- Tin tức
- Ý nghĩa các ngày lễ
Giải thích phong tục ngày Tết cho bé
2014-11-20 18:38:00
Khi bé thắc mắc tại sao mẹ lại phải cúng giao thừa? sao ba không quét nhà trong những ngày Tết hay sao bé không được sang nhà hàng xóm chơi vào ngày mùng 1 Tết thì ba mẹ phải giải thích ra sao? Hãy dành chút thời gian để giải thích cho con về những phong tục truyền thống trong ngày Tết, để trẻ không những đón xuân thật vui mà còn lớn hơn lên nhờ những bài học nhiều ý nghĩa.
Có nhiều phong tục trong ngày Tết trẻ chưa thể hiểu hết được ý nghĩa sâu sắc, nhưng không phải vì thế mà cha mẹ trả lời cho quan chuyện hoặc làm ngơ không giải đáp thắc mắc của trẻ. Những phong tục ngày Tết cũng là những nét đẹp văn hóa còn được gìn giữ, cần giảng giải cho trẻ hiểu để bé yêu không chỉ hiểu biết hơn về kiến thức mà còn thấm dần nét văn hóa dân tộc. Đương nhiên các bậc cha mẹ cần giải thích với con một cách nhẹ nhàng, dễ hiểu, dùng từ ngữ hay cách thức so sánh, miêu tả của trẻ để giúp con thấy những phong tục này đã góp phần làm nên những ngày xuân thật ý nghĩa.
Vì sao có giao thừa?
Cũng giống như một năm học mẫu giáo của bé, có ngày khai trường và có lễ tổng kết cuối năm thì mỗi năm cũng có một ngày mở đầu và ngày kết thúc. Ngày cuối cùng của một năm là ngày 30/12 âm lịch hàng năm. Giờ phút cuối cùng của một năm cũ qua đi và chuẩn bị đón năm mới đến được gọi là giao thừa. Mỗi năm ông trời đều phân công một vị thần xuống cai quản mặt đất, thời khắc giao thừa cũng chính là lúc vị thần cũ kết thúc nhiệm vụ của mình, bàn giao lại công việc cho vị thần mới. Những lúc ấy, ba mẹ mới bày mâm cỗ cúng giao thừa, đó là cách để bày tỏ lòng viết ơn vị thần cai quản năm cũ đã trông coi cuộc sống của con người được bình yên, no ấm và cũng là để chào đón vị thần mới, cầu mong ông sẽ mang nhiều may mắn và hạnh phúc đến trong năm mới.
Vì thời gian các vị thần gặp nhau để bàn giao công việc không dài, cho nên người lớn phải sắp đồ lễ cúng giao thừa ở ngoài trời, để các vị thần có thể chứng giám lòng thành. Tục lệ cúng giao thừa cũng là để con người cảm ơn trời, đất, chính vì thế mà đây là những giờ phút linh thiêng và quan trọng không thể thiếu.
Sao lại gọi là lì xì?
Lì xì là khoản tiền nhỏ, được người lớn cho vào phong bao màu đỏ và cho trẻ con vào ngày đầu năm cùng những lời chúc chăm ngoan, mau lớn. Phong bao lì xì mang ý nghĩa mang đến sự may mắn, thuận lợi cho trẻ em. Bao lì xì đỏ tươi cũng chính là tấm lòng, sự yêu thương của người lớn trong gia đình dành tặng cho con, cháu nhân dịp bắt đầu một năm mới.Có câu chuyện cổ kể rằng ngày xưa ở Trung Quốc có một con yêu quái thường xuất hiện vào đêm giao thừa, thích xoa đầu trẻ con và khiến trẻ đau đầu, sốt cao, làm các bậc cha mẹ không dám ngủ để canh phòng. Có cặp vợ chồng lớn tuổi mới sinh được mụn con trai. Tết năm ấy, có 8 vị tiên dạo qua nhà, biết trước cậu bé này sẽ gặp tai họa với yêu quái liền hóa thành 8 đồng tiền đồng, ngày đêm túc trực bên bé.
Sau khi chú bé ngủ say, hai vợ chồng lấy giấy đỏ gói những đồng tiền này lại, đặt lên gối con rồi đi ngủ. Nửa đêm, con yêu quái xuất hiện, vừa giơ tay định xoa đầu đứa trẻ thì từ bên chiếc gối loé lên những tia vàng sáng rực khiến nó kinh hoàng bỏ chạy. Tục mừng tiền lì xì cho trẻ ra đời từ đó và có ý nghĩa như một món lộc trừ tai hoạ, mang lại may mắn cho trẻ.
Sao ba không chịu quét nhà trong mấy ngày Tết?
Theo tục lệ ngày xưa, vào những ngày đầu năm, người Việt kiêng không quét nhà, vì họ cho rằng làm như thế chính là đuổi ông Thần Tài ra khỏi nhà. Ông Thần Tài là người mang đến may mắn về tiền bạc, tài chính cho gia đình, nếu ngày đầu năm đã đuổi ông đi thì cả năm gia đình sẽ gặp nhiều khó khăn, túng thiếu. Không ai muốn trong cả một năm đi làm mà lại phải túng thiếu tiền bạc, vì thế đối với người Việt, ngày 30 Tết dù có bận rộn đến đâu đi chăng nữa họ cũng cố gắng dọn dẹp, sửa sang lại nhà của cho gọn gàng, sạch sẽ để đón Tết.
