• Tin tức
  • Những câu chuyện cảm động

THẰNG CHÁU NỘI ĐÍCH TÔN

2012-05-25 15:54:49

Sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975. Chú Ba lái xe jeep xuống chợ quận Cái Răng gặp cha mẹ tôi tại nhà. Trông chú có vẻ khẩn trương, nhìn cha tôi, nói: 

- “Sớm hay muộn gì Cộng Sản Bắc Việt sẽ nhuộm đỏ Miền Nam Việt Nam. Nếu như, Miền Nam Việt Nam lọt vào tay quân Cộng Sản Bắc Việt. Em sẽ bay sang Thái Lan rồi qua Mỹ tỵ nạn. Em sẽ tìm cách liên lạc với gia đình sau. Anh chị Hai hãy an tâm!” 

Thấy tôi đang đứng xớ rớ bên cạnh cha, chú hỏi: 

- “Nếu anh chị Hai đồng ý! Em sẽ đưa thằng Bỉnh sang Hoa Kỳ. Em hứa sẽ lo cho nó ăn học đến thành tài. Anh chị nghĩ sao?” 

Cha quay sang mẹ tôi, hỏi: 

- “Ý kiến của chú Ba cũng tốt đó! Còn ý của bà thế nào?” 

Nhưng, mẹ tôi có vẻ e ngại, nói: 

- “Tôi đồng ý với ông và chú Ba. Nhưng mà,” mẹ tôi ngập ngừng, nói. “Thằng Bỉnh chưa đầy 11 tuổi. Tôi chỉ sợ, nó sẽ là gánh nặng cho chú Ba thôi!” 

Chú Ba nói: 

- “Anh chị bằng lòng là được rồi! Nhưng, việc nầy còn phải tùy cháu nữa!” rồi chú Ba quay sang, hỏi tôi: “Sao, cháu có muốn đi máy bay theo chú sang Mỹ học hành không nào?”

Tôi nghe nói đi máy bay là khoái chí tử rồi, gật đầu chịu liền; vì lúc đó, tôi đâu có biết nước Mỹ cách xa đất nước tôi gần nửa vòng trái đất. Trong lúc mẹ lo thu xếp đồ đạt của tôi cho vào cái túi xách. Tôi thấy cha bảo chú đứng trước bàn thờ tổ tiên, thắp một nén nhang cắm lên lư hương, rồi trịnh trọng nói với chú tôi: 

- “Anh chị Hai bằng lòng gởi thằng Bỉnh cho chú. Nhưng, chú phải hứa với tổ tiên nhà họ Huỳnh một chuyện.” 

Chú Ba hỏi: 

- “Thưa anh Hai, hứa chuyện gì mới được chớ?” 

Cha tôi nói: 

- “Chú phải phải nhắc nhở thằng Bỉnh rằng, khi nó trưởng thành phải ghi tâm, khắc cốt điều nầy: “Hấp thụ một nền giáo dục và khoa học kỹ thuật của Hoa Ky,ø không phải để trở thành người Mỹ mà phải biết áp dụng sở học đó để thăng hoa nền Văn hóa – Giáo dục truyền thống của dân tộc Việt Nam, sẵn sàng dấn thân giúp Quốc Gia - Dân Tộc mình sau nầy,” cha tôi nói tiếp. “Chú hãy nhớ rằng, không có một chế độ chính trị nào tồn tại vĩnh viễn, chỉ có Tổ Quốc và Dân Tộc Việt Nam là trường tồn mà thôi! Gia đình anh Hai đặt hết kỳ vọng nơi chú Ba đó!” 

Chú Ba trả lời một cách dứt khoát: 

- “Trước bàn thờ tổ tiên nhà họ Huỳnh! Em hứa sẽ làm tròn trách nhiệm đối với gia tộc và anh chị.”

Thế rồi vài giờ sau đó. Sau khi nghe Tổng thống Dương văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trước lực lượng vũ trang Cộng Sản Bắc Việt. Chú Ba cùng một người bạn đưa tôi lên chiếc phi cơ L19, cất cánh rời phi đạo vào lúc 11 giờ trưa, từ phi trường Bình Thủy bay thẳng sang Thái Lan. Phi trường Utapao là trạm dừng đầu tiên trên bước đường lưu vong, trước khi được đưa sang Hoa Kỳ định cư... 

