Ý nghĩa ngày lễ Phật Đản

2013-05-07 09:58:57

 

" VUI THAY ĐỨC PHẬT RA ĐỜI "

Cách đây trên 25 thế kỷ, tại một vương quốc nhỏ ở phía Bắc Ấn Độ vào một ngày trăng tròn tháng Vesak, có một sự kiện xảy ra làm thay đổi toàn thế giới, có một bậc vĩ nhân ra đời . Đó là Thái tử " Tất Đạt Đa " nghĩa là người đem đến điều tốt lành, sau này thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni, con của vua Tịnh Phạn và Hoàng hậu Maya , năm 563 trước Tây Lịch .

Lúc ấy khắp địa cầu tràn ngập niềm an lạc và hạnh phúc . Mọi người quên hết lo âu, xóa mọi hận thù, thương yêu lẫn nhau . Một số người nhìn thấy cầu vồng xuất hiện trên bầu trời cùng với những điềm lành kỳ diệu khác. Lúc bấy giờ những nhà tiên tri khắp nơi, nhất là ông già A Tư Đà là một ẩn sĩ sống ẩn dật ở trong rừng vắng và là một bậc danh sĩ tôn quý lúc bấy giờ đã đến bái kiến vua Tịnh Phạn và ông ta nói: " Tôi từ xa đến đây vì có dấu hiệu kỳ diệu mà tôi mới thấy gần đây. Những dấu hiệu này cho biết cậu bé trai mới sinh của ngài, sau này sẽ đạt được sự giác ngộ tinh thần vĩ đại, làm lợi ích cho tất cả mọi người. Cái trí tuệ vô cùng quý giá ấy là điều mà suốt đời tôi đang cố gắng để đạt được. Cho nên từ nơi xa xôi tôi vội vã đích thân đến thăm cậu bé " Nói đến đây, A Tư Đà bật khóc làm Vua và Hoàng hậu rất ngạc nhiên, hồi hộp xen lẫn lo sợ. Không hiểu tại sao các nhà tiên tri, kể cả A Tư Đà cũng nói con trai của Bệ hạ có đầy đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, chắc chắn sau này lớn lên sẽ thành bậc vĩ nhân mà tại sao ông A Tư Đà lại khóc. Chắc có điều gì bất lành chăng ?

A Tư Đà nói: "Không, thưa bệ hạ, không phải tôi khóc vì đã nhìn thấy dấu hiệu xấu nơi Thái tử mà một điều chắc chắn tôi nhìn thấy là sau này khi lớn lên Thái tử sẽ trở thành bậc vĩ nhân. Nếu con trai của Bệ hạ theo nghiệp cha thì thái tử sẽ trở thành một Chuyển Luân Thánh Vương vĩ đại nhất lịch sử. Thái tử sẽ cai trị cả một khu vực rộng lớn, đem lại an lạc và hạnh phúc cho mọi người . Nhưng nếu Thái tử quyết định không làm vua thì tương lai Thái tử sẽ trở thành một bậc đại giác, một vị thầy cao quý hướng dẫn chúng sanh sống theo đạo lý yêu thương và tỉnh thức. Khi nhìn thấy cảnh khổ của cuộc đời, Thái tử sẽ lìa bỏ hoàng cung và đi tìm con đường chấm dứt mọi khổ đau. Rồi Thái tử sẽ đem những chân lý ấy để chỉ dạy cho bất cứ ai muốn lắng nghe .

Không, thưa Bệ hạ và Hoàng hậu. Tôi không khóc cho đứa trẻ mà chính tôi đang khóc cho tôi. Như ngài cũng đã biết, tôi đã trải qua toàn bộ cuộc đời để tìm chân lý, mong tìm ra con đuờng chấm dứt khổ đau. Và hôm nay, tôi đã gặp được Thái tử _ người mà sau này sẽ chỉ dạy những điều mà tôi muốn học. Nhưng đến lúc Thái tử đủ trình độ để dạy thì có lẽ tôi đã chết rồi. Tôi không may mắn học được những lời Thái tử dạy trên cuộc đời này. Đó là lý do tai sao tôi buồn và khóc. Đối với Bệ hạ và Hoàng hậu thì không có gì đáng buồn cả . Hãy sung suớng lên vì mình có một người con là bậc vĩ nhân và vinh quang như thế .

16 năm sau, Thái tử đã trưởng thành và lấy vợ là nàng Yasodhara, sống đời sống vương giả và cực kỳ sang trọng trong cung điện. Nhưng bẩm tính của Thái tử đã sầu đã cảm. Khi nhận thấy thực trạng thống khổ của đời người chung quanh mình, bèn quyết tâm đi tìm phương cứu khổ cho bản thân và cho nhân loại .

Lúc Thái Tử bỏ nhà ra đi, chính là lúc mà vợ vừa hạ sanh người con trai đầu lòng và duy nhất là Rahula. Bấy giờ thái tử mới được 29 tuổi . 6 năm ròng rã ông lang thang đây đó ở khắp nơi thung lũng sông Hằng để cầu thầy học đạo và theo đủ mọi cách khổ hạnh cùng tu luyện của hầu hết các môn phái truyền thống mong tìm giải thoát. Nhưng không thỏa mãn, ông bỏ các giáo phái kia và tự mình ra đi tìm chân lý. Một đêm đang ngồi trầm mặc duới gốc cây bồ đề ông hốt nhiên đại ngộ. Bấy giờ ông mới 35 tuổi. Từ đó người ta gọi ông là Phật, nghĩa là giác ngộ, giác ngộ được cái nguồn gốc của đau khổ và sinh tử .

