Mùa cải xoong
2013-05-14 07:52:39
Nhà nhà trồng cải xoong, người người trồng cải xoong, cả cánh đồng bạt ngàn một màu xanh nõn chuối mát mắt. Có lẽ vì thế mà người dân quê tôi còn gọi nó bằng cái tên dân dã là rau Liệt, chỉ cần thả xuống nước là mọc la liệt, đến kì thu hoạch thì ra đồng cắt, bó thành từng bó mang ra chợ bán mà không phải nhọc công chăm bón. Phải chăng đây chính là ân huệ duy nhất mà thiên nhiên ban cho cái vùng quê đất cằn đá sỏi, mùa Hạ nắng nung người còn mùa Đông rét cắt da cắt thịt quê tôi?
Cái khó nhất là phải dựa vào thiên nhiên, nếu nhiệt độ xuống quá thấp rau sẽ bị đắng, nhiệt độ cao quá rau sẽ bị đen. Có lẽ vì vậy mỗi khi đợt không khí lạnh dài ngày trên gương mặt khắc khổ của mẹ hằn rõ nét ưu tư. Không lo sao được khi bao nhiêu vốn liếng phải vay ngân hàng, nguồn thu nhập trông cả vào đám ruộng rau, không lo sao được khi mấy anh em chúng tôi ở trường Đại học ngày đêm trông ngóng? Nhìn dáng mẹ liêu xiêu trên bờ ruộng dưới cái rét thấu xương mà lòng se thắt…
Cải xoong quê tôi khác với cải xoong Đà Lạt rau xanh đậm, cọng to, vị đắng chỉ dùng để nấu canh còn ở đây rau xanh màu nõn chuối, vị thanh nhẹ, ăn rau sống, rau trộn đều được. Đến mùa rau, thương lái khắp nơi đổ xô về, cảnh mè nheo tranh mua tranh bán khiến bức tranh quê càng thêm sống động. Cải xoong ngon ngoài yếu tố thời tiết còn phải có nguồn nước sạch từ những giếng cổ chảy xiết quanh năm, có lẽ tinh khí của đất trời cùng đức tính cần cù chịu khó của người dân quê đã chắt lọc nên một loại rau ngon góp thêm hương sắc vào bức tranh văn hóa ẩm thực phong phú.
Những cái giếng cổ không biết có từ bao giờ chỉ nghe những người già kể lại từ khi họ lớn lên đã thấy những phiến đá ngả màu rêu phong trầm mặc, nguồn nước ngày đêm lững lờ tắm mát nuôi sống dân làng, tưới cho những cánh đồng cải xoong ngút ngàn.
Nhìn cánh đồng xanh mướt hút tầm mắt mà lòng xót xa nhớ chuyện xưa: Bao nhiêu ruộng đẹp quan Tây chiếm hết, những gã thực dân mũi lõ vừa tham lam vừa tàn ác vắt kiệt sức dân phu, bao mồ hôi, nước mắt và cả máu đã đổ xuống trên mảnh đất này rồi địa chủ, phú ông ra sức vơ vét, những người tá điền không tấc đất cắm dùi lại phải nai lưng làm thuê, dầm mình cả ngày dưới làn nước rét cắt da cắt thịt, màu xanh mát mắt nhuốm màu tang thương, mùa thu hoạch phu phen lại lũ lượt gồng gánh vào phục vụ cho quan viên chốn cung đình, mấy ông Tây bà đầm phưỡn chí ngán bơ sữa…
Những năm chiến tranh bọn địch thả bom na pan triệt hạ làng mạc, dồn dân vào trại tập trung với dã tâm biến dải đất bờ Nam sông Bến Hải thành một vành đai trắng, làng mạc tiêu điều, ruộng đồng xơ xác, không một cành cây ngọn cỏ nào còn nguyên vẹn vậy mà những giếng cổ còn.
Các cụ kể rằng: Ngày viên sĩ quan công binh kéo lính về lấp giếng, trời đang nắng bỗng mây đen ùn ùn kéo về, sấm chớp liên hồi khiến bọn chúng phải dừng lại. Ngày hôm sau chúng vừa nổ máy thì pháo binh ta dội lửa khiến chúng vứt lại cả xe ủi, máy móc bỏ chạy...
Ngày trở về, quê hương giờ chỉ còn là đống hoang tàn đầy rẫy hố bom và bom mìn còn sót lại, ruộng đồng hoang hóa, một lần nữa sức dân lại được huy động tối đa. Những cánh tay trần đập đá giữa trưa hè, ai cũng nô nức khơi thông dòng chảy, đâu đâu cũng ngập tràn không khí thi đua xây dựng Chủ nghĩa xã hội, từ chiến trường đổ nát giờ là những công trường đang thi công, những công trình thủy lợi, những cánh đồng cải xoong xanh mướt. Bọn trẻ con chúng tôi theo bố mẹ và các cô chú thanh niên ra đồng bắt cá như cũng vui lây cái không khí nhộn nhịp… Năm ấy cải xoong được mùa, những chuyến xe của thương nghiệp lũ lượt vào chở rau vui như hội.
Những đợt gió mùa hây hẩy, mưa xuân lất phất bay, đường làng lại tấp nập kẻ mua người bán, tiếng còi xe inh ỏi, tiếng léo nhéo mặc cả, ai cũng vội vàng hối hả cho những chuyến hàng cuối vụ.
Sưu tầm