Xuôi theo quốc lộ 39A đến thị Trấn Đông Hưng, vào các giờ tan tầm thật dễ dàng bắt gặp một người đàn ông trung niên, gương mặt khắc khổ ngồi trên chiếc xe xích lô đã nhuốm màu thời gian, guồng những vòng đạp dẻo dai, chắc chắn để len lỏi qua dòng phương tiện đông đúc sang bên kia đường đón học sinh về.
Làm theo lương tâm mách bảo
Theo chân anh Đán, chúng tôi thấu hiểu hơn về ý nghĩa công việc mà anh say mê gắn bó trong nhiều năm qua. Trên suốt quãng đường dài chừng 5 cây số từ Trường tiểu học Nguyên Xá về đến thôn Đà Giang những "hành khách" nhí của anh luôn nở rộ tiếng cười đùa giúp anh phần nào xua tan đi bao nỗi cực nhọc, mang lại thêm thật nhiều niềm vui và kỷ niệm cho mỗi chuyến từ thiện của mình.
Sinh ra và lớn lên tại vùng đất quê lúa nghèo chiêm trũng Thái Bình. Tuổi thơ anh Đán là những tháng ngày vất vả, dữ dội. Tuy nhà có đông anh chị em, lại là em út nhưng anh luôn chăm chỉ lao động, không dựa dẫm vào anh chị mình. Trò chuyện với chúng tôi, anh cho biết: "Tôi luôn xem lao động là vinh quang, không khó khăn nào không thể vượt qua được. Điều quan trọng là phải có lý trí, cái tâm khi làm việc, có vậy mới thành công.
Ngay từ nhỏ tôi đã luôn tự rèn cho mình tính tự lập, kiên định trong cuộc sống, bất kể làm việc gì, dù lớn hay nhỏ cũng phải đặt lợi ích của tập thể lên hàng đầu". Vừa guồng bánh xe chạy, anh Đán vừa lấy chiếc khăn tay đặt ở càng xe lau vội những giọt mồ hôi đang rơi trên hai gò má rám nắng .
Anh Đán lập gia đình ở cái tuổi muộn màng, vợ anh là chị Đinh Thị Liễu (SN 1983). Hai vợ chồng về tuổi tác tuy có chênh nhau gần một giáp nhưng ngôi nhà nhỏ của anh vẫn luôn đong đầy tiếng cười. Cuộc sống của họ cứ thế, chan hòa gắn bó đầy tình yêu thương hơn khi sinh ra được 2 cháu Nguyễn Thu Hương (SN 2006) và Nguyễn Hương Trà (SN 2013). Chị Liễu là một người con gái đảm đang, chị luôn luôn thấu hiểu lắng nghe những tâm tư, tình cảm nguyện vọng của chồng và đặc biệt về công việc chồng chị đang "gắn bó" coi đó là cái "nghiệp".
Anh Đán gắn bó với công việc đưa trẻ đến trường tính đến nay đã được hơn 5 năm. Anh xem đó như là niềm vui, điều hạnh phúc của mỗi ngày. Hằng ngày để những " đàn con" thân yêu của mình kịp giờ vào lớp anh phải chuẩn bị dậy từ rất sớm lau chùi xe cộ, kiểm tra lại sự an toàn trước khi "khởi hành".
Buổi sáng, anh rời nhà từ lúc 6 giờ, đánh xe đi đến từng hộ gia đình nhận đưa đón các cháu tới trường, trải qua nhiều đoạn đường gồ ghề, từng lớp cô cậu trò nhí đã đứng sẵn ở cổng chờ đợi anh, chúng chào bố mẹ khoác cặp bước lên xe anh trong niềm hân hoan, hứa hẹn đón chào ngày mới: "Mỗi chuyến xe tôi thường chở 10 - 15 cháu. Một ngày đều đặn cả đưa đi đón về là 4 lần.
Sáng chở các cháu đến trường thì đến 10 giờ mình đã phải đậu xe ở cổng trường đón rồi. Xong đó, buổi trưa bắt đầu xuất phát từ 12 giờ 30, xế chiều đến đón các cháu vào lúc 17 giờ. Công việc này phải đúng giờ chú ạ. Đến sớm thì được chứ đi muộn, các cháu đứng chờ đợi lâu lại nô đùa chạy ra đường, xe cộ, chẳng may có chuyện gì xảy ra thì tội nghiệp. Mình ân hận cả đời".
Chúng tôi tò mò hỏi lý do gì khiến anh quyết định đảm nhận công việc đưa trẻ đến trường mà không phải là những việc làm từ thiện khác thì anh Đán cho biết rằng, cách đây gần 6 năm, hằng ngày anh Đán đi buôn bán chuối trên quốc lộ 39A chứng kiến thấy cảnh các em học sinh nô đùa trước "hung thần" xe cộ trông rất nguy hiểm, "thần chết" có thể cướp đi tính mạng bất cứ lúc nào.