Mười tám năm sau, vào mùa xuân năm Quí Dậu 1993. Trong lúc tôi đang phục vụ trong Hải Quân Hoa Kỳ với cấp bực Đại úy trong ngành Quân Y. Vâng lệnh cha mẹ ở quê nhà và chú, tôi thành hôn với cô Lê Tú Quyên, con gái đầu lòng của bạn chú Ba. Một năm sau đó, chúng tôi đã có một đứa con trai đầu lòng thì má tôi cũng qua đời. 

Mùa Đông năm 2005. Cháu Huỳnh Quật Cường vừa tròn 11 tuổi. Và cũng cuối năm đó, tôi rời quân ngũ. Trong thời gian nghỉ xả hơi, tôi dự định đưa thằng cháu nội đích tôn của cha tôi về Việt Nam cho ông nội thấy mặt, ít nhứt cũng một lần. Tôi nghĩ cha tôi cũng già yếu lắm rồi, không biết cha đi sum họp với mẹ lúc nào.

Vừa hay tin tôi quyết định đưa con về Việt Nam, ăn Tết Nguyên Đán Bính Tuất 2006 với gia đình bên nội. Nhạc mẫu tôi từ Cali gọi sang Maryland chất vấn: 

- “Con đưa thằng Cường về Việt Nam thăm ông nội của nó! Tại sao con không dẫn vợ con cùng đi chớ?” 

Tôi trả lời: 

- “Thưa má, vợ con cũng muốn đi lắm! Nhưng, Quyên về Việt Nam vào lúc này chưa thuận tiện thôi, má à!” 

Bà nói: 

- “Sao kỳ vậy cà? Đâu, bảo vợ con nói chuyện với má coi nà!” 

- “Dạ được, má chờ chút nghe!” 

Tôi trao điện thoại cho vợ tôi đang đứng bên cạnh. Quyên lên tiếng: 

- “Alô! Con đây! Má đó hả?” 

- “Ừ, má đây! Sao, con không đi Việt Nam cùng với cha con thằng Bỉnh để thăm cha chồng con một lần cho biết, để nó đi một mình nguy hiểm lắm!” 

- “Con mới nhận được một cái “Job” mới rất thơm, làm việc trong cơ quan chánh phủ chưa đầy hai tháng, làm sao con rời nhiệm sở được chớ?” Vợ tôi làm ra vẻ ngây thơ, tiếp. “Ảnh đi với con hay một mình cũng vậy thôi! Có gì nguy hiểm đâu hả, má?” 
Bà lo lắng, nói: 

- “Tại con không muốn biết thôi! Có mấy khứa lão ở Cali, tuổi gần đất xa trời mà cũng sanh tật, bỏ vợ bỏ con, chạy theo đào nhí ở Việt Nam, tuổi đáng con đáng cháu của mình đó, con gái à!” 

Nàng trấn an bà: 

- “Má an tâm đi! Chồng con không phải hạng người như vậy đâu; vả lại, con đã sắp đặt kế hoạch hết rồi. Vừa đến phi trường Tân Sơn Nhất, cậu Năm sẽ đích thân hộ tống hai cha con ảnh về nhà ngay lập tức. Sáng hôm sau, cậu sẽ dẫn độ hai cha con ảnh về Cái Vồn, giao cho cha chồng con ngay. Má đừng có lo gì hết. OK?” 

Bà có vẻ an tâm, nói: 

- “Con nói vậy, má cũng an lòng! Hôn thằng cháu ngoại cưng của má một cái. Bye, bye các con và thằng Cường nghe!”

