• Tin tức
  • Những câu chuyện cảm động

Nắng giọt

2016-05-30 02:46:04

Nắng thèm được như thế, Nắng thèm cái cảm giác được thả mình trong cái thế giới ánh sáng ngập ngụa đó...

***

7 tuổi, bố Nắng bỏ nhà đi.

9 tuổi, mẹ Nắng thắt cổ tự vẫn.

10 tuổi, ông ngoại bị tai nạn mất.

12 tuổi, bà ngoại sau 2 năm hiu hắt vì nhớ chồng, chăm cháu cũng nối gót theo gót ông. Chị em Nắng dắt nhau về ở với người dì bệnh tật, nghèo khổ, hay cằn nhằn ở cuối làng.

Nhưng 1 năm sau, dì Nắng cũng theo ông và bà. Ngoảnh đi ngoảnh lại còn mỗi mình Nắng. Và em. 2 đứa trẻ côi cút nương tựa vào nhau.

Nắng gửi em cho cô chú họ, lên thành phố với ý nghĩ duy nhất trong đầu phải kiếm tiền để nuôi em, để sao cho con bé không khổ như mình. "ít ra nó mới có 9 tuổi, nó còn có tương lai". Người ta hỏi Nắng vậy tương lai của Nắng là gì. Nó ngẫm nghĩ, rồi chép miệng: "Tương lai của Nắng là mưa, mà mưa thì bao giờ cũng buồn". Năm ấy, Nắng tròn 16 tuổi.

Nắng đen nhẻm, người gầy như que củi đét, lại cao lêu nghêu, đội cái mũ phớt mà con bé nhặt được trong 1 lần đi chăn trâu, ra bến xe. Nó dắt kĩ mấy đồng bạc chú cho lên thành phố làm vốn dưới đáy cái balo nhà lính của ông đã sờn mép vải theo thời gian. Nó còn cẩn thận lấy giấy bọc mấy lớp bên ngoài.

Nắng đi, em Nắng ở nhà, trông cậy vào cả cô chú. Hôm đi, 2 chị em sụt sùi, nắm tay nhau mãi, chú phải bế thốc con Mít, em Nắng vào trong nhà, khóa trái cửa lại cho chị nó đi. Không thì cứ dấm dắng thế mãi đến tối vẫn không đi được. Trong làng, có cô Tú đi lên thành phố đã lâu, gửi tiền về xây nhà, rồi đóng góp cho họ xây cái nhà thờ hoàng tráng nhất làng. 2 đứa con cô đều theo mẹ lên thành phố. Dạo trước cô Tú đánh điện về nhà, bảo đang cần người gấp, thế là chú Nắng gửi Nắng đi. Âu cũng đúng, Nắng ở nhà, cô chú cũng không có tiền nuôi nó. Cô chú nuôi 4 đứa con nheo nhóc, giờ cả cái Mít và Nắng nữa thì lấy đâu ra. Ở nhà Nắng có đi làm thuê thì cũng được bữa đực bữa cái. Hôm nào có người thuê, Nắng có tiền đưa về thì chị em Nắng được ăn no. Còn hôm nào, cả ngày dài ế ẩm thì coi như ngày đấy 2 chị em nó nhịn đói. Nắng thì chẳng sao nhưng chỉ khổ cái Mít. Con bé còn nhỏ, đói, lăn lóc khóc. Khóc dữ bị chú đánh. Nắng ra đỡ đòn thay em thì bị chú tát cho thâm mặt.

Giờ thì Nắng đi rồi, ít ra bớt miệng ăn, may ra cái Mít không bị bỏ đói. Mà hôm Nắng đi, chú cũng hứa chắc như đinh đóng cột: "Mày đi, chăm chỉ vào, rồi gửi tiền về đây, đến mùa học tao cho cái Mít đi học." Nắng tin chú lắm, bây giờ là tháng 4, tháng 9 trường bắt đầu khai giảng. Nắng nhẩm tính, chí ít tới tầm đó Nắng cũng đi làm được 4 tháng, gửi tiền về cho chú lo cho cái Mít. Nắng nghỉ học thì không sao, đằng nào nó học nhiều cũng hỏng chữ, cái đầu thì đau như búa bổ. Còn cái Mít sáng dạ, bị nghỉ học nó khóc dữ lắm. Cứ mỗi khi thấy 2 đứa con chú tít tít chuẩn bị sách vở đi học là nó lại mếu máo. Nắng thương em mà không biết làm gì, giờ nghe chú bảo thế Nắng vui lắm. Kiểu gì trước tháng 9 Nắng cũng gửi tiền về để chú mua sách vở cho cái Mít đi học tiếp. Nắng ngộ ra, tương lai của nó chính là cái Mít đấy thôi, cái Mít vui, thế là đủ với nó lắm rồi.