Thế rồi, điều mà anh lo bấy lâu nay cũng đã đến. Một hôm, anh Đán tận mắt thấy một cháu học sinh lớp 5 đi xe đạp bị lạc tay lái bị xe tải cán phải chết thảm. Quá đau xót, về nhà anh mất ăn, mất ngủ bị ám ảnh bởi cảnh tượng kinh hoàng đã xảy ra. Lúc ấy lương tâm anh đã mách bảo, thúc giục phải làm một điều gì đó để có thể đảm bảo tuyệt đối sự an toàn cho con trẻ khi đến trường.
Người cha hiền trong mắt "con trẻ"
Ngày ấy nghề buôn chuối của anh không đem lại thu nhập cao nhưng cũng là cần câu cơm nuôi sống cả nhà. Từ khi nung nấu ý định đó, anh Đán bỏ nghề. Ngay ngày hôm sau anh bắt xe khách lên Hà Nội tìm mua lại một chiếc xích lô với giá 4 triệu đồng, rồi từ Hà Nội ròng rã đạp hơn 100 cây về nhà. Số tiền 4 triệu đồng có được trong tay đối với anh Đán cũng không chút đơn giản. Anh đã phải bán đi hết lợn, gà và vay thêm mọi người mới hoàn thành tâm nguyện ấy.
Ngày thực hiện ý định của mình anh Đán bàn bạc với chị Liễu, ban đầu chị còn khuyên ngăn chồng vì lẽ, cái ăn không đủ đi lo chuyện bao đồng làm gì? Nhưng sau cùng khi nghe lời diễn giải từ chồng, chị cũng gật đầu ưng thuận cho việc làm phúc đó. Chị Liễu tâm sự: "Ban đầu khi biết việc anh ấy làm mọi người thân trong họ hàng cũng góp ý, khuyên bảo. Nhưng có lẽ vì việc làm đúng với tâm nguyện nên anh ấy vẫn cứ nhất quyết không từ bỏ ý định của mình. Còn tôi thuyền theo lái, gái theo chồng, nhận thấy việc anh làm là tốt, tôi cũng hiểu và mừng khi có được người chồng nhân hậu như anh".
Sau khi đưa học sinh tới trường an toàn, anh Đán lại vội vã trở về nhà bắt tay vào công việc phụ của mình. Năm 2010 anh bắt đầu làm thuê cho một xưởng cơ khí gần nhà để kiếm thêm thu nhập cho gia đình, hôm nào rảnh việc ở xưởng anh lại cùng chị Liễu ra đồng cày cấy chăm sóc cho cây lúa, luống khoai. Khi nghe chiếc đồng hồ đeo tay báo hiệu, anh Đán lại ngừng mọi công việc "gấu thấp gấu cao" ra về đi đón học sinh.
Chị Phạm thị Dung, một trong những phụ huynh có con được anh Đán đưa đến trường hằng ngày chia sẻ: "Kể từ ngày anh Đán nhận làm công việc này, phụ huynh chúng tôi an tâm, phấn khởi nhiều. Ngày trước, việc đưa đón con của những ông bố bà mẹ ở đây phải tốn rất nhiều thời gian. Ở khu vực này, phần lớn các hộ gia đình làm kinh doanh. Hằng ngày phải bỏ dở công ăn việc làm để đi đón con cái quả thực không thuận lợi lắm. Dân chúng tôi ở đây ai cũng quý mến tính tình hiền lành, chất phát của anh Đán. Nhiều gia đình thấy anh tốt bụng đến xin anh làm cha đỡ đầu cho con cái họ".
Công việc đưa đón học sinh đến trường như anh không phải ai cũng làm được. Để gắn bó được lâu dài, người đảm nhận phải có cái tâm trong sáng, sống lương thiện và anh Đán là một minh chứng cho điều này. Ngày nào anh Đán cũng thức khuya dậy sớm, trưa về chưa kịp chợp mắt lại chuẩn bị bắt đầu cho buổi học chiều của các cháu. Lắm khi mãi tối mịt anh mới xong việc vì phải đưa từng cháu một về nhà.
Trong số các em ngồi trên chiếc xe "tự chế" của anh, chúng tôi ấn tượng nhất là cháu Nguyễn Thị Yến - học sinh lớp 3. Yến rất hóm hỉnh và vui tươi, suốt cả quãng đường dài khi thấy anh Đán kéo vạt khăn lau mồ hôi, chốc chốc cháu lại cất lời: "Bố Đán ơi, bố có mệt lắm không?". Trong đôi mắt trong trẻo ngây thơ của Yến hiện lên sự cảm nhận nỗi vất vả của "bố Đán" theo từng guồng xe giữa trưa hè đổ lửa. Được anh quan tâm, chăm sóc chu đáo tận tình như vậy, trong lòng cháu nào cũng coi anh như một người cha hiền và hằng ngày bọn trẻ vẫn thường trìu mến gọi anh là "bố Đán".