Hoa Vạn Thọ làm nên Tết quê
2013-12-04 16:21:50
Hoa Vạn Thọ nở tròn viên mãn, màu cam lửa rực lên sức sống tràn đầy, và vì là hoa ngày tết dùng dâng cúng tổ tiên nên mang cả ý niệm thành kính thiêng liêng. Khi hoa hồng, hoa lan, thược dược, lay-ơn … chưa có mặt ở đây thì cùng với hoa mai, Vạn Thọ làm nên bộ mặt của tết quê.
Tôi đã quen với hình ảnh những chậu Vạn Thọ vàng rực đặt dọc trên hành lang nhà trong những tết xưa. Những chiếc xe ngược vào thành phố chở đầy màu cam lửa làm ấm lên không khí se lạnh những ngày giáp tết. Những xâu hoa khô làm giống ông tôi vẫn treo trên giàn bếp để cứ tháng chạp về, lại náo nức cùng ông gieo hạt, ươm hoa. Nắng xuân dịu dàng, gió xuân hay hảy, hoa Vạn Thọ rung rinh những nụ cười nở xòe thân thiện. Tết như điệp khúc đẹp đẽ của bài ca thời gian. Tôi lớn lên. Rồi ông tôi cũng mất, trên giàn bếp cũng không còn thấy những xâu hoa khô…
Hoa Vạn Thọ là ký ức. Và với tôi còn là kỷ niệm với một người quen.
Tôi nhớ. Cứ mỗi 29 tết lại thấy Mười đến. Chiếc xe cúp dính đầy bùn đất, phía sau ràng một ôm to hoa vạn thọ được quấn cẩn thận trong lá chuối để giữ cho hoa tươi. Tôi biết đó là những cây hoa đẹp nhất ở trong rẫy. Mười thì vẫn vậy, lam lũ, khuôn mặt khắc khổ, đen nhẻm, nói năng, cử chỉ hơi chút vụng về. Nhìn cậu, tôi bất giác nghĩ đến đám thanh niên lông bông đua đòi hư hỏng, suốt ngày nghĩ cách xài tiền bán đất của cha mẹ ở trong xóm. Cậu khác hẳn !
Mười nghèo, không được học nhưng cũng quyết kiếm tiền bằng cách của mình. Cậu đi tìm thuê đất trồng trọt đổi công làm lời, đem theo một túi kinh nghiệm làm nông, tài sản duy nhất của cha của mẹ . Cha tôi cũng cho Mười thuê một miếng ruộng với giá rẻ vì “thấy thằng nhỏ chí thú làm ăn” mà nhà tôi thì lại neo người làm. Cứ mỗi tháng chạp, Mười lại xuống giống trồng bông vạn thọ để tranh thủ thu nhập cho tháng tết. Và cũng đúng 29 cậu lại mang sản phẩm của mình tặng cho chúng tôi. Thành ra thói quen, mỗi tết đến chúng tôi lại đợi hoa của cậu, “cập nhật”, chia sẻ cả những đổi thay của cậu.
Có tết cậu hơi buồn buồn: “bông năm nay bị ăn “chộm” nhổ hết “chơn”…” để giải thích vì sao hoa năm nay không được to đẹp. Có tết cậu cười cười: “Chời” cho năm nay cũng khá, tui tính để dành đổi chiếc “ghim” (xe dream)”…
Rồi một tết cậu khoe có vợ mới. Dành được tiền cưới vợ là giỏi rồi. Vợ Mười da bánh ít, cười giòn tan, cũng mẫu người chịu thương chịu khó. Tôi đùa, vậy thì tết nay anh không cần đốt pháo rồi! Mừng cho cậu có người chung tay tát cạn biển Đông. Tết khác, Mười khoe con trai . Thằng nhóc hơi gầy nhưng hoạt bát dạn dĩ. Đặc biệt khi kể về thằng con, Mười bỗng đâm lưu loát hẳn. Mừng cho cậu có cái gọi tương lai.
Chúng tôi đem hoa chưng ở khắp các bàn thờ ông bà. Cũng những hoa Vạn Thọ tròn đầy rực lên cái màu cam vàng dân dã, đầy sức sống . Lạ lùng, tất cả lại nở ra từ những bàn tay đen đúa thô kệch kia. Bỗng thấy thương thương. Thương Mười, thương cha ông mình, thương hết những người cả đời chân lấm tay bùn cho đất nở hoa.
Vào giữa năm, vì phải giải quyết những khó khăn của gia đình nên cha tôi buộc phải bán đi miếng ruộng. Nghĩa là 29 tết này, Mười cũng không có hoa Vạn Thọ để đem tặng chúng tôi. Chắc là cậu phải chật vật lắm cho những ngày sắp tới đây! Chỉ với sự chăm chỉ và lòng nhiệt thành liệu cậu có vẽ được ước mơ không!
Chúng tôi vẫn giữ thói quen chưng hoa Vạn Thọ. Vẫn là một dáng tròn viên mãn, màu cam lửa mạnh mẽ ẩn chứa ý niệm về một lời nguyện cầu “chân cứng đá mềm” trong cuộc sống cho mỗi chúng ta.
Ngân theo Tamhoc.com