- Tin tức
- Những câu chuyện cảm động
Câu chuyện tình của mẹ (Phần 1)
2016-08-01 06:29:49
Có bao giờ anh nghĩ, bắt một cô gái 31 tuổi chờ đợi anh ngần ấy năm là quá đáng không anh?
***
Chương I
Câu chuyện mà tôi sắp kể bắt đầu từ khoảng những năm 1970. Quê ngoại tôi ở Trà Vinh. Khi ấy nhà ông bà nghèo lắm, lại đông con, không có nổi một mảnh khoảnh đất cắm sào. Người ta thương tình cho ở đậu trên một miếng gò nhỏ húm, trước đây là cái chuồng vịt, nằm tận trong đồng.
Trong số 6 người con có 4 người con gái đầu và 2 người con trai út. Mẹ tôi thứ tư. Cả 4 người con gái đều học hết lớp 3 cho biết đọc chữ rồi nghỉ, phụ gia đình lo cho 2 đứa em trai. Cơm không đủ ăn, mỗi bữa chỉ toàn cháo loãng với rau muống luộc, đó là còn may, thậm chí nhiều ngày chỉ có rau. Mẹ kể, một lần thấy cậu út đói quá quấy khóc không chịu ăn, mẹ phải lén vô ruộng khoai mì của ông Năm Bò trong xóm đào trộm về cho em, xui rủi bị phát hiện, ông Năm sang mắng vốn với ngoại. Ông ngoại giận, đánh mẹ một trận thừa sống thiếu chết, bà ngoại xót con, chạy ra ôm lấy mẹ đỡ đòn.
Từ lúc nhỏ, mẹ tôi vốn đã hay lo hay nghĩ, hơn hẳn chị Hai, chị Ba. Năm 1979, khi ấy vừa tròn 20 tuổi, mẹ tính đến chuyện rời quê để vào Sài Gòn tìm việc làm, phụ gia đình. Trong xóm có 2, 3 người đi trước. Cứ ở đây làm mướn mãi cũng không phải là cách, cả nhà nai lưng ra mà còn không kiếm đủ tiền mua nhúm gạo nấu cháo, mua dầu thắp đèn. Mẹ nói với ông bà, mà ông bà nhất định không chịu, nghĩ thân con gái mới lớn còn khờ câm, một mình đi xa không yên dạ. Ba bốn lần xin như vậy đều không được. Nhìn hai đứa em trai còm cõi, áo quần đi học mặc mấy năm trời rách tả tơi rồi vẫn không có tiền may mới, mẹ chịu không nổi. Vậy là một ngày kia (khoảng tháng 8 năm 1979), gần sáng mẹ lẻn bỏ nhà đi. Khi đi chỉ mang theo mấy đồng bạc lẽ và 2 bộ quần áo.
Tới Sài Gòn, mẹ cứ lang thang gần bến, không biết phải đi đâu. Tối, mẹ ngủ trên cái sạp bán hủ tiếu ở trong bến. Đêm ấy đang ngủ thì có bác quét rác ngang qua, thấy trời sắp mưa, bác gọi mẹ dậy bảo mẹ sang đằng thềm cửa phòng quản bến nằm cho đỡ bị lạnh. Rồi 2 người bắt chuyện với nhau, bác thương cho hoàn cảnh của mẹ, bảo mẹ giúp bác quét bến, tuy lương ít ỏi nhưng cũng còn hơn là chết đói. Từ đó, mẹ gắng bó với bến xe suốt 6 năm trời, mẹ làm thêm đủ thứ công việc, từ gõ rao hủ tiếu, bưng cà phê, bán vé số, soát vé xe... 5 tháng sau mẹ mới có tiền để gửi về quê, nhưng mẹ không cho nhà biết mình đang ở đâu.
Một lần, sau 3 tháng rời khỏi nhà thì ông ngoại tìm mẹ. Thấy ông đứng ở cửa bến, mẹ đang bưng hủ tiếu phải bỏ chạy đi trốn, trốn hết 2, 3 ngày mới dám ra. Ngồi gục trong góc hẻm, mẹ khóc, mẹ thương ông. Về sau, không còn thấy ai lên nữa.
Mẹ vốn đã quen làm lụng từ nhỏ nên công việc bươn chải ở bến xe không làm mẹ quá nhọc. Có điều, thiếu một chỗ ở đàng hoàng. Mẹ phải ngủ ở trước phòng quản bến suốt 3 năm. Trông mẹ lúc này đen nhẻm, tay chân chai sạn và nứt nẻ, đầu tóc thì rối bù như xơ xác như rơm. Đến năm thứ 3 mẹ thuê được một gian nhà trọ lụp xụp trong khu dành cho công nhân và sinh viên nghèo ở chổ gần công viên Phú Lâm bây giờ, nhưng nó cũng tốn hơn phân nửa tiền kiếm được hàng tháng.
