Hằng năm, nhiều địa phương trên khắp nước ta, cứ đến mồng 5 tháng 5 âm lịch lại tổ chức ăn Tết Đoan Ngọ. |
Vậy Tết Đoan Ngọ là Tết gì? Theo sách “Phong thổ kí” thì Tết Đoan Ngọ được gọi là Tết Đoan Dương. Đoan Ngọ là bắt đầu giữa trưa (Đoan: mở đầu, Ngọ: giữa trưa). Còn Dương là mặt trời, là khí dương, Đoan Dương có nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh.
Sở dĩ Tết này gọi là Tết Đoan Ngọ, chính vì tháng 5 là lúc bắt đầu trời nắng to, khí dương đang thịnh như mặt trời vào lúc giữa trưa. Theo quan niệm Đông phương thì phương Nam là chính ngọ, mà ngọ là ngôi dương cho nên Tết này gọi là Tết Đoan Dương. Ở Trung Quốc, họ gọi Tết Đoan Ngọ là Tết Trùng Ngũ vì là hai con số 5 gặp nhau, mồng 5 tháng 5.
Ngày xưa, lúc ban đầu, ngày Đoan Ngọ chỉ là ngày dân chúng cúng lễ để đánh dấu một thời tiết mới, mừng sự trong sáng, quang đãng. Hơn nữa, giữa tiết hạ vì oi bức thường có bệnh thời khí nên người ta hay cúng lễ để cầu an. Về sau này, để thêm ý nghĩa, người ta lấy ngày đó làm ngày kỉ niệm Khuất Nguyên và các thầy thuốc cũng nhân ngày đó để kỉ niệm hai chàng Nguyễn Triệu và Lưu Thần vào núi Thiên Thai hái thuốc.
Khuất Nguyên làm chức Tả Đồ nước Sở dưới triều vua Sở Hoài Vương bên Trung Quốc, có tài và liêm chính. Về sau ông bị nhà vua truất bỏ. Để tả nỗi oán than, ông có viết bài thơ Ly Tao nổi tiếng. Đến đời vua Tương Vương, ông còn bị đi đày vì nhà vua nghe theo lời bọn xu nịnh. Ông buồn nhảy xuống sông Mịch La tự vẫn. Hôm đó là ngày mồng 5 tháng 5.
Được tin đó, nhà vua vô cùng hối hận và thương tiếc, người dân làm cỗ đem ra bờ sông ném xuống nước cho ông hưởng.
Còn Lưu Thần và Nguyễn Triệu là hai người đời nhà Hán, nhân ngày Tết Đoan Dương cùng rủ nhau vào núi hái thuốc, gặp hai tiên nữ kết duyên. Sau thời gian nửa năm sống nơi tiên cảnh với vợ tiên, hai người nhớ nhà đòi về. Giữ lại không được, hai tiên nữ đành đưa tiễn chồng về quê cũ. Vì thời gian ở tiên cảnh chỉ có nửa năm nhưng là mấy trăm năm ở cõi trần. Hai chàng thấy phong cảnh quê nhà đã khác xưa, người quen thì đã ra người thiên cổ, hai chàng bèn rủ nhau trở lại cõi tiên nhưng không được. Hai chàng ra đi mà không thấy trở về...
Trong ngày Tết Đoan Ngọ, thuở xưa ở các làng xã có tế thần ở đình, đền, ở thôn, xóm thì cúng ở miếu. Tại gia đình thì sửa lễ cúng tổ tiên và cúng Thổ công. Lễ cúng là phẩm vật toàn trái cây. Riêng các gia đình thầy thuốc còn có thêm lễ cúng Thánh sư.
Sau lễ cúng Tết Đoan Ngọ là các tục lệ như tục giết sâu bọ, tục nhuộm móng chân, móng tay, tục tắm nước lá mùi, tục khảo cây lấy quả, tục hái thuốc vào giờ ngọ, tục treo ngải cứu để trừ tà... Phần lớn các tục lệ trên nay đã được bãi bỏ, chỉ còn giữ lại tục tắm nước lá mùi và tục đi hái lá thuốc. Nhiều địa phương ở ven sông, ven biển thay vì tắm nước lá mùi thì đúng giờ ngọ họ đi tắm sông, tắm biển gọi là tắm mồng 5.
Ở một số nơi còn giữ tục tết thầy học, tết thầy lang trong dịp này để trả ơn sự dạy dỗ của thầy giáo và đền ơn cứu bệnh của thầy lang.
Cũng như nhiều các lễ tiết khác, Tết Đoan Ngọ nguyên sơ từ Trung Quốc truyền sang Việt Nam nhưng đến nước ta được biến đổi mang một hình thức và ý nghĩa văn hoá khác. Những tập tục trong lễ tết được xây dựng trên căn bản nhân nghĩa và đạo đức truyền thống. Những tục lệ tết thầy giáo, thầy thuốc, biếu tặng những người đã tri ân cho mình đã chứng tỏ rằng, lễ giáo của ta rất được tôn trọng và những ân sâu nghĩa trọng không bao giờ quên.
Tết Đoan Ngọ ngày nay, qua mọi biến đổi của thời cuộc vẫn tồn tại trong nhân dân với ý nghĩa thiết thực và thiêng liêng của nó. Ăn Tết Đoan Ngọ, chúng ta cần tìm hiểu giá trị và tinh thần của ngày Tết này...
Yeudoi.net
Tươi Nguyễn mời chủ nhà ăn tết Đoan Ngọ