Hội An trong tôi

2018-01-12 10:42:07

Thuở lên bảy lên tám, Hội An trong tôi là một khu phố tấp nập, náo nhiệt và có vẻ hơi xa lạ. Nhà tôi chỉ cách phố cổ chừng mươi lăm cây số, nhưng khá cách trở, mỗi lần ra phố là phải qua bến đò ngang Thuận Tình, nơi con sông Hoài tấp nập ghe thuyền vào, ra.

Ngày ấy, tôi lẽo đẽo theo ba ra Hội An mua lưới về làm nghề rớ cá. Hồi đó, tụi nhỏ chúng tôi đứa nào cũng thích ra phố cổ để được thưởng thức những món bánh tráng đập, hến xào và ngắm những món đồ chơi ở nơi phố thị mà trẻ con thôn quê chúng tôi chẳng bao giờ có được. Theo chân ba qua từng ngõ nhỏ, ngắm mái ngói rêu phong nhuốm bụi thời gian, tôi được nghe những tiếng rao lảnh lót từ các chú, các cô: “Xí mà đây! Ai xí mà không!”. Những gánh hàng rong với đủ các loại: Bánh xoài, bánh ram, bánh ít, bắp nướng Cẩm Nam… khiến tôi vô cùng thích thú.

Ngày đó, tôi chưa cảm nhận được nét đẹp của phố cổ, chỉ thấy Hội An là lạ. Lớn thêm lên tôi bắt đầu cảm nhận được nét đẹp của những góc phố thâm trầm rêu phong... Tôi bắt đầu yêu cốt cách của người dân phố Hội, bởi họ cũng mộc mạc, giản dị, chân thành đậm chất xứ Quảng. Sự mộc mạc, giản dị ấy thể hiện trong từng câu nói: “Răng, rứa, chi, hỉ” nghe sao mà thân thương, thấm đượm nghĩa tình. Yêu lắm những con đường nhỏ; những con hẻm chỉ đủ một người đi; những bờ tường rêu phong, ẩm mốc. Tôi yêu những góc phố kĩu kịt bao gánh hàng rong; những quán cà phê cóc không đèn, không nhạc, khách tự do ngồi bệt xuống nền xi măng, tĩnh lặng và thảnh thơi ngắm phố phường đông người qua.

Hồi ấy, ngồi dọc vỉa hè trên chiếc ghế đóng từ gỗ tạp, chờ mấy xiên thịt nhả khói thơm được nướng chín rồi xúm nhau cuốn cuốn chấm chấm, tất cả diễn ra trong chiếc mẹt tre chưa đầy nửa mét, bỗng thấy người với người gần nhau đến lạ. Theo chân ba qua khu liên phố, nơi đó có những tủ sửa đồng hồ, hàng vá áo, sửa giày, sửa ổ khóa… những cái nghề chân chất mấy mươi năm gắn bó bao con người phố Hội, chính họ là những mảnh ghép làm nên bức tranh đất và người phố cổ.  

Đến với phố cổ Hội An, ta bắt gặp hình ảnh những cậu thanh niên, những cô, dì, những chị nhiệt tình chỉ đường cho du khách thập phương; không khó để bắt gặp cảnh chủ quán mời khách vào nhà ngồi chơi, mời nhau chén nước trà, ngắm nhìn đồ vật kiến trúc cổ rồi thân mật trò chuyện cùng nhau giữa phố xá trầm mặc. Chỉ quan sát thôi cũng đủ biết những con người Hội An luôn luôn niềm nở, hiếu khách với một tấm chân tình thật thà, chất phác.

Về Hội An tìm lại một phần ký ức nhuộm thắm tuổi học trò, đi giữa dòng người tấp nập, tôi vẫn cảm nhận nét riêng rẽ, hiền hòa, cốt cách của người dân phố cổ. Giữa bộn bề cuộc sống nhưng tôi rất tự hào về quê hương, về những con người giản dị, mộc mạc, chân tình, không biết nói ngọt, chỉ thô thô, gãy gãy mà sâu nặng nghĩa tình, muốn cảm nhận thì cứ yêu đi rồi sẽ hiểu.

Về Hội An hôm nay, vẫn con đường thân thuộc thuở nào. Duy chỉ có một điều thay đổi, đó là con đường từ nhà tôi sang phố cổ không còn cảnh cách trở đò ngang, mà thay vào đó là chiếc cầu Cửa Đại nối đôi bờ bắc-nam. Con đường quê bập bõm lốt chân trâu ngày nào, nay được trải nhựa phẳng lì; những khu nghỉ dưỡng sinh thái, khách sạn ẩn mình dưới vòm cây xanh, khiến vùng quê một thời nghèo khó “thay da đổi thịt” đến vô cùng. Cùng ba về thăm lại Hội An, thong dong thả bước trên những con phố nhỏ, ngồi nhâm nhi tách cà phê bên quán cóc ven đường, bất chợt tôi nghe tiếng rao thân thương đến lạ: “Xí mà không con!”. Thì ra, dẫu có đi xa bao lâu, giữa đường đời tấp nập, Hội An vẫn thế, vẫn là chốn đi về của biết bao người con xứ Quảng. Theo tháng năm, lớp bụi thời gian có thể hằn in lên khuôn mặt bạc trắng mái đầu, nhưng tình đất, tình người phố Hội vẫn chân thành, mộc mạc và bao dung. 

Theo Báo Mới

Trao đổi thông tin

Quý khách có thể dùng mẫu bên dưới để trao đổi thông tin với chúng tôi.

Authenticate image

Vui lòng nhập vào thông tin phía trên để trao đổi

Các tin khác

Quản lý tài khoản

Trợ giúp

Giới thiệu