Vầng trăng và người lính

2018-01-22 10:35:47

Đêm đẫm sương xuân. Gió không thốc lên nhưng xuyên thấu bộ quân phục vào da thịt đủ cảm nhận chút dư vị lạnh. Đứng từ vọng gác nhìn xuyên trăng, từng sợi tơ nhện vương sương phơ phất những chấm nhỏ li ti trong màn lưới bạc màu kim tuyến. Hương xuân bao phủ như đang ùa vào lòng để sáng mai thức dậy bừng một mùa xuân mới.

Nhìn trăng xuân sương giăng mơ màng khắp bờ bãi, lòng bồi hồi nhớ “Trung thu độc lập” của nhà văn Thép Mới. Ở đó, ánh trăng mùa thu Độc lập đầu tiên của nước nhà sau đêm trường nô lệ mới đẹp làm sao! Ở đó, hình ảnh, vị thế và ước vọng người lính đứng gác mới đẹp làm sao!

Đã bao lần trăng nghiêng soi mặt súng không sao nhớ hết. Chỉ biết súng làm nhiệm vụ cùng người gác ngày đêm, súng chuyền tay đổi phiên đều đặn, lần lượt hết phiên này đến phiên khác phòng chờ giặc đến. Những lúc thế, chợt nhớ cảm xúc thăng hoa trong hồn thơ tình lãng mạn Chính Hữu: “Đêm nay rừng hoang sương muối/ Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới/ Đầu súng trăng treo”. Đầu súng trăng treo, trăng nghiêng soi mặt súng. Vũ trụ vận động có một nhưng hai khoảnh khắc khác nhau, cùng chung mục đích. Đêm xuân, trăng trườn trên mặt súng càng cảm nhận rõ tính kiên nghị màu trăng thép. Người bồng súng đứng gác nỡ nào không yêu súng như con và quý khoảnh khắc này!?

Từ “Mảnh trăng cuối rừng”, nhà văn Nguyễn Minh Châu cho thấy Nguyệt và Lãm đẹp lộng lẫy. Người lính lái xe thầm yêu qua lời giới thiệu của chị gái mình một nữ thanh niên xung phong bảo vệ giao thông ngầm Đá Xanh. Chưa gặp mà như đã, gặp mặt mà như chưa được gặp. Hai người dưới trăng rừng Trường Sơn lung linh huyền ảo, tình yêu của họ như đôi chim từ quy cất tiếng gọi nhau giữa thẳm rừng trăng. “Ngoài rừng sâu, đôi chim gọi nhau suốt đêm đã im tiếng, có lẽ chúng đã tìm thấy nhau!?”.

Thường ngày, súng được lau sương rồi lau bụi, lau bằng một thứ dầu chống gỉ. Mặt súng lúc nào cũng bóng nhẵn. Dưới trăng, càng ánh lên chất thép. Hãy hình dung người lính bồng súng đứng gác nơi biển trời, hải đảo, nhà giàn, biên giới. Nơi ấy, súng chắc tay, ca gác đêm ngày, lặng lẽ nghe gió hát, sóng vờn ì oạp vỗ bờ không hề bình lặng. Những hiểm nguy từ phía biển gió bão, từ núi cao rừng sâu, từ những toan tính phía kẻ thù luôn rình rập, bủa vây. Vậy mà, súng và người vẫn bện quyện trong từng hơi thở đêm trăng!

Càng trong khó khăn, gian khổ, ác liệt, người lính càng yêu quý, chăm sóc khẩu súng được biên chế cho mình. Tự nó, như mệnh lệnh không lời khắc vào tim không bao giờ buông. Nếu buông súng, nghĩa là tự đầu hàng với chính trái tim mình. Người lính đứng gác, nghĩa là đang làm nhiệm vụ. Khi đang làm nhiện vụ, quân dung luôn nghiêm ngắn, dây súng quàng vai, súng ở tư thế bồng, hai chân vững rộng bằng vai, mắt nhìn thẳng, giác quan hướng mọi động tĩnh xung quanh, cảnh giác cao độ. Cũng trong tư thế ấy, khi đêm thẫm đen, có ai đang lung lạc bào mòn ý nghĩ!? Hay ngược lại, những ý tưởng sáng tạo được đêm khơi gợi, được phác họa, phác thảo, phát tiết trong đầu…!?

Trăng non đầu tháng mùa xuân chếch quá đỉnh đầu nhòa trong sương mỏng. Mặt trăng gầy trong đêm sương lạnh ấy lẽ thường gợi cảm giác lạnh lẽo, buốt giá, cô đơn. Ngược lại, trăng thép có sự ấm nóng của một sức mạnh rắn rỏi, cương nghị, kiên nhẫn thật đỗi phi thường. Nếu một lần dừng lại và cảm nhận, hẳn bạn sẽ thấy màu trăng thép từ tình yêu người lính trong trái tim đối với Tổ quốc mình.

Theo Báo Mới

 

 

Trao đổi thông tin

Quý khách có thể dùng mẫu bên dưới để trao đổi thông tin với chúng tôi.

Authenticate image

Vui lòng nhập vào thông tin phía trên để trao đổi

Các tin khác

Quản lý tài khoản

Trợ giúp

Giới thiệu