Chỉ còn một ngày nữa là sáng mai bước lên máy bay. Bà xã tôi dặn dò đủ thứ thập cẩm, nào là: “Về Sài Gòn tuyệt đối không ăn óc khỉ sống, bồ cạp, kỳ tôm, cá sấu, rắn rết...nghe chưa?”, “Cấm vào các quán bia ôm, ngủ ôm; tóm lại, dịch vụ nào có gái ôm để phục vụ là cấm triệt để!”, “Cho con đi ngủ đúng giờ!”, “Đừng cho nó tắm sông!”, “Nhắc cha phải uống thuốc mỗi ngày đó nghen!”... làm tôi cũng bực mình, phát cáu. Tôi trả lời: 

- “Đã bảo nhớ rồi mà! Nhắc đi nhắc lại mãi hoài vậy má nó!” 

Cả đêm tôi trằn trọc, thấp tha, thấp thỏm. Quá nửa đêm về sáng, vừa mới thiu thỉu ngủ là cái đồng hồ báo thức reo lên inh ỏi. Tôi bật đèn ngồi dậy, ngáp dài. Mới đó, mà đã 4 giờ sáng rồi. Vậy là mất toi một đêm, rồi tôi tự an ủi: “Thôi, sáng mai lên máy bay ngủ tiếp!” 

Đúng 5 giờ sáng ngày thứ tư 25/1/ 2006. Đến hẹn, thằng bạn thân lái xe đến nhà, đưa hai cha con tôi ra phi trường quốc tế Dulles ở Virginia. Tôi đáp máy bay hảng All Nippon Airways. Máy bay cất cánh rời phi đạo lúc 10 giờ sáng đi Tokyo. Và từ đó bay đi Tân Gia Ba để đổi máy bay về Sài Gòn. Chuyến máy bay mang số 742 của hảng hàng không VietNam Airlines cất cánh từ phi trường Tân Gia Ba đưa chúng tôi vào không phận Việt Nam vào lúc 11 sáng 27/1/2006 giờ VN. Sau khi hoàn tất thủ tục nhập cảnh, tôi dẫn thằng con ra ngoài sân phi trường Tân Sơn Nhất. Gia đình cậu mợ Năm của bà xã tôi đang sốt ruột chờ tôi bên cạnh chiếc xe van. Tôi nhận diện cậu Năm dễ dàng nhờ tấm ảnh mang theo. Cậu bảo bác tài lái xe đưa chúng tôi đi một vòng thành phố Sài Gòn để xem chợ Tết. Ngồi trên xe, tôi bấm máy lia lịa. Nhìn dòng xe gắn máy đủ loại phân khối phun khói mù mịt, bóp kèn inh ỏi làm tôi choáng ngộp. Sau đó, tôi mời tất cả mọi người dùng cơm trưa tại nhà hàng Đồng Khánh, rồi đưa tôi về nhà cậu ở Tân Định ngủ qua đêm, mặc dù trái giờ giấc, nhưng hai cha con tôi vẫn ngủ say như chết vì đi đường xa mỏi mệt. 

Vào khoảng 8 giờ sáng ngày 28/1/2006. Cậu Năm đánh thức chúng tôi dậy để chuẩn bị lên đường về quê cho kịp đón giao thừa với gia đình. Aên điểm tâm qua loa vừa xong, chiếc xe van do cậu mướn cũng vừa dừng trước cửa. Tôi lấy mấy cái bao “lì xì” màu đỏ của Quyên đã chuẩn bị sẵn để biếu mấy em, con của cậu mợ Năm, và cả bác tài xế để lấy lộc đầu năm. 

Lúc xe leo dốc cầu cầu Mỹ Thuận, bác tài hỏi tôi: 

- “Ở bên My,õ có cây cầu nào vĩ đại bằng cây cầu Mỹ Thuận nầy không hả cậu?” 

Tôi chỉ cười không trả lời. Cậu Năm nói: 

- “Nhưng, cũng nhờ cây cầu nầy mà cuộc hành trình về Miền Tây đã rút ngắn được ít nhất cũng được vài ba tiếng đồng hồ.” 

Thật vậy, khoảng 11 giờ trưa. Chiếc xe van đã đưa chúng tôi vào thị xã Vĩnh Long, rồi theo quốc lộ 1A để đi về Cái Vồn là quê nội của tôi. Khi xe chạy qua thị trấn Ba Càng, rồi đến cầu Rạch Mút và khi vừa vượt qua cầu Cái Vồn Lớn thì cậu Năm bảo tài xế ngừng lại ở dãy quán cóc bên đường. 

