- Tin tức
- Những câu chuyện cảm động
Những mái nhà đã dột
2016-07-04 08:00:36
Mười lăm tuổi, tôi biết ngoài mẹ tôi ra, bố tôi còn có một người đàn bà khác. Cuộc sống như nhuộm một sắc màu mới, u ám vô cùng.
Đã có lúc sự bướng bỉnh của một cô gái mới lớn xui khiến tôi chống cãi lại những lời dạy bảo của bố. Và những cơn mưa chì chiết rơi xuống đầu tôi. Sự chịu đựng của một trái tim trẻ thơ thực ra rất yếu đuối, đã có lúc tôi nghĩ “nếu mình chết đi liệu bố có hối hận không, bố có thương mình không?”.
Tôi khó chịu trước sự im lặng của mẹ, nhiều khi có ý nghĩ tại mẹ hiền lành như thế mới bị bố bắt nạt. Mẹ hay ngồi cạnh tôi tỉ tê đủ thứ chuyện, cố phân tích những điều mà theo mẹ “chuyện của người lớn, con chưa hiểu được đâu”. Mẹ nói dù bố tôi có như thế nào thì chúng tôi vẫn là con của bố. Bố vẫn chăm lo cho chúng tôi học hành, không tệ bạc, không bỏ bê. Việc của chúng tôi là chăm lo học hành chứ không phải phán xét những việc làm của người lớn. Tôi đã nhọc nhằn đi qua tuổi thiếu niên nhờ những lời động viên của mẹ tôi như thế.
Sau này khi đã có gia đình, tôi mới nhận ra, hẳn là mẹ đã đớn đau nhiều lắm. Những cơn đau của mẹ, mẹ đã giấu cho riêng mình để chị em tôi được học hành đến nơi đến chốn, để không phải chịu cảnh chia lìa. Bố tôi giờ cũng đã “mỏi gối chồn chân”, lại trở về bên mẹ. Nhìn hai ông bà già lụi cụi sớm chiều bên nhau, tôi mới thấu hết sự chịu đựng và hi sinh của mẹ. Không có sự hi sinh nào là không đáng giá.
Gia đình trong suy nghĩ của chúng ta luôn là mái ấm, luôn là nơi bảo vệ và chở che. Và mỗi người chúng ta nhờ nó, nhờ những tình thương yêu ấy mà lớn lên cứng cáp để sải bước giữa đời. Nhưng không phải ai cũng lớn lên bình yên trong một mái nhà. Có rất nhiều mái nhà đã dột, tưới nỗi đau và nước mắt lên những mảnh đời. Lạnh lẽo và cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình, điều ấy đáng sợ hơn hết thảy mọi bạc ác vô tình ngoài xã hội.
Không ai dám chắc được rằng, cả cuộc đời này mình sẽ chỉ yêu thương có một người mình đã lấy làm chồng, làm vợ. Cũng không ai dám chắc được rằng mình sẽ không làm một ai đó tổn thương. Những phút lạc lòng, những trái tim dù cố tình hay vô tình ngả nghiêng không chỉ làm đau người bạn đời mà còn làm đau cả những đứa con đã kết tinh từ tình yêu thương từng có. Có những đứa trẻ đã lớn lên trong nỗi hoang mang, sợ hãi cái gọi là tình yêu, sợ cuộc đời mình sẽ lặp lại cái thảm kịch hôn nhân như mẹ cha mình từng trải. Có những đứa trẻ đã lớn lên trong nỗi thèm khát có đủ cha đủ mẹ, nhưng cuối cùng chỉ biết giam mình trong nỗi cô độc của trái tim, nhìn đời bằng nỗi tự ti mặc cảm. Và có những đứa trẻ đã tự hủy hoại bản thân và tương lai của mình từ những lỗi lầm không do mình gây ra. Buồn lắm, thương lắm, nhưng vẫn chỉ có thể nói rằng “đó là cuộc sống”.