Hành trang của Nắng lên thành phố có 132 nghìn, cái balo của ông trong có 4 bộ quần áo, mảnh giấy ghi địa chỉ của cô Tú mà chú đưa cho và mấy thứ linh tinh. Chú cho 100 nghìn, còn 32 nghìn là mấy lần Nắng đi bắt cua bán, sau khi đưa chú, nó còn giữ lại mấy đồng lẻ. 132 nghìn mà mất tận 43 nghìn tiền xe. Xót. Còn 89 nghìn, nó mua chiếc bánh mì nhai cho đỡ đói. Chú bảo lên đến đấy thì gọi điện theo số điện thoại chú ghi trong tờ giấy là có người ra đón. Nhưng khổ nỗi, Nắng làm gì có điện thoại. Nó ngồi ở bến xe, loay hoay, cầm tờ giấy hết xoay ngang rồi lật dọc, lắc đầu ngán ngẩm. Hết người xe ôm này tới người xe ôm khác rờ tới, nhưng nó đều lắc đầu. Chú bảo, mới lên chẳng biết ai, đừng có đi theo mà nó bán sang Trung Quốc đấy. Sang đấy thì mày hết về với cái Mít. Nắng sợ, sợ nhất là không được gặp cái Mít, không được ôm nó ru ngủ ở cái chõng trước sân nhà chú. Mà Nắng đi rồi, không biết mấy hôm nữa ngủ một mình nó có sợ không. Nắng thở dài. Nó cứ ngồi ở bến xe như thế, từ khi mặt trời còn đứng trên cao cho tới khi mặt trời chuyển màu, xuống thấp thấp ở phía đằng xa. Nó ôm chặt cái balo trước ngực, như sợ ai giật mất. Mà không sợ sao được, cả gia tài của nó đấy, mất thì nó biết làm sao. Rồi nó sợ, trời sắp tối rồi, chả nhẽ cứ bơ vơ thế này, mà không biết đường thì biết đi về đâu. Hỏi đường, nhỡ may người ta biết mình con nít, lần đầu tiên lên thành phố, người ta lừa thì tính sao. Nghĩ tới việc bị bán sang Trung Quốc như chú nói, Nắng càng sợ. Nhưng nhờ trời, may cho nó. Trong lúc nó ngồi nghĩ lan man thì có một người phụ nữ, dáng hơi phốp pháp, tô môi đỏ chót tiến đến gần nó. Cô ấy nheo mắt nhìn nó mấy phút rồi hỏi: "Cái Nắng phải không?" Nó ú ớ, còn cô mập thì cười khanh khách, vỗ vai nó, liến thoắng: "Cha tổ mày, sao mày ngồi đây rõ lâu thế, sao không điện về cho tao. À, mà may mày ngồi đây chứ không đi đâu, bị lạc nữa thì lại mất công tao đi tìm." Thật may, thì ra đó là cô Tú. Bao nhiêu năm không gặp, giờ trông cô Tú khác quá, suýt nữa Nắng không nhận ra. Cô Tú chở Nắng về trên chiếc Honda đang thở phì phạch. Chừng đâu có hơn 10 phút thì tới nơi.

Đến nơi Nắng mới rõ, hóa ra người ta nói cô Tú làm ăn to trên thành phố không điêu chút nào. Nhà cô Tú có một cái quán bán bia rõ to, rõ đông khách. Mà phục vụ toàn mấy chị xinh xinh, môi đỏ y hệt cô Tú. Hất hàm về phía Nắng, có một anh vẽ vằn vện đầy cánh tay: "Tính hàng mới à, không phải quá tệ sao?" Nắng không biết tên gã, Nắng tạm gọi gã là lão vằn vện. Cô Tú cười xả lả: "Nó ở quê, đang cần tiền, mà coi bộ thế chứ ít tháng thay da đổi thịt lại khác cũng nên."

Nắng chả hiểu gì, gặp ai Nắng cũng cười, cũng chào. Cô Tú dắt Nắng lên gác, bảo tắm rửa rồi nghỉ ngơi đi, có gì mai bắt đầu làm. Cả ngày ngồi rũ ở bến xe, Nắng mệt, lại đói với khát nên chẳng mấy chốc Nắng đã ngủ ngon lành. Cuộc đời Nắng đã rẽ sang một hướng khác mà dù giàu trí tưởng tượng đến mấy chính Nắng cũng không thể ngờ đến.

***

SỰ KHỞI ĐẦU

Công việc đầu tiên của Nắng khi ở đây là rửa bát. Quán cô Tú "phốt" nằm ở trong hẻm nhưng lúc nào cũng đông khách. Đặc biệt là buổi tối thì cứ gọi là, các chị nhân viên phải chạy xô mệt nghỉ. Mà Nắng để ý là thi thoảng mấy chị lại theo mấy ông khách đi đâu đó. Trong số nhân viên đó, Nắng thân với Miền nhất. Miền là con gái cô Tú, hơn Nắng 4 tuổi. Miền xinh, dáng dong dỏng cao, nhưng đôi mắt thì rõ buồn. Trái với Miền là Hải, con gái thứ 2 của cô Tú. Hải thấp, đậm người, có đôi mắt xếch, lại hay ưỡn ẹo, đon đả với khách nên có vẻ được cô Tú cưng lắm. Còn Miền thì khác, lúc nào Miền cũng lặng lẽ, ít nói. Khi vắng khách Miền thường ra sau bếp rửa bát, phụ với Nắng và bà Thập. Ngày trước có Tiên hay phụ bà rửa bát, nhưng kể từ khi có Nắng thì Tiên được chuyển lên làm nhân viên, có nghĩa là cao cấp và nhiều tiền hơn như Miền hay Hải, Tiên ngúng nguẩy bảo thế.

