Người Jrai tổ chức báo hiếu cho cha mẹ duy nhất một lần trong đời, nhưng rất tốn kém vì quy mô to như... đám cưới, dựng cả phông rạp, thuê âm thanh dàn nhạc và mời hàng trăm người tới dự trong suốt 2 ngày.
Lễ báo hiếu cha mẹ (tiếng Jrai gọi là Jih) là tập tục văn hóa truyền thống đã có từ ngàn xưa và ăn sâu vào đời sống, sinh hoạt của cộng đồng người Jrai ở Bắc Tây Nguyên cho đến hôm nay. Lễ này là để cảm ơn công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, và mỗi người chỉ làm một lần trong đời.
Thông thường người Jrai làm lễ báo hiếu cha mẹ sau khi đã lập gia đình vì lúc này đã tạo lập được kinh tế riêng. Vợ chồng có thể làm lễ báo hiếu cho tứ thân phụ mẫu cùng một lần. Quy mô tổ chức tùy thuộc vào kinh tế gia đình, làm nhỏ thì giết gà, vịt mời anh em họ hàng tới chung vui, lớn hơn thì giết trâu, bò và mời cả làng tới dự.
|
Người Jrai rất quan trọng lễ báo hiếu cha mẹ. Ảnh có tính minh họa: baogialai. |
Các cặp vợ chồng người Jrai sau khi cưới phải cật lực làm việc để có thể tổ chức lễ báo hiếu cha mẹ cho "bằng người bằng ta". Tập tục này trước đây khá đơn giản, nhưng hiện nay do có điều kiện kinh tế và ngầm thi đua lẫn nhau nên lễ báo hiếu thường có quy mô không kém một đám cưới, dựng cả phông rạp, thuê âm thanh dàn nhạc và mời hàng trăm người tới dự trong suốt 2 ngày. Khác với lễ bỏ mả hay cầu mưa cả làng cùng góp gà, nếp, rượu để tổ chức, lễ báo hiếu cha mẹ thì chính người tổ chức phải chịu mọi chi phí.
Thông thường các nghi lễ truyền thống của người Jrai đều do thầy cúng chủ trì, riêng lễ báo hiếu người chủ trì là bà mối của đôi vợ chồng. Khi khách mời là anh em họ hàng và những người trong làng đã tới đầy đủ, thịt trâu, bò và rượu ghè được bày ở gian nhà chính. Lúc này cha mẹ đôi bên của vợ chồng được mời đứng trang trọng giữa gian nhà, bà mối thay mặt gia chủ tuyên bố lý do và kể về công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ đôi bên. Tiếp đó để tỏ lòng biết ơn đấng sinh thành, người con phải có những món quà tặng cha mẹ, thường là bộ trang phục truyền thống của người Jrai.
Sau đó mọi người được mời dùng tiệc và uống rượu ghè cho đến hết ngày. Số người say sưa sau đám tiệc càng nhiều sẽ là niềm hãnh diện của người tổ chức. Họ cho rằng đó là một thành công lớn khi mọi người cùng hết mình góp vui và thật lòng với gia đình mình.
Tuy là lễ báo hiếu cha mẹ nhưng tâm điểm cuộc vui lại là bà mối. Để buổi tiệc thêm vui nhộn, gia chủ chuẩn bị cho bà mối một số thịt và vài ghè rượu để bà đi mời thực khách. Khi được mời, thực khách phải đưa cho bà mối một số tiền không bắt buộc nhiều hay ít, đáp lại bà cũng đưa cho khách một phần thịt. Cứ thế cuộc vui rôm rả và kéo dài cho đến hết ngày. Sang ngày thứ hai của lễ báo hiếu, khách mời ít hơn vì chỉ còn lại những người ruột thịt trong gia đình.
Người Jrai rất coi trọng lễ báo hiếu, những người chưa làm lễ này coi như đang còn một món nợ lớn với bậc sinh thành. Ngược lại khi đã làm được lễ báo hiếu, người con có tâm lý thoải mái. Những người đã tương đối có điều kiện nhưng chưa làm lễ báo hiếu khi ra ngoài thường được người lớn tuổi trong làng nhắc khéo "khi nào cho chúng tôi ăn thịt, uống rượu đây?". Những câu nói nửa đùa nửa thật như vậy khơi gợi sĩ diện và lòng tự trọng của người Jrai. Bởi thế, khi đã trưởng thành họ đều nỗ lực làm việc để có tiền làm lễ báo hiếu cha mẹ và cũng là một hình thức trả nợ với xóm làng.
Theo - Quốc Dũng - Vnexpress