- Tin tức
- Truyện Ngắn
Người Việt hãy nói Tiếng Việt
2017-10-13 14:00:39
Tôi thấy rằng trong cuộc sống hàng ngày không chỉ có giới trẻ mà ngay cả dân văn phòng, công sở vẫn thường xuyên dùng những từ nước ngoài trong đối thoại, không những làm đảo lộn câu, chữ mà có khi người nghe cũng chẳng hiểu hết hoặc hiểu nhầm ý muốn nói.
***
Vừa rồi, tôi đến đón một người bạn ở khách sạn Imperial, đang ngồi chờ ở sảnh thì có một cô đứng tuổi chạy lật đật đến hỏi: "Con ơi! Cho O hoải (hỏi) cái "cầu xia" ở chỗ mô rứa con".
Nghe từ "cầu xia" vừa thấy quen mà cũng vừa thấy lạ. Vì đã lâu lắm rồi mới nghe lại từ cầu xia, (đây là từ địa phương mà ngày xưa một số vùng ở Huế có dùng), bởi trong cuộc sống hàng ngày thường nghe nhà vệ sinh, nhà cầu hay thuật ngữ ngoại nhập là Toilet, WC chứ ít khi nghe đến chữ "cầu xia".
Sau đó, tôi cũng bắt chuyện với cô và được nghe cô kể: Cô định cư ở bang Washington DC - Hoa kỳ đã được 46 năm, xung quanh nhà rất ít người Việt nên cô hiếm khi được dùng tiếng Việt. Cô lấy chồng Tây, nên hiện con cái, cháu chắc của cô cũng chẳng có ai biết nói Tiếng Việt và cô thì không quên tiếng mẹ đẻ, cô nói cô "thèm" được nghe và được nói tiếng Huế. Trong cuộc nói chuyện với cô, tôi chưa nghe cô dùng một tiếng Mỹ nào, cô nói rặt tiếng Huế.
Qua câu chuyện này, tôi thấy rằng trong cuộc sống hàng ngày không chỉ có giới trẻ mà ngay cả dân văn phòng, công sở vẫn thường xuyên dùng những từ nước ngoài trong đối thoại, không những làm đảo lộn câu, chữ mà có khi người nghe cũng chẳng hiểu hết hoặc hiểu nhầm ý muốn nói.
Có lần anh bạn đồng nghiệp nói: tui "sua" (sure) với anh, tui "sua" (sure) với anh, mình cứ nghe anh này nói sua sua mà chẳng hiểu ý anh ta muốn nói gì.
Rồi nào là: Anh "cần phơm" (confirm) lại, em mới giao phòng nhé; anh "ríp lai" (reply) cho em nhé; phòng anh "viu" (view) đẹp quá; anh "xì tóp" (stop) ở đây cho em...
Có lần, trong lúc giao dịch với một cô nàng, tôi cứ nghe cô ta nói: Ôi! anh "xờ tron" (strong) quá; cái của anh "bít" (big) quá...nghĩ một lúc, tôi mới hiểu ý cô ta muốn nói là: anh mạnh quá (tôi leo mấy trăm bậc thang bộ từ tầng 1 lên đến tầng 6); cái của anh to quá (ổ mỳ của tôi to hơn của cô ta – mặc dù hai người vào nhà hàng gọi món giống nhau).
Tôi mới hỏi: sao em nói chuyện với anh mà em dùng nửa tây nửa ta, rồi câu -từ thiếu trước, hụt sau làm anh hiểu lộn tùng phèo cả lên thế?.
Cô ta mới trả lời: Em "xó rì" anh; hàng ngày em toàn chơi với người Tây, nên khi nói chuyện với người Việt em "phang" nửa tây nửa ta cho oai, mặc dù em chả giỏi gì tiếng Anh, tiếng Mỹ đâu.
Vẫn biết rằng ngôn ngữ cũng như đời sống, chảy theo dòng chảy xã hội, luôn tiếp nhận cái mới. Với cơ chế mở, chính sách mở, việc tiếp nhận các luồng văn hóa mới là đương nhiên. Điều đó giống như cuộc sống của chúng ta, xuất hiện những thứ mà trước đây không có. Và cũng có nhiều bạn ở nước ngoài lâu năm, hay các bạn thường xuyên làm việc với người nước ngoài, nên có lúc chỉ là thói quen dùng từ mặc dù họ không muốn thế. Vì vậy, các bạn hãy cố gắng dùng tiếng Việt để nói chuyện với người Việt, điều đó bạn đã đóng góp một phần trong việc giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt trong thời kỳ hội nhập ngày nay.
Theo Truyenngan.com
Trao đổi thông tin
Các tin khác
- Giấc mộng cũ [2018-03-13 11:57:42]
- Em yêu anh ấy [2018-03-12 14:53:29]
- Câu chuyện tình yêu. [2018-03-09 11:35:34]
- Vết sẹo [2018-03-07 08:43:09]
- Mây trắng tháng Ba [2018-03-02 10:54:14]
- Những ngày không anh [2018-03-01 11:25:08]