Bà Thập mới ngoài 50 tuổi mà bị nặng tai nên phải nói rõ to bà mới nghe được. Đó là hậu quả trong một lần bà bị cậu con trai bị tâm thần đánh thừa sống thiếu chết. Bà sợ quá, đành quệt nước mắt, giao con cho chồng lên thành phố tìm việc, mong có tiền chữa bệnh cho con. Bà được Miền đưa về khi bắt gặp bà nằm dặt dẹo bên chiếc nón rách ở đầu hẻm. Đó là chuyện sau này Miền mới kể lại, còn dạo đầu bà với Nắng chẳng mấy khi nói chuyện với nhau. Một ngày của Nắng bắt đầu lúc 5h sáng và kết thúc lúc 12h đêm. Mệt vật vã, nên cứ nằm xuống là Nắng ngủ li bì. Nhưng Miền thì khác, có nhiều khi Nắng tỉnh dậy giữa đêm, phải đến 2,3h sáng mà Nắng vẫn chưa thấy Miền về. Sáng Nắng dậy đánh răng, dọn dẹp thì mới thấy Miền thất thểu đi về. Cái dáng cao cao, gầy gầy của Miền đổ liêu xiêu trước cửa nhà. Có đôi lần, lão vằn vện phải đi đón Miền về. Miền nhão nhoét trong tay Nắng, đôi mắt trắng dã, mấy chiếc khui áo bung ra, để lộ chiếc xu chiêng xộc xệch, lấp ló cặp vú đỏ hỏn, vẫn còn ươn ướt. Nắng nghe tiếng lão vằn vện ẩm bẩm chửi thề: "Đ.M nó, đêm qua nó chơi sâm 3, lại làm mấy hiệp, hèn chi con nhỏ không trụ được." Nắng lờ mờ đoán ra công việc mà Miền, Hải và những cô nhân viên làm, đấy chắc hẳn không phải chỉ đơn giản là phục vụ bia bình thường. Rồi Nắng sợ, Nắng rùng mình biết đâu đến một ngày mình cũng trở thành Miền thứ hai. Nắng thà được ít tiền chứ như Miền giờ, khổ mà xót xa quá.

Lại có đôi lần, quán ế ẩm, có lẽ đấy là một trong số những ngày may mắn đối với Nắng hay Miền. Chỉ có lác đác vài mống khách, lão vằn vện và cô Tú cứ đi ra đi vào chửi đổng. Nắng nghe loáng thoáng hình như mấy ngày nay "cớm" làm căng. Nắng ngơ ngẩn, nghe chửi đấy mà không rõ cô chửi ai hay chửi mình. Nhưng lại may, Nắng được nghỉ sớm. Miền cũng không phải đi làm ca đêm như mọi ngày. Nắng lại thấy yêu đời lạ. Đêm nằm, hai chị em thủ thỉ đủ chuyện. Miền kể nhiều, khóc nhiều và cười cũng nhiều. Giọng Miền đắng ngắt khi kể về cô Tú. Ngẫm ra người phụ nữ ấy cũng khổ, từ khổ sinh ra cái ác. Cô hận đàn ông, cô hận bố Miền nên cô hủy hoại cuộc đời Miền. Nắng nhớ cái ngày mẹ Nắng còn sống, 2 người như 2 con thoi đi làm hàng sáo, buôn thóc từ xóm trên đến làng dưới. Ngày ấy, cô gầy, mặt hóp lại chứ không phốp pháp như bây giờ. Ấy thế mà, đúng là cuộc đời, như cái đồng xu 2 mặt khi gieo quẻ vậy, có mặt sấp, mặt ngửa. Mà chẳng ai đoán được đời mình sẽ sấp hay ngửa. Chồng cô bài bạc rồi sinh ra nợ nần, rượu chè suốt ngày. Chú đánh cô tàn nhẫn lắm. Nắng nhớ có lần, chú cởi hết quần áo của cô, trói ngay trước cây cau đầu ngõ, rồi đánh, rồi chửi tới tấp. Chú chửi cô là đồ con hoang, là con đĩ, là đồ bị tịt,...Chú vừa uống vừa chửi. Chú dùng chiếc thắt lưng đã mất quai của mình đánh như điên, như dại vào người cô. Chỉ có lũ trẻ con như Nắng, tò mò chạy đến xem, còn người lớn, ai cũng chỉ đứng xa xa hoặc đóng cửa ở trong nhà. Mẹ bảo chuyện người ta. Sau khi mẹ Nắng trẫm mình xuống sông, 6 ngày sau, cũng ở khúc sông ấy, người ta thấy cô Tú, đầu tóc rũ rượi định tự tử nhưng may người làng kịp thời ngăn lại. Rồi cô bỏ đi biệt tích, không ai biết cô đi đâu. Người ta đồn cô lên thành phố kiếm được chồng khác sung sướng lắm, có người thì bảo lại làm gì có, lên đấy cô theo người đã có vợ bị vợ người ta đánh ghen suýt chết, giờ có khi đi làm gái ở đâu đó. Hóa ra cuối cùng là thế thật. Những chuyện này Nắng biết, duy chỉ có chuyện Miền không phải là con ruột cô thì Nắng không biết. Miền là con riêng của chú, còn Hải mới là con ruột. Độ 6 năm sau đó, cô về, cùng chồng mới của cô bây giờ. Còn chồng cũ, bố Miền thì vì rượu chè bê tha mà chết. Cô về đưa Miền lên thành phố. Ít năm sau, cô về đón tiếp Hải. Cái nhà ngói 3 gian dạo trước cô về xây, giờ ông bà ngoại Miền dọn sang ở. Miền lẩm nhẩm dễ chị xa quê cũng tới 5 năm rồi.

