Ký ức tuổi thơ
2017-06-05 14:10:22
Mỗi một câu chuyện ra đời thường là sau khi có biến cố hay sự kiện nào đó. Tôi viết ra câu chuyện thật của đời mình bằng sự thúc giục của trái tim. Tôi tin rằng mỗi chúng ta trong cuộc đời đều trải qua những thăng trầm, mỗi đời người đều là một câu chuyện thú vị đáng để nghe, và để suy ngẫm. Mỗi người thân yêu quanh ta đều là những tinh tú mà mình cần phải trân trọng. Truyện đã viết một lần nhưng nhờ bạn bè động viên, cộng thêm truyện cũ chưa thoả mãn cơn thèm viết, tôi đã thêm phần giữa một số chi tiết mà trước đây tôi định để viết vào một dịp khác. Truyện tôi viết lần này chủ yếu về ông ngoại yêu dấu của tôi.
***
Ông vốn là học sinh ưu tú nên đi du học sang Pháp rồi định cư bên đó luôn, năm đó ông 30 tuổi. Ông quen và yêu một cô gái mắt xanh, là con gái cưng của một ông bác sỹ. Gia đình ông bác sỹ ngăn cấm tình cảm này vì ông ngoại là người Việt và có thể nhiều lý do khác nữa. Từ bỏ tất cả, cô gái quyết lấy ông và sinh được hai con một trai một gái.
Cuộc sống hạnh phúc lúc đó với ông ngoại tôi có lẽ là quãng thời gian đẹp đẽ viên mãn và bình yên nhất. Nhưng rồi khoảng thời gian đầu năm 1950, Bác Hồ kêu gọi Kiều bào yêu nước khắp nơi trên thế giới quay về Việt Nam xây dựng lại đất nước. Nghe theo tiếng gọi và tình yêu quê hương, ông đã suy nghĩ rất nhiều và cuối cùng quyết định quay trở lại. Trở lại quê hương ông bỏ lại sau lưng những buổi chiều hoàng hôn lãng đãng mây trời bên dòng sông Seine thơ mộng, bỏ lại sau lưng tháp Eiffel cao vời vợi ngóng chờ, bở lại sau lưng cả ánh mắt thảng thốt của người vợ trẻ đã từng bỏ cả cha mẹ để theo ông, bỏ lại sau lưng ánh mắt ngây thơ của hai thiên thần lai Pháp xinh đẹp.... Ông quay về cùng vài người bạn đều là kỹ sư Bác sỹ hừng hực nhiệt huyết, hừng hực khí phách trai trẻ với quyết tâm xây dựng lại đất nước và ông vẫn hi vọng một ngày nào đó sẽ quay trở lại gia đình đoàn viên.
Cũng phải kể thêm rằng ông ngoại là một trong 50 người Thanh niên ưu Tú của Việt Nam hồi đó được chọn đi du học bên Pháp. Ông thông minh học giỏi hơn người như thế đến giờ tôi vẫn thắc mắc là sao mình chả có tí gene học giỏi nào của ông. Có chăng trong số bao nhiêu con cháu của ông, chỉ duy nhất mình tôi giống ông vụ tóc loăn xoăn trước trán, điều mà tôi vốn không thích nhất về mình.
Sau khi ông quay trở về, hiệp định Geneve ký kết đã làm thay đổi toàn bộ cuộc đời ông. Tất cả như quay lưng lại, lịch sử không diễn ra theo nhưng gì ông và các bạn kế hoạch. Luật pháp thay đổi, ông cùng các bạn không ai được ra nước ngoài nữa. Ông như ngồi trên đống lửa tìm mọi cách liên lạc với vợ con bên Pháp nhưng vô vọng. Có lẽ bà đã phải giận ông lắm nên đã nhất quyết không cho ông liên lạc. Tôi còn nghe mẹ kể rằng sau khi ông đi, ông bác sỹ đã đến đón bà và hai cháu về nhưng dọn đi thật xa, thật xa để cắt đứt luôn người chồng mà bà tin là bạc bẽo đến tận bây giờ vẫn bặt vô tăm tín.
