Món phở của bà
2017-05-09 15:07:24
Ngày xưa bà còn sống, bà chọn những củ béo nhất, tròn mẩy cho vào quang để ngày mai chị đi chợ huyện bán lấy tiền đong gạo. Còn lại những củ lác bà rửa thật sạch, mài ra rồi cho vào vải lọc, nước lắng xuống hôm sau lấy bột, cái thứ bột màu nâu nâu ăn mãi ngấy tận cổ, vừa làm vừa bỏm bẻm nhai trầu: “Ra phụ nhặt củ với mẹ bay rồi mai tao làm phở cho mà ăn”.
Bột sau khi được cháo với nước lã sền sệt, deo dẻo như hồ, bà cẩn thận múc từng muôi rót vào tấm vải bịt trên nồi nước sôi sùng sục như người ta làm bánh cuốn sau đó cắt thành sợi đem phơi vài nắng, sợi cong lại như phở khô.
Gọi là phở cho oai chứ thực ra chỉ là cua đồng giã nhuyễn lấy nước, với cái tài nêm nếm của bà nồi nước dùng bốc lên thơm ngào ngạt, gạch cua váng lên óng ánh. Chỉ thế thôi mà cả nhà xì xụp khen ngon, mùi ớt, hạt tiêu xộc vào cay chảy nước mắt nước mũi.
Nhưng ăn mãi cũng nhàm, cái vị cua đồng lúc đầu thấy ngon ngon, ăn riết khai không chịu nổi, hôm nào nhà hết gạo bà thông báo “ăn phở” là cả bọn ngao ngán, có đứa lè lưỡi, ngoẹo đầu không chịu ăn, bà vừa dỗ dành vừa khe khẽ chấm nước mắt.
Hồi ấy gạo còn không đủ ăn nói gì đến hàng quà. Ba có việc lên thị xã mua về cho mấy cái bánh mì kẹp thịt đã mừng rơi nước mắt, bún phở lại càng xa xỉ. Chẳng bù cho ngày nay, cơ man nào là phở, đủ các nhãn hàng bắt mắt, vô tuyến quảng cáo inh ỏi, để thêm phần hấp dẫn người ta còn chua thêm câu “nguyên liệu ngoại nhập” cho ra dáng hội nhập Quốc tế.
Chuối ối không còn nữa, người ta bảo nó vừa hại đất mà hiệu quả kinh tế không cao nên nhổ bỏ lấy đất trồng hồ tiêu, chỉ còn lác đác một vài nơi có lẽ vì chủ nhân hoài cổ hoặc giả vì đất cằn không canh tác được. Cũng thật lạ, không hiểu sao nó lại có sức sống bền bỉ đến lạ: Trong khi cả bờ Nam giới tuyến nhuốm một màu đỏ oạch, cháy sém vì chất độc hóa học thì những lùm chuối ối vẫn xanh um, những bông hoa đỏ thắm như trăm nghìn ngọn nến chĩa thẳng lên bầu trời vừa kiêu hãnh vừa thách thức, nó vừa là thực phẩm vừa là người bạn thân thiết của bộ đội và du kích bám trụ chiến đấu trên tuyến lửa này.
… Cả cuộc đời bà hình như chưa một ngày thư thái. Nghe người ta nói phở thì nói theo chứ bà nào biết bát phở đen trắng là gì. Mười bảy tuổi đã về làm dâu nhà người, tất tưởi lo cái ăn cho cả nhà qua nạn đói đã là giỏi nói gì đến một chút riêng tư dù là thiết yếu nhất. Có cô đói qua lẻn vào cuối góc chợ kéo nón che kín mặt lùa vội bát bánh đúc vậy mà vừa về đến ngõ đã bị mẹ chồng mắng cho té tát, tủi thân chỉ ra bờ ao khóc tấm tức.
Mùa thu hoạch củ chuối ối lại về, dẫu trong tâm tưởng thôi, bỗng thấy nhớ bà vô hạn, nhớ mãi kỷ niệm của ngày xưa, thèm bát phở nấu với gạch cua khai khai, mùi vị của ớt tươi, của tiêu khô cay nồng trong cuống họng.
Sưu tầm