Rồi một ngày kia, mẹ chợt nghĩ, giờ có chỗ ở, không lẽ cứ lang thang lủi thủi làm ngoài bến miết. Phải tính đến một công việc gì ổn định. Từ lúc đó cho tới lúc mẹ học may xong và sắm một chiếc máy may cà tàng cũng mất thêm 3 năm. Bao mùa mưa qua, mùa nắng lại, mẹ dần trở thành một trong những gương mặt quen thuộc nơi này. Khách thường xuyên đi đi về về Bến xe Miền Tây ai cũng biết mẹ. Ai cũng thương cho cô Quyên mới đôi mươi mà phải xa quê kiếm sống lam lũ, còn lo cho gia đình đông anh em. Cái máy may sau này mẹ mua được cũng nhờ một vị khách quen ở bến bán rẻ lại, và giới thiệu luôn cho mẹ đi học may nơi người quen của vị khách đó.
Hằng ngày mẹ dậy từ 4h sáng, loay hoay trong bến đến tận 5h chiều tạm xong việc. Mẹ đi bộ qua chỗ học may, cách bến 2 cây số, tới 8h mẹ lại về quét bến. Phải 11h đêm mới có mặt tại nhà. Mẹ không dám ăn uống mua sắm chi hết, chắt chiu từng đồng, chia ra làm 3 phần, phần gửi về quê, phần đóng tiền trọ, phần tiết kiệm mua máy may. Làm ở bến, tiền kiếm được thấp đến không tưởng vậy mà mẹ làm được bao nhiêu chuyện, đủ hiểu mẹ chắt chiu cỡ nào.Người phụ nữ vĩ đại của đời tôi đã kiên trì và chăm chỉ như thế.
6 năm ròng, cuối cùng mẹ cũng mua được một thứ cho riêng mình. Thật ra, cũng không hẳn là của riêng, vì nó trở thành phương tiện sinh nhai chính của mẹ để kiếm tiền trong 6 năm sắp tới cho đến lúc lấy ba tôi, nên mẹ quý nó như mạng sống của mình. Mẹ nghỉ hẳn ở bến, lãnh vải về may, trong khu trọ có ai cần sửa đồ, may đồ cũng mang sang nhờ mẹ giúp, mẹ khéo tay lắm, nên nổi tiếng ở cả khu đó. Thu nhập cũng không hơn khi làm ở bến xe mấy, nhưng nhẹ nhàng, sạch sẽ hơn. Khuya, khi không còn thấy đường để may, mẹ ra đầu hẻm phụ bà Bảy Hoa bán hủ tiếu, bà là chủ của khu trọ. Ai ở đây cũng mến thương mẹ, bà Bảy quen miệng, luôn gọi mẹ là con gái xưng má Bảy. Bà cũng độc thân, không con nên xem mẹ tôi như con gái của mình.
Có lẽ cuộc sống của mẹ đã lặng trôi đi như thế nếu người đàn ông kia không xuất hiện trong cuộc đời.
Tháng 6 năm 1986, lền đầu tiên mẹ gặp chú. Chú Nhân – tình đầu sâu đậm của mẹ, khi ấy là sinh viên năm 2 của trường Đại học Sư Phạm. Chú thuê trọ ở một khu cách khu của mẹ tôi chừng 1,5 cây số.
***
Chương II
Ngày đó, chú mang 1 xấp vải mới tinh, nhưng loại bèo sang nhờ mẹ tôi may 1 chiếc áo sơ mi mặc đi học. Mẹ tôi vốn vừa may khéo, vừa lấy rẻ có tiếng nên người ta quý, đến may nhiều, may mối. Thấy cậu sinh viên dáng gầy thư sinh, có vẻ mặt khù khờ, ngây ngô, mẹ nhớ tới mấy đứa em ở quê, nên chỉ ra phân nửa giá bình thường. Mẹ lấy thước dây đo tỉ mẫn rồi bắt chuyện:
- Em học trường nào?
- Dạ Sư Phạm.
- Là nữa ra làm thầy giáo đó hả.
- Dạ.
- Chị cũng có 2 thằng em, một thằng lớp 10, một thằng lớp 8, tụi nó học giỏi lắm, mà mỗi tội nhà nghèo không biết lo cho học lên đại học nổi không nữa...
- Dạ.
- Em mới dọn tới khu trọ này hả, nhìn em lạ quá?
- Em ở khu kế bên, cũng gần đây.
- Quê em ở đâu, nghe giọng chị đoán chắc là người Cà Mau
phải không?
- Dạ quê em ở Cà Mau, xa lắm.
- Mà em tên gì, để lát chị viết giấy đánh dấu vô xấp vải.
- Em tên Nhân.
- Rồi, chị đo xong rồi, cỡ 1 tuần nữa em tới lấy nghen.
- Dạ, cám ơn chị!
Đúng một tuần sau, cậu sinh viên quay lại, nhưng nhìn mặt buồn thiu.
- Em tới lấy áo hả, chị vừa may xong hồi tối. Em vô thử coi vừa không, để chị sửa.
- Dạ... chị ơi, cỡ 1 tháng nữa em quay lại lấy được không, xe đạp hư, sửa gần hết tiền, mai cũng tới tháng đóng tiền nhà...
- À, em cứ đi vô đây, mặc thử xem!
- Dạ...em...
- Vô đây!