Nắng rửa bát cho cô Tú, nó không rõ lương cô trả cho bao nhiêu, cô chỉ bảo: "Tao nuôi mày ăn, cho mày chỗ ngủ, tới tháng tao gửi tiền về cho chú mày ở quê lo cho cái Mít. Còn mày trên này cũng chả cần gì, đưa cho mày ngộ nhỡ mày tiêu hết." Nắng ngẫm cũng đúng, quả là ở đây Nắng chả cần tiền vào việc gì. Ngày nào cũng như ngày nào, Nắng ngập ngụa trong đóng bát đũa, cốc chén pha cả mùi bia lẫn mùi thức ăn. Từ sáng tới tối, ngày nắng cũng như ngày mưa. Ra thành phố dễ đến tháng trời, nhưng chưa bao giờ Nắng được đi đâu quá cái hẻm tối mịt này.

Rồi Nắng cũng có cơ hội, nói là cơ hội nghe buồn cười cơ mà đấy là lần đầu Nắng được đi khỏi nhà cô Tú thực sự. Đó là dạo Nắng ốm. Nắng ốm vật vã, nằm li bì mấy ngày liền. Toàn thân nổi mụn đỏ, vừa sưng tấy lại vừa có mủ, đau nhưng nhức. Mấy hôm đầu cô Tú bảo cứ để nó nằm đấy, rồi nó khắc tự khỏi. Nhưng mà hết 5 ngày, bệnh Nắng vẫn chả đỡ, lại thấy Nắng người đỏ lừ, khắp mình mẩy tay chân toàn mủ là mủ, cô Tú sợ đành cho lão vằn vện đưa Nắng vào bệnh viện lấy thuốc. Nắng chả rõ Nắng bị gì, chỉ thấy nằm viện 3 ngày thì Miền và Hải tới đón về. 3 ngày nằm trên giường Miền là người túc trực chăm sóc Nắng. Nắng sợ, mình ốm thế này, không đi làm được, cô Tú không trả lương, không có tiền gửi về cho chú, rồi cái Mít lại đói, cái Mít không được đi học. Nắng sợ, nhỡ may mình mắc bệnh nan y, rồi cô Tú đuổi về quê thì còn khốn hơn. Thế thì thà Nắng chết cho đành. Mà Nắng chết thì chả nhẽ để cái Mít bơ vơ. Cái Mít mà ở với cô chú thì cũng chỉ được dăm bữa nửa tháng chứ Nắng không có tiền gửi về thì cô chú làm gì chịu nuôi nó mãi. Thế thì thà cả 2 chị em cùng chết, cùng xuống gặp mẹ có khi đỡ cực hơn bây giờ. Sống sung sướng thì khó chứ chết thì dễ. Nắng với cái Mít cứ dắt nhau ra khúc sông mẹ Nắng tự tử thì thể nào cũng chết được. Không chết được cũng phải chết. Nhưng mà Nắng vẫn ham sống lắm. Với lại cái Mít còn nhỏ, tội nó. Càng nghĩ Nắng càng thấy tủi thân, nó kéo cái chăn bệnh viện trùm kín mít rồi khóc. May thay lúc ấy Miền chưa đến không thì nhất định Miền sẽ mắng Nắng té tát. Rồi Nắng lại nghĩ tới việc trở về nhà cô Tú, ngập ngụa trong đống bát, chén, chen chúc trên cái gác xép chật chội. Buổi trưa nghe rõ tiếng nắng rơi, nghe rõ tiếng mái tôn nổ lộp bộp. Đêm nằm mà mồ hôi vã ra như tắm, người cứ nhầy nhầy, ghê ghê đến khó tả. Rồi Nắng chép miệng, nó chịu cực bây giờ nuôi cái Mít học hành đàng hoàng, sau này nó sẽ khác. Mà ít ra Nắng còn sung sướng chán, có chỗ tá túc, chỗ ăn chỗ ở, lại có tiền lương chứ cứ ở quê mãi thì có khi bây giờ 2 chị em lại đang phải nhịn đói.

