Đó không phải là điều ai cũng nhìn ra được sau nỗi đau mất đi giọt máu của mình, huống gì vợ chồng chị Thảo mất tới 2 lần.
Chị Hương Thảo (37 tuổi) lớn lên tại Australia từ nhỏ. Năm 11 tuổi, chị được bố mẹ đưa về quê hương ở Tây Ninh. Được gặp thân hai bên họ hàng, thắp hương cho tổ tiên và gặp gỡ những người dân bình dị, lần đầu tiên chị cảm thấy có lịch sử cá nhân, lịch sử gia đình, cảm nhận được tinh thần dân tộc đang chảy trong máu mình. Chị có khát khao sau này sẽ về Việt Nam sinh sống.
Năm 2007, khi đã có trong tay hai bằng cử nhân và một công việc rất tốt tại Australia, chị nhận lời về Việt Nam làm việc cho một công ty luật quốc tế, trước sự lo lắng của cả gia đình, rồi sống một mình ở Sài Gòn. Duyên phận cho chị gặp rồi yêu anh anh Tony Trần (từ Canada về Việt Nam sống), rồi kết hôn năm 2012, khi chị 32 tuổi.
Là người mạnh mẽ, say mê công việc, ngoài làm giám đốc vùng một đại học của Australia, chị còn năng hoạt động xã hội, từ thiện. Anh Tony điều hành công ty của mình về nhân sự và đào tạo. Dù vợ đi công tác triền miên và xã giao rộng, anh luôn đặt tuyệt đối niềm tin và ủng hộ vợ.
"Khó khăn, thử thách lớn nhất trong hôn nhân của chúng mình và trong cuộc đời mình là hai lần mang thai bị mất con", giọng chị trầm xuống.
Tháng 2/2016, chị có thai, nhưng niềm vui chưa được vài tuần thì thai hỏng. Nửa năm sau chị mang thai lại, hạnh phúc dần lớn lên từng ngày khi bác sĩ bảo thai nhi bình thường, phát triển tốt. Nhưng đến 14 tuần, bác sĩ chẩn đoán con có dấu hiệu bất thường liên quan đến gene hoặc nhiễm sắc thể.
Vào tuần thứ 21, bác sĩ báo tin buồn là em bé trong bụng chị hoặc sẽ chết lưu, hoặc sẽ trụ đến được 9 tháng 10 ngày, hoặc hiếm hơn thì sống được một ngày, vài tuần rồi ra đi.
"Tôi nhớ là khi bước ra khỏi phòng khám, anh ấy nhìn tôi với khuôn mặt như bầu trời sụp đổ. Anh ấy tiến lên, ghé sát bụng tôi, nắm chặt tay tôi. Lời đầu tiên anh nói không phải là với tôi mà với đứa bé: 'Con ơi, con đừng nghĩ những chuyện này sẽ thay đổi bất cứ điều gì. Nếu có một điều thì đó là đã làm ba thương con, thương mẹ con nhiều'", chị thổn thức.
Cảm nhận sợi dây kết nối rất mạnh với em bé, nên dù biết sẽ mất con từ lúc 21 tuần, anh chị quyết định không phá thai.
Mỗi ngày, hai vợ chồng hồi hộp đặt ống nghe và thật nhẹ nhõm khi cảm nhận được nhịp đập đều đều của con. Họ cùng nhau đọc sách, đọc truyện, viết thư, thủ thỉ với con mọi chuyện.Thay vì ngồi đếm từng ngày đến lúc con mất, anh chị đã trân trọng từng ngày con còn sống cùng với mình. Vì thế, họ xin lời khuyên của bác sĩ và vẫn tiếp tục kế hoạch khám phá New Zealand trong 2 tuần. Họ mang theo máy nghe nhịp tim thai trên hành trình này.
Cũng trong hành trình này, chị Thảo đọc được một cuốn sách của Dalai Lama từ đó chị nhận ra luôn luôn trong đau khổ có những điều phải cảm tạ, biết ơn, luôn luôn trong u tối có hi vọng. Từ nỗi đau của mình chị nghĩ về nỗi đau của người khác và thấy yêu thương, thông cảm cho người xung quanh nhiều hơn.
Anh chị quyết định lập một group trên Facebook đặt tên là Baby Angie’s Register of Kindness. Sau một thời gian ngắn, nhiều người từ nhiều nơi trên thế giới đã biết được câu chuyện của bé Angie và cam kết nhân rộng những hành động tốt đẹp. Mỗi ngày thức dậy tên cái tên Angie Mai Khiêm được nhắc đến trong một đợt quyên góp cho một tổ chức ở Kenya, trồng một cái cây ở Bangladesh, ủng hộ phí mổ tim cho một em bé ở Việt Nam, quyên góp cho tổ chức các bé gái được đến trường, hay một công ty khuyên nhân viên làm việc thiện và giúp đỡ xã hội vào ngày thứ 6 hàng tuần.
Một buổi sáng sớm đầu tháng 3 vừa qua, khi thai nhi gần 7 tháng, chị Thảo chợt tỉnh giấc. Linh cảm cho biết em bé đã đi rồi. Nhưng dù thế, đến khi có xác nhận từ bác sĩ, chị vẫn điếng người lần nữa. Chị đã trải qua hơn 20 giờ để sinh em bé ra.
Bé Angie chào đời. Bố mẹ thay nhau ôm em, kể truyện và nói những lời yêu thương. Chị Thảo nhắc tên tất cả những người thân trong gia đình, bạn bè, những điều tốt con đã làm khi sống trên thế gian này.
"Tôi sờ đôi chân con, nó dài hệt như chân bố. Lông mi nó dài, chân mày đẹp. Tôi ôm con trong vòng tay. Cùng lúc đó tôi nghe tiếng khóc của em bé phòng kế bên, tiếng cô y tá chúc mừng "oa, là con gái". Sự sống và cái chết cận kề nhau. Rồi có một người đến bế con tôi đi. Đến lúc này tôi biết rằng giờ nó không phải là của tôi. Nó đã đi thật rồi", chị nức nở.
Tang lễ của em bé, anh chị không bật nhạc đau thương mà là nhạc của những diva nổi tiếng, vì họ nghĩ rằng con họ đã sống dù ngắn ngủi nhưng sống ý nghĩa chẳng khác gì những diva.
Cuộc sống dần trở lại bình thường. Mọi thứ lại trở về guồng quay như trước. Nỗi đau qua thời gian đã lành lặn và để lại những vết sẹo. Nó không biến mất, mà luôn thường trực, sờ được, cảm nhận được.
"Cách đây 2 tháng, tự nhiên tôi thức tỉnh vì nghe thấy tiếng chồng đang khóc nức nở. Hóa ra anh ấy mơ thấy con. Trong giấc mơ anh ấy khóc. Lúc thức dậy vẫn tiếp tục khóc", chị Thảo kể.
Trái với vẻ bề ngoài mạnh mẽ chồng hay thể hiện, chị Thảo đã nhìn ra được con tim anh cũng đau như mình và chị không cô đơn trong nỗi đau này nữa. Nhờ con mà anh chị sống tốt hơn, cho đi nhiều hơn. Mối quan hệ của anh chị cũng thực sự chạm đến một cấp độ, nơi anh chị dành cho nhau tình yêu thương vô điều kiện.