Những năm 90, cha làm xóm trưởng, cái nghề mà khi ấy nghe thì vang lắm nhưng công cán chỉ là một ít thóc lúa ủy ban xã cấp mỗi năm. Thu nhập vì vậy chẳng đáng chi nhưng việc gì trong làng cũng đến tay cha.
Người ta mất con bò cũng đến nhờ cha thông báo, đi tìm. Vợ chồng, họ hàng, làng xóm hễ cãi nhau, là có người chạy đến tìm cha hòa giải. Ma chay, cưới hỏi... cũng nhờ cha đánh tiếng đi mời. Lâu lâu, có một vài nhà nghèo không có điều kiện để mời chủ hôn, cha còn cầm luôn micro giúp họ làm người dẫn chuyện rất duyên trong đám cưới.
Con nhớ, bữa cơm nhà mình chẳng mấy khi trọn vẹn vì cứ nghe tiếng chó sủa là lại đoán chừng có người đến tìm cha. Cha chẳng mấy khi từ chối ai, nên dân làng trong xóm cứ mặc định cha ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng cho đến tận bây giờ, khi cha đã không còn là ông xóm trưởng từ rất lâu.
Mẹ với cha cũng xảy ra nhiều cuộc cãi vã vì cha thường bỏ bê việc nhà mình, đi giúp đỡ người khác bởi cha cứ nói rằng người ta đã khó khăn mới nhờ mình thì mình không thể từ chối được. Mẹ giận cha khi chẳng chịu nhường mẹ, lúc nào cũng thương người ngoài hơn cả nỗi nhọc nhằn của vợ con.
Rồi chúng con cũng sinh ra gắt gỏng với cha, bắt đầu ghét những tiếng chó sủa, ghét những người làng xóm lúc nào cũng chỉ biết chạy đến tìm cha mà nhờ vả, với lý do "không nhờ được ai khác nữa".
Con vẫn nhớ những đêm mưa lạnh, có người đến gọi cửa lúc 2, 3h sáng vì ai đó gặp nạn hay qua đời, cha lại tất tưởi mặc áo quần chạy đi theo người ta, mặc cho mẹ con con có gàn cha lại. Nhà mình vì thế luôn chia làm hai chiến tuyến mà riêng cha luôn ở một bên.
Bởi vậy, cha tuy ở nhà không có việc làm kiếm ra tiền nhưng ai cũng biết đến tên, cũng chẳng mấy khi ngồi không ở nhà. Cha vừa chăm ông bà trong những ngày gần về với cội, vừa tranh thủ chạy việc này việc kia giúp người quen hoặc anh em trong họ tộc.
Thấm thoắt đã bao nhiêu năm trôi qua, cha của con vẫn sống như thế. Con lớn dần lên, vẫn theo mẹ chống lại cái việc năng chạy đi chạy lại của cha. Dù con biết có nói cũng chẳng ích gì, khi cha vẫn một mực giúp đỡ người khác theo ý mình.
Cho đến khi con đậu đại học, khách khứa đến chật nhà chúc mừng, chuyện trò rôm rả, vui như trẩy hội. Họ đều là những người mà trước đây cha thường giúp đỡ, cứ dúi vào tay con từng chiếc phong bì làm quà rồi nhắc lại việc cha đã từng tốt với họ thế nào. Đến lúc ấy, con mới thấy mình sai khi nghĩ cha toàn làm việc vô ích vì không ai nhớ đến công cha.
Rồi con ra thành phố nhập học, cũng có người vô tư đến tìm để chỉ bảo, yêu thương trong những ngày đầu bỡ ngỡ. Hay khi con lấy chồng, sinh em bé, vẫn là những vị khách của cha tình nguyện đỡ đần tay chân, vui mừng như thể con là con em ruột thịt trong nhà của họ vậy.
Nhớ lần con về thăm quê, đi đúng chuyến xe khách gặp nạn, mọi người đều bị thương thì chỉ riêng mình con lành lặn. Người ta thấy thế mới bảo chắc con có phúc phần đỡ đần. Lúc ấy con mới chợt nghĩ, nếu con thực sự có phúc, thì cũng nhờ công hay làm việc tốt của cha mà ra thôi.
Rồi cuộc đời của con cứ theo đó êm trôi. Con đã nhận ra kết quả to lớn từ những việc cha làm, cũng dần thay đổi quan điểm trước những cái gật đầu của cha mỗi khi có người nhờ vả.
Như đêm nay, khi người ta lại đến gọi cổng, nhờ cha đọc văn tế trong đám ma người xóm bên vừa mất, con đã không còn ngăn lại khi thấy cha sửa soạn áo quần chạy đi. Con để cha đi như đó là việc cha bất đắc dĩ phải làm, là một phần trong cuộc sống của cha.
Và nếu như ai có hỏi cha của con làm nghề gì, con sẽ không cúi gầm im lặng như trước nữa. Mà con sẽ tự tin ngẩng mặt lên, tự hào trả lời rằng đó là nghề giúp đỡ những người khác, hay là nghề tích đức cho con cháu.
Theo Linh Rên - Báo Dân Trí