuổi, nhưng gân cốt còn vững, tay khoát chèo vẫn mềm mại. Khách qua sông bây giờ ít hơn,nhất là cánh bán bánh chưng. Nguyên do, có vài kẻ lừa đảo – chúng không phải ngườ xóm Trại – làm bánh chưng nhân bằng đất bán cho khách lấy tiền. Khách bị lừa một lần, hai lần vừa đói, vừa bực, bảo nhau không ăn bánh chưng nữa, họ ăn bánh mì, thứ này bán đầy ở gà Cẩm Giàng.
Bà Nguyên đã già, lại lẩn thẩn, thấy ai gọi đò, đều bảo đấy là cái Vi, dục chồng sang đón. Bà thường ngồi một minh nơi gốc sung già, ngó sang gò đất bên sông chờ đợi.
***
Một sáng mùa xuân
Có cô gái trẻ đứng bên kia sông gọi đò. Cô mặc chiếc áo sơ mi màu hồng may chít li, ôm sát cơ thể thanh xuân, thon thả, chiếc quần Âu màu sáng, chân đi dép nhựa trắng. Sau lưng, đeo chiếc ba lô nhỏ, mái tóc đen như mun, rất sài kết thành đuôi sam dài tận kheo chân. Hình như có gì vui mà cặp môi đỏ thắm, đôi mắt đen lóng lánh như cười. Lúc ấy trời rất cao và trong. Vầng dương đang lên. Mặt nước sông Lường phía bên kia rực rỡ như vàng chảy, phía bên này, dưới bóng tre lại xanh biếc. Gió ấm áp thổi trên đồng lúa đang thì con gái, lá ướt sương lấp lánh tạo nên những con sóng nhấp nhô, kéo dài ra xa tít. Cô gái không gọi đò, mà kiễng cả hai chân cầm nón vẫy vẫy.
Ông Nguyên cho đò sát vào bờ cát đón khách.
- Bố ơi! Con chào bố!
Giọng nói rất quen, âu yếm vang lên bên tai ông. Ông Nguyên lặng đi, sững sờ. Trước mắt ông là cái Vi. Đúng cái Vi, đứa con gái yêu quý xấu số của ông. Đúng rồi, khuôn mặt ấy, nụ cười ấy...gợi nhớ về người đàn bà ngày xưa.
- Bố! Cô gái áo hồng nũng nịu. Cô bước tới cạnh ông, nắm đôi bàn tay gân guốc. Bố không nhận ra con à? Con là Vân đây ạ!
Ông Nguyên ngỡ mình đang mơ. Bàn tay con đang nắm tay ông, khuôn mặt con sát mặt ông, ông vẫn chưa dám tin. Ông buông rơi mái chèo, dụi mắt lẩm bẩm:
- Con Vân đấy ư? Đúng rồi!... Vân Vi của bố...
Cô Vân đỡ bố ngồi xuống lòng đò, cầm lấy mái chèo, khoan thai đưa đò sang sông, hướng về gốc cây sung già.
Đò cập bến. Cô nhảy lên bờ ôm lấy bà Nguyên. Linh cảm kỳ la của người mẹ, khiến bà Nguyên nhận ngay ra con mình. Bà bám vào vai con gái, mái đầu bạc trắng đổ vào ngực cô. Bà khóc, nhưng không thành tiếng, tấm thân gầy cứ run lên từng đợt rất mạnh, như người bị nấy
Cô Vân xoa lưng mẹ nói dịu dàng:
- Mẹ! mẹ nghe con nói đã! Dì Hòa bảo nay con đã lớn, dì Hòa cho con về ở hẳn với bố mẹ. Bây giờ gia đình mình sẽ mãi mãi sống bên nhau, con sẽ chăm sóc bố mẹ. Dì Hòa khỏe, dì bảo nhớ bố mẹ lắm.
***
Cũng sáng xuân ấy. Những người chờ đò dưới bến, bỗng nghe có tiếng quạt gió rất mạnh trên cao. Nhìn lên, họ thấy mấy cặp vợ chồng nhà cò đang đáp xuống lũy tre nhà lão Nguyên. Có con mỏ ngậm những cọng rơm vàng.
- Cò lại về làm tổ ở đây rồi. Năm nay làng mình làm ăn chắc thuận lắm.
Theo Truyenngan.com.vn

Trao đổi thông tin

Quý khách có thể dùng mẫu bên dưới để trao đổi thông tin với chúng tôi.

Authenticate image

Vui lòng nhập vào thông tin phía trên để trao đổi

Các tin khác

Quản lý tài khoản

Trợ giúp

Giới thiệu