Cha tôi và một người chú họ đang nóng ruột ngồi trong quán chờ. Rời quê hương gần 31 năm, đây là lần đầu tiên tôi gặp lại cha. Tôi rất ngạc nhiên, tuổi đời của cha ngoài thất tuần, nhưng trông người vẫn còn khá khỏe mạnh, đôi mắt vẫn còn tinh anh. Hai cha con ôm nhau mà nước mắt chảy ràn rụa. 

Thằng Cường nhìn ông nội, rồi ngơ ngác hỏi tôi: 

- “Who is he, daddy?” 

Tôi trả lời: 

- “He is your grandpa!” 

Thằng Cường chìa tay ra bắt tay ông nội, theo lối xã giao phương Tây: 
- “Hello, Grandpa! How are you doing!” 

Cha tôi nhìn thằng cháu đích tôn trân trối, nét thất vọng hẹn rõ trên gương mặt già cỗi của người. Cha tôi nói, giọng bất mãn ra mặt: 

- “Bộ thằng con mầy không biết kêu ông nội bằng tiếng Việt sao hả, Bỉnh?” 

Tôi mỉm cười, nói: 

- “Con là công dân Mỹ, phải làm nghĩa vụ đối với đất nước đã cưu mang người tỵ nạn Việt Nam, còn vợ con đi làm suốt ngày, đến tối mò mới về nhà. Làm sao tụi con có thì giờ dạy nó nói tiếng Việt. Cha thông cảm cho tụi con đi!” 

Sau khi biết sự thật khá phủ phàng. Cha tôi mất thiện cảm đối với thằng cháu nội đích tôn và ngậm ngùi nói: 

- “Cha cầm bằng kể như không có thằng cháu nội đích tôn nầy đi! Làm người Việt Nam mà không biết nói tiếng mẹ đẻ là người vong bản. Lớn lên, nó lấy một con vợ Mỹ, rồi đẻ ra một lô con lai Mỹ, thế là mất gốc luôn!” 

Cậu Năm nói an ủi: 

- “Thôi, đừng buồn mà anh Giáo! Thằng cháu nội đích tôn của anh nó sanh ở bên Mỹ, ăn đồ Mỹ, học trường Mỹ thì nó phải nói tiếng Mỹ là đúng rồi! Có trách là trách người lớn kìa, như con mẹ Năm bán cá ở chợ Cầu Ông Lãnh, mới bỏ nước ra đi theo diện ODP được năm, sáu năm gì đó, mà khi trở về nước đã quên hết tiếng Việt, đi đâu cũng dẫn con em theo tò tò để làm “thông dịch viên”. Thế mới là dị hợm chớ!” 

Cha nhìn tôi, hỏi: 

- “Con về thăm Việt Nam, định ở chơi với cha bao lâu?” 

Tôi thưa: 

- “Dạ, đúng một tuần lễ! Mùng 8 con trở lên Sài Gòn, mua sắm một ít quà tặng gia đình và bè bạn. Mùng 10, con và thằng Cường lên máy bay trở qua Mỹ. Con còn phải lo công ăn việc làm. Sau khi việc làm ổn định, con hứa năm sau sẽ về thăm cha và sẽ ở lâu hơn.” 

Cha hỏi về chú tôi: 
- “Còn chú thím Ba mầy dạo nầy thế nào? Sao, không cùng về Việt Nam cho cha gặp mặt?” 

Tôi nói: 

- “Về Việt Nam đi bằng đầu gối, còn phải nạp tiền hối lộ cho tụi công an Hải quan ở phi trường. Chú Ba dứt khoát không trở về Việt Nam đâu, cha ơi!” 

Cha tôi hỏi: 

- “Còn con thì sao? Có hối lộ cho tụi nó không?” 

Tôi trả lời bằng sự thật: 

- “Có chớ sao không, cha! Ai sao mình vậy mà; vả lại, con không muốn họ bắt chẹt, làm khó dễ tháo tung hành lý, lục lọi quà cáp của con đem về biếu cha và bà con mình.” 