Ông ngoại buồn nên tìm đến rượu và thuốc phiện, niềm vui mới này đẩy đưa cho ông gặp bà ngoại tôi, người bà tôi chưa bao giờ gặp mặt. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ những tập ảnh màu hồi đó ông ngoại nâng niu gìn giữ, trong đó đối với tôi là cả một thế giới xa hoa tráng lệ như trong những câu truyện cổ thích, có một bà Tây mom móm hạnh phúc tươi cười viên mãn bên một chàng trai có vầng trán rộng mênh mông, ánh mắt sáng ngời và vòng tay chắc chắn bảo vệ hai Thiên thần mà đến tận bây giờ, đối với tôi, ngoài Ỉn và Tôm vẫn chưa thấy ai đẹp đến vậy.
Bà ngoại tôi trước khi lấy ông đã có bốn người con, hai trai hai gái. Chồng bà hồi ấy đang đi tù Côn Đảo chẳng biết bao giờ về. Bà đến với ông tìm sự chia sẻ những lúc cô đơn, và nhất là ông bà cùng chung sở thích: rượu. Sở thích này của ông bà cho đến tận bây giờ vẫn làm khổ tôi. Vì gene uống rượu đó đã ngấm vào máu mẹ tôi, bốn tuổi đã biết cầm chai ra đầu ngõ mua rượu cho bố. Thấy con đi lâu chưa về ông ngoại ra ngõ tìm thì thấy đứa con gái cưng đang ngửa cổ tu. Giờ mẹ ở với tôi, bà không có rượu là ăn không được, cuộc sống dường như vô nghĩa. Đi làm về mà chợt nhớ nhà hết rượu cho mẹ uống thì dù muộn mấy, xa mấy tôi cũng phải đi mua một thùng hay chai rượu đỏ về cho mẹ vui. Chả biết là có may hay không mà tôi không bao giờ uống bia rượu hay bất kỳ chất cồn nào, và cũng chưa bao giờ có ý định một ngày nào đó sẽ uống thử. Nhưng tôi không trách ông bà hay bố mẹ hoặc anh và chồng tôi uống, vì nhiều khi chính cái chất lỏng đó mới là thứ thực sự mang lại những giây phút nhẹ nhàng hạnh phúc bay bổng nhất giữa cuộc đời bộn bề lo âu này, dù đó chỉ là niềm vui trong tạm thời giây lát.
Trở lại câu chuyện của bà ngoại, ông bà về ở với nhau cùng bốn đứa con riêng khoảng hơn một năm thì mẹ tôi ra đời. Đúng lúc đó thì chồng cũ của bà được thả. Nếu là trước đây thì tôi trách bà đã bỏ mẹ tôi dứt áo ra đi về với tình cũ, bỏ lại đứa con thơ hai ngày tuổi còn đỏ hỏn cho ông tôi vụng về chăm sóc, bỏ lại tình nghĩa vợ chồng tuy không lâu nhưng cũng đã đi qua đời nhau và để lại nhiều cung bậc cảm xúc cho mãi về sau đối với ông tôi. Bây giờ tôi không trách bà vì có con rồi mới biết, dù bà có tới năm con lúc đó, nhưng người đàn bà bản năng thương con thì sẽ luôn luôn ẩn náu. Dù một, năm hay mấy chục đứa thì dứt bỏ đứa nào cũng là đứt từng khúc ruột, huống hồ hồi đó ông tôi lại là một anh chàng lãng tử phong độ cùng đứa con gái xinh xắn như mẹ. Chắc chắn bà bước đi nhưng nước mắt đong đầy. Ông ngoại là người động viên bà nhiều nhất để bà yên lòng quay lại với ông chồng trước vì ông hiểu với bốn đứa con, chắc chắn chúng cần bố ruột của nó nhiều hơn cần ông, mặc dù chúng cũng rất yêu thương và tôn trọng ông. Tôi không trách bà, vì sau bao thăng trầm của cuộc sống, tôi nghĩ nếu mình không phải người đó, không ở trong hoàn cảnh đó thì đừng nên có bất kỳ phán xét nào. Giờ đây tôi thấy mọi chuyện nhẹ hàng và đơn giản hơn rất nhiều so với bản chất vốn dĩ của nó.