Nắng ra viện, người Nắng héo quắt lại nhưng cũng chỉ được cô Tú cho nghỉ thêm 1 ngày (1 buổi chiều hôm ra viện với buổi tối hôm đó) rồi sáng phải xuống làm. Vì nghe đâu bây giờ đang vào mùa cao điểm. Mấy hôm Nắng ốm, một mình bà Thập xoay không nổi. Nắng tặc lưỡi: đông khách thì mình có nhiều tiền để cô Tú gửi về cho chú hơn. Với lại tính từ hôm ốm đến giờ Nắng nghỉ làm cũng độ chục ngày rồi, giờ phải làm bù, không cô Tú cắt lương mất. Mà cắt lương thì cái Mít ở nhà khổ. Cứ nghĩ tới cái Mít lòng Nắng lại thấy chộn rộn lạ. Không biết cả tháng rồi con bé ăn uống ra sao. Không biết đêm có còn ngủ mớ hết gọi dì rồi gọi bà nữa không. Không biết cô chú có đối tốt với con bé không. Không biết thỉnh thoảng có tè dầm không. Tè dầm cô chú lại mắng chết, lúc đấy cũng chả có ai đỡ đòn cho nó. Nắng thở dài, rồi lắc lắc cái đầu, không nghĩ nữa, không nghĩ nữa. Càng nghĩ Nắng càng thấy khó chịu, Nắng càng muốn về quê. Về thăm cái Mít một xíu thôi, ôm rồi xoa cái mái tóc rơm rơm, hoe hoe khét mùi nắng của nó một tí. Rồi mua cho nó bịch kẹo lạc thế là được. Có thời gian thì Nắng ra thăm mộ dì. Cũng gần tới giỗ đầu của dì rồi. Thời gian như trêu ngươi, càng mong ngắn lại thì càng dài lê thê, càng mong chậm đi thì lại chạy như ma đuổi. Chả mấy chốc mà tới ngày cái Mít lớn vào tuổi Nắng bây giờ. Nắng nghĩ, rồi ngồi cười như một đứa dở hơi. Ngẫm đời cũng lắm chuyện hay.

Đêm, Nắng không ngủ được, thao thức đợi Miền về. Dạo này Miền về sớm hơn, thường thì tầm 4h. Nghe tiếng xe Honda nổ phành phạch đầu ngõ là Nắng biết Miền về. Đó cũng là lúc lão vằn vện đi đón Hải và Tiên. Lại một đêm Miền không được ngủ.

***

CHUYỆN CỦA MIỀN

Miền hơn tuổi Nắng nhưng chẳng mấy khi Nắng gọi Miền là chị, mà Miền có lẽ cũng không để ý. Hay đúng hơn là cô quá mệt mỏi để nghĩ đến những chuyện không đầu không cuối như vậy. Miền kể, dạo Miền lần đầu lên thành phố cũng hớn hở, mừng rỡ và háo hức giống Nắng bây giờ. Nhưng mà đời nó bạc lắm Nắng ạ, Miền bảo thế, rồi cô bỏ dở giữa chừng. Rồi Miền kể về mối tình với anh lính bộ đội cái thời Miền ở quê.

Số là dạo ấy, tự nhiên ở làng Nắng có 1 đơn vị bộ đội đến xin đóng quân, tầm 2,3 tháng gì đấy. Nắng chả rõ họ làm gì, chỉ biết suốt ngày giăng dây, đo đạc, lại ghi ghi chép chép. Ngày ấy Nắng còn bé, còn Miền thì đã nức tiếng khắp làng. Miền xinh, tóc Miền dài, đen nhánh, nước da trắng chứ không đen thùi lùi như Nắng. Nghe đồn có nhiều người đánh tiếng nhưng Miền chưa ưng ai. Hồi ấy cô Tú đã bỏ lên thành phố, còn bố Miền thì vừa mất, cũng chả ai dại dột chạm vào nỗi đau của cô gái nhỏ. Miền sợ cái bóng của cha mình, nên gặp ai cũng chối nguây nguẩy. Duy chỉ có anh lính trẻ ấy là người mở được cánh cửa trái tim Miền. Nhưng mà Miền kín tiếng lắm, với lại Miền sợ ông bà biết được nên Miền chẳng cho ai biết. Đấy là sau này Miền mới kể với Nắng thế chứ hồi ấy cái bọn nhóc chuyên hớt lỏm như Nắng cũng chỉ nghe loáng thoáng. Miền bảo chàng trai ấy là người thành phố, đeo kính cận, hát hay, đàn giỏi, có răng khểnh rõ duyên. Cũng chính cái răng khểnh ấy đã hút hồn Miền và khiến trái tim cô đập loạn nhịp. Những ngày hẹn hò vui vẻ bên nhau, Miền đã trao cho gã tất cả. Gã thề non hẹn biển, bảo về xin phép bố mẹ quay lại cưới Miền nhưng cuối cùng nỗi chờ đợi cũng mỏi mòn theo con nước. Miền có bầu, Miền sợ. Miền sợ người ta lại chửi vào ông bà Miền, chửi vào người bố đã chết của Miền. Sỉ vả người sống đã là một cái tội, nhưng lăng mạ người chết là cái tội nặng hơn thế nhiều lần. Đêm Miền ra triền sông, định gieo mình xuống nước kết liễu cuộc đời nhưng mà Miền sợ. Rồi Miền nghe lỏm được đâu đó lấy gạch đập vào chỗ ấy cho máu chảy ra là được. Miền làm theo, đau, máu lênh láng, nỗi ám ảnh còn lại trong Miền về ngày ấy là chỉ toàn máu và máu. Ấy thế mà cũng thành công thật, Miền thấy cái bụng xẹp lại, không phình to ra nữa. Rồi cô Tú về đón Miền lên thành phố. Sở dĩ Miền chịu đi theo là vì tới tận lúc ấy cô vẫn ấp ủ giấc mộng được gặp lại kẻ bội bạc kia. Căm ghét hắn nhưng mà vẫn yêu hắn. Miền đau, thực sự đau lắm. Không phải đau ở bụng nữa mà là đau ở tim.