Cậu Năm nhìn đồng hồ, rồi đến bắt tay cha và tôi, chào từ giã: 

- “Bây giờ tôi phải trở về Sài Gòn để còn kịp cúng giao thừa. Sáng mùng tám, khoảng giờ nầy, tôi sẽ có mặt tại đây để đón hai cháu về Sài Gòn.” 

Chờ khi chiếc van nổ máy, quay trở về hướng Sài gòn. Cha dẫn tôi và thằng Cường xuống bờ rạch Cái Vồn Lớn, một chiếc ghe tam bản có gắn máy đuôi tôm đang cắm sào dưới chân cây cầu dừa. Chờ mọi người xuống ghe xong, người chú họ cho nổ máy, chiếc ghe tam bản lồng lên, cất mũi, chạy ngược về phía trong rạch Cái Vồn. Hai bên bờ rạch với những xóm nhà lá mọc san sát bên nhau, nhà nào cũng đào mương, lên líp, lập vườn trồng cây ăn trái; thỉnh thoảng, mới thấy vài căn nhà ngói ba gian của các điền chủ thời xa xưa. Thằng Cường nằm trong khoang ghe, gối đầu lên cái xách tay ngủ vùi. Còn cha tôi ngồi xếp bằng trước mũi ghe yên lặng, ánh mắt đăm chiêu nhìn dòng sông cuộn chảy; thỉnh thoảng, người lại thở dài... Tánh cha tôi bảo thủ, người thất vọng vì thằng cháu đích tôn vong bản, không biết nói tiếng Việt. Còn tôi, len lén nhìn cha rồi nhớ đến người mẹ kính yêu đã quá vãng mà nước mắt bỗng trào ra. 

Từ khi rời Việt Nam vào lứa tuổi thằng Cường cho mãi đến bây giờ, tôi mới có dịp ngồi trên chiếc ghe tam bản di chuyển trên dòng sông. Con rạch Cái Vồn làm tôi nhớ quá khúc sông Cần Thơ, đoạn chảy qua cầu Cái Răng đến vàm sông Ba Láng. Hồi đó, vào những mùa trăng thơ mộng, cha mẹ tôi thường dẫn tôi xuống chiếc ghe tam bản của chú Khai - người lái đò dọc - mướn chú ấy chèo ghe dọc theo sông Cần Thơ để ngắm trăng. Cha mẹ tôi rất tâm đầu ý hợp, cả hai người đều có tâm hồn nghệ sĩ và rất yêu thích Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Bản thân tôi cũng được dạy cho những kinh sống rút ra từ Truyện Kiều. Cha thường khuyên bảo: “Làm người phải giữ sao cho cái “TÂM” của mình luôn trong sáng, vì chữ “TÂM” kia mới đích thực bằng ba chữ “TÀI”đó con!” hoặc “Có tài mà cậy chi tài / Chữ tài liền với chữ tai một vần.” Trong lúc chiếc ghe hơi chòng chành, lướt sóng theo nhịp chân của người lái đò dọc, cha thường ngồi trước mũi ghe thổi sáo để mẹ ngâm Truyện Kiều cho cha tôi thưởng thức... 

Khoảng một giờ sau, chiếc ghe tam bản đã vào địa phận xã Thuận An, quận Bình Minh. Cha tôi nói: “Đến nhà rồi đó con! Đánh thức thằng Cường dậy.” 

Tôi nhìn lên trên bờ, thấy các chú bác, cô dì, bà con hai bên nội ngoại trên mươi người, đứng dọc theo con rạch Cái Vồn, trước căn nhà hương hỏa lợp ngói đỏ, gồm có ba gian để đón cha con tôi. Nhìn cái thân xác đồ sộ của tôi: cao gần 1 mét 80, nặng trên 190 pounds. Ai cũng lắc đầu, cười, nói đùa với cha tôi: 

-“Chắc thằng Bỉnh qua Mỹ, uống sửa...voi, sao mà nó bự con quá nè trời!”. 

Một bà cô nhìn thằng Cường, hỏi : 

- “Cháu tên gì? Mấy tuổi rồi?” 