Bà ngoại về với ông chồng cũ cùng các con, gia đình đoàn tụ ở Hà Nội lại là lúc gia đình ông ngoại phải chia li. Bà đi để rồi suốt quãng đời còn lại của mẹ tôi lớn lên là sự thiệt thòi và ấm ức. Ông ngoại cùng các bà em của ông thay nhau chăm sóc nuôi dạy mẹ tôi nên người. Suốt quãng thời Thơ ấu đó bà ngoại vẫn lâu lâu lén chồng về thăm mẹ. Mẹ hồi đó bé nên không hiểu chuyện chỉ thấy rằng bà bỏ đi khi vừa mới đẻ nên vẫn luôn nhìn bà với ánh mắt hận thù. Chỉ đến khi gần đây biết tin bà mất, mà trước khi mất vẫn không thể công khai mối quan hệ mẹ con làm bà ngoại ra đi không thể nào thanh thản, mẹ tôi mới hiểu và thương bà. Ở đời, mẹ chỉ có một, yêu thương và được sống với mẹ ngày nào là tôi biết ơn đời ngày đó. Tôi đã học và rút kinh nghiệm xương máu từ chính bài học của bà ngoại và mẹ, để rồi tôi luôn nhìn đời và dạy con mình sống là phải có tấm lòng và sự độ lượng. Hận thù và sự đố kỵ chỉ mang lại cho chính mình trở nên nhỏ nhen, sự cau có và khó chịu với những người xung quanh...Chỉ đến khi người mất đi rồi có hối hận cũng quá muộn màng...
Bà và các bác sau này vẫn thỉnh thoảng về thăm mẹ và ông ngoại, rồi chiến tranh, rồi li tán dần mất hết liên lạc của nhau. Các con của bà nay đều đã thành danh, con trưởng của bà ngoại, bác của tôi là một nhà văn nổi tiếng ở Hà Nội, mà nhờ cái tên này sau hơn 40 năm các Bác và mẹ tôi mới tìm lại được nhau.
Ông ngoại từ khi bà đi cũng buồn, nhưng rồi sự cô đơn lại đưa đẩy ông đến với bà vợ chính thức thứ 3 trong cuộc đời. Tôi nhấn mạnh chính thức vì đàn ông hồi đó năm thể bảy thiếp, đến nhà ông nào hồi đó cũng nghe kể vợ cả vợ bé nhưng khác thật nhiều thời nay là các bà hồi đó chịu ở chung. Chả thế mà ông xã tôi bây giờ lâu lâu vẫn lẩm bẩm uổng quá đời trai của mình sinh ra nhầm thời. Ông lấy bà (cứ gọi là bà Ba) rồi sinh ra cậu Hùng, thời gian này mẹ tôi có về ở với "mẹ ghẻ" và cũng không có nhiều kỷ niệm đẹp gì lắm. Mẹ chỉ kể rằng cái thằng Hùng đó khó nuôi và khóc ngằn ngặt suốt ngày. Hồi đó bảy tuổi, mẹ thèm ăn chè nên cho đỗ vào nồi ninh cho mau chín. Mẹ ninh cả đường và đỗ chung nhưng sao càng ninh nó càng cứng....Đang ninh thì mẹ ghẻ về thế là mẹ vội vàng đổ hết xuống cống.
Cậu Hùng trong trí nhớ tôi là một người đàn ông chất phác hiền lành, đôi mắt to tròn như người ta nôm na gọi là mắt bò. Năm bốn tuổi tôi nhớ có lần cùng cả nhà là bố mẹ, ông ngoại và anh trai tôi đi tàu há mồm Thống Nhất vào Sài Gòm thăm gia đình cậu. Cậu nói chung không có điểm gì nổi bật như ông ngoại, chắc chỉ được mỗi nước sinh được hai thằng con trai học giỏi, phải nói là rất giỏi mới đúng. Cũng là cháu ông mà sao cháu nội lại giống ông thông minh học giỏi, còn mình cháu ngoại thì...
Hai đứa con trai của cậu được mợ dạy dỗ rất nghiêm khắc ngay từ trong trứng nước. Đến khi thi vào trường Đại Học Y TPHCM là thủ khoa, chưa học xong đã được bao nhiêu công ty mời chào với những tiêu chuẩn nhiều người mơ ước.
Lại nói về TPHCM tôi mới chợt nhận ra rằng ông ngoại tôi đúng là người bôn ba theo đúng nghĩa. Ba người vợ thì một ở Pháp, một ở Hà Nội và một ở HCM. Nhưng đến cuối đời ông lại ở với mẹ tôi ở Hải Phòng, phải chăng một phần là do tấm lòng của bố Thảo của tôi đã khiến ông chọn ở với mẹ những ngày còn lại của cuộc đời???