Rồi Miền lên thành phố, mang theo giấc mơ đổi đời để 1 ngày trở thành cô gái thành phố kiêu kì về làng nhưng hóa ra mọi giấc mơ đều là bọt biển. Ngay tuần đầu tiên lên thành phố Tú đã bắt Miền đi khách. Cứ nghĩ Miền còn trinh cho nên Tú rao bán trinh của Miền cho 1 lão hói bụng phệ lắm tiền nhưng thèm của lạ với giá 3 triệu. Miền không biết chuyện đó, chỉ biết rằng lần ấy Miền bị Tú cho uống thuốc mê và khi tỉnh dậy thì thấy không 1 mảnh vải trên người. Miền hận Tú, Miền gào thét, Miền nguyền rủa người mẹ kế độc ác. Sợ Miền tự tử hoặc làm bậy, suốt gần 1 tuần liền Tú xích tay chân Miền trong góc giường, đến bữa cho ăn. Cái xích sắt đã rỉ siết vào tay Miền đau đớn. Cô càng cựa quậy nó càng siết chặt, máu ở cánh tay cứ theo đó túa ra. Người cô héo rũ, Miền nằm như dính chặt trên nền nhà. Đôi mắt cô dại đi, cô thấy bố tay cầm chai rượu vừa thất thểu đi về vừa chửi mẹ kế ầm ĩ. Rồi bố ném chai rượu vào tường, bố nhặt 1 chiếc mẻ chai lăm lăm trong tay đi về phía Tú đang bị trói ở cái cây trước nhà. Tú la hét, Tú giãy dụa còn bố thì cười hỉ hả, Miền ở trong nhà lấy tay che mắt em, khóc nức nở. Nước mắt, nước mũi tèm lem làm mắt cô mờ đi, cô không thấy gì cả, chỉ thấy cái gì đỏ đỏ và tiếng hét như điên như dại của mẹ kế cùng tiếng cười man rợ của bố. Cô giẫy giụa, mồ hôi túa ra, lão vằn vện hắt nguyên chậu nước vào mặt cô, Miền tỉnh. Cô gặp ác mộng. Mấy đêm liền như thế. Tưởng Miền chết, ấy thế mà cô vẫn sống, vẫn lay lắt như thế cho đến bây giờ. Tú bảo: "Mày định chết nhưng mà sống được mới khó con ạ. Những gì bố mày đã từng làm với tao thì giờ mày phải thay kẻ đó trả đủ." Nhờ câu nói ấy Miền tỉnh ra, người ta nói "đời cha ăn mặn, đời con khát nước" là thế. Cuộc đời Miền là sự trả giá cho đau khổ bố đã gây ra cho mẹ. Miền phải thay bố trả nợ. Nợ hạnh phúc phải trả bằng máu và nợ nỗi đau phải nhận lấy sự thù hận. Miền câm lặng, lầm lũi như 1 con chó lúc nào cũng cum cúp bên chủ. Miền trở thành một món hàng hời, đắt khách của Tú. Cô cũng không có ý định bỏ trốn. Cái suy nghĩ phải gồng mình lên thay bố bù đắp tổn thất cho Tú đã khiến cô không còn đủ sức để nghĩ về những chuyện khác. Miền bảo đời cô giờ chỉ có an phận ở đây cho tới chết. Nắng thương Miền, thương Hải, thương cho cả chính mình và Nắng cũng thấy tội nghiệp cho cô Tú. Cuộc đời cứ rẽ con người theo 1 hướng mà không ai có thể hình dung ra trước. Người phụ nữ khi ở đỉnh cao của sự căm thù chính là sự tàn độc. Tú là điển hình của sự máu lạnh, đem kinh doanh chính con của chồng mình. Sự độc đoán của 1 người đàn ông đã khiến cuộc đời của 3 người phụ nữ lao đao.

Miền ít khi khóc, mỗi lần đi khách về, mệt và đau, cô cũng im lặng, hiếm khi ai thấy Miền rên rỉ. Và Nắng cũng chưa bao giờ thấy Miền tỏ ra oán thán cô Tú nửa lời. Nhìn cặp vú sưng tấy, nhàu nhĩ của Miền Nắng chỉ biết thở dài. Ai hỏi Miền chỉ cười nhạt, cái cười méo mó, xộc xệch của 1 khuôn mặt đẹp nhưng héo rũ. Miền từng bảo đó như luật nhân quả. Âu cũng là sự trả giá cho cái tham vọng đổi đời, muốn làm gái thành phố của cô. Cái đời héo ấy của Miền cứ tiếp diễn từ năm này qua năm khác. Miền là hoa nhưng không sống được đúng cuộc đời của một bông hoa. Hoa thì sau khi tỏa hương rực rỡ sẽ tự tàn phai, còn Miền đời tàn khi chưa kịp khoe sắc với đời.