Thằng Cường nghe hỏi, nó trố mắt nhìn rồi lắc đầu, đáp: 

- “I’ m very sorry! I don’t understand what you say!” 

Cha tôi ngó thằng Cường, rồi nhìn tôi như thầm trách, nói : 

- “Thằng cháu nội đích tôn của tôi mất gốc rồi chị Tám ơi! Nó có nói được tiếng Việt đâu mà hỏi nó làm gì cho mệt chớ! Mà thôi, tôi mời tất cả bà con vô nhà, dùng với tôi một bữa tiệc tất niên đạm bạc, để mừng gia đình cha con chúng tôi đoàn tụ trong dịp Tết Bính Tuất.” 

Vừa bước chân vào trong nhà, hai cha con tôi thắp nén nhang thơm trên bàn thờ tổ tiên và quỳ lạy trước di ảnh của mẹ. Trên cái bàn tròn kê giữa nhà, mọi người trong nhà lo sắp chén đũa, một cái lẩu mắm kho và rau sống đủ loại, một cái nồi cơm còn đang bốc khói nghi ngút. Mắm kho và rau là món ăn khoái khẩu nhất của tôi từ thuở còn tắm truồng. Cha mời mọi người ngồi vào bàn. Hai cha con tôi ngồi bên phải và trái của cha già. Thằng Cường ngửi thấy mùi mắm kho là nó làm bộ nhăn mặt, lấy tay bịt mũi làm cha tôi giận tái mặt. Bỗng thấy con ruồi xanh từ đâu bay vào đậu trên bàn, nó lật đật nhảy xuống ghế, chạy đến ôm tôi cứng ngắt, sợ hãi, hét lớn: 
- “Daddy! Blue bee scares me!” 

Mọi người trên bàn tiệc cười ầm lên. Đến nước nầy, cha tôi dằn cũng hết nổi, quát: 

- “Thằng nhóc con! Con ruồi xanh chớ không phải con ong đâu mà mầy sợ!” 

Thấy ông nội nổi giận, nó lấm lét nhìn tôi như ngầm hỏi ý. Tôi bèn mỉm cười, nháy mắt, thầm nhắc tuồng cho nó. Thằng Cường hiểu ý, trở về chỗ ngồi. Bất ngờ, nó cầm chai rượu đế “Song Phú” rót vào cái ly xây chừng, hai tay kính cẩn dâng lên ông nội, rồi xổ một câu tiếng Việt rành rọt, đúng giọng, làm cha tôi chưng hững: 

- “Con kính dâng ông nội một ly! Con cũng nhậu với ông nội xã láng, sáng về sớm! Nhậu không say không trở về Mỹ!” 

Cha tôi sửng sốt, nghe thằng Cường bật nói được tiếng Việt, cha mừng đến chảy nước mắt. Người ngửa mặt lên trần nhà, cười ha hả một cách sảng khoái, rồi nói: 

- “Cháu nội đích tôn của nhà họ Huỳnh ta, ít ra phải như vậy mới được chớ!” 

Thằng Cường nó mang một kho pháo từ Mỹ về nước, chờ dịp nổ với ông nội. Nó nói: 

- “Ông học giả Phạm Quỳnh có nói rằng: “Truyện Kiều còn, tiếng Việt còn. Tiếng Việt còn, nước Việt Nam mình còn”. Bây giờ, con đọc một đoạn Kiều gồm 4 câu, có đủ ba thứ tiếng: Việt, Hoa và Mỹ cho ông nội thưởng thức. 

Cha tôi không tin, nói: 

- “Đâu, con đọc thử cho mọi người nghe coi! Con mà đọc được, muốn đòi cái gì ông nội cũng thưởng hết!” 

Thằng Cường nắm tay nội, nói: 

- “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy, à nghen ông nội!” 

Cha tôi khoái chí, xoay người lại, nhìn lên bàn thờ như khoe với mẹ tôi: 

- “Bà nó ơi! Thằng cháu nội đích tôn của mình nó biết đọc thơ Kiều, còn xài cả chữ Nho với tui nữa nè bà!” 

Tôi nói với thằng con: 

- “Thôi, đọc Kiều cho ông nội thưởng thức coi.” 