Trong trí nhớ non nớt năm tôi gần năm tuổi, vẫn còn nhớ cái ngày bố mẹ tôi ra toà li dị, hôm đó mưa lất phất bay. Mưa không đủ nặng để khiến ông phải mặc áo mưa, bước đi để chứng kiến sự chia li của hai vợ chồng đứa con gái mà ông hết mực thương yêu. Nhưng mưa cũng đủ nặng để mắt tôi nhoà ướt thấy ông và bố đi cùng đi ra toà. Tay bố giơ cái áo mưa bay bay che trên đầu, trán của bố lúc đó đang băng bó vì bị thương. Vết thương ông đánh con rể vì bênh con gái, bố tôi cứ để mặc cho ông đánh, chỉ cầm cây đàn guitar đỡ đòn của ông. Cây đàn mà trước đây chiều chiều mấy bố con ông cháu vẫn quây quần vừa đánh đàn vừa hát ầm ỹ vang cả xóm mương nhỏ. Cây đàn chứng kiến sự xum họp đó của gia đình tôi giờ mang lên toà để làm vật chứng cho cuộc chia tay mà ông biết trước thế nào cũng xẩy ra. Bố để cho ông đánh vì bố hiểu rằng ông đánh bố chỉ là đau bên ngoài, nhưng nỗi đau trong lòng ông thì sâu hơn rất nhiều.
Sự chia ly của người trong cuộc đúng ra lại không đau đớn bằng sự chia lìa mà nó mang lại cho mấy ông cháu tôi. Ông ngoại trên đời yêu thương và cưng chiều nhất là anh trai tôi, thằng cháu nhút nhát hiền lành của ông. Với ông, anh là điều mà ông mãn nguyện nhất. Ông còn làm cả bài thơ con cóc cho anh tôi mà đến giờ tôi vẫn còn nhớ:
Gió đông gió thổi hiu hiu
Thằng Dũng hai tay móc củ thìu
Đưa lên mũi ngửi thấy thiu thiu....
Với sự sắp xếp của toà án, anh tôi về ở với bố, tôi về với mẹ, thì đương nhiên ông đành phải xa anh tôi mà tôi biết là ông đứt từng khúc ruột. Không biết có nên tin vào duy tâm hay không nhưng cho đến tận bây giờ sau hơn hai chục năm ông mất, mỗi lần anh tôi thành kính xin ông điều gì, ra mộ ông khấn là y như rằng anh xin được. Mộ của ông mẹ xây lại to đẹp hơn xưa nhưng cái ảnh trên mộ của ông thì chỉ vài hôm, lâu lắm là vài tháng lại bị bong ra. Chỉ duy nhất anh tôi gắn lên thì hơn chục năm rồi vẫn y hệt như thế.
Mẹ tôi sau đó lấy bố tôi bây giờ, (lẽ ra tôi nên gọi bố mà bố dượng nhưng không hiểu sao tôi luôn ác cảm với từ 'dượng'). Bố sau này của tôi là người bố tốt nhất trên đời, nhân hậu nhất thế gian và là người có trái tim bao la hơn cả bầu trời. Thế cho nên tôi luôn trìu mến gọi bố đơn giản bằng tên cũng giản dị giống như con người: bố Thảo.
Bố lấy mẹ khi bố vẫn còn là trai tân, mẹ một đời chồng về nhà bố Thảo ở khi ấy còn có thêm tôi và ông ngoại. Mẹ của bố Thảo tôi gọi là bà nội hiền như bà Bụt và yêu thương tôi như cháu ruột của bà. Sáng sáng bà dắt tay tôi ra đầu phố mua cháo sườn cho tôi ăn. Điều tưởng đơn giản thế thực ra ở thời điểm cách đây gần ba mươi năm không dễ dàng chút nào. Bố là trai chưa vợ lại lấy mẹ một đời chồng mà lại có con riêng... Bà bỏ qua tất cả những lời dị nghị của xóm làng mà mở lòng đón gia đình bé nhỏ của tôi, ba tấm thân bơ vơ lạc lõng không có nhà về.