NGÕ CỤT

Nắng bắt đầu ngợ ngợ ra công việc tương lai của mình. Nắng dần nuôi ý nghĩ bỏ trốn. Rửa bát chỉ là công việc trá hình, rồi đến 1 ngày đó cô cũng sẽ bị bắt trở thành hàng như Miền và Hải bây giờ. Miền đã quá quen với sự chịu đựng, Miền cam chịu nhưng Nắng thì không. Cô có thể làm đủ việc nhưng không thể làm đĩ, cái nghề mà có lẽ nếu người ở quê biết chắc họ hắt hủi Nắng đến chết. Rồi đến khi cô về làng, ai người ta nhận. Cái Mít nữa, nó từ cô mất. Cuộc đời Nắng hạnh phúc là cái Mít, những ngày nắng của cô chính là những ngày nghĩ về cái Mít, cái Mít là động lực để cô tiếp tục chịu khổ ở đây. Nhưng đời làm đĩ, nó tủy, nó nhục lắm. Gần 3 tháng ở với Miền, thấy những lần đi khách của Miền Nắng chỉ sợ. Cô sợ 1 ngày giống Miền, sống không vì ai và không còn ai. Ít nhất cô còn có cái Mít để tựa vào nhưng Miền, thực sự rất đơn độc. Miền hiếm khi kể về công việc của Miền, Miền chỉ dặn Nắng, không ở đây lâu được, đừng để đời héo như đời Miền, khổ lắm.

Sau trận ốm Nắng được Tú chăm rất kĩ, ngày càng trắng và múp ra. Cái dáng vẻ gầy gầy, đen đuốc ngày nào đã gần như không còn. Thay vào đó là 1 cô gái đang tuổi dậy thì, mơn mởn và đầy sức sống.

Thỉnh thoảng Nắng vẫn thấy cô Tú nhìn về phía Nắng cười đầy ẩn ý. Nắng hoảng sợ. Nắng phải trốn, phải trốn, nhất định nó không thể tiếp tục ở đây. Nhưng rồi nó lại sợ, thế sẽ đi đâu về đâu trong cái thành phố rộng lớn này. Nó không biết đâu để đi, không biết đường, thậm chí cũng không có tiền. Bao nhiêu lương cô Tú đều giữ để gửi về cho chú hết. Cô có cho Nắng 1 ít tiêu vặt mỗi tháng, Nắng có gom góp nhưng cái dạo vào bệnh viện Nắng tiêu hết ở trong đó rồi. Bây giờ cô biết làm gì. Không lẽ về quê, 100 nghìn về quê, nó sẽ vay Miền. Miền thương nó, nhất định Miền sẽ giúp. Nhưng về quê thì rồi chị em nó sống ra sao. Nó về quê là hết, không có tiền gửi về thì cái Mít không có học hành chi hết. Mà phải bỏ học khác gì ác mộng đối với con bé. Nhưng ở đây, thì không biết Nắng sẽ thành hàng của Tú từ khi nào. Rồi Nắng phải làm đĩ, đi khách giống như Miền. Mà thế này thì đến bao giờ.

Ấy thế mà cô Tú bảo cho Miền về quê mấy ngày. Nắng không tin nổi. Nắng mừng rỡ, Nắng nghĩ thầm lần này về thì đừng hòng mong cô lên lại, cô sẽ đi nơi khác kiếm ăn. Không thì Nắng về lạy chú cho nó ở quê kiếm việc, làm gì cũng được chứ không thể để đời Nắng héo như Miền. Tối đó Miền và Hải đi khách, bà Thập đã được cô Tú cho nghỉ về thăm nhà từ 2 hôm trước, thành ra trong nhà chỉ có Nắng, cô Tú và lão vằn vện. Sáng mai là Nắng được về quê rồi. Nắng vui, vui lắm. Nắng nhẩm tính, mai cô Tú chở nó ra bến xe, nó phải mua cho cái Mít ít bịch kẹo lạc. Lúc trưa cô Tú đã đưa cho nó ít tiền để về quê rồi. Đêm nay Nắng sẽ thức đợi Miền về, chia tay Miền. Có khi đây là lần cuối 2 chị em ngủ với nhau. Nắng phải bảo Miền, đừng sống thế nữa, sớm muộn gì cũng tìm đường mà thoát chứ mãi thế này thì cực lắm.

Cô Tú giả lả bảo Nắng mai mày về quê, hôm nay làm cốc bia chia tay cô chú. Nắng chưa bao giờ uống bia, cái thể loại bọt bọt được đựng trong mấy cái thùng phui lớn mà quán Tú thường bán cho khách. Nhưng nể Tú, Nắng đưa lên uống. Mặt nó nhăn giúm lại, cái miệng méo xệch, vị cay xộc lên mũi. Nó nhăn nhó đặt cốc bia xuống bàn mà không hề để ý tới nụ cười ẩn ý của Tú hay khuôn mặt sắc lạnh của lão vằn vện. Rồi chẳng hiểu vì bia mạnh hay tại lần đầu uống nó chưa quen hay sao mà Nắng thấy đầu choáng váng. Cái trần nhà quay mòng mòng, cô Tú cũng quay mòng mòng. Nắng cũng đâu ngờ cái cốc bia làm đời Nắng quay mòng mòng.

