Tất Niên Xưa Và Tất Niên Nay
2013-01-29 16:13:07
Thời gian đổi thay, việc tổ chức tất niên vào ngày cuối năm cũng có nhiều điều khác biệt…
Tất niên xưa…
Ngày xưa, khi nói đến tất niên, tức là cả gia đình quây tuần tụ họp để cúng ông bà, tổ tiên. Ảnh: internet
Khi nói đến tất niên, tức là cả gia đình quây tuần tụ họp để cúng ông bà, tổ tiên. Tôi nhớ khi còn nhỏ, ngày 30 thì cả nhà cùng nhau làm cơm cúng tất niên. Ngày này, các thế hệ trong gia đình nhỏ hoặc đại gia đình lớn sẽ gặp nhau, hỏi thăm nhau và trò chuyện cởi mở. Mâm cỗ được bày ra, mang lên bàn thờ tổ tiên ông bà cúng trước rồi mọi người mới quây quần ăn uống. Gọi là bữa cơm Tất niên nhưng không hề nặng nề chuyện ăn uống mà nghiêng về chuyện lễ nghi, và tình cảm gia đình. Bởi mâm cơm là để bày tỏ lòng thành của gia đình con cháu với gia tiên, trời Phật.
Bên mâm cơm tất niên, mọi người thường nói về những chuyện đã xảy ra trong năm như nhìn lại, chia sẻ những thành bại buồn vui, những khúc mắc. Sau ngày hôm nay, tất cả đều là chuyện cũ. Khi năm mới bắt đầu, chỉ nói đến những điều vui vẻ, những gì chưa tới ở tương lai. Gọi là làm cơm cúng tất niên, có nghĩa là những giây phút năm mới đã đến gần kề. Ai cũng nôn nao chờ đợi; ai cũng mong muốn mọi thứ tốt đẹp sẽ đến nên tất cả đều nói những câu từ lịch sự, nhẹ nhàng.
Tất niên nay…
Tất niên ngày nay mở rộng hơn xưa rất nhiều. Ảnh: internet
Ngày nay, khi nói tất niên người ta không chỉ nghĩ đến trong gia đình mới làm cỗ cúng tất niên mà các công ty, nhóm hội cũng tổ chức mở tiệc Tất niên, tổng kết năm cũ. Ngày tất niên, người ta cũng hiểu rộng rãi hơn là mâm cơm cúng tổ tiên vào ngày cuối cùng trong năm, là bữa cơm gặp mặt cuối năm.
Với mỗi gia đình, bữa cơm tất niên cũng không phải chỉ dành cho các thành viên họp mặt cúng tổ tiên nữa mà cũng dành cho bạn bè, người quen thân thuộc đến để cùng vui với gia đình. Dù hình thức có đổi mới, mở rộng hơn một chút nhưng ý nghĩa về tất niên vẫn không thay đổi.
Vậy nên, với mỗi người dân Việt Nam, không những ngày Tết gần kề, cảm giác nôn nao, hồi hộp, thiêng liêng, phấn chấn khi được dự bữa cơm Tất niên, cùng chờ đợi năm mới giữa những người thân yêu chắc chắn là một cảm xúc rất khó quên. Chính điều đó lý giải vì sao quê hương, gia đình luôn là nỗi niềm thương nhớ da diết của mỗi người dân đất Việt, đặc biệt là những con người xa quê, xa xứ mỗi khi xuân về.
(Sưu tầm)