Không kịp cởi áo đang mặc ra, cậu chàng choàng luôn chiếc sơ mi vào.
- Em phải cởi ra rồi thử mới biết vừa không chứ. Em vô nhà tắm kìa, đừng ngại.
Chú Nhân lúc ấy ngượng, đi khõ khẽ vào bên trong.
- Vừa không em, thấy thoải mái không?
- Dạ, thoải mái lắm. Mà bây giờ em chưa có tiền...
- Cứ mang về đi, bao giờ có gửi chị cũng được.
- ...
- Rồi em lấy gì mặc đi học?
- Dạ em còn mấy cái áo thun cũ.
- Cái thằng này, biểu mang về đi nghen, không mang là tui giận mốt nhờ tui không may nữa đó.
- Dạ... em biết rồi. Cám ơn chị.
Cái sự nhút nhát và rụt rè ấy càng làm cho mẹ nhớ lại 2 đứa em trai, mẹ cười. Đi ra cửa được mấy bước, chú Nhân quay lại nói vọng vào, như sợ quên:
- Có tiền em mang sang trả cho chị liền!
Chưa đầy một tháng, chú Nhân đã quay lại trả tiền cho mẹ, chú còn cho mẹ một trái xoài tượng chín. Lúc quay lại, chú mặc đúng cái áo mẹ đã may. Mà hình như nó bị rách 1 đường ở ống tay áo bên phải, ố vàng thân áo.
- Ủa, áo em bị làm sao vậy?
- Dạ, hôm bữa trời mưa đường trơn em bị té xe.
- Thôi, vô đây ngồi, chị lấy kim nhíp lại cho!
Chú nhìn vẫn nhìn mẹ tôi bằng ánh mắt bẽn lẽn.
- Không có lấy tiền đâu, cái thằng này.
- Dạ...
Mẹ tôi ngồi khâu, phát hiện lâu lâu ánh mắt chú lại cứ liếc nhìn mình, mỗi lần mẹ xoay lên nhìn là chú lại lảng đi hướng khác.
- Làm gì nhìn chị dữ vậy, mặt chị dính lọ nghẹ hả?
- Dạ không... Tại chị là người tốt...
- Sao em biết chị là người tốt?
- Mẹ em nói, ở Sài Gòn có nhiều người không tốt, phải coi chừng. Nên từ lúc vào Sài Gòn tới giờ em không dám quen hay chơi với ai.
- Trời ơi cái thằng này nói chuyện chứ như đàn bà con gái. Mẹ em hù em thôi, chứ Sài Gòn thiếu gì người tốt, chị gặp nhiều rồi, tại em chưa gặp đó.
- Chị là người đầu tiên đối xử tốt với em như vậy.
- Thôi sến quá đi ông. Chị nhíp xong rồi, coi được chưa?
- Dạ được rồi.
- Em coi tranh thủ về để đi học đi, trưa rồi đó.
- Dạ, bữa nay em học sáng, chiều được nghỉ. 2h em đi dạy thêm.
- Em có dạy thêm nữa ha? Giỏi quá. Vậy ba má ở dưới quê đỡ gửi tiền lên lắm.
- Ba má em mất hồi em còn nhỏ xíu, em ở với chị hai. Chị hai đi làm nuôi em.
- Ừ...ùm...
Nghe chú trả lời tự dưng mắt mẹ đỏ hoe. 7 năm nay mẹ chưa về quê, nhớ ông bà ngoại, nhớ mấy dì mấy cậu kinh khủng.
- Chị sao vậy chị?
- Chị không sao, chị nhớ nhà...
Rồi mẹ nhìn sang chú Nhân, mặt chú lúc đó cũng buồn so.
- Gần 2 năm rồi em chưa có về, em nhớ chị Hai. Mà quê chị ở đâu.
- Quê chị ở Trà Vinh. Chị bỏ nhà lên trên này được 6 năm rồi. Lẹ thiệt.
Hai chị em ngồi đó, im lìm, không ai nói với ai câu nào, ai cũng nghẹn ngào nhớ lại những ngày còn ở dưới quê, nghèo mà đầm ấm biết bao nhiêu.
1h30, chú Nhân về.
- Chị ơi, lâu lâu cho em qua nói chuyện với chị nghen, trên này em không có ai...
- Rảnh em cứ qua, bên này chị cũng buồn.
Mẹ cười tạm biệt chú. Cả ngày hôm đó, thỉnh thoảng mẹ lại thấy mắt mình cay cay.
(Còn tiếp)
Truyenngan.com.vn
Trao đổi thông tin
Các tin khác
- 2 tấn bi kịch [2018-03-15 11:54:48]
- Trong vòng tay cha [2018-03-14 11:00:22]
- Ba bỏ mẹ con mình đi rồi... [2018-03-06 15:46:12]
- Mẹ là siêu anh hùng và thần tượng của đời con [2018-03-02 10:40:37]
- Người phụ nữ mù ở Sài Gòn dò dẫm đến bệnh viện hiến tạng [2018-03-02 09:57:59]
- Bé 7 tuổi hiến giác mạc: Nước mắt không ngừng rơi [2018-02-26 10:17:01]