Sau khi bà mất ông ngoại từ trong Nam ra ở với gia đình tôi. Đây là khoảng thời gian bình yên nhất của tôi với ông. Ông ra mang bao nhiêu là quà nhưng lạp sưởn là thứ hồi đó tôi thích nhất. Chiều chiều ông nấu món nhúng rau diếp hai ông cháu cùng ăn trong lúc bố mẹ đi làm. Đấy là lần đầu tiên tôi biết đến món nhúng mà về sau là món lẩu. Hồi đó ở Hạ Lý có còi báo động còn lại từ hồi chiến tranh, cứ đến 12 giờ trưa là hú một hồi rất dài như báo giờ nghỉ trưa. Tiếng hú vang và dài khắp vùng nhà nào cũng nghe thấy. Một hôm buổi trưa ông đang lúi húi nấu cơm, tôi nghịch ngợm ra nấp sau cửa giả giọng còi hú xem ông có nhận ra không. Tôi hú ù ú ú... rồi nghe thấy ông chép miệng, đã 12 giờ rồi đấy cháu ạ. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn còn ân hận vì lần đó đã trêu ông và chắc là ông chưa bao giờ biết có lần ông tự trách mình sao nấu cơm muộn cho đứa cháu gái bé bỏng.
Ngày mẹ tôi sinh em Hà hôm đó trời cũng lất phất mưa. Năm đó tôi tám tuổi, tôi vẫn nhớ dáng mẹ đi lom khom vì đau bụng cạnh dàn trầu không, nước tong tong nhỏ theo từng kẽ lá trầu như những giọt nước mắt ông Trời khóc cho số phận ngắn ngủi của đứa em gái đáng thương của tôi. Bố Thảo đi công tác không có nhà để đưa mẹ đi bệnh viện. Trời mưa cộng thêm bố không có mặt lúc em chào đời như báo trước cuộc đời em không trọn vẹn....Lúc mẹ đi rồi chỉ ông và tôi ở nhà ông đi qua đi lại mà tôi không hiểu gì. Em Hà của tôi có đôi mắt tròn đen lay láy và xinh xắn vô cùng, mỗi lần chơi, em hua hua bàn tay nhỏ xíu, em là báu vật của gia đình tôi và cả đối với ông tôi nữa.
Ngày em tôi mất tám tháng sau đó ông ngồi thẫn thờ, tôi ngơ ngác. Nỗi đau mất người thân yêu, nhất là khi tóc bạc phải tiễn đưa tóc xanh dường như là nỗi đau đáng sợ nhất trong đời người. Bố Thảo tôi lại chính là người lái xe chở em đi, chuyến xe lần đầu tiên em được đi xa cũng là lần cuối cùng. Bố trở em trong chiếc quan tài bé xíu, trở đi chôn luôn phần còn lại của cuộc đời ông...
Tôi đi học lúc xếp hàng cầm tay đứa bạn theo thói quen cứ vuốt bàn tay bạn tìm sự quen thuộc của tay em. Mỗi lần chơi với em tôi vẫn hay làm thế. Bàn tay bạn tôi không ấm áp bằng tay em tôi, không mềm mại bằng tay em tôi, bàn tay mà đứa em gái tội nghiệp chưa một lần biết nắm chặt tay tôi, chưa một lần vỗ về vai bố mẹ, để tôi có lần được vênh mặt với bạn và dìu em những bước chập chững đầu tiên. Bàn tay mà chưa kịp biết cầm chắc em đã vội buông ra, em buông đi tất cả và từ bỏ cuộc đời sớm quá để tất cả mọi người trong nhà mình bơ vơ ngơ ngác hụt hẫng nuối tiếc như mất luôn phần đời còn lại Hà ơi...Phải rồi, có lẽ vì em tôi quá xinh đẹp, quá mong manh nên ông Trời thương, sớm đón em về làm một Thiên Thần nhỏ trên ấy. Gia đình tôi đã phải thật may mắn mới có được em, tuy chưa đủ dài để chia sẻ buồn vui, nhưng em đã đến rồi đi và sẽ mãi là một thành viên trong gia đình bé nhỏ này. Dù đi đâu đến chân trời góc bể, em vẫn luôn tồn tại, thật trong trẻo và tươi đẹp trong trái tim tôi.