Nó tằng hắng lấy giọng, lên gân cổ, đọc: 

- “Làn thu thủy nét xuân sơn/ Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh/ Một, hai nghiêng nước nghiêng thành/ Sắc đành đòi “dách”, tài đành họa “two”...” 

Nó sợ ông nội không hiểu, liền giải thích: 

- “Tiếng Hoa “dách” là “một”; còn tiếng Mỹ “two” là “hai”. Ông nội thua con rồi!” 

Cha tôi chỉ chờ có vậy, người ôm thằng cháu nội lạc loài vào lòng mà hai hàng nước mắt chan hòa vì vui mừng. Cha mắng yêu: 

- “Tổ cha mầy! Chơi chữ với ông Nội đó hả? Ừ, nội chịu thua rồi đó! Con muốn nội thưởng cái gì đây?” 

Thằng Cường bá cổ, hôn lên má của ông nội một cái chụt, nói: 

- “Hồi sáng đến giờ, ông nội xài xể con te tua. Bây giờ, phải bù lỗ cho con. Hôn con 10 cái đi, ông nội!”. 

Trong lòng tràn đây hân hoan và sung sướng, cha tôi hôn chùn chụt lên hai má nó như hôn tôi lúc còn bé, rồi mời mọi người cầm đũa. Thằng Cường nó ăn mắm và rau như điên. Nó lua luôn một hơi 3 chén cơm còn khen mắm kho ngon hết sẩy, trước con mắt ngạc nhiên của mọi người. 

Sau bữa cơm đạm bạc, cha tôi vuốt tóc thằng Cường, hỏi: 

-“Ai dạy con mấy câu thơ Kiều vậy, Cường?” 

-“Dạ, Ba má dạy con mấy câu thơ Kiều để về Việt Nam đọc cho nội nghe chơi. Ba má còn dạy con đọc, viết tiếng Việt và cả lịch sử nước Việt Nam. Sau khi trở qua Mỹ, con sẽ viết thơ thăm ông bằng tiếng Quốc Ngữ để cho ông vui,” thằng Cường còn khoe. “Ông chú còn dạy con võ Vovinam Việt Võ Đạo nữa đó!” 


Sáng mùng 1 Tết Nguyên Đán Bính Tuất. Tất cả con cháu tụ họp nơi căn nhà hương hỏa, trước để làm lễ cúng gia tiên và sau đó chúc Tết cha tôi. Thằng Cường vận võ phục Vovinam Việt Võ Đạo, lưng thắt đai trắng. Mừng tuổi ông nội xong, nó nói: 

- “Tết không có lân múa. Con xin biểu diễn võ thuật cho ông nội, các ông bà, cô dì, chú bác thưởng thức.” 

Nói xong, thằng Cường bước ra giữa nhà, cuối đầu chào mọi người theo nghi thức con nhà võ, rồi bắt đầu thi triển quyền pháp, cước pháp . Cha tôi say sưa nhìn thằng Cường ra đòn tấn công địch nhanh lẹ, thế thủ gọn chắc và đôi lúc nhào lộn để tránh đòn và phản đòn vô cùng linh hoạt. Cuộc biểu diễn chấm dứt, mọi người vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt. Cha tôi ôm thằng Cường vào lòng, hỏi: 

- “Con học võ để đánh lộn với tụi Mỹ con, phải không Cường?” 

Thằng Cường lắc đầu, đáp: 

- “Con luyện võ Vovinam vì lòng kiêu hãnh và lòng tự hào về tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam mình, chớ không phải để đánh lộn đâu!” 

Lời nói đó, làm cha tôi sung sướng đến nhỏ lệ. Tôi lấy bàn tay lau những giọt nước mắt yêu thương, trân quý đó như để nó thấm vào máu thịt, cuộn chảy mãi trong dòng máu Việt Nam của tôi...

(sưu tầm)

Trao đổi thông tin

Quý khách có thể dùng mẫu bên dưới để trao đổi thông tin với chúng tôi.

Authenticate image

Vui lòng nhập vào thông tin phía trên để trao đổi

Quản lý tài khoản

Trợ giúp

Giới thiệu