Ngoài ra cũng có tục không cho lửa hay cho nước trong những ngày đầu năm. Lửa đỏ cũng tượng trưng cho sự đầy đủ của cải trong nhà, nếu cho đi thì có nghĩa là cho luôn cả phần lộc của gia đình. Nước cũng được coi là biểu tượng cho sự thịnh vượng và nhiều tài lộc, đầu năm giữ cho nước bao giờ cũng có trong nhà, ngày trước còn có tục trước năm mới là phải gánh nước đổ đầy xô, thùng chứa để năm mới được may mắn, phát đạt. Do đó, cho nước ngày đầu năm cũng là điều kiêng kị.
Đầu năm kiêng không mặc quần áo màu trắng, đen.
Nắng đầu năm luôn tươi và hoa lá mùa xuân nở đầy màu sắc, vì mùa xuân là mùa sinh sôi, mùa của mọi sự bắt đầu và mang đến nhiều niềm vui. Vì thế khi mùa xuân đến là con người lại nao nức chuẩn bị đón Tết, đi chơi xuân. Với nhiều niềm vui như thế, nhiều hy vọng cho năm mới như vậy nên quần áo, trang phục chúng ta mặc cũng thể hiện niềm vui ấy. Áo quần mới nhiều màu tươi tắn, sặc sỡ sẽ mang theo niềm vui và hy vọng. Hai màu trắng và đen lại là những màu vốn được dân ta cho là màu của tang ma, buồn bã. Vì thế trong những ngày đầu năm mới, người ta thường kiêng mặc hai màu này, tránh mang đến điều không may hay nỗi buồn, vì sợ nó sẽ theo họ đến suốt một năm.
Thế nào là xông đất?
Người Việt quan niệm “đầu xuôi, đuôi lọt”, chính vì vậy mà ngày mùng 1 Tết, nếu mọi điều đều diễn ra suôn sẻ thì đó là dấu hiệu thật tốt cho một năm mới bắt đầu. Người khách đầu tiên đến chúc Tết cũng là người rất quan trọng. Nếu người khách ấy có tính tình cởi mở, tốt bụng, vui vẻ mà tuổi lại hợp với chủ nhà thì đó là điều hết sức thuận lợi. Vì lẽ đó mà người Việt thường có thói quen xem tuổi, xem tính cách và mời một người khách là người xông đất nhà mình trong năm mới, với mong muốn gia đình sẽ được hưởng những điều tốt đẹp từ người khách ấy. Đó là lý do tại sao ba mẹ thường không cho con tự tiện đến nhà người khác vào sáng mùng 1 Tết mà chưa được gia đình người ta cho phép. Trong những ngày đầu tiên của năm mới, chúng ta nên tránh những điều không hay, không vui cho mình và cho cả người khác để mọi người đều có một năm thật thuận lợi.
Tại sao không được cãi nhau, khóc, buồn trong những ngày Tết?
Như đã nói, vì người Việt quan niệm khởi đầu một năm mới với nhiều niềm vui, mọi việc suôn sẻ là điều tốt, vì thế những xung đột, xích mích hay sự buồn khổ là những điều không tốt. Thường trước Tết, những người đang có xích mích hoặc giận hờn thường gặp mặt, nói chuyện với mong muốn hòa giải để ai cũng thoải mái, vui vẻ trong những ngày Tết. Vào những ngày đầu năm lại càng không nên cãi nhau hay giận hờn, nếu con và bạn có gì chưa bằng long về nhau, hãy cùng nói ra để làm hòa, vì như thế những ngày Tết của cả hai mới được vui vẻ, con và bạn cũng sẽ gặp nhiều may mắn. Đừng tranh giành hay trêu chọc em nhỏ hay bạn bè dịp năm mới, những việc làm ấy là không hay và nó không mang lại may mắn cho con. Biết nhường nhịn để mọi người đều vui vẻ là hành động đáng khen và chắc chắn năm mới của con sẽ gặp nhiều điều tốt đẹp vì con đã rất ngoan.
Ngoài ra, ngày đầu năm còn kiêng làm rơi vỡ đồ đạc cũng với ý nghĩa mong những điều tốt đẹp, thuận lợi cho năm mới. Vì thế, con không được chơi đùa khi mẹ, bà đang làm thức ăn, phải cẩn thận khi cầm hay mang món đồ dễ vỡ để con luôn có may mắn và giữ may mắn cho cả gia đình nữa. Khi đến chơi Tết nhà người khác, con càng phải cẩn thận để tránh mang đến điều không tốt cho gia đình người khác, làm được như thế thì cả năm con sẽ được nhiều người yêu thương.
ST theo Belcholat.com
Trao đổi thông tin
Các tin khác
- Ý nghĩa của ngày Quốc Khánh 2/9 [2017-08-31 10:29:04]
- Ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan báo hiếu [2017-08-22 13:32:14]
- Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (10/8/1961 – 10/8/2017) [2017-08-14 10:48:23]
- Tháng 7 âm lịch mang những ý nghĩa gì? [2017-08-08 10:50:30]
- Ngày của Cha tại một số quốc gia [2017-04-27 13:43:08]
- Ý nghĩa của lễ dạm ngõ ngày xưa [2017-02-24 16:48:51]