CÁI KẾT CỦA NẮNG

"Em giết chị đi Nắng, em giết chị và tha cho họ. Hoặc em giết cả 3, đừng để chị sống với cái ám ảnh đã thấy xác họ. Với nỗi ác mộng là có kẻ khác giết Tú chứ không phải chính chị. Thế chị sống còn khổ hơn chết Nắng à..."

Tiếng Miền như lạc đi. Nắng cắn chặt môi, bàn tay phải đang cầm dao run rẩy từng đợt. Miền quỳ dưới chân Nắng, mớ tóc lòa xòa che hết cả khuôn mặt cô. Ở góc bên trái phòng, Tú và lão vằn vện bị trói chặt tay đang nhìn Nắng sợ hãi.

Nắng nhìn Miền, nhìn con dao lóe lên trong tay nó, rồi Nắng đưa mắt nhìn ra ngoài sân, nhìn nắng. Cả một biển nắng rực rỡ. Nắng nhìn thấy Mít, con bé vừa hí hửng đi học về. Nắng thấy mẹ với cái dáng lam lũ quen thuộc. Nắng thấy nó của ngày xưa, cái Nắng đen nhẻm và gầy guộc hơn 7 năm về trước. Kí ức gọi về trong nó những mảng màu đẹp đẽ, nhưng kí ức cũng thật tàn nhẫn khi vội vàng dội lại cái thế giới màu đen tù mù trong nó. Nắng liếm vị mặn của nước hòa lẫn vị tanh của máu trên môi. Nắng nếm cả cái vị chua chát của đời.

"Em tha cho họ được không Nắng? Xin em ! Xin em đấy !"

Nắng không trả lời Miền. Lại một lần nữa cô đưa đôi mắt ráo hoảnh ra nhìn những tia nắng đang nhảy nhót ngoài sân. Nắng thèm được như thế, Nắng thèm cái cảm giác được thả mình trong cái thế giới ánh sáng ngập ngụa đó.

7 năm Nắng lay lắt sống bằng sự thù hận và niềm hi vọng duy nhất dành cho cái Mít. 7 năm Nắng đã bị biến thành 1 gái làng chơi sành sỏi và già đời. 7 năm Nắng chấp nhận sự đày đọa từ Tú để đổi lấy ngày hôm nay: ngày được tự tay kết liễu 2 kẻ đã hủy hoại đời Nắng. Vậy mà giờ đây Miền, nạn nhân tội nghiệp nhất của họ lại đang lê lết dưới chân Nắng, van vỉ cô tha cho họ.

Miệng Nắng méo xệch, đôi mắt ráo hoảnh của cô lướt đi lướt lại giữa Miền và Tú. Nắng cúi xuống, nhẹ nhàng gỡ tay Miền khỏi chân cô và nhẹ nhàng đặt con dao vào tay Miền. Miền nhìn Nắng thoáng chút hốt hoảng. Nắng vẫn giữ nguyên vẻ mặt méo mó ấy khi ra khỏi nhà, ra khỏi cái động quỷ mà Nắng đã ẩn nấp hơn 7 năm nay.

Nắng loạng choạng đi. Ánh nắng chiếu vào gáy cô bỏng rát. Nắng thoát khỏi cái ngõ đã giam hãm tuổi trẻ và ước mơ của cô. Nắng thoát khỏi con đường nhơ nhớp đã dẫn cô vào vũng lầy. Nắng cứ tưởng rằng mình đang đi về với cái Mít. Nắng nhìn thấy cái Mít 2 tóc buộc thành bím, đang nhảy tưng tưng chờ Nắng trở về. Nắng nhoẻn miệng cười, Nắng đưa tay vẫy với Mít. Nắng thấy Mít đứng đó, đưa tay về phía Nắng chờ đợi. Nắng vội vã, Nắng thở dốc và bắt đầu chạy. Rõ ràng nó thấy em gái nó đứng ngay trước mặt vậy mà càng đi tới bóng của Mít càng mờ dần. Cuối cùng cái bóng ấy vỡ nhão nhoét tan ra như ảo ảnh. Nắng đuổi đến muốn hụt hơi theo bàn tay bé xíu đang vẫy nó. Những tia nắng đậu trên tóc Mít lấp lánh. Nắng thấy nó đang về với Mít, đang về với Nắng của 7 năm về trước, về với những tháng ngày tinh khôi của chính nó.

Trên tít của một số tờ báo chiều ngày hôm đó có dòng chữ lạnh lẽo: "Tai nạn thảm khốc một người chết trên đường X". Ánh nắng xế ngày nhảy nhót trên thân thể cô như lời hoan hỉ cho một kiếp người vừa được cởi xích. Một thế giới này đóng lại và người ta có quyền mơ về một thế giới khác được mở ra. Dẫu thế giới đó có thể không có thực nhưng hãy cứ hoang tưởng đi, để cho trái tim ai đó ở nơi ấy được cảm thấy chút bình yên !

Truyenngan.com.vn

Trao đổi thông tin

Quý khách có thể dùng mẫu bên dưới để trao đổi thông tin với chúng tôi.

Authenticate image

Vui lòng nhập vào thông tin phía trên để trao đổi

Quản lý tài khoản

Trợ giúp

Giới thiệu