Sau khi đắc đạo, Phật thuyết pháp lần thứ nhất ở Cấp Cô Độc Viên, gần thành Benares ngày nay. Cho 5 nhà tu khổ hạnh, những người bạn cũ cùng đi tìm đạo như Ngài .

Ròng rã suốt bốn mươi chín năm Phật không ngớt đem Đạo Diệt Khổ dâng cho tất cả mọi tầng lớp nhân dân không phân biệt nam nữ, già trẻ hay giai cấp sang hèn gì cả .

Phật nhập diệt năm 80 tuổi ở Kusinanra.

Trong đời sống của Phật Thích Ca, có 3 giai đoạn quan trọng tiêu biểu được tất cả một hệ thống giáo lý của Ngài:

  1. Lúc thiếu thời
  2. Khi xuất gia
  3. Sau ngày đắc đạo


Cuộc đời ấy có thể gọi là cuộc đời điển hình cho những ai quyết tâm đi vào con đường giải thoát, chứ không phải riêng gì của Thích Ca. Hay nói một cách khác: đời sống của Thích Ca chứng minh một cách hùng hồn giáo lý của ngài còn hơn tất cả các kinh luận của Phật Pháp.

Tóm lại, cuộc đời của Thích Ca Mâu Ni có thể gọi là cuộc đời điển hình của những người đi tìm giải pháp. Hơn nữa, nó minh chứng một cách linh động, hùng hồn tất cả giáo lý của ngài .

Đặc biệt ta nên lưu ý đến những điểm chính này của Đức Phật :

Phật là bậc: Đại Hùng - Đại Lực - Đại Từ Bi

Đại Hùng trong việc dám vứt bỏ ngôi vị cao sang tột bực, cả những quyến rũ xác thịt, đời sống vật chất để đi tìm con đường giải thoát.

Đại Lực trong việc không ỷ lại bất cứ một thế lực nào, một bậc chân sư nào để tìm chỉ dẫn, mà tự lực đi tìm giải thoát.

Đại Bi là suốt cuộc đời chỉ cầu giải thoát đau khổ cho toàn thể nhân loại, cho đến hơi thở cuối cùng .

Chúng ta đã xét qua ý nghĩa về sự đản sinh của Đức Phật, để thấy rõ rằng sự xuất hiện của Thế Tôn, vị giáo chủ của chúng ta, là một việc hy hữu ở đời. Cứ mỗi lần mùa Khánh Đản đến, người Phật Tử về chùa, nghe quý thầy nhắc lại về cuộc đời và những đức tính cao đẹp của Ngài, chúng ta mới biết rằng Ngài Đã trải qua vô lượng kiếp tu hành, cuối cùng mới thị hiện là thái tử Tất Đạt Đa ở Ấn Độ, sau thành Phật hiêu là Thích Ca Mâu Ni. Ngài là một bậc vĩ nhân, Đã để lại một hình ảnh không bao giờ phai mờ trong lòng những người con Phật khắp năm châu bốn biển. Vì cuộc đời ngài quá vĩ đại và đẹp đẽ, nên từ xưa đến nay, biết bao người đã dùng mọi hình thức văn hóa để ca tụng cái toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ của ngài. Biết bao người đã nguyện noi gương Ngài, quên mình để phụng sự chúng sinh, hy sinh hạnh phúc riêng tư để lo cho hạnh phúc của nhiều người . Những sứ giả của Như Lai đã mang thông điệp của Đức Phật đi vào cuộc đời, làm cho con người hiểu được bản chất của kiếp sống là vô thường, là đau khổ, từ đó thúc giục con người sớm theo lời dạy của Ngài tu hành để được giác ngộ và giải thoát .

Hôm nay, một lần nữa kỷ niệm ngày Phật Đản, chúng ta đem hết tâm thành quy ngưỡng và đảnh lễ Ngài. Chúng ta thấy mình rất có phước duyên nên mới được làm người, được thấm nhuần dòng sữa pháp, được chư Tăng Ni huớng dẫn tu hành, được làm bạn đạo cùng những người hiền thiện. Chúng ta nguyện nhớ mãi hình ảnh ngài bước trên hoa sen khi mới ra đời, để noi gương Ngài cùng bước từng bước an lạc thảnh thơi trên những bất ổn, cam go, đau khổ của cuộc sống. Thân ngũ uẩn của chúng ta tuy ở trần thế, nhưng phải biết vươn lên không để bùn nhơ của ngũ dục làm ô nhiễm. Từ đó chúng ta sẽ góp phần thổi một luồng sinh khí mới vào cuộc đời, khiến mọi người cùng được an lạc và hạnh phúc . Đây là cách duy nhất để đền đáp ân nặng của Đức Bổn Sư vô cùng quý kính của chúng ta.

Sưu tầm.

Trao đổi thông tin

Quý khách có thể dùng mẫu bên dưới để trao đổi thông tin với chúng tôi.

Authenticate image

Vui lòng nhập vào thông tin phía trên để trao đổi

Quản lý tài khoản

Trợ giúp

Giới thiệu