Tôi có một cô bạn gái, sau khi lấy chồng đã tìm gặp tôi khóc nức nở vì bố mẹ bạn sắp ra tòa. Không ai tin được chuyện này, họ đã ngoài năm mươi cả rồi, gia đình vốn dĩ cũng ấm êm. Bạn nói, thực ra họ đã không còn yêu nhau lâu rồi, nhưng vì bạn nên họ giấu, họ đã cùng nhau thỏa hiệp sống kiểu “đồng sàng dị mộng” để bạn có một tuổi thơ bình yên, một tuổi trẻ không lo âu và vướng bận. Giờ bạn trưởng thành rồi, có gia đình riêng rồi, họ muốn sống cho cuộc đời của họ. Bạn tôi khóc không phải vì thất vọng, không phải vì đau khổ, mà là vì sự hi sinh quá lớn lao mà cha mẹ đã dành cho. Họ đã nguyện khép chặt niềm hạnh phúc của bản thân vì tương lai của cô con gái nhỏ. Bạn nói, nếu bạn biết sớm, bạn sẽ không để bố mẹ mình hoài phí cả quãng đời xuân trẻ chỉ vì mình như thế.
Tôi có biết một gia đình, vợ chồng đều là người học rộng tài cao, tiền của đề huề với ba cậu con trai thông minh khỏe mạnh. Người chồng lúc nào cũng tỏ ra yêu thương vợ con vô đối, nhưng bạn thân của chị trong một lần đi du lịch vô tình bắt gặp anh tình tứ với một cô gái trẻ ở một resort. Người này đem chuyện “động trời” này mách với chị. Chẳng ai biết được chị vợ đau như thế nào trong tim, nhưng người ta vẫn thấy gia đình chị hạnh phúc. Hóa ra chị vợ sau khi biết chuyện đã quyết định im lặng, dù sao chồng chị vẫn yêu thương vợ con và mọi chuyện vẫn trong vòng giấu giếm. Giả như nói ra ra rồi, anh mà hối hận thì yêu thương cũng trở nên gượng ép. Hoặc khi lộ chuyện ra anh vì xấu hổ mà công khai bất cần thì tan đàn xẻ nghé, cuối cùng chỉ khổ ba đứa con. Chị chọn cách im lặng và từ từ tìm cách bảo toàn hạnh phúc mình đang có.
Khi hôn nhân nứt vỡ, nên hàn gắn hay vứt bỏ? Không có đáp án làm thế nào là đúng nhất. Lựa chọn không phải lúc nào cũng dễ dàng, bởi người lớn chúng ta, ngoài hạnh phúc của bản thân còn phải quan tâm đến cuộc đời của những đứa trẻ. Hạnh phúc, đó là đích đến cuối cùng của mọi nỗ lực và cố gắng, dẫu biết cuộc đời mấy ai được tròn vẹn. Người có cái này thì không có cái kia. Người có bạc tiền thì hao mòn hạnh phúc. Người có tình yêu thì mỏi mệt mưu sinh. Người giầu có thì cô đơn, người nghèo thì nhiều ham muốn. Rốt cục ai là người hạnh phúc nhất, chẳng ai cả. Chỉ là chúng ta nên biết thế nào là “đủ” để tránh tối đa những tổn thương mất mát, để không ích kỉ chỉ nghĩ cho riêng mình, để đừng tự tay chọc thủng mái nhà mà chúng ta đang trú ngụ trước cuộc đời đầy giông gió.
Theo Dân Trí
Trao đổi thông tin
Các tin khác
- 2 tấn bi kịch [2018-03-15 11:54:48]
- Trong vòng tay cha [2018-03-14 11:00:22]
- Ba bỏ mẹ con mình đi rồi... [2018-03-06 15:46:12]
- Mẹ là siêu anh hùng và thần tượng của đời con [2018-03-02 10:40:37]
- Người phụ nữ mù ở Sài Gòn dò dẫm đến bệnh viện hiến tạng [2018-03-02 09:57:59]
- Bé 7 tuổi hiến giác mạc: Nước mắt không ngừng rơi [2018-02-26 10:17:01]