Trở lại với chuyện của ông. Hồi trẻ ông phong độ giỏi giang là thế, cả cuộc đời ông ba chìm bảy nổi khắp phương trời là thế, vậy mà khi đến cuối đời, tuổi thơ tôi gắn liền với ông bằng sự nghèo nàn và thiếu thốn, sự thiếu thốn chung của thời bao cấp cũng là tình hình xã hội lúc bấy giờ. Những buổi chiều tan học đi qua cầu treo Hạ Lý, ông tôi nhỏ thó nhưng ánh mắt vẫn toát nên vẻ nhanh nhậy và tinh anh với hộp đồ nghề bơm vá xe. Bố mẹ tôi nghèo nhưng không muốn ông làm nhưng ông vẫn quyết sáng sáng cắp cái hộp ra đầu phố kiếm thêm vài đồng mua rượu uống. Sau này khi gia đình tôi khá hơn, thì ông không còn nữa. Mỗi lần có dịp qua cây cầu treo nơi ông trước đây vẫn ngồi vá xe, không biết từ bao giờ tôi có thói quen đưa mắt tìm kiếm hình ảnh quen thuộc của cái bơm dựng ngay ngắn nơi vỉa hè có chèn một viên gạch đỏ đỏ để giữ cho cái bơm khỏi đổ. Nơi góc phố đó ngày xưa đi học về thỉnh thoảng tôi chạy vào thăm ông, ông vẫn dúi vào tay tôi khi thì cái kẹo lạc, lúc thì quả táo nhìn tôi ánh mắt trìu mến bảo: con An ngồi đây ông ra sửa xe một chút rồi ông cháu mình về...Gió thổi tóc tôi bay bay làm cay mắt khiến lòng tôi nôn nao.... Ông ngoại ơi ông luôn là một hình ảnh đẹp nhưng đầy bí ẩn, một ông tiên hiền từ, một anh hùng mà con cháu suốt đời ngưỡng mộ.
Ông ở với gia đình tôi đến năm 84 tuổi thì mất. Khi ông già và không còn minh mẫn, bố tôi, (chứ không phải mẹ) lại là người chăm sóc ông cuối đời. Cho đến tận bây giờ tôi mới nhận ra là cả đời ông vùng vẫy khắp nơi, giúp đỡ bao người, ba người vợ, bốn người con và còn nhiều người em người cháu. Thế mà khi đau ốm liệt giường lại chỉ có thằng con rể bón từng thìa sữa, thay quần áo tắm rửa, mua rượu, bảo vệ và bao che cho những tắc quái của tuổi già. Chưa bao giờ tôi thấy bố có biểu hiện của sự khó chịu hay mệt mỏi khi chăm ông, chưa bao giờ tôi thấy bố kêu ca phàn nàn về vấn đề gì. Thế mới biết trong cuộc đời không phải cứ theo quy luật bố mẹ ốm là phải con cái chăm, thế mới biết không phải cứ có con là về già đau ốm đương nhiên nó sẽ chăm cho mình... Mà nó là cái duyên, cái duyên để mình gặp một người nào đó đến đúng thời điểm nào đó. Chính bản thân bố tôi có duy nhất một người bố, lại là con một mà lúc ông nội ốm rồi mất là lúc bố lại đang ở chiến trường không về chăm được. Thế cho nên, trong cuộc đời, nếu số phận đã đưa đẩy ai đó đến cuộc đời đó không phải là ngẫu nhiên, mà là cái duyên. Hãy thương yêu, tôn trọng và giữ gì lấy nó...
Giờ ông mất khi tôi còn quá nhỏ, chưa một lần ngồi cùng ông ôn lại kỷ niệm thời thơ ấu, chưa một lần nghe ông tâm sự chuyện đời ông. Tôi chỉ biết từng chút từng chút những câu chuyện chắp vá của mẹ mà viết nên tâm sự này. Tôi tin rằng ở trên cao ông vẫn dõi theo từng bước con cháu ông đi. Ông ơi, nguyện ước của ông chắc chắn là thấy con cháu nhận ra nhau và đoàn tụ. Cháu đã thực hiện được 2/3 rồi. Ông ở trên đó phù hộ chỉ lối cho cháu tìm lại được hai bác bên Pháp. Để các bác được về lại Việt Nam, để thấy quê hương mình đẹp thế nào, về để thắp cho ông nén hương ông nhé. Hay biết đâu, ừ, biết đâu đấy các bác đã đang và vẫn khắc khoải tìm nhà mình mà cái duyên chưa tới ông nhỉ? Cháu tin là ngày đó sẽ không xa phải không ông?
Melbourne đêm 1 tháng 8 năm 2013.
Truyenngan.com.vn